Đọc tin báo chí, mạng xã hội, biết thị xã biển Cửa Lò đặt mục tiêu năm du lịch này sẽ đón hơn 3,1 triệu lượt khách, tăng gần gấp rưỡi so với năm 2020. Bỗng ước ao có một nửa, mà không, chỉ cần 1/5 hoặc 1/10 du khách gì đó sẽ ghé thăm, rồi mua sản phẩm OCOP Nghệ An về dùng thử. Từ ước ao, lại nảy sinh tò mò: Không biết dòng sản phẩm OCOP đặc sản xứ Nghệ mình được trưng bày và bán ở đâu nhỉ?
Bụng bảo dạ, quanh Quảng trường Hồ Chí Minh – nơi du khách khi đến phố Vinh thì thường dừng chân thưởng lãm, thể nào chả có. Nhưng lượn quanh một vòng từ đường Trường Thi đến đường Hồ Tùng Mậu tìm không thấy! Í ới hỏi một số người quen, mãi mới có một người bảo ở TP. Vinh hình như cũng có một hai nơi. Nhưng chắc chắn nhất là tại số 70, đường Nguyễn Thị Minh Khai, nơi Sở Công Thương đứng chân.
Đến đây, quả chính xác. Là “Phòng giới thiệu và bán sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP”, do Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Nghệ An tổ chức. Ở đây, phía ngoài có Slogan rất nổi: “Nơi hội tụ các sản phẩm tiêu biểu Nghệ An”. Lướt nhanh trong đó, có khá nhiều dòng sản phẩm chất lượng tốt, có bao bì mẫu mã khá bắt mắt. Như gạo ngon nhất thế giới ST25, gạo thơm; Mật ong rừng tự nhiên, mật ong hoa hướng dương…; tinh bột sắn dây chanh leo, tinh bột sắn dây vị chanh, tinh bột nghệ…; trà túi lọc dây thìa canh, trà túi lọc cà gai leo…; các loại rượu Đông trùng hạ thảo, Mú tửn; nước mắm và các loại mắm tôm, mắm bôi trứ danh của các vùng biển Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc… Nhưng hiềm một nỗi là rất vắng vẻ.
Lúc 15h30 ngày 16/4/2021 thì chỉ có mỗi một chị trông cửa hàng. Thấy có người vào chăm chú xem hàng, chị phấn khởi thấy rõ. Chị niềm nở: Anh mua gì đi? Đáp từ: “Vâng, để tôi xem chọn mua ít thứ…”. Lễ mễ đưa ra ít gói miến gạo Vân Diên, Nam Đàn cùng chai mắm tôm xứ Quỳnh Lưu, hỏi chị: Những thứ này dùng tốt không chị? Chị đáp: Dùng tốt anh ạ. Rồi chỉ dẫn: “Nhà tôi cũng hay dùng. Thứ miến gạo này chần nước sôi ít phút, chan mắm ăn ngon lắm…”. Thế rồi cuộc nói chuyện “mặn mòi” hơn. Như chị cho biết, các sản phẩm đều có chất lượng tốt nhưng vị trí giới thiệu, bán hàng nơi đây không phù hợp. “Ở đây chỉ có rất ít người dân thành phố biết ghé để mua đồ còn khách du lịch thì không…” – chị trao đổi. Nói với chị: “Tuyến phố này gần như là phố chuyên doanh đồ điện tử viễn thông nên khách ngang qua hầu như không có nhu cầu mua những thứ này. Giá gian hàng sản phẩm OCOP của ta đặt ở những nơi có đông khách du lịch, như cạnh Quảng trường Hồ Chí Minh thì có lẽ hay hơn chị nhỉ?”. Chị đáp: “Ồ. Được thế thì còn gì bằng…”.
Rời cửa hàng, mở google gõ từ “OCOP”, thấy có website OCOP Nghệ An. Trong đó, phần giới thiệu về chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP Nghệ An rất hay. Mục đích, mục tiêu, ý nghĩa, giải pháp, chiến lược… đủ cả. Mở mục sản phẩm thì đã có đến 48 sản phẩm được xếp hạng từ 3 đến 4 sao. Nhưng tìm địa chỉ trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm thì không thấy. Vào phần thống kê truy cập thì thấy lượng người vào xem rất ít, tính từ đầu tháng 4/2021 đến nay thì chỉ có hơn 3.300 người…
Lại nảy sinh băn khoăn, thắc mắc: Tại sao thế nhỉ? Như lời giới thiệu trên website, cùng với tuyên truyền, quảng bá sản phẩm thì sẽ thực hiện các điểm giới thiệu, bán sản phẩm tại các khu du lịch, khu dân cư, tại các siêu thị, chợ truyền thống… cơ mà. Nếu chỉ lựa chọn vị trí tổ chức trưng bày, quảng bá sản phẩm như trên đường Nguyễn Thị Minh Khai thì du khách làm sao tiếp cận? Làm sao có thể tạo cơ hội cho sản phẩm OCOP xứ Nghệ đến được với người tiêu dùng cả nước?