Gỡ nút thắt “hiếm” đất nguyên liệu

Quy định của luật cần phải được tuân thủ, thực hiện đúng, đủ là lẽ đương nhiên. Nhưng quá trình áp dụng thực hiện luật, có những quy định chưa thực sự phù hợp với thực tiễn của địa phương cơ sở, bên cạnh đó còn tạo ra những bất cập làm nảy sinh hệ lụy thì cần kiến nghị điều chỉnh.

Qua làm việc với nhiều địa phương như Thanh Chương, Yên Thành, Tân Kỳ…, cảm nhận là các cán bộ liên quan rất băn khoăn khi chương trình xây dựng nông thôn mới, dự án phát triển kinh tế bị đình trệ; nhu cầu chính đáng của một bộ phận người dân trong cải tạo đất vườn ở chuyển đổi cây trồng phát triển kinh tế, hoặc xây dựng công trình không được giải quyết; trong khi đó, nảy sinh ra những hệ lụy gây khó cho công tác quản lý. Nghe những tâm sự này, câu hỏi chúng tôi đặt ra là địa phương đã có kiến nghị gì với ngành chuyên môn và cấp trên để được tháo gỡ, hướng dẫn cách giải quyết hay chưa? Tất thảy cán bộ khi được hỏi thì đều cho biết là đã có văn bản hỏi nhiều lần, nhưng đều chưa có giải pháp tháo gỡ vì “luật không cho phép”.

Như huyện Thanh Chương cho hay, trước năm 2016, từng đã kiến nghị và đã được giải quyết. Ở thời điểm này, Sở TN&MT hướng dẫn việc xử lý các trường hợp chỉnh trang đồng ruộng, cải tạo nương vườn có đất dôi dư tại Văn bản 3816/TB-STNMT (ngày 19/7/2016) là:

“Đối với các trường hợp chỉnh trang đồng ruộng (theo kế hoạch chuyển đổi ruộng đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép) hoặc cải tạo nương vườn đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế hiện trạng sử dụng đất; giao UBND các xã, thị trấn lập kế hoạch cụ thể về phương án cải tạo (nêu rõ phạm vi, khối lượng cải tạo, phương án thực hiện, thời hạn cải tạo và phương án xử lý đất dôi dư nếu có), trình UBND huyện phê duyệt, để triển khai thực hiện (UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm giám sát việc thực hiện theo kế hoạch đã phê duyệt); tuyệt đối không được lợi dụng việc chỉnh trang đồng ruộng hoặc cải tạo nương vườn để bán tài nguyên đất để trục lợi”.

Trường Tiểu học thị trấn Quỳ Hợp xuống cấp trầm trọng, trong khi kinh phí đầu tư xây dựng đang chờ vào khu quy hoạch đất ở dân cư đang “bất động” do không có đất san lấp.
Trường Tiểu học thị trấn Quỳ Hợp xuống cấp trầm trọng, trong khi kinh phí đầu tư xây dựng đang chờ vào khu quy hoạch đất ở dân cư đang “bất động” do không có đất san lấp.

Huyện Thanh Chương đã chỉ đạo các xã thực hiện theo hướng dẫn này được một thời gian. Tuy nhiên một thời gian sau lại nhận được yêu cầu từ chính Sở TN&MT là dừng không thực hiện theo hướng dẫn này, lý do vì trái với quy định của Luật Khoáng sản. Cũng từ đó, các dự án trên địa bàn, cùng nhiều công trình hạ tầng xây dựng nông thôn mới cần nguồn đất san lấp đã bị đình trệ; đồng thời, nhiều hộ dân làm tờ trình xin được cải tạo vườn đồi, cũng không được xem xét giải quyết, dẫn đến bức xúc. Trước thực trạng này, UBND huyện Thanh Chương lại phải có thêm nhiều văn bản kiến nghị lên Sở TN&MT để có hướng dẫn mới. Trả lời huyện Thanh Chương tại Văn bản số 4903/STNMT-KS ngày 24/9/2020, theo Sở TN&MT thì:

“Trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường có trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân có dôi dư sản phẩm là khoáng sản đất, đá làm vật liệu thông thường: Hiện chưa có quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn về vấn đề này, do vậy đề nghị UBND huyện Thanh Chương tiếp tục thực hiện công tác quản lý theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ được UBND tỉnh phân công, phân nhiệm, nghiêm cấm việc lạm dụng, lợi dụng việc cải tạo vườn để bán đất phục vụ san lấp mặt bằng, làm gạch…”.

Đê sông Trai, đoạn xã Thanh Thịnh giai đoạn 2 chưa hoàn thiện, trong khi phần giai đoạn 3 có quyết định từ cuối tháng 6/2020 đến nay nhưng chưa được thực hiện.
Đê sông Trai, đoạn xã Thanh Thịnh giai đoạn 2 chưa hoàn thiện, trong khi phần giai đoạn 3 có quyết định từ cuối tháng 6/2020 đến nay nhưng chưa được thực hiện.

Từ bất cập có thực tạo ra nhiều những hệ lụy ở các địa phương cơ sở, Sở TN&MT đã có giải pháp gì tháo gỡ?. Câu trả lời của Sở TN&MT là đã từng đề nghị lên Bộ TN&MT nội dung: “Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản khi khai thác trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó (Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010). Đề nghị sửa đổi, bổ sung đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cho phép cải tạo đất nông nghiệp (sau chuyển đổi ruộng đất), vườn đồi phục vụ cho sản xuất lâm nghiệp (không phải đất ở), nếu nhu cầu sử dụng không hết, thì được phép cung cấp cho thị trường”. Tuy nhiên chưa được Bộ TN&MT trả lời!

Cũng theo Phòng Khoáng sản, Sở TN&MT, tháng 7/2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thành, thị rà soát mỏ đất phục vụ nhu cầu san lấp trên địa bàn tỉnh, để tiến tới điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, cấp phép hoạt động khoáng sản. Chỉ đạo của tỉnh hiện đang được thực hiện; Sở TN&MT cũng đang đôn đốc các huyện, thành, thị lựa chọn các khu vực mỏ đất làm vật liệu san lấp có tiềm năng, phục vụ các công trình dự án phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương để tổng hợp và kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh. Và đây, được xem như là giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu đất san lấp ở nhiều địa phương!.

Băn khoăn, vì như vậy những ách tắc lâu nay sẽ chậm được hóa giải. Tìm kiếm, chúng tôi biết được ở một số tỉnh bạn đã có những quy định về nội dung này. Cụ thể như tỉnh Hòa Bình, từ tháng 11/2015 đã ban hành Quyết định số 36/2015/QĐ-UBND quy định về việc quản lý, cấp phép khai thác đất san, lấp khi cải tạo mặt bằng. Căn cứ để UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 36/2015/QĐ-UBND gồm: Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 3/12/2004; Luật Thuế tài nguyên năm 2009; Luật Đất đai năm 2013; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 28/111/2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu cấp quyền khai thác khoáng sản; Thông tư số 16/2012/TT-BTNMT ngày 29/11/2012 của Bộ TN&MT…

Đối tượng áp dụng của quyết định này gồm tổ chức, cá nhân xin khai thác đất san, lấp khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; cá nhân, hộ gia đình cải tạo mặt bằng trong diện tích đất nông nghiệp được giao có kết hợp xin khai thác đất sạn san, lấp để phục vụ thi công các công trình; cá nhân, hộ gia đình đề nghị được đăng ký cải tạo san lấp mặt bằng trong phạm vi đất được giao; cá nhân, hộ gia đình có giấy phép xây dựng nhà ở, công trình trong quá trình thi công xây dựng có phát sinh khối lượng đất san, lấp cần vận chuyển đi nơi khác.

Trong khuôn viên vườn nhà gia đình chị Trần Văn Kỷ, thôn Lam Thịnh, xã Thanh Thịnh có một đồi đất phía sau thường sạt lở khi có mưa lớn. Chị Kỷ từng làm đơn xin được san gạt nhưng UBND xã không đồng ý vì nếu chuyển đất dôi dư ra ngoài phạm vi đất gia đình được giao là vi phạm pháp luật.
Trong khuôn viên vườn nhà gia đình chị Trần Văn Kỷ, thôn Lam Thịnh, xã Thanh Thịnh có một đồi đất phía sau thường sạt lở khi có mưa lớn. Chị Kỷ từng làm đơn xin được san gạt nhưng UBND xã không đồng ý vì nếu chuyển đất dôi dư ra ngoài phạm vi đất gia đình được giao là vi phạm pháp luật.

Cũng tại đây, UBND tỉnh Hòa Bình quy định chi tiết từng nội dung, trường hợp nào phải đề nghị cấp giấy phép khai thác, trường hợp không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác nhưng phải đăng ký tại UBND cấp huyện, cấp xã; những hành vi bị cấm; trình tự thủ tục cấp, gia hạn giấy phép khai thác đất san, lấp; thu hồi giấy phép khai thác đất sa, lấp; hoàn công sau khai thác đất san, lấp; quản lý nhà nước về khai thác đất san, lấp khi cải tạo mặt bằng; cơ chế quản lý, giám sát…Cùng với đó là đầy đủ các mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép khai thác; phương án thi công dự án cải tạo mặt bằng và khai thác đất san, lấp…

Vậy nhưng khi trao đổi về những quy định của tỉnh Hòa Bình, cán bộ Sở TN&MT khẳng định “làm như vậy là không đúng với quy định của luật”. Thêm băn khoăn. Vì như thế sẽ đồng nghĩa các dự án được xem là cấp bách, cần đảm bảo tiến độ như đã thấy ở Thanh Chương, Yên Thành, Quỳ Hợp… sẽ tiếp tục “bất động”. Những công trình xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ chương trình nông thôn mới ở nhiều địa phương cơ sở sẽ chưa biết đến khi nào được giải quyết. Đâu là câu trả lời cho rất nhiều hộ gia đình có nhu cầu chính đáng là cải tạo mặt bằng vườn đồi để chuyển đổi cây trồng, xây dựng công trình phục vụ cuộc sống? Và chẳng lẽ cùng là địa phương cấp tỉnh, cùng áp dụng chung một hệ thống văn bản pháp luật, thì Hòa Bình có thể quy định về việc quản lý, cấp phép khai thác đất san, lấp khi cải tạo mặt bằng; còn Nghệ An lại không thể?