Là khung cảnh mà chúng tôi ghi nhận được ở bản Lìm, xã Châu Phong (Quỳ Châu). Số là trên cung đường 544 qua xã núi này, thi thoảng chúng tôi bắt gặp người dân sử dụng xe máy chở nhiều đồ điện gia dụng như ti vi, tủ lạnh… ngược lên. Hỏi chuyện thì biết, chỉ dăm hôm nữa thôi, có thêm vài bản vùng sâu ở nơi đây sẽ được sử dụng điện lưới Quốc gia. “Có điện Nhà nước rồi. Phải sắm sanh đồ dùng vui Tết Nguyên đán chứ…” – một thanh niên vừa phóng xe vừa nói như hét một cách vui vẻ.
Dừng chân ở bản Lìm, không khí nơi đây thật náo nhiệt. Người già, người trẻ háo hức vây quanh những người thợ điện để xem lắp đặt công tơ và các thiết bị điện cho từng hộ gia đình. Gia đình bà Vi Thị Lợi (65 tuổi) đã được lắp đặt các thiết bị điện hoàn chỉnh. Hồ hởi mời khách lạ vào nhà chơi, bà khoe chiếc ti vi, cái tủ lạnh do “thằng con Vi Văn Bình mới mua”, rồi nói: “Chờ cái điện Nhà nước lâu lắm rồi. Giờ có điện vui lắm. Tết sắp đến rồi…”.
Bản Lìm có khe Nậm Pông uốn quanh. Xuôi về hướng thị trấn Tân Lạc, có Thủy điện Nậm Pông được xây dựng đi vào hoạt động từ khoảng năm 2012 – 2013. Vậy nhưng, như anh Lô Minh Châu – Trưởng bản cho biết, thì đã nhiều năm qua, người dân nơi đây phải khuân đá đắp đập dọc khe để lắp đặt tua bin nước, hoặc sắm bình ắc quy, máy nổ… để có điện thắp sáng. Dẫn khách về nhà mình, chỉ vào ổ cắm điện bị nổ còn ám khói đen, anh Châu nói: “Dân bản trông điện lưới từ lâu rồi. Nguồn điện từ tua bin nước, máy nổ, bình ác quy… hay có sự cố, phức tạp, và tốn kém lắm. Từ mất an toàn cháy nổ, mưa, lũ cuốn trôi tua bin, mất công xạc bình ắc quy, mua xăng, dầu chạy máy nổ. Như gia đình tôi cũng đã mấy lần vì mưa lũ bất ngờ nên bị trôi mất tua bin, xảy ra chập cháy đồ điện…”. Rồi anh tâm sự, có cái điện Nhà nước dẫn về, dân bản không chỉ có điện thắp sáng, chạy cái quạt điện mà còn yên tâm sử dụng các loại thiết bị gia dụng khác như tủ lạnh, ti vi, nồi cơm điện… “Tiện lợi nhiều bên, dân còn được mở mang kiến thức, thay đổi nếp nghĩ để phát triển kinh tế gia đình…” – Trưởng bản Lô Minh Châu kết luận.
Anh Vi Văn Anh – Tổ trưởng Tổ dịch vụ điện xã Châu Phong đang chỉ huy việc lắp đặt công tơ điện. Dừng tay ít phút anh cho biết, trong thời gian qua xã Châu Phong được đầu tư xây dựng 3 trạm biến áp để kéo điện cho 3 bản (bản Đôm 2, bản Lìm, bản Tằm), với tổng số hơn 200 hộ dân được lắp đặt đồng hồ, sử dụng điện. “Việc xây dựng trạm biến áp được thực hiện hồi tháng 4 -5/2020; đến tháng 10/2020 thì hoàn thành việc kéo đường dây điện. Hiện tại, chúng tôi khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt công tơ để vài ngày tới ngành Điện đóng điện cho dân sử dụng trước Tết Nguyên đán…” – Tổ trưởng Vi Văn Anh nói.
Ở xã Châu Phong hiện nay còn đến 495 hộ nghèo (chiếm 32,18% dân số toàn xã); bên cạnh đó, còn có 397 hộ cận nghèo. Theo Chủ tịch UBND xã Lương Văn Năm, việc phủ kín điện lưới toàn xã là một trong những quyết tâm của xã, được Huyện ủy, UBND huyện ủng hộ. Trước đây, xã có 19 bản, sau sáp nhập thì còn 9 bản. Đến hết năm 2020, xã chỉ còn một số điểm dân cư chưa có điện, đó là các bản cũ như: bản Quạng, bản Tằm 1, bản Tằm 2. “Theo kế hoạch của huyện với ngành Điện, trong năm 2021 các điểm dân cư này cũng sẽ hoàn thành việc lắp đặt trạm biến áp, đưa điện đến tận nhà các hộ dân. Có điện lưới, sẽ góp phần giúp địa phương Châu Phong có được thuận lợi trong thực hiện các chỉ tiêu KT-XH mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Châu Phong khóa XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra…”.
Theo UBND huyện Quỳ Châu, từ năm 2016, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Chương trình số 12 – CT/HU về phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020. Để thực hiện, UBND huyện xây dựng kế hoạch, tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư đưa điện lưới về đến thôn, bản chưa có điện.
Từ đó đến nay, có 17 dự án điện nông thôn được thực hiện, gồm: 5 công trình do huyện làm chủ đầu tư (nguồn vốn 30a); xã làm chủ đầu tư 7 công trình (nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững); ngành Điện làm chủ đầu tư 5 công trình. Trong đó, năm 2020 thực hiện được 8 dự án (huyện 2 công trình, xã 4 công trình, ngành Điện 2 công trình).
Hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳ Châu còn 4 bản và 6 điểm dân cư với tổng số 913 hộ gia đình chưa có điện. Gồm các bản Thung Khạng, bản Độ 3 (xã Châu Bình), bản Tằn, bản Xớn (xã Châu Hội); các điểm dân cư bản Hội 3 (xã Châu Hội), bản Nông Trang (xã Châu Bình), bản Lìm (xã Châu Phong), bản Na Lạnh và bản Hốc (xã Diên Lãm), bản Liên Minh (xã Châu Hoàn). Kế hoạch của UBND huyện Quỳ Châu là hết năm 2021, sẽ phấn đấu hoàn thành công tác đưa lưới điện về đến các bản và điểm dân cư trên toàn địa bàn; đồng thời, nâng cấp hệ thống điện đã có để đảm bảo sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Để hoàn thành được mục tiêu, UBND huyện Quỳ Châu đã có những kiến nghị đến Công ty Điện lực Nghệ An và Sở Công Thương. Theo Trưởng phòng Kinh tế -Hạ tầng huyện Quỳ Châu, ông Lô Văn Thế thì tình hình rất khả quan. Vì sau cuộc họp 3 bên, gồm huyện với Công ty Điện lực Nghệ An và Sở Công Thương, đến ngày 15/1/2021, Công ty Điện lực Nghệ An có Văn bản số 174/TB-PCNA với những thông tin tích cực gửi đến UBND huyện. Tại đây, Công ty Điện lực Nghệ An nêu cụ thể kế hoạch đầu tư xây dựng các dự án điện trên địa bàn huyện Quỳ Châu trong năm 2021 là: Thực hiện việc đầu tư xây dựng trạm 110 kV Quỳ Châu để đảm bảo nguồn điện trên địa bàn huyện Quỳ Châu (hoàn thành trước tháng 6/2022). Bản Tằn do đã được đăng ký danh mục đầu vào Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia, sẽ được thực hiện trong năm 2021. 2 bản Thung Khạng và bản Độ, Công ty sẽ xin bổ sung vào kế hoạch đầu tư năm 2021. Với điểm dân cư bản Phà Đáy, đã được đăng ký danh mục đầu vào Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia, nên sẽ thực hiện năm 2021. Bên cạnh đó, sẽ cấp 600 công tơ, thực hiện bán điện đến tận hộ dân cho công trình của huyện đầu tư; lắp đặt bổ sung Recloser để chủ động trong công tác quản lý, vận hành, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm phạm vi mất điện khi xảy ra sự cố….
“Huyện Quỳ Châu rất phấn khởi khi nhận được Văn bản số 174 của Công ty Điện lực Nghệ An. Với 1 bản và 5 điểm dân cư còn lại, lãnh đạo huyện đã xác định sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép từ các chương trình, dự án để hoàn thành trong năm 2021…” – Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng Lô Văn Thế khẳng định.
Nắm bắt thông tin từ các huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, chúng tôi được biết, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 này sẽ có thêm nhiều thôn, bản được sử dụng điện từ Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia do Công ty Điện lực Nghệ An làm chủ đầu tư. Cụ thể, huyện Kỳ Sơn có 8 bản; huyện Tương Dương có 15 bản; huyện Quế Phong có 4 bản.
Liên hệ với Công ty Điện lực Nghệ An, được biết, trong năm 2020, Công ty đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng cấp điện nông thôn cho 32 thôn, bản, cụm dân cư trên địa bàn 12 xã thuộc 4 huyện: Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong và Quỳ Châu, với tổng mức đầu tư hơn 72,1 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng mới tuyến đường dây trung áp với chiều dài 30,361 km; xây dựng mới 28 trạm biến áp với tổng dung lượng 2.463 kVA; xây dựng mới và cải tạo tuyến đường dây hạ áp với chiều dài là 70.393 km; lắp đặt, cấp mới 3.345 công tơ, đồng thời, lắp đặt cho mỗi hộ gia đình 1 bảng điện, 1 bóng đèn và dây đấu nối từ công tơ về tới hộ gia đình.
Về kế hoạch thực hiện Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia năm 2021 cũng đã được Công ty Điện lưc Nghệ An xác định rõ với tổng mức đầu tư là 150,258 tỷ đồng (trong đó, vốn NSNN giao 100 tỷ đồng). Vị đại diện Công ty Điện lực Nghệ An cụ thể về quy mô xây dựng như sau: Công ty sẽ thực hiện xây dựng mới tuyến đường dây trung áp xây dựng mới với chiều dài 122.9 km; xây dựng mới 44 trạm biến áp; xây dựng mới và cải tạo tuyến đường dây hạ áp với chiều dài 90.445 km. Với quy mô đầu tư xây dựng như vậy, hết năm 2021 sẽ có thêm 3.536 hộ dân được cấp điện…