Tôi biết Nghiêm Tiến Viễn từ khá lâu, khoảng cuối năm 2015, khi em về làm việc tại Báo Nghệ An. Do tính chất công việc khác nhau, lại có khoảng cách về tuổi tác nên chưa có dịp hàn huyên, chuyện trò. Thi thoảng gặp, Viễn thường lí nhí chào, hiền lành cười, rồi vụt đi.
Khoảng hai năm sau, Viễn rời cơ quan báo để chuyển sang môi trường mới. Từ đó, chỉ gặp duy nhất một lần, còn thì nhận thông tin về chàng trai trẻ này qua báo chí, mạng xã hội facebook… Khi Viễn và các cộng sự tại GoStream nhận được những giải thưởng lớn như Giải nhất cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Nghệ An năm 2019; giải Đặc biệt Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Nghệ An năm 2020; Quán quân cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2020 (Techfest 2020)… Hay như dịp Kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm nay, em lọt vào đề cử 20 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, rồi vinh dự nhận được Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng.
Lần gặp duy nhất ấy, là cuối năm 2020, tại Hội nghị công tác ngành KH&CN của tỉnh. Và tôi chính thức bị Viễn “hút hồn”. Khi đó, nghe chủ trì Hội nghị là Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành xướng tên Nghiêm Tiến Viễn, và mời lên tham luận. Tôi đã ngớ người, rồi nói với anh bạn ngồi kề bên: “Bạn này từng là đồng nghiệp mình tại Báo Nghệ An…”. Thế rồi thấy Viễn, một người trẻ trước diễn đàn có nhiều đại biểu làm công tác khoa học, quản lý nhà nước lâu năm, nhưng có phong thái tự tin, trình bày tham luận mạch lạc đâu ra đấy. Và đặc biệt bất ngờ trong tham luận của Viễn gắn với phong trào khởi nghiệp của tỉnh, nhưng mổ xẻ rõ ràng những thuận lợi, điểm “nghẽn”, kiến nghị giải pháp để thúc đẩy sự phát triển.
Tham luận của Viễn có tiêu đề “Nghệ An và tiềm lực phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Mở đầu bằng phong trào quốc gia khởi nghiệp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động năm 2016; việc Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách, chương trình giúp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; để từ đó rất nhiều doanh nghiệp startup ở Việt Nam được khai sinh, hình thành và phát triển mạnh mẽ. Để rồi Viễn, từ góc nhìn là đơn vị khởi nghiệp công nghệ có đánh giá riêng đối với Nghệ An là “dù đã và đang diễn ra khá sôi động nhưng riêng lĩnh vực khởi nghiệp về công nghệ thì còn trầm lắng”.
Theo Viễn, Nghệ An rất có tiềm năng để các công ty công nghệ phát triển. Lý do loại hình doanh nghiệp này không bị phụ thuộc vào vị trí địa lý, như công ty GoStream của Viễn, làm phần mềm và bán cho người dùng ở khắp thế giới, người dùng chỉ cần biết GoStream qua mạng Internet; chỉ cần biết đây là một công ty ở Việt Nam chứ không quan tâm là ở tỉnh nào.
Viễn nhắc lại lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, rằng Nghệ An hội tụ đủ các yếu tố “như một Việt Nam thu nhỏ”; có vị trí quan trọng trong hành lang kinh tế Đông – Tây; nguồn nhân lực dồi dào, người lao động cần cù, chịu khó… Để khẳng định Nghệ An với những yếu tố này là cơ hội rất tốt để sản phẩm công nghệ thử nghiệm phản ứng của thị trường. Về yếu tố tài chính đầu vào, theo Viễn, ở Nghệ An là cực kỳ có lợi, vì rất rẻ. Đơn cử, chi phí mặt bằng làm việc chỉ bằng 1/8 – 1/10 những trung tâm lớn như Hà Nội, hoặc TP. Hồ Chí Minh. “Chi phí đầu vào hết sức quan trọng. Vì vậy, GoStream xác định đặt trụ sở chính ở TP. Vinh là phương án tối ưu. Qua đó, dành nguồn tài chính đầu tư phát triển sản phẩm và phát triển khách hàng…”, Viễn nhấn mạnh.
Bên cạnh những thuận lợi, Viễn cũng chỉ rõ ra những khó khăn. Đó là về nhân lực chất lượng cao. Theo Viễn, đây là điều bất hợp lý. Vì Nghệ An là vùng đất hiếu học, có nhiều bạn học sinh được đào tạo rất tốt những trường Đại học lớn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…, hoặc du học, thế nhưng không quay trở về Nghệ An lập nghiệp. “Nghệ An đang bị chảy máu chất xám ra các địa phương khác trong nước và cả nước ngoài…”, Viễn phát biểu. Để khắc phục điều này, theo Viễn thì cần phải tìm cách cải thiện hình ảnh Nghệ An là một nơi làm việc tiềm năng cho chính con em của tỉnh. Để khi ra trường, việc trở về quê hương làm việc là một lựa chọn tốt.
Khó khăn thứ hai mà Viễn nhắc đến là cần cải thiện các cơ chế chính sách đặc thù cho công ty Startup. Vì dù hiện nay đã có những chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp, tuy nhiên Công ty Startup cần có những chính sách đặc thù hỗ trợ khởi nghiệp như xây dựng các công viên phần mềm, các chính sách về thuế, các chính sách thử nghiệm sandbox như các thành phố Hồ Chí Minh, hay Đà Nẵng đã thực hiện. Lấy ví dụ từ chính GoStream, Viễn cho hay công ty đã nhận được đầu tư vòng hạt giống từ quỹ Zone Venture của Canada với trị giá 200k $. Mặt khác, đã tiến hành kêu gọi vốn Series A từ quỹ VinaCapital và đã hoàn tất thủ tục ký Hợp đồng cấp vốn.
Tuy nhiên khi thực hiện các thủ tục để cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của công ty thì còn chậm do phải xin hướng dẫn từ Cục đầu tư nước ngoài. Trong khi cùng lúc, một công ty startup công nghệ cùng trong hệ sinh thái Zone Startup có trụ sở tại TP. HCM đã nhận được Thông báo chấp thuận đầu tư với cùng nhà đầu tư Zone Venture…
Từ những nội dung nêu trên, Viễn kết cho bài tham luận: “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin là nguồn thu hút đầu tư nhanh chóng và bền vững. Nếu Nghệ An đặt mục tiêu trở thành địa phương hỗ trợ tốt cho khởi nghiệp với những chính sách mạnh mẽ và cụ thể, tôi tin rằng Nghệ An có thể trở thành “thung lũng Silicon” của Việt Nam. Sẽ có nhiều người giỏi muốn quay về lập nghiệp vì một mục tiêu Nghệ An phát triển…”.
Nhắc đến Nghiêm Tiến Viễn, theo Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành, chỉ với 3 năm từ 2017 – 2020 mà đã đoạt được rất nhiều những giải thưởng lớn của tỉnh, của quốc gia; được một số quỹ của nước ngoài đầu tư với số tiền lên đến cả triệu USD; rồi trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh Covid 19 nhưng GoStream có doanh thu trên 1 tỷ đồng/tháng thì em đã vượt qua giới hạn của sự thành công.
Nhưng điều ông Trần Quốc Thành tâm đắc ở Nghiêm Tiến Viễn không dừng ở đó. Như ông nói, qua vài lần tham gia các cuộc thi biết Viễn luôn mong mỏi GoStream sẽ thu hút con em người Nghệ An từ các nơi về làm việc. Cho đến thời điểm này, em đã làm được, khi GoStream nay đã là điểm sáng trong thu hút nhân tài về với Nghệ An. “Viễn cùng với sự phát triển của GoStream đã thu hút được nhiều bạn giỏi ở các nơi về với mình. Không chỉ các bạn trẻ đang làm việc tại các trung tâm lớn trong nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… cũng về làm việc với Viễn. Với kết quả đấy rõ ràng Viễn có một lực hấp dẫn không nhỏ, GoStream trở thành điểm nhấn về thu hút nhân tài…”, Giám đốc Sở KH&CN trao đổi.
Một điểm đáng quý ở Viễn mà ông Thành nhắc đến, là em chưa bao giờ bằng lòng với những kết quả đạt được mà luôn nuôi khát vọng bứt phá. “Sản phẩm công nghệ thông tin thường nhanh chóng lỗi thời nếu không có sự đổi mới, phát triển. Viễn hiểu điều này, nên bạn ấy và các cộng sự luôn tập trung sáng tạo để đổi mới, hoàn thiện sản phẩm của GoStream. Các bạn ấy vừa đưa ra thông điệp “Go Global” trên các facebook cá nhân, tức là đã có quyết tâm vươn ra thị trường thế giới. “Go Global” sẽ là sologan của Nghiêm Tiến Viễn…”.
Điều mà ông Trần Quốc Thành tâm đắc nhấn mạnh thêm, đấy là Viễn ý thức rất cao về các hoạt động xã hội. “Trong năm vừa qua, dù tập trung cho GoStream gặt hái nhiều thành công nhưng Viễn vẫn dành thời gian để có những hoạt động xã hội hết sức ý nghĩa. Như Cuộc thi “Hackathon Nghệ An năm 2020…”. Về cuộc thi này, tôi từng nghe đồng nghiệp, nhà báo Đức Chuyên kể khi anh được Viễn mời tham gia làm giám khảo “Hackathon Nghệ An năm 2020” do Sở KH&CN phối hợp với Công ty CP Công nghệ Gostream đồng tổ chức với mục đích tạo sân chơi cho các bạn học sinh, sinh viên trình bày và xây dựng ý tưởng một cách chuyên nghiệp dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia. Ở đó, các cá nhân tạo thành nhóm nhỏ để cùng nhau làm việc trong môi trường kinh doanh giả lập, giải quyết các vấn đề đã được đặt hàng từ doanh nghiệp, chính quyền địa phương hoặc các vấn đề được Ban tổ chức đưa ra. Mục đích chính là tạo ra các giải pháp ở phiên bản mẫu, những giải pháp này có thể được phát triển sau đó hoặc thậm chí được triển khai trên thực tế.
“Cuộc thi này thu hút được khá nhiều nhóm bạn trẻ tham gia. Chủ đề cuộc thi rất hay. Đó là xây dựng các ứng dụng để nâng cao chất lượng phục vụ cộng đồng tại Nghệ An, hướng tới một thành phố Vinh thông minh trong tương lai. Cuộc thi này không hạn chế đề tài, nhưng ưu tiên các ý tưởng giải pháp xoay quanh chủ đề giao thông thông minh, phát triển giao thông công cộng; thông tin quảng bá du lịch Nghệ An, kết nối các điểm văn hóa, du lịch, lịch sử, ẩm thực nổi tiếng của tỉnh; giải pháp để du khách dễ dàng tìm được thông tin về văn hóa – du lịch Nghệ An và tự lên hành trình cho chuyến đi của họ; các phương pháp học tập hiện đại, tận dụng có chọn lọc nguồn kiến thức dồi dào của mạng internet, nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu; giúp doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số hoặc tối ưu sản xuất… Qua cuộc thi, thấy Viễn đã tạo được một sân chơi rất thú vị, bổ ích cho giới trẻ mà ở tỉnh ta còn rất hiếm gặp. Các bạn trẻ tham gia cuộc thi, được truyền cảm hứng từ Viễn và các cộng sự, sẽ có được niềm đam mê, sẽ nuôi dưỡng được khát vọng sáng tạo công nghệ để ứng dụng vào những việc có ích cho xã hội… “, nhà báo Đức Chuyên trao đổi.
Viễn dành cho tôi một khoảng thời gian để trò chuyện. Trong quãng thời gian ít ỏi đó, em nhắc đến những kỷ niệm đã có với Báo Nghệ An. Viễn kể, dịp cuối năm 2015, khi đang làm việc tại Hà Nội, cho một công ty nước ngoài chuyên về Media với tiền lương 2.000 USD/tháng thì nhận được tin nhắn hỏi: “Có muốn về làm tại Báo Nghệ An hay không?”, Thục Anh (nguyên PV Báo Nghệ An) là người đã nhắn tin. “Chúng em biết nhau khi hai đứa tham gia cuộc thi tin học trẻ toàn quốc. Thục Anh hỏi em có muốn về làm việc ở Báo Nghệ An hay không? Khi đó, dù công việc cũng ổn nhưng em đã có ý định rời đi vào Đà Nẵng hoặc TP. Hồ Chí Minh thử sức. Nghe vậy, em nghĩ Báo Nghệ An là một cơ quan có uy tín, lại được về sống với bố mẹ nên dù công việc mới mẻ cũng muốn thử sức xem sao. Vậy là về…”, Viễn cười.
Ngày đầu đến với Báo Nghệ An, qua Tổng Biên tập Phạm Thị Hồng Toan, Viễn được nghe về những kế hoạch về đẩy mạnh chất lượng toàn diện ấn phẩm báo điện tử, rồi được nhận vào làm việc. Công việc của em là về kỹ thuật, theo đúng ngành công nghệ thông tin đã học tại Trường Đại học Bách khoa. Bên cạnh đó, thì tham gia một số nội dung công việc của phóng viên như quay phim, chụp ảnh, và livestream Giải bóng đá Thiếu niên – Nhi đồng do Báo tổ chức. Cũng trong thời gian này, vì nhận thấy livestream có nhiều lỗi nên Viễn đã tập trung viết lại phần mềm. Sau khoảng gần 2 năm, em nhận thấy nếu vừa làm công việc của Báo, vừa theo đuổi đam mê sáng tạo thì không thể có thành công. Thế nên Viễn đã trình bày suy nghĩ của mình với Tổng Biên tập, để sau đó nhẹ nhàng rời khỏi cơ quan Báo…
“Gần 2 năm làm việc ở Báo Nghệ An em học được khá nhiều điều. Từ câu chuyện truyền thông cho đến những kỹ thuật trong chụp ảnh như chọn vị trí đứng, bố cục, ánh sáng…”, Viễn nói. Rồi tâm sự: Khoảng thời gian làm việc ở Hà Nội, rồi ở Báo Nghệ An đã giúp em có thêm những kinh nghiệm cho riêng mình. Như những viên gạch, tạo nền móng để em xây nên ngôi nhà mình mơ ước…