Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia sẽ bị phạt tối đa lên đến 30 – 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng. Quy định này thực sự đã tác động mạnh đến hành vi của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Là lái xe vận tải khách tuyến Vinh – Tương Dương, sau mỗi ngày chạy xe, anh Nguyễn Văn Duệ, trú tại phường Quán Bàu (TP. Vinh) thường vẫn uống vài lon bia giải khát. Có những hôm vui bạn bè thì “quá đà” dẫn đến say, sáng hôm sau dù còn mệt nhưng vẫn phải chạy xe. Nhưng đó là chuyện của trước đây, khi chưa có Nghị định 100/2019/NĐ-CP (từ đây gọi là Nghị định 100). Còn hiện tại, thói quen bia, rượu đã thay đổi.
Anh Duệ chia sẻ: “Tính cả chiều đi lên lẫn chiều về, sau khi trừ các chi phí, may mắn thì có thu nhập 1 triệu đồng. Nhưng nếu bị xử phạt vì lỗi có nồng độ cồn, nhẹ cũng mất đi 7 triệu đồng, xem như “đi tong” công sức của 7 ngày lao động vất vả. Đó là chưa kể bị giữ xe, tước Giấy phép lái xe… Khi đó, tiền đâu để lo sinh hoạt của gia đình hằng ngày, tiền đâu cho con ăn học… Vì thế, đã 1 năm nay, tôi bỏ hẳn rượu bia, nếu có vui cuối ngày với bạn bè thì cũng chỉ dùng nước lọc”.
Cũng theo anh Duệ cho biết, kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 được triển khai, không chỉ anh mà cánh lái xe trong Hợp tác xã vận tải đều tự giác chấp hành nghiêm theo quy định.
Là cán bộ Phòng Văn hóa huyện Quế Phong phụ trách mảng thể thao, du lịch, nên anh Lô Xuân Đại thường xuyên xuống cơ sở gặp gỡ bà con đồng bào. Mỗi lần như vậy ở thời điểm trước, rất khó tránh được bà con mời rượu, và dĩ nhiên rất khó từ chối. Tuy nhiên, từ khi có Nghị định 100, thì anh đã giảm bớt áp lực “bị” mời rượu. Anh Đại cho hay, dù ở vùng sâu, vùng xa, nhưng qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, mạng xã hội…, bà con nắm bắt được những nội dung chủ yếu của Nghị định số 100 về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến an toàn giao thông. Họ biết nếu lái xe sau khi uống một ít bia, rượu sẽ bị xử phạt hàng triệu đồng nên không dám mời rượu. “Lâu nay, chỉ những chuyến công tác nào ở lại qua đêm thì bà con mới mời rượu…” – anh Đại trò chuyện.
Thực tế cho thấy, từ khi có Nghị định 100 với những quy định xử phạt nặng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhưng sử dụng rượu, bia thì đã thay đổi nhận thức được đông đảo các tầng lớp trong xã hội. Ở những buổi tiệc, liên hoan…, những lời nhắc “Lái xe đấy, đừng uống rượu, bia”, “Uống bia, rượu rồi đi taxi về thôi cho an toàn” đã trở thành quen thuộc. Như anh Nguyễn Đức Hưng, trú ở xã Nghi Kim (T.P Vinh), một lái xe ô tô con, khi được hỏi đã nói: “Việc xử phạt hành chính theo Nghị định 100 có vẻ nặng tay, nhưng theo tôi là hợp lý. Vì thực tế nhiều năm qua đã chứng minh việc uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông sẽ là mối họa cho nhiều người…”.
Theo cán bộ, chiến sỹ CSGT các đội, trạm của Phòng CSGT, Công an tỉnh, thời điểm mới triển khai thực hiện Nghị định 100, có ngày phát hiện đến trên chục người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn. Còn ở thời điểm hiện tại, số vi phạm đã giảm hẳn, có ngày chỉ phát hiện 2-3 trường hợp. Như Trạm trưởng Trạm CSGT Diễn Châu, Trung tá Nguyễn Thanh Hồng đánh giá thì đây là tín hiệu tích cực, góp phần đảm bảo tình hình trật tự, an toàn giao thông, kéo giảm số vụ tai nạn, va chạm giao thông và những hệ lụy do rượu, bia gây ra. Trung tá Nguyễn Thanh Hồng trao đổi: Trước đây, người điều khiển mô tô còn có thể có lượng cồn tối thiểu dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở, nhưng với quy định tại Nghị định 100, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì không được sử dụng rượu, bia. Quy định gắn với các mức phạt tăng nặng gấp nhiều lần so với trước đây nên đã tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức và ý thức tham gia giao thông của đông đảo người dân…
Trên thực tế, không chỉ người điều khiển phương tiện, và những người làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mà mọi tầng lớp trong xã hội ghi nhận, đồng tình với các quy định của Nghị định 100, xem như là “liều thuốc đặc hiệu”. Như chị Nguyễn Thu Hương, trú ở phường Hà Huy Tập (TP. Vinh) cho biết, hàng tuần đều đặn chị có 3 buổi tối phải chở con đi học thêm. Và chị ngại nhất khi phải đi trên tuyến đường Phạm Đình Toái. Lý do vì rất mất thời gian và lo lắng đến sự an toàn của bản thân và con nhỏ. Vì tuyến đường này có nhiều nhà hàng, quán nhậu. Ở đó tình trạng phương tiện ô tô, xe máy đậu, đỗ chiếm dụng lòng đường; rồi thường xuyên có các phương tiện quay đầu xe gây nên tình trạng ách tắc… Nhất là vào những ngày cuối tuần, thường xuyên gặp cảnh ùn tắc thành những đoạn dài, trong khi bản thân là phụ nữ nên không dám vượt ẩu, đành chấp nhận muộn giờ học của con.
Vậy nhưng, từ khi có Nghị định 100, dù các hàng quán tại đây vẫn duy trì hoạt động, nhưng tình trạng xe ô tô cá nhân, xe máy đậu hàng ngang, dãy dọc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè đã giảm đáng kể. Tình trạng ùn tắc vì vậy đã giảm bớt, chỉ thi thoảng xảy ra ở những giờ cao điểm. Chị Hương cho hay: “Đúng là không gì hiệu quả bằng đánh vào kinh tế. Có nồng độ cồn trong khi điều khiển phương tiện thì phạt nặng, cộng thêm bị giữ xe, tước giấy phép lái xe thì ai cũng phải sợ. Giờ đây, mẹ con mình yên tâm phần nào mỗi khi ra đường. Cũng yên tâm khi bố cháu tham gia cuộc vui với bạn bè vì anh ấy đã chủ động bắt taxi, cũng có tốn kém thêm chút ít nhưng rất yên tâm. Vì nếu lỡ có quá chén thì vẫn an toàn về đến nhà chứ như trước đây khi chồng đi uống rượu là vợ cứ thấp thỏm lo lắng…”.
Còn như bà Nguyễn Thị Lợi, trú ở xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc thì rất phấn khởi khi nói về hiệu quả của Nghị định 100. Theo bà Lợi, con trai bà làm nghề thợ xây cùng anh em bạn bè trong làng, nên trước đây cứ cuối ngày là uống rượu. Hôm nào chủ nhà không mời thì lại kéo nhau ra quán. Nhiều hôm trở về nhà trong tình trạng chuếnh choáng, hơi men nồng nặc. Chỉ kịp dựng cho được xe là lăn ra ngủ. Đó cũng là lý do đã gần 40 tuổi mà vẫn chưa kiếm được vợ. Tuy nhiên, từ khi có Nghị định 100 thì thay đổi 180 độ. “Dạo ni cuối ngày hắn về nhà sớm hơn, không còn mùi rượu cùng cha mẹ ăn cơm, trò chuyện. Một tuần vài buổi thấy hắn nói đi uống cà phê với bạn. Mới đây thấy hắn dẫn bạn gái về”. Bà Lợi cho hay.
Trước thay “đổi đột ngột” theo chiều hướng đáng phấn khởi ấy của con, bà Lợi tìm hiểu thì biết Nghị định 100 là một trong những nguyên nhân chính tác động đến cậu con trai của mình. “Hỏi những nhà có con cùng đi xây với thằng con tui thì mới biết là theo quy định mới, nếu đi xe máy mà uống rượu thì sẽ bị phạt nặng. Thế là cả nhóm đã bỏ hẳn thói quen uống rượu sau buổi làm việc. Nói thật lòng, tui cảm ơn Nghị định 100 vô cùng. Nhờ Nghị định 100, con tui không còn uống rượu như trước, lại sắp kiếm được vợ để cho tui kiếm tí cháu bồng…”.
Kết quả của sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP là điều thấy rõ. Nhưng vẫn còn những trường hợp không chấp hành quy định, gây mất trật tự an toàn giao thông. Đó chính là lý do để Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 90/KH-BCA-C08 về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”.
Theo số liệu tổng hợp từ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), tính từ 1/1/2020 đến 15/3/2021, qua kiểm tra, lực lượng CSGT Nghệ An đã lập biên bản đối với 102.862 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông (ATGT). Riêng vi phạm quy định về nồng độ cồn là 4.490 trường hợp, trong đó 560 xe ô tô, 3.930 xe mô tô. Cụ thể các trường hợp vi phạm: Chưa vượt quá 0,25 miligam/1lít khí thở có 463 lái xe ô tô, 3.265 lái xe mô tô; vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở có 64 lái xe ô tô, 363 lái xe mô tô; vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở có 29 lái xe ô tô, 282 lái xe mô tô. Lực lượng chức năng đã tước giấy phép lái xe 4.490 trường hợp (560 giấy phép lái xe ô tô, 3.930 giấy phép lái xe mô tô), tạm giữ 4.490 phương tiện và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 17 tỷ 394 triệu đồng.
Những con số trên là rất lớn. Nhưng dù vậy, tình trạng sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn chưa được đẩy lui hoàn toàn. Vẫn còn đó những trường hợp báo chốt, né chốt công khai trên mạng xã hội tại những thời điểm lực lượng chức năng triển khai kiểm tra. Thậm chí, vẫn còn đó những hành vi chống đối, không chấp hành việc kiểm tra.
Thiếu tá Lê Đăng Khoa – Phó Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an TP. Vinh thuật lại: Tối ngày 3/1, Đội CSGT-TT Công an TP. Vinh lập các chốt kiểm tra nồng độ cồn trên một số tuyến phố. Sau hơn 2 giờ đồng hồ, có 6 tài xế có nồng độ cồn vượt mức cho phép đã bị lập biên bản xử phạt hành chính. Trong đó, có trường hợp ông P.V.M. (39 tuổi, quê xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương), khi tổ công tác yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn đã có hành vi không hợp tác. Thời điểm đó, khoảng hơn 22h, tại điểm kiểm tra trên đường Lê Nin, khi tổ tuần tra ra tín hiệu dừng chiếc ô tô 4 chỗ màu đen để kiểm tra nồng độ cồn. Lúc này, tài xế có biểu hiện say xỉn đã ra khỏi xe, chốt khóa cửa và bỏ đi không chấp hành hiệu lệnh của tổ công tác. Tổ công tác đã phối hợp với lực lượng công an trên địa bàn vận động kiểm tra nồng độ cồn nhưng người đàn ông này vẫn không chấp hành. Một lúc sau, người này gọi điện thoại cho một người phụ nữ đến rồi nói đây mới là người lái chiếc ô tô. Tuy nhiên, người phụ nữ không nhận là người lái chiếc xe trên, rồi bỏ đi. Trước tình hình như vậy, tổ công tác đã lập biên bản sự việc, niêm phong xe đưa về trụ sở công an.
Còn theo một cán bộ CSGT Trạm CSGT Diễn Châu cho hay, thời điểm 17h ngày 5/1, thời điểm Tổ công tác của Trạm lập chốt kiểm tra nồng độ cồn trên tuyến QL1 có dừng xe ô tô mang BKS 29A-034xx do một người đàn ông điều khiển để kiểm tra nồng độ cồn. Lái xe vừa hạ kính, thì từ trong xe đã bốc ra nồng nặc mùi rượu. Tuy nhiên, khi cán bộ CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn thì người đàn ông này không những không hợp tác mà còn lớn tiếng văng tục. Một lúc sau, thấy CSGT có thái độ cương quyết thì người đàn ông này mới “hạ giọng” và xin được gọi điện thoại cho “người thân”, rồi “ép” Tổ trưởng Tổ công tác nghe máy. Tuy nhiên, lời đề nghị này bị từ chối, và Tổ CSGT thuyết phục được tài xế đo nồng độ cồn. Dù vậy, người đàn ông này lại ngậm nhưng không chịu thổi. CSGT phải làm mẫu, khi đó anh ta mới chịu thổi đúng cách để máy cho kết quả, với mức 0,349 mg/lít khí thở. Với kết quả này, người vi phạm đã bị lập biên bản, chiếc xe bị tổ công tác tạm giữ.
Nhiều cán bộ, chiến sỹ CSGT cho hay, việc kiểm tra nồng độ cồn khá phức tạp. Vì trong tình trạng có bia rượu, thường mất kiểm soát trong hành vi, lời nói. Có nhiều người đã chửi bới, xúc phạm cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ. Thậm chí, còn có trường hợp đe dọa; hoặc xưng danh đang công tác tại cơ quan A, cơ quan B, quen người nọ người kia để tạo áp lực. Đơn cử như trường hợp anh N.M. trú tại Nghĩa Đàn, khi lực lượng CSGT Công an TP Vinh kiểm tra nồng độ cồn ở mức 0,105 mg/lít khí thở, thì xuống xe ô tô, thì xưng mình là cán bộ phóng viên Báo XXXX, đề nghị được bỏ qua. Vậy nhưng kiểm tra giấy tờ thì lại là cộng tác viên ở địa bàn các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên…
Có một nhóm thành phần trong xã hội chịu ảnh hưởng từ Nghị định 100, đó là những người kinh doanh nhà hàng ăn uống. Bởi đối tượng phục vụ của họ, là những người thường sử dụng rượu bia, khi Nghị định 100 được áp dụng với mức phạt gắt gao, thì đã e ngại từ thói quen trước đó. Nhưng dù vậy, theo thời gian, những người kinh doanh nhà hàng ăn uống đã tự nghĩ ra giải pháp để thích ứng tồn tại, qua đó “tiếp sức” cho Nghị định 100. Như anh Trần Anh Tuấn, chủ nhà hàng H.P ở phường Quán Bàu (TP. Vinh) cho biết, thời điểm Nghị định 100 mới triển khai, doanh thu của nhà hàng sụt giảm đến 30-40%. Thực tế này buộc anh phải trăn trở nghĩ ra cách thức phục vụ để khách hàng của mình có thể yên tâm đến quán. Theo đó, đối với khách đi tập thể đặt bàn trước, nhà hàng sẽ liên lạc để biết nếu khách có nhu cầu thì bố trí phương tiện đón trả. Nếu lượng khách vừa phải thì sử dụng xe nhà, nếu đông thì gọi thêm taxi. Với những khách đến nhà hàng bằng phương tiện cá nhân, khi ra về nếu đã uống rượu bia, thì trực tiếp hỏi ý kiến khách nếu để lại xe nhà hàng sẽ đảm bảo việc trông coi, đồng thời sẽ có người chở về… Anh Tuấn trao đổi: “Đây là những phần việc buộc nhà hàng phải tính vào những khoản chi, tuy nhiên đổi lại khách đến với nhà hàng rất yên tâm, cũng theo đó doanh thu trở lại ổn định”.
Còn anh Quang, chủ quán C.H trên đường Phạm Đình Toái (TP.Vinh) thì cho hay, vì là quán ẩm thực nên khi khách có nhu cầu thì không thể không phục vụ; hơn nữa, đó là doanh thu, là nguồn sống của quán. Vì vậy, để khách yên tâm đến quán, anh đã thông tin để họ biết ở đây có xe đưa đón nếu có nhu cầu. Để phục vụ khách chu đáo, từ chỗ có 4 nhân viên, anh đã thuê thêm 2 người với yêu cầu họ có bằng lái xe để khi khách nhu cầu thì làm nhiệm vụ đưa đón. “Có nhiều hôm đến cả chủ quán cũng phải chạy xe trả khách…” – anh Quang nói.
Thực tế, việc quy định người điều khiển phương tiện không được uống rượu, bia được dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học. Như Tổ chức Y tế thế giới đã chỉ rõ, rượu bia làm chậm khoảng 10-30% tốc độ phản ứng, đồng thời hạn chế khả năng phối hợp giữa các bộ phận cơ thể, hạn chế khả năng nhận biết vật từ xa, tầm nhìn ban đêm giảm tới 25%. Còn theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Cảnh Hùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An nói, việc thực hiện xử phạt nặng những người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn là cần thiết, và cần phải tiếp tục thực hiện. Vì khi lái xe, con người cần có chức năng não ổn định để kiểm soát mắt, tay và chân để nhận thức, ứng phó nhanh nhạy và đưa ra quyết định chính xác. Tuy nhiên, uống rượu, bia làm chậm phản ứng của não, ảnh hưởng tiêu cực đến kỹ năng lái xe, do đó rất dễ gây ra tai nạn.
Bởi hiệu quả của Nghị định 100, tại nhiều cuộc họp triển khai các vấn đề về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo sát sao các ngành, đặc biệt là lực lượng CSGT trong tuần tra thì quan tâm xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn. Như tại cuộc họp Ban ATGT tỉnh dịp cuối năm 2020, đồng chí Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cũng đã chỉ đạo lực lượng CSGT cần tiếp tục tăng cường quân số, tuần tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt là với những vi phạm về nồng độ cồn. “Đảm bảo thực hiện nghiêm túc, nghiêm minh các quy định và bất cứ ai vi phạm cũng đều bị xử lý. Đối với các trường hợp người tham gia giao thông bỏ chạy, cố tình không chấp hành yêu cầu hay có hành vi chống đối CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn thì phải bị xử phạt theo mức cao nhất đối với hành vi này. Nếu người vi phạm là đảng viên, lực lượng vũ trang, cán bộ công chức Nhà nước thì thông tin với cơ quan, đơn vị công tác để phối hợp xử lý…” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh nhấn mạnh.
Khi được hỏi về công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, theo Thượng tá Lê Hồng Sơn – Phó Trưởng phòng CSGT cho biết, bên cạnh những chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, hiện nay lực lượng CSGT tỉnh đang triển khai Kế hoạch số 90/KH-BCA- C08 của Bộ Công an về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”. Kế hoạch này sẽ được thực hiện xuyên suốt từ ngày 15/3 cho đến hết ngày 31/12/2021; tập trung vào các tuyến giao thông chính trong đô thị, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, các tuyến vận tải hành khách du lịch, hàng hóa, các tuyến thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông; địa bàn gần nơi xe xuất phát, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi, khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn, khu vực phức tạp về an ninh, trật tự, ma túy…
Thượng tá Lê Hồng Sơn trao đổi: “Để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 90/KH-BCA- C08, các cán bộ, chiến sỹ CSGT được yêu cầu thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của Bộ Y tế, cụ thể đó là việc đeo khẩu trang y tế, sử dụng ống thổi riêng cho từng người, đảm bảo vệ sinh, sát khuẩn thiết bị đo… Đối với các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm khác thì ghi nhận đầy đủ để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, trong quá trình xử lý các trường hợp vi phạm, thì rà soát phát hiện các trường hợp tái phạm, để áp dụng xử phạt tình tiết tăng nặng theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính…”.
Nhìn lại toàn bộ thời gian áp dụng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Nghị định 100 được các thành phần trong xã hội và đại đa số người dân đồng tình ủng hộ. Để kiềm chế, đẩy lùi tai nạn giao thông, hạn chế tối đa những vụ việc tai nạn gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, cùng với sự vào cuộc tích cực của các lực lượng, đơn vị chức năng thì các cấp chính quyền, các tổ chức, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tác hại và hậu quả do rượu, bia gây ra trong quá trình tham gia giao thông, tổ chức ký cam kết không sử dụng rượu, bia khi lái xe… Qua đó, nâng cao hơn nữa được ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật./.