Ngày 31/12/1945 đã trở thành ngày truyền thống của Ngành Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, đó là thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 78-SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết, nhằm nghiên cứu, soạn thảo và trình Chính phủ một kế hoạch kiến thiết quốc gia về ngành kinh tế, tài chính, xã hội và văn hóa.
Trải qua chặng đường 75 năm lịch sử vẻ vang, với nhiều tên gọi khác nhau, trong từng giai đoạn cách mạng khác nhau, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp chỉ đạo, giúp đỡ của các cấp, các ngành, sự đoàn kết nhất trí của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Kế hoạch và Đầu tư nói chung và Nghệ An nói riêng đã vượt qua muôn vàn khó khăn thách thức, anh dũng, sáng tạo để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp quan trọng, to lớn vào Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Từ những hoạt động bước đầu mang tính chất kế hoạch, ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An ra đời và từng bước trưởng thành, đảm nhận xuất sắc vai trò xây dựng kế hoạch và kiến thiết tỉnh nhà. Ngày 10/02/1996, UBND tỉnh đã có quyết định số 344/QĐ.UB thành lập Sở Kế hoạch và Đầu tư. Với chức năng và nhiệm vụ mới, Sở Kế hoạch và Đầu tư bước vào xây dựng kế hoạch và tham gia chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch thời kỳ 1996 – 2000 trước thách thức lớn và gay gắt nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế của Nghệ An so với cả nước, do điểm xuất phát kinh tế – xã hội quá thấp. Trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2006-2010, vai trò của Ngành Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục được ghi nhận bằng việc tham mưu cho UBND tỉnh trình Chính phủ ban hành Quyết định số 197/2007/QĐ-TTg ngày 28/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Trong giai đoạn này, công tác thu hút đầu tư có bước chuyển biến mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội. Cả giai đoạn, thu hút 287 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 99 ngàn tỷ đồng, trong đó có một số dự án có quy mô lớn. Tốc độ tăng trưởng đạt 9,75%/năm.
Trong giai đoạn 2011-2015, Ngành Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thể hiện vai trò tiên phong trong việc tham mưu Lãnh đạo tỉnh nhiều quyết sách quan trọng. Đặc biệt trong giai đoạn này, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 20 của Bộ Chính trị, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các ngành tham mưu và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 6,6%.
Bước sang giai đoạn 2016-2020, trong bối cảnh bị tác động bởi thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, nhất là sự cố ô nhiễm biển miền Trung, đại dịch Covid-19 gây hậu quả nặng nề đối với quá trình phát triển; Ngành Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu kịch bản điều hành, thành lập các Tổ công tác để đốc thúc chỉ đạo. Trong giai đoạn này, lần đầu tiên tham mưu triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của Luật Đầu tư công; đã tham mưu sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, được Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 55-TB/TW ngày 20/4/2019 để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 ước đạt 7,2%, cao hơn giai đoạn 2011-2015. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 ước đạt 44,01 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015. Thu hút đầu tư tăng nhanh cả về số lượng, quy mô và chất lượng dự án.
Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 555 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 61.825,5 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu, uy tín đã đến khảo sát và đầu tư tại Nghệ An như VSIP, WHA, Hoa Sen, Vingroup, The Vissai, Masan, Mường Thanh, Thiên Minh Đức… Đặc biệt, năm 2020 đã bắt đầu có sự dịch chuyển tích cực của các nhà đầu tư có tiềm lực quan tâm đầu tư vào tỉnh như Luxshare-ICT, Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn, Sun Group, kỳ vọng sẽ tạo sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Giai đoạn 2016-2020, đã thành lập mới 7.834 doanh nghiệp, nâng số doanh nghiệp của tỉnh trên 22.360 doanh nghiệp…
Trong thành công chung đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, tiên phong đi đầu trong công tác cải cách hành chính, làm tốt vai trò đầu mối Một cửa liên thông trong đăng ký kinh doanh, xử lý hồ sơ dự án đầu tư ngoài Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tập trung để từng bước giảm thiểu thời gian và chi phí làm thủ tục cho các nhà đầu tư, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý điều hành công việc, qua đó đã có những đóng góp hết sức quan trọng, xứng đáng là cơ quan tổng hợp chủ trì tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh về chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch; quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp…
Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống của ngành Kế hoạch và Đầu tư diễn ra đúng vào lúc Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh đang ra sức thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2021-2025, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trước bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế quốc tế, khu vực dự báo diễn biến phức tạp, khó lường; hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, tính cạnh tranh ngày càng gay gắt, ngay cả đối với thị trường trong nước; tác động của đại dịch Covid-19 dự báo còn kéo dài. Với chức năng là cơ quan tham mưu tổng hợp, ngành Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác kế hoạch, làm tốt những nhiệm vụ chủ yếu:
Thứ nhất là, tăng cường công tác dự báo, nghiên cứu chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, tập trung phát triển nhanh, bền vững, dựa trên cơ sở cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, hướng đến mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước. Đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo kịp thời đáp ứng yêu cầu đầu tư, phát triển của thời kỳ mới.
Thứ hai là, tham mưu triển khai đồng bộ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm có hiệu quả, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm; các chương trình hành động, kế hoạch triển khai để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp lớn của Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 gắn với kế hoạch kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025.
Thứ ba là, chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương để thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng công tác kế hoạch hóa; đề xuất các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); phối hợp làm tốt hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là thu hút các dự án đầu tư lớn, động lực; huy động tốt các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Thứ tư là, tiếp tục tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đẩy mạnh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; qua đó tạo động lực và cơ sở để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách. Tập trung các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội để phát triển kinh tế, đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết ngành và lĩnh vực.
Thứ năm là, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính; không ngừng hoàn thiện tổ chức bộ máy; nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng tham mưu, tác phong làm việc, tinh thần phục vụ nhân dân và doanh nghiệp; làm tốt vai trò đầu mối liên thông trong đăng ký kinh doanh, kế hoạch đấu thầu. Tích cực, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhân dịp này, Ngành Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các địa phương trong tỉnh, các đồng chí lãnh đạo và nhân dân các địa phương đã tận tình giúp đỡ cơ quan Ủy ban Kế hoạch trong thời gian sơ tán do chiến tranh; các thế hệ những người làm công tác kế hoạch và đầu tư qua các thời kỳ đã và đang dành cho Ngành Kế hoạch và Đầu tư sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, giúp đỡ, hỗ trợ to lớn về vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để Ngành Kế hoạch và Đầu tư phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.