Tháng 3, khi những cây xoan bung sắc tím thì cũng là lúc những người nuôi hươu vào mùa “hái” lộc nhung. Biết ở xã Quỳnh Vinh có nhiều người nuôi hươu, tôi liên lạc với anh Lê Vũ Hùng – Chủ tịch UBND xã, nhờ giới thiệu để mua một cặp nhung. Anh nêu tên vài gia đình, trong đó có ông Lê Trần Tráng, ngụ tại vùng đồi xóm 22. “Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cùng đoàn cán bộ của tỉnh về TX. Hoàng Mai thăm các mô hình nông dân làm ăn giỏi. Đoàn có đến xã Quỳnh Vinh, thăm mô hình nuôi hươu của nhà bác Tráng. Gia đình bác ấy có trại hươu 60 con, các anh liên hệ thử xem sao…”, anh Lê Vũ Hùng thông tin.
Nhiều lần ra vùng Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai, chúng tôi cũng biết về ông Lê Trần Tráng – là một hộ nông dân gây dựng được tiếng tăm từ nghề nuôi hươu, từng được Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến thăm. Bởi vậy, đã liên hệ ngay sau khi Chủ tịch UBND xã Quỳnh Vinh dừng máy. Tưởng đầu mùa, lộc nhung sẽ dễ mua. Ai dè ông Lê Trần Tráng trả lời: “Tui thì đã hết hàng rồi. Năm nay có 20 con hươu nuôi lấy nhung thì cắt gần hết. Còn mấy con nữa thì khách ngoài Bắc đặt tiền trước mua nguyên cả con. Nếu anh cần, để tôi liên hệ các trại khác xem thế nào rồi mới báo được…”. Khoảng dăm ngày sau ông Tráng chủ động liên hệ: “Chú định khi mô ra thì báo lịch chính xác. Tui tìm được một con có 3 nhánh lộc đã đến ngày cắt. Khoảng 7 – 8 lạng chi đó. Nếu chừng ấy hơi nhiều thì chú lấy 2 nhánh, còn 1 nhánh tui sẽ lấy bỏ tủ đông…”.
Đúng hẹn ra Quỳnh Vinh, chúng tôi được ông Tráng đưa đến nhà ông Nguyễn Văn Quý ở xóm 4. Nơi ở của ông Quý là 2 căn nhà cấp bốn khuất lấp trong con ngõ nhỏ hẹp, nhưng phía sau có một trại hươu 15 con. Thấy khách đến đúng hẹn, ông rôm rả về cái nghề nuôi hươu từ năm 1991 của gia đình và tự hào: “Làm nông nghiệp cùng với nuôi hươu, vợ chồng tui nuôi được 8 đứa con trưởng thành…”. Đưa chúng tôi ra trại, chỉ vào con hươu sẽ cắt lộc nhung, ông Quý nói: Con ni 4 tuổi, lần cắt ni là lần thứ hai…”. “Hươu 4 năm tuổi, tức là ở giai đoạn sung sức, chất lượng rất tốt chú à…”, để chúng tôi yên tâm, ông Tráng nói thêm.
3 nhánh nhung trên đầu chú hươu có chiều cao khoảng 15 – 16 cm, như chiếc vương miện màu phơn hồng rất đẹp. Ở tuổi thứ 4, trọng lượng con hươu không quá lớn nhưng để cắt được lộc nhung, ngoài có ông Tráng trợ giúp, ông Quý phải “điều” thêm 4 người con trai. “Lộc, lộc, lộc…”, những người đàn ông đất Quỳnh Vinh vừa đưa thòng lọng vào chân hươu, vừa thủ thỉ. Khẽ hỏi: Sao lại phải gọi những từ ấy? “Hươu là giống động vật không có túi mật nên rất nhát, thấy đông người là nó sợ. Gọi như vậy là tránh cho hươu không bị sợ…”, một người con trai của ông Quý cho biết.
Từ lúc bắt hươu cho đến khi cắt xong 3 nhánh nhung, chỉ khoảng 5 – 7 phút. Khi cắt nhung, có ra một số huyết thì được hứng vào một bát tô đường trắng có thêm ít rượu. Những nhánh nhung phơn hồng phủ một lớp lông tơ mịn được rửa sạch đưa lên bàn cân. “7,6 lạng nhé!” – ông Tráng nói. Chúng tôi gồm 3 người, đều có nhu cầu mua cho người thân nên đề nghị ông Quý cắt thêm nhung. Vậy nhưng ông từ chối. “Tôi còn 5 con có nhung nhưng chưa cắt đâu. Thật ra con này tôi cũng chưa định cắt. Nếu để thêm một tuần, mười ngày nữa thì mới chuẩn, mới có lợi nhưng nể ông Tráng nên đành quyết định cắt. Những con còn lại, có cắt cũng phải khoảng 15 – 20 ngày nữa…”. Vậy quanh đây có nhà nào bán nhung không? Không chờ ông Quý trả lời, ông Lê Trần Tráng nói: “Ở vùng ni, có dăm trăm con nhưng phần lớn đã được doanh nghiệp với đầu nậu ngoại tỉnh thu gom. Tui hỏi cả rồi, hiện chừ không có mô…”.
Không “thỏa mãn” với số lộc nhung mua được, chúng tôi kéo về nhà ông Lê Trần Tráng để thăm trại hươu, và “đòi” ông kể cho nghe những năm tháng cùng hươu. Nói với ông Tráng: “Chỉ một con hươu cho 7,6 lạng nhung, ông Quý đã có hơn 8,5 triệu đồng. Nếu tổ chức nuôi hươu quy mô như bác, như ông Quý…, hàng năm có thu nhập khá lớn…”. Không trả lời thẳng vào câu hỏi, ông Tráng lẩm nhẩm mấy câu thơ tự sáng tác: “Được mùa rớt giá mà lo trong lòng/ Gạo với tiền thật là khó kiếm…”. Rồi tự thuật về nghề nuôi hươu ông đã bền bỉ, gắn bó từ năm 1983 đến nay.
Khi đó, Lê Trần Tráng là một sơn tràng chưa đầy 30 tuổi, thì nghe chuyện ở vùng Quỳnh Lưu, người ta góp tiền “chung chân, chung móng” để nuôi hươu. Tò mò tìm hiểu, biết việc nuôi hươu để lấy lộc nhung – là thứ mà thời xa xưa chỉ có vua chúa, quan lại mới có thể có để sử dụng bồi bổ sức khỏe. Thế rồi ông tìm đọc sách nói về công dụng của nhung hươu do bậc thầy y dược xưa là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác viết ra. Công dụng của nhung hươu là vị thuốc dùng để chữa các chứng như: Tinh huyết suy kém, gân xương đau dật, đỏ da thắm thịt đẹp nhan sắc, cường dương chủng tử, giải khí năng giải khát. Chữa nhức đầu do thấp nhiệt, trừ giã nhiệt thuộc dương hư, phát sốt do âm hư, thiên khô co rút… Nghĩ đây là giống động vật quý, giá trị cao, nếu nuôi được sẽ có kinh tế, nên ông đã dồn tiền, vay mượn thêm để có, và rồi gắn kết máu thịt với nghề này.
Theo ông, nghề nuôi hươu có những khi rất trúng. Như năm 1990, khi người xuất khẩu lao động từ Đức trở về nhiều; lại có một số người trúng đá đỏ ở Quỳ Châu nên rất sẵn tiền. Họ bỏ tiền ra mua hươu với hy vọng sẽ gặt hái thêm lợi nhuận. Hươu vì vậy tăng giá khủng khiếp. Tăng theo cấp số nhân, tăng theo ngày, theo tháng. Có thời điểm, một con hươu được định giá tới 12 cây vàng. Nhưng tăng nhanh thì xuống cũng nhanh. Khoảng năm 1994 – 1995 thì giá trị hươu tuột dốc không phanh. Rất nhiều người nuôi hươu nản chí. Vì hàng ngày cứ phải lao động, làm việc vất vả để hươu có cái ăn, nhưng giá trị mang lại không đáng kể. Thế là đổ xô bán. Thậm chí làm thịt bán rẻ hơn thịt chó. Đây cũng là thời kỳ này, ông vua trồng rừng Quỳnh Lưu là cụ Lê Duy Nguyên đã mua cả trăm con hươu thả vào vùng rừng Đông Hồi.
Với ông Tráng thì khác, dù rớt chạm đáy, thì vẫn duy trì trại hươu với số lượng hàng trăm con. Từng đưa con giống ra các tỉnh miền núi phía Bắc như Thái Nguyên, Yên Bái… để bán cho người có nhu cầu nuôi. Khi hươu rớt giá, ông đã trở ra Bắc để gom mua lại đem về trại của mình. Vì nghĩ, nhung hươu với những công dụng đã được khẳng định thì sẽ có giá trị trở lại. Ông Lê Trần Tráng trầm ngâm: “Chỉ có điều, rất nhiều người nuôi không nghĩ như vậy. Khi thấy có giá trị thì ào ào mua, đẩy giá hươu lên cao chót vót. Khi giá lộc nhung xuống, lại thiếu kiên nhẫn, bán đổ bán tháo. Có lẽ là do họ chưa xem việc nuôi hươu là nghề…”.
Có lý do gì khiến nghề nuôi hươu gặp khó nữa không? Theo ông Tráng, người ta chỉ biết Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai là vùng biển, nhưng không biết nơi đây còn là vùng bán sơn địa, có núi, có rừng, có đất đai rộng lớn. Chính vì vậy, đã có những thông tin không chính xác, thông tin thất thiệt nhằm để hạ bệ nghề nuôi hươu Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai. “Thật tức cười khi có những thông tin hươu ở Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai chỉ ăn bột, chất lượng nhung không tốt bằng nơi này, nơi nọ. Thực chất, về phương pháp chăn nuôi và thức ăn của hươu là tương tự như nhau. Như các anh thấy, Quỳnh Vinh cũng là vùng bán sơn địa, đất đai nhiều, diện tích rừng lớn, đâu thiếu lá, thiếu lộc làm thức ăn cho hươu. Như gia đình tôi, với dăm ha vườn đồi trồng toàn cây mít, loại cây có lá dày, nhiều mủ, là thức ăn rất tốt của hươu đấy…”- ông Tráng khẳng định.
Rồi tâm sự, cần nhìn sang Hương Sơn, Hà Tĩnh. Bên ấy, dù cũng có những thăng trầm nhưng nghề nuôi hươu ổn định, người nuôi rất bình tĩnh ứng phó với những biến đổi của thị trường. Chính vì vậy, họ tạo dựng được thương hiệu, tạo được niềm tin bền vững trong người tiêu dùng.
Từ những thông tin lão nông Lê Trần Tráng trao đổi, lần mò thêm chúng tôi được biết rộng hơn về những thăng trầm, biến động của nghề nuôi hươu trên đất TX. Hoàng Mai, Quỳnh Lưu. Những năm 1990, nghề nuôi hươu đặc biệt phát triển ở Quỳnh Lưu và huyện Hương Sơn.
Tuy nhiên, cơn sốt hươu những năm này chủ yếu là sốt con giống, đã đẩy giá hươu lên rất cao. Sau đó, khi cơn sốt con giống hạ xuống, con hươu trở lại với giá trị đích thực là lấy nhung làm dược liệu. Khoảng chục năm trở lại nay, tính ổn định của nghề nuôi hươu đã cao hơn.
Chúng tôi cũng đã tìm hiểu để biết vì sao nghề nuôi hươu ở huyện Hương Sơn lại có tính ổn định cao hơn, mới biết tỉnh bạn đi trước ta một bước. Năm 2009 Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm hươu giống và nhung hươu của huyện Hương Sơn. Nhờ có bảo hộ chỉ dẫn địa lý, “Nhung hươu Hương Sơn” xác định được tên tuổi, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm gắn với ưu thế về địa lý, khí hậu và tập quán chăn nuôi lâu đời của người dân. Từ đó, xác định được chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường, tăng cường lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy phát triển sản phẩm.
Để khuyến khích các hộ gia đình nuôi hươu, huyện Hương Sơn còn đã vận động thành lập các HTX nuôi hươu, đầu tư hỗ trợ kinh phí và lãi suất cho những gia đình nuôi từ 10-20 con trở lên; người dân khi vay vốn đầu tư thì được chính quyền “gánh” giúp một phần lãi suất…
Nói về những chuyện này, theo anh Nguyễn Viết Hùng – Phó Giám đốc Sở KH&CN thì thời gian qua UBND tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo Sở KH&CN phối hợp cùng chính quyền huyện Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu “Nhung hươu Quỳnh Lưu”.
Anh trao đổi, nghề nuôi hươu ở vùng Quỳnh Lưu (bao gồm cả TX. Hoàng Mai – PV) có từ lâu đời, khoảng năm 1926. Qua nhiều thăng trầm, hiện nay có tổng đàn khá lớn và cho thu nhập cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều những khó khăn. Từ việc nguồn giống nuôi chưa được tuyển chọn một cách khoa học; quy trình nuôi cũng như việc khai thác nhung hươu chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, sản phẩm chưa da dạng, chủ yếu là bán nhung tươi, thiếu chế biến và tinh chế sâu… Việc quản lý chất lượng và phát triển thị trường vì vậy còn rất nhiều hạn chế.
Chính vì vậy, cần xác lập nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Nhung hươu Quỳnh Lưu để làm cơ sở quản lý tốt hơn nguồn gốc, xuất xứ; quy trình chăn nuôi hươu, quy trình khai thác, chế biến và chất lượng nhung hươu. Trên cơ sở đó, sẽ phát triển được nghề nuôi hươu cả về quy mô, phương thức chăn nuôi, đặc biệt là chế biến sâu các sản phẩm từ nhung…
Rồi anh cung cấp thêm một thông tin vui: “Những việc cần làm để giúp nghề nuôi hươu ở huyện Quỳnh Lưu và TX. Hoàng Mai phát triển, đều đã được thực hiện. Một ngày gần đây, chỉ dẫn địa lý và giấy chứng nhận nhãn hiệu “Nhung hươu Quỳnh Lưu” sẽ được công bố…”.