Chúng tôi đặt chân đến Pà Khốm, một trong 5 bản Mông của xã Tri Lễ cận trưa ngày 20/1/2021 (tức ngày mùng 8 tháng Chạp). Nơi đây, cũng giống như hầu hết các bản Mông ở Kỳ Sơn, Tương Dương…, là san sát những ngôi nhà thấp dựng trên nền đất, có vách tường, mái lợp bằng loại gỗ sa mu đã xuống màu thời gian thâm u. Và bao bọc chung quanh, lớp lớp những cây đào. Cây đào nơi đây có nhiều độ tuổi. Có loại mới trồng vài ba năm, có loại đã một vài chục năm tuổi. Pà Khốm ở độ cao khoảng 1.000m, nhiệt độ thường xuyên xuống thấp, sương mù nhiều, thế nên thân, gốc những cây đào cổ thụ có nhiều những rêu xanh, mốc trắng, dương xỉ, và các loài phong lan nhỏ. “Thân cành khúc khuỷu, lại rêu phong cổ kính nên tôn vinh được những nụ hồng. Đào Pà Khốm thật đẹp”, phóng viên ảnh Nguyễn Đức Anh liên tục bấm máy, tấm tắc khen.
Bí thư Chi bộ bản Pà Khốm, anh Xồng Già Pó còn khá trẻ, người nhỏ thó, dáng đi thoăn thoắt, linh lợi. Hỏi chuyện, Xồng Già Pó cho biết Pà Khốm có 92 hộ gia đình đồng bào Mông sinh sống thì chỉ có 3 hộ chưa trồng cây đào. Đào được trồng xung quanh nhà, trong vườn, các lối đi trong bản và rất nhiều ở trang trại. Có những hộ đang sở hữu đến cả nghìn cây đào như ông Và Giống Dê, ông Và Bá Đà… “Pà Khốm đang hướng đến làm du lịch sinh thái nên toàn dân quyết nghị bảo tồn các cây đào trong bản. Chỉ những cây đào trồng ở trang trại mới được phép cắt cành bán…”. Cùng Bí thư Chi bộ Xồng Già Pó vượt dốc lên trang trại của Và Giống Dê với chặng đường hơn nửa quăng dao. Bở hơi tai, nhưng sướng mắt. Vì được tận thấy vườn đào “khủng” thật đẹp một hộ gia đình đồng bào Mông đang sở hữu.
Theo những người đàn ông bản Pà Khốm, cây đào có một gắn bó mật thiết với đồng bào Mông. Dù không biết nguồn gốc ra sao nhưng bất kỳ ở đâu, cứ có đồng bào Mông sinh sống, làm trang trại là có cây đào. Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, anh Xồng Bá Cha (sinh năm 1984) cũng khẳng định điều này. Anh cho biết toàn xã Tri Lễ có 5 bản đồng bào Mông sinh sống, gồm: Huôi Mới, Pà Khốm, Nậm Tột, Huồi Xái, Mường Lống, thêm vào đó là một bộ phận ở khu dân cư Minh Châu và trong vườn nhà, trang trại đều có cây đào. Trong đó, ở bản Huôi Mới và Pà Khốm thì đặc biệt có nhiều cây đào. “Gia đình tôi ở bản Huôi Mới cũng trồng rất nhiều đào. Trong trang trại có lẽ cũng phải có đến cả nghìn cây. Mỗi cây như thế, nếu cắt bán cùng phải được từ 3 – 5 cành. Nhưng gia đình đang giữ, chỉ hái quả dịp tháng 4, tháng 5. Nhưng khi đó, do nhiều không hái kịp, đào rụng thơm ngát cả một vùng…”, anh Xồng Bá Cha kể.
Cũng theo người cán bộ dân tộc Mông này, cây đào ở đây có hai dạng, hoặc do người dân tự trồng, hoặc có hỗ trợ kinh phí của huyện Quế Phong. Những cây đào cổ là do dân tự trồng; còn những cây vài ba năm tuổi thì có sự hỗ trợ từ huyện. “Cây đào là một trong những loại cây sinh kế của đồng bào ta đó. Tết thì cắt cành bán cho thương lái đưa về xuôi; rồi vài tháng tới thì hái quả…”, anh nói. Khi được hỏi “ở Tri Lễ có đào rừng tự nhiên không?”, anh Xồng Bá Cha trả lời: “Tôi sinh ra lớn lên tại đây, cũng đã đi lên đỉnh Pà Cà Tủn nhưng cũng chưa thấy cây đào rừng tự nhiên. Nếu có cây đào trên đất rừng, cũng là do người dân trong quá trình làm nương rẫy gieo hạt mà mọc lên thôi…”.
Bởi chuyến ngược lên không chỉ nhằm vãn cảnh mà còn hướng đến tìm hiểu đầu ra của những cành đào cảnh của đồng bào Mông sau khi có chỉ đạo cấm chặt đào rừng có thuận lợi hay không. Thế nên, chúng tôi đã tiếp cận một vài người để hỏi. Dù có chút khó trong giao tiếp, nhưng hiểu được đến thời điểm đầu chiều ngày 20/1 thì chưa có người hỏi mua. Như Và Già Pó cho biết, bố anh là ông Và Nhìa Lỳ có 300 gốc đào hơn 3 năm tuổi. Gần Tết nên ông cũng mong bán nhưng chưa có người hỏi mua.
Vài năm trước, Phó Chủ tịch UBND xã Xồng Bá Cha thường thu gom đào cho thương lái để có thêm thu nhập. Thế nên, anh rất thành thạo và có nhiều thông tin. Anh nói, đào dành cho chơi Tết ở đây có hai dạng. Hoặc là đào đồng bào Mông trồng cắt bán, hoặc đào đưa về từ nước bạn Lào. Thời điểm này của những năm trước, đào được dựng san sát trung tâm xã, và phương tiện vận tải là những chiếc xe dàn (xe ô tô tải có thùng lớn, dài) đã nhộn nhịp. Nhưng năm nay, do dịch bệnh Covid – 19 nên đào từ Lào không về, còn đào ở đây vì chưa có thương lái lên nên người dân cũng chưa ai cắt bán. “Người thu mua đào núi Tri Lễ không phải chỉ miền xuôi hay thành phố Vinh mà từ rất nhiều nơi, như Hà Nội, Hải Phòng… Bản thân tôi có nhận được một số cuộc điện thoại hỏi thăm nhưng đến giờ chưa thấy ai lên Tri Lễ…”, anh Xồng Bá Cha nói. Người dân Tri Lễ có băn khoăn gì khi biết về thông tin cấm chặt đào rừng không? Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ Xồng Bá Cha trao đổi: “Khi có thông tin, người dân cũng có hoang mang đấy. Họ cũng hỏi nhưng chúng tôi giải thích cụ thể, rồi động viên là bà con cứ yên tâm. Cây đào bà con ta trồng, thì được bán, được cho chứ không ai cấm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang mong có hướng dẫn từ trên, làm sao đó để đầu ra cho người dân trồng đào được thuận lợi…”.
Thông tin từ UBND huyện Quế Phong, từ năm 2016, huyện bắt đầu hỗ trợ cho đồng bào Mông xã Tri Lễ trồng cây đào. Thời điểm đó, huyện hỗ trợ cho mỗi cây đào người dân trồng 10.000 đồng. Từ năm 2017 – 2019, mức hỗ trợ là 20.000 đồng cho mỗi cây đào. Tính ra, từ năm 2016 đến nay, UBND huyện Quế Phong hỗ trợ người dân với tổng kinh phí là 240 triệu đồng để trồng 13.000 cây đào. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong là đơn vị thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ đồng bào Tri Lễ trồng cây đào. Theo Giám đốc Nguyễn Bá Hiền, số kinh phí hỗ trợ đồng bào Mông xã Tri Lễ trồng đào thuộc nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Việc huyện Quế Phong lựa chọn cây đào để hỗ trợ, xuất phát từ nguyện vọng của người dân. Qua nghiên cứu thực tế thấy cây đào phù hợp với địa hình, khí hậu vùng Tri Lễ, cũng như có tiềm năng phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo nên huyện đã quyết định có sự hỗ trợ.
Hỏi Giám đốc Nguyễn Bá Hiền: “Ở vùng Quế Phong có đào rừng tự nhiên hay không?”. Anh cho hay, các cán bộ của Trung tâm gắn với nhiệm vụ phát triển nông thôn miền núi nên đã đi hầu khắp địa bàn, vậy nhưng chưa từng thấy đào rừng tự nhiên. Chỉ thấy cây đào của đồng bào các dân tộc trồng trong vườn, trong bản, trên nương rẫy…, và biết cây đào đặc biệt nhiều ở khu vực đồng bào Mông sinh sống. Anh cũng tâm sự, thời điểm này của những năm trước đây, thương lái từ các nơi đã về Quế Phong, lên Tri Lễ thu mua cành đào người dân trồng và đưa từ nước bạn Lào về. Tuy nhiên, đến hôm nay là đã 8/12 (AL) rồi mà chưa thấy có thương lái. “Sở dĩ chúng tôi nói ra điều này vì những người thu mua đào rất dễ nhận biết. Khi họ đến Quế Phong thường kèm theo những chiếc xe dàn (loại xe ô tô có thùng lớn, dài) để chở đào…”, anh Nguyễn Bá Hiền trao đổi.
Với mong muốn nhận được sự quan tâm trong định danh cho nguồn gốc, xuất xứ cây đào, chúng tôi đã nói ra những tâm tư của những đồng bào vùng biên Tri Lễ với một số cán bộ có trách nhiệm trong ngành kiểm lâm. Đã có những tranh luận nho nhỏ. Những cán bộ này, hầu hết từng có nhiều thời gian gắn bó với miền biên giới. Họ khẳng định Nghệ An không có đào rừng, chỉ có cây đào dân trồng. Cũng vì vậy, theo quan điểm của họ thì đã là đào người dân trồng thì việc bán hay cho là do người dân quyết định. Và vì bởi chưa có hướng dẫn từ cơ quan chuyên ngành cấp trên, nên họ rất khó để tham mưu văn bản cho các cơ quan có trách nhiệm trong việc xác nhận nguồn gốc cho cây đào dân trồng…
Dù điều các cán bộ này nói ra là có lý. Nhưng với chúng tôi, từ thực tế đang hiển hiện thì thấy buồn lo. Bởi để giúp những đồng bào dân tộc Mông biên giới thuận lợi, bán được cây đào họ trồng trong những ngày cận Tết, không những phải lên tiếng khẳng định Nghệ An không có đào rừng, người dân trồng đào có quyền cắt bán, tặng cho…, mà phải quan tâm khơi thông dòng chảy, tạo cho được sự lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Muốn được như vậy, cây đào vùng Tri Lễ của Quế Phong, hoặc những Na Ngoi, Tây Sơn, Mường Lống… của huyện Kỳ Sơn cần phải được định danh, cần có chứng thực về xuất xứ nguồn gốc. Nếu không có những thứ này, người mua sẽ chỉ trong phạm vi địa bàn tỉnh, còn thương lái ở những đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, do phải vận chuyển qua địa bàn nhiều tỉnh sẽ không dám tìm về…
Dõi theo thông tin báo chí, được biết tỉnh Sơn La đã thực hiện làm truy xuất nguồn gốc cho cây đào Vân Hồ. Lý do vì huyện Vân Hồ có đến 5.000 ha cây đào do người dân trồng; đây là cây sinh kế của người dân, cắt bán trong dịp cận Tết, là thời điểm nhu cầu của xã hội rất lớn. Trả lời trên Báo Nông nghiệp điện tử ngày 21/1/2021, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sơn La, ông Hà Mạnh Hùng khẳng định truy xuất nguồn gốc cho cây đào là việc nên làm, dù không bắt buộc. Ông Hùng phân tích, sở dĩ nên làm là để xác định nguồn gốc, xuất xứ cây đào, xác định vùng trồng, xác định cây đào được trồng trên đất nông nghiệp, không phải là đào rừng tự nhiên. Việc truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp cho cây đào trở thành hàng hóa lưu thông thuận lợi, bên cạnh đó còn giúp cho giá trị thương hiệu của đào Sơn La được khẳng định…
Chúng tôi đã nói về việc tỉnh Sơn La đã làm, cùng những gì được thấy, được nghe với ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT. Câu trả lời nhận được là: “Để tạo thuận lợi cho người dân và đặc biệt là đối tượng thu mua, kinh doanh đào trong quá trình vận chuyển, Sở sẽ giao Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm xác nhận về nguồn gốc, xuất xứ khi họ có nhu cầu”. Như vậy có thể hiểu, tấm vé giúp cho những cây đào vùng biên giới đồng bào Mông trồng lưu thông thuận lợi sẽ được phát hành…