Ở huyện Nghĩa Đàn, trong ngày 12/10/2020, Sở Công Thương tổ chức thực địa khu vực Công ty CP Đầu tư và Xây dựng MCK đề xuất bổ sung quy hoạch dự án thủy điện trên sông Hiếu. Hai ngày sau (14/10), Sở Công Thương có Báo cáo số 1738/SCT-QLNL “Về việc chủ trương khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch Dự án Thủy điện sông Hiếu” gửi UBND tỉnh. Tại đây Sở Công Thương nêu vị trí, quy mô đầu tư, đánh giá vị trí đề xuất khảo sát dự án; và kiến nghị UBND tỉnh: “Đồng ý về chủ trương cho phép Công ty CP Đầu tư và Xây dựng MCK nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch Dự án Thủy điện sông Hiếu tại xã Tam Hợp (Quỳ Hợp) và các xã Nghĩa Mai, Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn). Giao Sở Công Thương hướng dẫn Công ty CP Đầu tư và Xây dựng MCK thực hiện lập hồ sơ, bổ sung Dự án Nhà máy Thủy điện sông Hiếu, trình bổ sung quy hoạch theo quy định hiện hành”.
Tuy nhiên, ngày 26/10/2020, UBND huyện Nghĩa Đàn có Công văn số 921/UBND-KT&HT về việc cho ý kiến bổ sung quy hoạch Dự án Nhà máy Thủy điện Sông Hiếu gửi UBND tỉnh. Tại đây, UBND huyện Nghĩa Đàn thông tin: Theo báo cáo của nhà đầu tư thì Dự án Nhà máy Thủy điện sông Hiếu tận dụng dòng nước chảy được điều tiết từ Hồ chứa nước Bản Mồng để phát điện với quy mô công suất khoảng 10MW, quy mô khảo sát khoảng 99 ha, vùng ảnh hưởng trực tiếp trên phần đất của các xã: Nghĩa Hưng và Nghĩa Mai (Nghĩa Đàn) và Tam Hợp (Quỳ Hợp). Dự án khi được thực hiện sẽ có những tác động nhất định đến khu vực xung quanh vùng quy hoạch dự án (cây cối, hoa màu khu vực thượng lưu khi nước dâng, dân cư sinh sống sát hai bên bờ sông khu vực thượng lưu và hạ lưu khi xây dựng công trình…).
Huyện Nghĩa Đàn xác định: Theo định hướng phát triển KT-XH của huyện được xác định từng bước trở thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh (hiện tại huyện Nghĩa Đàn đang có Tập đoàn TH là nhà đầu tư chiến lược của tỉnh về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Nếu dự án được triển khai sẽ không phù hợp với định hướng phát triển kinh tế lâu dài của huyện và ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước ngầm và hệ sinh thái trên địa bàn.
Theo điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng cao, vùng khan hiếm nước do Đoàn Tài nguyên nước Bắc Trung Bộ thuộc Bộ TN&MT thực hiện năm 2020 thì huyện Nghĩa Đàn thuộc tồn tại tầng chứa nước khe nứt trong các thành phần tạo trầm tích lục nguyên tuổi Trias. Đề xuất bổ sung quy hoạch của nhà đầu tư chưa đánh giá về tác động môi trường đối với lưu vực sông Hiếu và chưa đánh giá hiệu quả kinh tế đối với địa phương mà dự án mang lại. Đặc biệt là tình trạng lũ lụt và sạt lở đất đang diễn ra tại các địa phương trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của bà con nhân dân, nguyên nhân một phần do xây dựng các thủy điện nhỏ gây ra. Qua nắm bắt dư luận xã hội trên địa bàn, nhân dân không đồng thuận với việc thực hiện dự án thủy điện trên sông Hiếu.
Dẫn ra Công văn số 4895-CV/TU ngày 16/8/2019 của Tỉnh ủy về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến tác động của thủy điện trên địa bàn, trong đó có nội dung: “Lưu ý rà soát, đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra quy hoạch dự án thủy điện nhỏ lẻ”, UBND huyện Nghĩa Đàn báo cáo UBND tỉnh, vì những lý do nêu trên, Huyện ủy Nghĩa Đàn đã có ý kiến không thống nhất về việc bổ sung quy hoạch Dự án Thủy điện sông Hiếu tại Thông báo số 27-CV/HU ngày 23/10/2020. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh không bổ sung quy hoạch Dự án Thủy điện sông Hiếu trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn.
Như đã thông tin ở loạt bài viết về việc khảo sát quy hoạch Dự án Thủy điện Yên Thắng, từ năm 2015, Thường trực Tỉnh ủy có ý kiến tại Thông báo số 11-TB/TU là: “Không tiếp tục nghiên cứu, khảo sát để lập các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh (kể cả các dự án đã có trong quy hoạch). Năm 2019, quan điểm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy cũng được nêu rất rõ tại Công văn số 4895 – CV/TU (về việc “Xử lý một số vấn đề liên quan đến tác động của thủy điện trên địa bàn” gửi Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh).
Toàn văn ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 4895 – CV/TU như sau: “Thống nhất chủ trương thuê tư vấn để đánh giá tổng thể, toàn diện tác động của thủy điện trên địa bàn tỉnh. Lưu ý đánh giá khách quan, khoa học, chặt chẽ tác động của thủy điện đến hạ tầng kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân, thực hiện các yêu cầu về bảo vệ rừng, môi trường, tái định cư, hiệu quả kinh tế…; Tiếp tục đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sớm sửa đổi quy trình vận hành liên hồ chứa (Quyết định 2125/QĐ-TTg ngày 1/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ) phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xả lũ của các nhà máy thủy điện, đảm bảo an toàn, an ninh và các vấn đề phát sinh trong quá trình xả lũ, nhất là tính mạng, tài sản của nhân dân. Xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật; Tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm các tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các Dự án Thủy điện Bản Vẽ, Hủa Na, Khe Bố và một số dự án khác; Triển khai tốt công tác lập quy hoạch phát triển năng lượng theo yêu cầu của Trung ương. Lưu ý rà soát, đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra khỏi quy hoạch dự án thủy điện nhỏ lẻ; thủy điện đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai xây dựng; các dự án thủy điện triển khai chậm tiến độ, ảnh hưởng lớn đến môi trường – xã hội, dân sinh. Đồng thời mở rộng nghiên cứu, quy hoạch phát triển điện trên lĩnh vực: nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời…”.
Về việc đánh giá tổng thể, toàn diện tác động của thủy điện trên địa bàn tỉnh, tại Đề án: “Điều tra, đánh giá những tác động tiêu cực của hệ thống các công trình thủy điện ở Nghệ An đến môi trường và đề xuất giải pháp giảm thiểu các tác động” do Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Nghệ An đang nghiên cứu thực hiện cũng đã nêu cụ thể. Đó là, với số lượng nhà máy thủy điện bố trí xây dựng dày đặc trên các hệ thống sông, nhiều dòng sông ở Nghệ An đang bị “băm nát”, vì vậy, đã và đang gây nên những hệ lụy trầm trọng. Từ tác động trực tiếp và gây nên khá nhiều bức xúc trong nhân dân bị ảnh hưởng. Là tiêu cực về môi trường nặng nề và lâu dài, vì đã nhấn chìm rừng đầu nguồn; thay đổi dòng chảy; ngăn dòng trầm tích; dòng chảy cạn kiệt; hạn chế cấp nước cho các mục tiêu khác; thay đổi theo hướng xấu đi của chất lượng nước; góp phần gây nên hiện tượng xâm nhập mặn tại vùng hạ lưu các dòng sông; là một trong những nguyên nhân gây lũ lụt nghiêm trọng, đặc biệt trong các tình huống cực đoan khi nước biển dâng, trời xả mưa, thủy điện xả lũ…
Tìm hiểu được biết, ngày 13/11/2020, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 7976/UBND-CN, trong đó nêu rõ: “Tạm dừng chưa xem xét các hồ sơ đề xuất khảo sát, bổ sung quy hoạch dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh”; đồng thời chỉ đạo Sở Công Thương tập trung thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Văn bản số 34 – CV/TU ngày 6/11/2020.
Thực tế các địa phương đã có việc khảo sát quy hoạch Dự án Thủy điện Yên Thắng, Dự án Thủy điện Thông Thụ, Dự án Thủy điện sông Hiếu, Dự án Thủy điện Ca Nan 3…, khẳng định nếu những dự án này được bổ sung quy hoạch và thực hiện thì đều sẽ có những tác động đáng lo ngại đến môi trường – xã hội, dân sinh; làm mất rừng tự nhiên, thậm chí, mất rừng tự nhiên thuộc Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Bởi vậy, mừng khi tiếp nhận được thông tin Văn bản số 34-CV/TU của Tỉnh ủy. Vì qua đó thể hiện các vấn đề liên quan đến dự án thủy điện nói chung, và việc khảo sát quy hoạch dự án thủy điện nhỏ nói riêng tiếp tục được cấp cao nhất của tỉnh quan tâm, để có những quyết định chính xác.