Để các hộ nghèo có phương thức phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững cần có sự đánh giá chính xác từng mô hình, nguyên nhân thành công và thất bại, từ đó để có cơ chế, chính sách đúng, đủ, phù hợp… Và quan trọng hơn là khơi dậy tinh thần tự thoát nghèo trong mỗi cá nhân, hộ gia đình.
Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nghệ An: Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh còn 12,1%. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 3,0%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,28%/năm. Riêng với 4 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và Quyết định 275 (Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và Quỳ Châu) bình quân mỗi năm giảm được 5,97% số hộ nghèo. Nhưng hộ gia đình thoát nghèo, xây dựng đời sống ấm no đều cho thấy sự chung sức đồng lòng, cố gắng của đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể chính trị – xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Đơn cử như trong giai đoạn 2014-2019, Ủy ban MTTQ tỉnh đã đứng ra kêu gọi vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” hơn 212 tỷ đồng. Từ nguồn lực này đã giúp 11.000 hộ nghèo phát triển kinh tế và thụ hưởng những phúc lợi khác.
Tuy nhiên, ở Nghệ An còn có nhiều nhóm hộ nghèo dù được hỗ trợ tích cực nhưng vẫn chưa thoát được nghèo; nhiều địa phương dù nỗ lực nhưng tỷ lệ hộ nghèo giảm chưa cao; thậm chí còn có những hộ gia đình tái nghèo. Nói về nguyên nhân phát sinh nhiều hộ nghèo mới, hộ thoát nghèo nay lại có nguy cơ tái nghèo, một lãnh đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cho biết: Đa số các hộ nghèo được hỗ trợ manh mún, nhỏ lẻ nên chưa đủ lực để bật lên, phát triển kinh tế như kỳ vọng. Một số mô hình như nuôi trồng cây, con, dù được đầu tư từ “A đến Z” như mô hình trồng gừng trong bao, nuôi gà đen, lợn Mán nhưng nhiều hộ trong diện được hỗ trợ đã không phát huy tốt nên dẫn đến nghèo vẫn hoàn nghèo…
Theo ông Lê Văn Thúy – Trưởng phòng Bảo trợ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Việc phân nhóm hộ nghèo để có chính sách hỗ trợ vẫn đang là bài toán khó. Điển hình có nhiều nhóm hộ nghèo trong độ tuổi lao động, nhưng trí tuệ không minh mẫn thì có hỗ trợ “cầm tay chỉ việc” vẫn không phát huy được. Hoặc nhóm đối tượng yếu thế chúng ta đã hỗ trợ sinh kế theo các dự án gà, bò của Ngân hàng Chính sách và thường xuyên kiểm tra đôn đốc, nhưng việc tăng được đàn không phải là đơn giản. Bò ốm chết, hoặc bò đẻ me không nuôi được phải bán đi đang xảy ra nhiều nơi, ở nhiều hộ được thụ hưởng nguồn hỗ trợ này.
Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách đã hỗ trợ hàng chục ngàn con bò cho các hộ nghèo. Những hộ nhận được nguồn hỗ trợ này phải ký cam kết ra khỏi hộ nghèo và khi bò đẻ ra me hộ được nhận nuôi bò phải nhường bò cho hộ khác. Tuy nhiên, nhiều hộ đẻ có bò sinh bê đã bán đi, nên khó khăn vẫn hoàn khó khăn dù đã được ra khỏi danh sách hộ nghèo. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Công tác giảm nghèo tỉnh Nghệ An: Từ những hiệu quả bước đầu của việc hỗ trợ bò cho các hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách, nhiều tổ chức chính trị, xã hội cũng triển khai mô hình hỗ trợ bò cho các hộ nghèo và cận nghèo (có cam kết). Nhưng việc hỗ trợ bò cho kết quả cao như kỳ vọng thì chưa, vì thực tế rất nhiều hộ không thực hiện đúng cam kết, hoặc sau khi nhận bò dù đã viết đơn xin thoát nghèo nhưng vì bò ốm, yếu, gia cảnh khó khăn nên nghèo vẫn hoàn nghèo.
Đơn cử như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, ở xóm Thành Vinh 2, xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc. Gia đình có 4 người con, bản thân ông Thắng bị tai biến mạch máu não nhiều lần dẫn đến không thể lao động. Hai năm trước ông được hỗ trợ 1 con bò và đã chăm nuôi tốt, bò đã đẻ bê nhưng vì điều kiện gia đình nên con bê này bị bán đi với giá rẻ. Nay ông Thắng lại bị bệnh và phải nhập viện nên bò không ai chăm.
Ông Nguyễn Đình Thanh – Chủ tịch UBND xã Nghi Quang (Nghi Lộc) chia sẻ: Xã chỉ còn 13 hộ nghèo, song để giúp 13 hộ này thoát nghèo là rất khó bởi họ đều có hoàn cảnh bi đát, bệnh tật, mất sức lao động. Xã hiện chỉ có thể tập trung vận dụng mọi nguồn lực để giúp cho những hộ vừa thoát nghèo và cận nghèo trong độ tuổi lao động. Song vẫn phải nói rằng, những hộ này đều có thu nhập thấp, điều kiện phát triển sản xuất bấp bênh, còn phải cần nhiều cố gắng, có thêm những giải pháp thoát nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Bá Phi – Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc thì cho biết: Trên địa bàn xã năm 2021 này chỉ còn 1,1% hộ nghèo (13 hộ). Tuy nhiên, đến nay xã vẫn chưa thể tìm được phương án cụ thể nào cho hiệu quả nhất để giúp họ. Như hộ ông Hoàng Văn Đức, xóm Tiền Phong. Ông Đức có hai người con bị thiểu năng trí tuệ, con thứ ba mới 18 tháng lại đau ốm liên miên. Vợ chồng ông Đức đã nhận được nguồn hỗ trợ 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách để đi xuất khẩu lao động nghề cá, song không may là đoàn của ông Đức bị trục xuất về nước vì trên thuyền có người đánh nhau. Ông Đức về nước vẫn chưa tìm được việc làm..
Làm sao để giúp người dân thoát nghèo bền vững đã, đang và sẽ là bài toán đặt ra cho các cấp, ngành, địa phương của tỉnh Nghệ An. Theo ông Lê Văn Lương – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh: Giai đoạn 2016 – 2020, chúng ta hầu như không tiến hành xây dựng, nhân rộng mô hình ở các xã thuộc Chương trình 30A và 135 (ngoại trừ 2 mô hình nuôi bê cái lai sind ở Quế Phong và Tương Dương, với tổng kinh phí 750 triệu đồng thực hiện năm 2017) mà chỉ tập trung thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và chỉ tiến hành nhân rộng các mô hình giảm nghèo ở các xã ngoài các Chương trình 30a và 135.
Riêng năm 2020, thực hiện nguồn vốn được Trung ương phân bổ tỉnh đã tiến hành nhân rộng 20 mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã thuộc các Chương trình 30A, 135 và 26 mô hình trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30A, 135. Đó là các mô hình chăn nuôi bê cái lai sind, chăn nuôi gà, chăn nuôi dê và trồng bưởi da xanh, bưởi Diễn trồng xen mít, xen ổi… Tuy nhiên, quy mô đầu tư cho các mô hình còn dàn trải (nguồn vốn trên một mô hình còn nhỏ, tối đa 500 triệu đồng/mô hình), vì vậy, việc liên kết với các doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm hàng hóa bền vững còn gặp khó khăn, kết quả còn hạn chế. “Rõ ràng chúng ta cần thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ giảm nghèo; tăng cường công tác khuyến nông, lâm, ngư nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học trong nông nghiệp; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hoạt động khuyến nông, lâm, ngư vùng miền núi và vùng bãi ngang ven biển”, ông Lê Văn Lương nêu ý kiến.
Còn theo ông Lê Văn Ngọc Phó – Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh: Hiện nay có một thực tế là việc bình xét, xếp loại hộ nghèo ở nhiều nơi còn thiếu chính xác, gây mất công bằng. Cùng với đó, chúng ta vẫn chưa có đánh giá nguyên nhân nghèo của từng hộ gia đình, của từng vùng để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, từ đó việc xây dựng kế hoạch giảm nghèo chưa sát thực tế, nên việc thực hiện các giải pháp giảm nghèo thiếu đồng bộ. Ngoài ra, sự phối hợp của các cấp, các ngành trong thực hiện các chương trình an sinh xã hội, các mô hình sinh kế, đề án phát triển kinh tế còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao… Chúng ta cần có cách thức rà soát hộ nghèo một cách chặt chẽ vừa đúng quy định vừa mềm dẻo, dựa trên thực tế. Bởi hiện nay việc phân tích nguyên nhân nghèo còn chưa rõ nên chưa có chính sách đúng, tập trung hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo một cách hiệu quả nhất.
Trao đổi về vấn đề đánh giá, nguyên nhân nghèo của từng hộ gia đình, của từng vùng để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Ông Lê Văn Thúy – Trưởng phòng Bảo trợ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nghệ An cho biết: Chúng tôi chưa có khảo sát cụ thể về số người trong độ tuổi lao động nhưng tỉnh luôn có chính sách ưu tiên rà soát để hỗ trợ nguồn lực phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đối tượng nào được hỗ trợ cái gì, mô hình vận hành ra sao thì cần sớm có sự khảo sát đề xuất của các cấp, ngành, địa phương.
Trong cuộc tổng kết 5 năm công tác giảm nghèo được tổ chức vào tháng 10/2020, tỉnh Nghệ An đã đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021- 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm khoảng 1-1,5%, trong đó, vùng miền núi 2 – 3; đến cuối năm 2025, phấn đấu giảm xuống mức thấp hơn bình quân chung cả nước. Để hoàn thành tốt mục tiêu này, đòi hỏi Nghệ An cần triển khai các giải pháp giảm nghèo một cách thiết thực và hiệu quả hơn. Ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ giải pháp: Cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo cho các cấp, các ngành và người dân. Nhất là làm cho bản thân người nghèo tự biết vươn lên thoát nghèo là chính, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng; triển khai nhiệm vụ giảm nghèo phải gắn liền với phát triển kinh tế hộ gia đình; coi đây là đòn bẩy nhằm thúc đẩy hỗ trợ kinh tế hộ gia đình phát triển để giảm nghèo và giải quyết việc làm tại chỗ một cách bền vững; tăng cường công tác khuyến nông, lâm, ngư nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học trong nông nghiệp; thực hiện có hiệu quả chương trình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, xác định rõ xuất khẩu lao động là một giải pháp quan trọng trong giải quyết việc làm.
Định hướng của lãnh đạo tỉnh Nghệ An là rất rõ: Với những hộ nghèo có khả năng thoát nghèo thì điều quan trọng nhất là giúp cho họ tự biết vươn lên thoát nghèo, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Với những hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo, toàn tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”!