Ngày 25/12/2020, tại huyện Quỳ Hợp, Sở KH&CN tổ chức Hội thảo khoa học Dự án trồng khảo nghiệm giống quýt Jeju – Hàn Quốc.
Dự án trồng khảo nghiệm giống quýt Jeju được thực hiện trên một vùng đất đỏ bazan thuộc xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp. Với thời gian 36 tháng, những cây quýt có xuất xứ từ xứ lạnh Hàn Quốc, như hợp với đất đai và tình người Phủ Quỳ. Hàng ngàn cây quýt có chiều cao lên đến 2,5 – 3m, thân cành mập, sum xuê lá, và đặc biệt là cho những lô trái có sắc màu vàng tươi đẹp mắt. Những người tham dự Hội thảo, là cán bộ của các ngành khoa học, nông nghiệp của tỉnh, của huyện Quỳ Hợp, và Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia, sau khi thăm vườn và nếm thử những trái quýt đầu vụ, ai nấy đều tấm tắc ngợi khen.
Tại đây, lý do thực hiện dự án trồng khảo nghiệm giống quýt Jeju được Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành nói rõ ra rằng: “Quýt Jeju là một loại quả quý, nổi tiếng của đất nước Hàn Quốc. Thế nên rất cần thiết trồng khảo nghiệm giống quýt này để đánh giá khả năng sinh trưởng của chúng trong điều kiện tự nhiên của Nghệ An. Dự án thành công, đồng nghĩa sẽ bổ sung thêm được một dòng sản phẩm quả có múi chất lượng cao cho tỉnh…”. Dự án trồng khảo nghiệm giống quýt Jeju được Sở KH&CN giao cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thực hiện.
Theo kỹ sư Phạm Xuân Trung (người thực hiện dự án), đảo Jeju nằm cách đất liền hàng trăm km, chịu ảnh hưởng bởi khối khí đại dương, mùa hè mát, mùa đông ẩm với nhiệt độ trung bình khoảng 18 độ. Đây là môi trường hoàn hảo để quýt Jeju có nhiều điểm ưu việt vượt trội. Từ hình thức, năng suất, chất lượng…, đặc biệt là cung cấp nhiều dưỡng chất như Vitamin C, protein, canxi, vitamin B1, vitamin B2… hơn các loại cam, quýt thông thường. Đáng mừng là sau 36 tháng thực nghiệm thì cây quýt Jeju đã sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện của huyện Quỳ Hợp. Cây lớn nhanh, đường kính gốc và bộ rễ phát triển mạnh, đặc biệt là đã cho thu hoạch sản phẩm với chất lượng tốt, năng suất lý tưởng, khoảng 11,5 tấn/ha/vụ….”.
Trong nhiều những phát biểu, đáng chú ý là những đánh giá của Tiến sỹ Hà Quang Dũng – Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia. Ông phân tích rất cụ thể về những điểm vượt trội của quýt Jeju, so với các dòng quýt đã nổi tiếng của Việt Nam như cam bù Hương Sơn (Hà Tĩnh), cam đường Canh (Hòa Bình)… Và trao đổi: “Sau khi nhập nội, giống quýt Jeju đã được tiến hành khảo nghiệm cơ bản, khảo nghiệm sản xuất tại huyện Quỳ Hợp. Qua theo dõi liên tục trong 3 năm, từ năm 2018 đến năm 2020, tôi đánh giá đây là một giống quýt mới có nhiều tiềm năng, phát triển tốt tại vùng đất Nghệ An. Giống quýt này, về thời gian sinh trưởng tương đương với một số giống quýt đang phát triển trên cả nước ta. Một số đặc điểm nông học sinh trưởng, đó là rất khỏe, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt; bước đầu cho thấy đây là giống quýt có năng suất cao, và đặc biệt là giống quýt này có chất lượng rất tốt và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, kể cả nước ngoài. Đến thời điểm này, khẳng định giống cây mới này có đủ điều kiện để sản xuất đại trà…”.
Tôi đã tò mò khi nghe Tiến sỹ Hà Quang Dũng hết lời ngợi khen người chủ sở hữu vườn quýt Jeju, vì đưa được về Việt Nam mắt ghép giống quýt quý của Hàn Quốc, để rồi tạo ra được giống, và trồng khảo nghiệm thành công. Như ông phát biểu, đưa được hạt giống, cây giống từ nước ngoài về Việt Nam là hết sức khó khăn. Hơn nữa, do thay đổi điều kiện đất đai, khí hậu…, việc khảo nghiệm thành công là hạn hữu; trong hàng trăm loại giống cây các chuyên gia đưa được về, số có được kết quả chỉ đếm trên đầu ngón tay…
Vậy “đường về” đất Phủ Quỳ của giống quýt Jeju là như thế nào? Nằn nì mãi, tôi được chủ sở hữu giống quýt Jeju là doanh nhân Nguyễn Giang Hoài trải lòng. Anh cho biết từ năm 2015 đã có nhận định, dù cam đang “hót” nhưng chỉ một vài năm nữa sẽ có vấn đề, nhất là về giống và thị trường. Cũng thời điểm đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền và Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành đã gọi anh xuống trao đổi với mục tiêu chấn chỉnh lại Hiệp hội Cam Vinh. Nghe vậy, anh băn khoăn. Vì ngoài những công việc của bản thân, thì đã “đèo bòng” thêm nhiều việc “vác tù và hàng tổng”. Tuy nhiên, khi Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh về việc làm tem truy xuất nguồn gốc và sự cần thiết của nó thì anh nhận lời. Với sự tận tình, trách nhiệm của Sở KH&CN, sau một thời gian khá vất vả, việc làm tem truy xuất nguồn gốc cho cam Vinh đã thành công.
Trong quá trình này, Nguyễn Giang Hoài may mắn được một cán bộ giới thiệu làm quen với Giáo sư Phỏm Sắc, chuyên gia đầu ngành về cây có múi, và phân bón của Thái Lan. Đầu năm 2016, anh đã nhờ ông này sang Quỳ Hợp lấy mẫu đất vườn cam của mình đưa về Thái Lan phân tích. Quá trình lấy mẫu, Giáo sư Phỏm Sắc đã xem cây cam, rồi nhận xét “Loại cây này có vấn đề…”. Nghe vậy, anh đã hỏi “Có loại cây gì có thể thay thế cây cam được không?”. Giáo sư Phỏm Sắc cho biết hiện nay Trường Đại học Nông nghiệp Thái Lan đang thí nghiệm một loại cây có múi có nguồn gốc từ cây quýt jeju của Hàn Quốc, hiện nay đã bắt đầu ra quả. Vậy là Nguyễn Giang Hoài đã đánh đường sang Thái Lan.
Khi được xem cây quýt Jeju, anh đề nghị Giáo sư Phỏm Sắc giúp đỡ để mua cây giống. Nhưng ông nói: “Tôi chỉ có thể hướng dẫn giúp cậu về quy trình, còn mắt ghép thì không thể cho được vì đây là đề tài của nhà trường, liên quan đến việc bảo mật nguồn ren…”. Anh thiết tha đề nghị: “Vậy thì tôi mong thầy giúp, hướng dẫn cho tôi về cách làm…”. Thế rồi Giáo sư Phỏm Sắc đã tiết lộ: “Quýt Jeju của Hàn Quốc là cây trồng trên xứ lạnh. Khí hậu Thái Lan nóng ẩm, để trồng được cần phải ghép mắt ghép lên một loại cây khác, là cây chanh ba lá…”.
Được Giáo sư Phỏm Sắc hướng dẫn cách ghép gồm tổ hợp hai loại cây đó, Nguyễn Giang Hoài trở về Việt Nam để vạch ra hành trình lấy cho được mắt ghép quýt Jeju. Anh tính đi tính lại, nếu đi theo đường chính thống rồi bỏ tiền ra mua thì mất bao nhiêu tiền đi nữa cũng sẽ không mua nổi, làm thế nào đây? Thế rồi anh sực nhớ có một người cháu đang lao động ở Hàn Quốc, tại đảo Jeju. Liên hệ, người cháu cho biết không làm việc tại vùng trồng quýt, nhưng biết khá rõ vì đây là địa điểm nổi tiếng, khách du lịch khi đến đảo thường lựa chọn ghé vào. Anh đề nghị người cháu chuyển đến vùng quýt xin việc làm mới.
Hai tuần sau, người cháu điện về báo đã vào làm tại vườn quýt của một gia đình, với nhiệm vụ tưới nước và làm cỏ. Thêm một thời gian, người cháu nhờ siêng năng, chịu khó, được chủ vườn đồng ý cho cắt lấy cành quýt Jeju, anh hướng dẫn cho cháu cắt cành để đảm bảo tạo được mắt ghép. Nhưng một vấn đề khó mới xuất hiện. Đó là dù đồng ý cho cắt cành nhưng chủ vườn quýt rất kín kẽ, yêu cầu khi chuyển đi thì không được để bị phát hiện, vì nếu lộ sẽ bị phạt rất nặng. Thế là lại phải loay hoay tính cách. Cuối cùng, anh phải cậy nhờ một người bạn chuyên “đánh” hàng nông sản đang sống tại Hàn Quốc thì mới kín đáo chuyển được các thân cành quýt Jeju về…
Hành trình tìm gốc ghép là cây chanh ba lá, với Nguyễn Giang Hoài thì “đơn giản” hơn. Từng vào Đà Lạt nghiên cứu về cây cam Karakara, là loại cây ghép trên cây chanh ba lá, nên anh đã được xem tận mắt, và tìm hiểu có tại các tỉnh Quế Lâm, Hồ Nam (Trung Quốc). Thành thạo tiếng Trung, lại khá thường xuyên qua lại để hợp đồng xuất hàng đá ốp lát, thế nên cuối năm 2016 anh bôn ba sang Quế Lâm, rồi Hồ Nam để tìm. Tại Hồ Nam, anh đã mua được hạt giống cây chanh ba lá, và thuê chuyên gia Trung Quốc sang ươm trồng… “Thời điểm ghép mắt ghép quýt Jeju lên cây chanh ba lá tại đất Phủ Quỳ là vào khoảng tháng 7/2017. Như vậy là từ khi gặp được Giáo sư Phỏm Sắc, đến khi ghép thành công được cây quýt Jeju đầu tiên là hơn một năm rưỡi…” – doanh nhân Nguyễn Giang Hoài nói.
Cho đến thời điểm hiện tại, vườn quýt Jeju của doanh nhân Nguyễn Giang Hoài có 35.000 gốc, trên diện tích trên 22 ha (một vườn 3 năm tuổi thuộc dự án trồng khảo nghiệm, diện tích hơn 3ha; một vườn 2 năm tuổi có diện tích gần 19 ha). Phát biểu tại buổi hội thảo, trước nhiều cán bộ của tỉnh, huyện và Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia, doanh nhân Nguyễn Giang Hoài thổ lộ rằng khi bước sang lĩnh vực nông nghiệp, anh không đặt nặng về vấn đề kinh tế; mà mang một quyết tâm tạo ra được những giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao cho người dân miền Tây Nghệ An.
“Bố tôi là một cán bộ nông nghiệp tâm huyết của huyện Quỳ Hợp. Ông mất sớm, nhưng thời còn sống, ông từng chỉ lên đỉnh Pù Khặng rồi nói với tôi rằng đấy là lá phổi của Quỳ Hợp, cần phải giữ. Từ khi có những bước chuyển sang lĩnh vực nông nghiệp, một trong những việc tôi đã làm là trồng trên Pù Khạng đến chục nghìn cây lim và dổi. Còn những ấp ủ về tạo ra những giống cây ăn quả có múi, ngoài quýt Jeju đang trồng thực nghiệm, hiện tôi đang thử thêm 3 loại cây rất nổi tiếng, gồm bưởi Rubi Thái Lan, quất Nhật và quýt Ôn Châu và đều rất khả quan…” – Nguyễn Giang Hoài bộc bạch.
Và anh đề nghị Sở KH&CN và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đổi tên quýt Jeju trên hồ sơ dự án sang thành quýt Nghệ – HT1. Anh nói: “Tôi nghĩ đã có Cam Vinh thì nên có thêm Quýt Nghệ, không nên dùng tên quýt Jeju nữa. Quýt Nghệ, ghép với cụm chữ HT1, là những chữ cái đầu trong tên của bố tôi và tôi, để có một kỷ niệm…”.
Trước những tâm huyết của Nguyễn Giang Hoài, những người có trách nhiệm tại Hội thảo hoan nghênh, thống nhất với anh đổi tên quýt Jeju thành quýt Nghệ – HT1. Thực tế, ở tỉnh Nghệ An, đặc biệt là trên vùng đất Phủ Quỳ, cái tên Nguyễn Giang Hoài được nhiều người biết đến, và nể trọng. Điều khiến anh có được sự nể trọng không chỉ vì là doanh nhân có những thành công trong lĩnh vực công nghiệp đá, là người tiên phong trong sử dụng công nghệ hiện đại để chế biến sâu, tăng giá trị các loại đá quý của Quỳ Hợp, tạo việc làm có thu nhận cho nhiều lao động. Mà bởi anh, gắn với nhiều chức danh “vác tù và hàng tổng” như Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh; Chủ tịch Hội doanh nghiệp Quỳ Hợp; Đại biểu HĐND tỉnh, HĐND huyện Quỳ Hợp… thì đã rất tâm huyết, có nhiều đóng góp. Đặc biệt là quy tụ được giới doanh nhân trong tỉnh, cùng với họ gắn bó với các cấp, ngành, có nhiều hoạt động có ích cho xã hội; từ tham gia xây dựng các công trình phúc lợi cộng đồng đến ủng hộ các loại quỹ an sinh xã hội…
Đề nghị Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành nhận xét về anh, ông vắn tắt: “Thông minh, nhạy bén, quyết đoán và theo đuổi đam mê đến cùng!”. Với tôi, qua một vài lần tiếp xúc, thì còn thấy ở doanh nhân Nguyễn Giang Hoài là một kho kiến thức, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp mà anh mới có một bước chuyển với thời gian chưa mấy dài. Chỉ giản đơn như trên vườn quýt Nghệ – HT1 của anh, có một điểm khác biệt tất cả các vườn cam trên đất Phủ Quỳ khi được phủ kín gần như toàn bộ bề mặt một màu biếc xanh của cây lạc dại. Hỏi thì anh cười, rồi nhỏ nhẹ: “Dòng cây ăn quả có múi rất cần được giữ ẩm. Tớ tìm đọc mãi mới biết có loại cây lạc dại giữ ẩm rất tốt, đồng thời còn tăng được đạm cho đất, và ngăn chặn không cho các loại cỏ xâm lăng…”.