Nhận thức rõ quan điểm “kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng”, trong suốt nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã luôn chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp; đưa công tác kiểm tra của Đảng bộ từng bước đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính nghiêm minh, giáo dục trong tổ chức Đảng các cấp, được dư luận đồng tình.
Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, ủy ban kiểm các cấp đã chủ động tham mưu quán triệt vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời triển khai các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo để cụ thể hóa quy định của cấp trên và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả, như: Chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hằng năm; quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; quy chế phối hợp công tác giữa các ban xây dựng Đảng, Ủy ban Kiểm tra và Văn phòng Tỉnh ủy với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh; các quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; quy định về tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ, quy định lập và lưu trữ hồ sơ các cuộc kiểm tra, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; quy trình tiến hành công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy…
Đặc biệt, năm 2019, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành hệ thống quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; giữa Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh; giữa Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội cấp tỉnh trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật. Hệ thống quy chế đã phân định rõ trách nhiệm, nội dung, cách thức phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả, tránh chồng chéo về đối tượng, nội dung thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã ban hành quy chế công tác đối với cán bộ theo dõi địa bàn, lĩnh vực của cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; ủy ban kiểm tra các cấp đã phân công ủy viên ủy ban kiểm tra cấp mình thực hiện nhiệm vụ giám sát địa bàn, lĩnh vực; đồng thời chịu trách nhiệm về các ý kiến đề xuất và hiệu quả của từng nhiệm vụ được giao. Qua đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động khi xử lý tình huống và giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh, góp phần ổn định tình hình.
Nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức kiểm tra 51 cuộc, giám sát 45 cuộc. Nội dung tập trung một số lĩnh vực quan trọng như: Quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, xây dựng cơ bản, công tác cán bộ, cải cách hành chính; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, công tác quốc phòng, an ninh; việc kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Ban Chấp hành Trung ương và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới… Qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Việc kiểm tra, giám sát được tiến hành đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục nên đã nhận được sự nhất trí cao trong tổ chức Đảng và đảng viên; tạo sự đồng thuận trong xã hội, không có khiếu nại về kỷ luật Đảng.
Cấp ủy các cấp kiểm tra 9.166 lượt tổ chức Đảng, 19.062 lượt đảng viên; giám sát chuyên đề 10.058 lượt tổ chức Đảng, 13.101 lượt đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra 9.544 lượt tổ chức Đảng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; kiểm tra thi hành kỷ luật đối với 7.602 lượt tổ chức Đảng. Giám sát chuyên đề 6.225 lượt tổ chức Đảng và 8.777 lượt đảng viên; kiểm tra 2.314 lượt tổ chức Đảng và 4.297 lượt đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm (trong đó, có 2.107 cấp ủy viên các cấp).
Qua kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm cho thấy, ủy ban kiểm tra các cấp đã coi trọng việc lựa chọn những lĩnh vực, nội dung trọng tâm, trọng điểm có nhiều bức xúc, nổi cộm, được dư luận quan tâm; khi cần thiết có thể kiểm tra cách cấp đối với tổ chức Đảng và đảng viên, trong nhiệm kỳ, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tiến hành kiểm tra đối với một số tổ chức Đảng và đảng viên cấp xã có dấu hiệu vi phạm liên quan đến quản lý đất đai và điều hành ngân sách. Các cuộc kiểm tra kết luận rõ ràng, chính xác các khuyết điểm, xử lý nghiêm túc, đảm bảo tính giáo dục, răn đe.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ, ngay từ khi Nghị quyết mới ban hành, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy định hướng, gợi ý kiểm điểm đối với 10 tập thể ban thường vụ cấp ủy huyện và lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; tiến hành giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đối với 17 tập thể, cá nhân người đứng đầu trong việc khắc phục, sửa chữa những biểu hiện đã chỉ ra và kết quả xử lý, giải quyết những vụ việc bức xúc, nổi cộm; thực hiện việc kê khai tài sản, quy định nêu gương…
Những kết quả trên đã tạo dấu ấn quan trọng và khẳng định vai trò của công tác kiểm tra, giám sát là “nòng cốt” cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ủy ban kiểm tra các cấp đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong từng địa phương, đơn vị; đồng thời đã củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân với Đảng.
Với mục tiêu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong giai đoạn phát triển mới, để công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục phát huy vai trò, vị trí quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt hiệu quả, ý nghĩa hơn nữa, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp cần nhận thức đúng, đầy đủ và thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng và ủy ban kiểm tra các cấp, trước hết là người đứng đầu về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Cấp ủy phải gương mẫu thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; xây dựng hệ thống quy chế làm việc với cơ chế phối hợp rõ ràng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Thứ hai, các cấp ủy chủ động xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát trong cả nhiệm kỳ và hằng năm sát với tình hình thực tiễn, có tính khả thi, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm như quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân sách, xây dựng cơ bản, công tác cán bộ… Tiếp tục tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với từng thời gian, yêu cầu cụ thể.
Thứ ba, Ủy ban kiểm tra các cấp phải chủ động, tích cực tham mưu và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng. Quan tâm phát hiện, kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, nhất là đối với đảng viên là cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý; tiếp tục tăng cường kiểm tra cách cấp theo quan điểm chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, khi đã phát hiện dấu hiệu vi phạm phải nhanh chóng kiểm tra, làm quyết liệt, triệt để, giải quyết dứt điểm.
Thứ tư, các cấp ủy, tổ chức Đảng thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường cán bộ cho ủy ban kiểm tra các cấp tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao. Chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng, phát huy năng lực cán bộ kiểm tra theo hướng chuyên sâu; có chế độ, chính sách khuyến khích thu hút cán bộ kiểm tra.
Thứ năm, tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của ủy ban kiểm tra cấp trên đối với ủy ban kiểm tra cấp dưới. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các tổ chức Đảng, cơ quan có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng. Theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện các quyết định, kết luận sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đảm bảo tính nghiêm minh.
Thực tiễn sinh động khẳng định tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã chỉ rõ mục đích và ý nghĩa tác dụng của công tác kiểm tra: “Nếu công tác kiểm tra cho chu đáo thì cũng như ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ… Có thể nói rằng: Chín mười phần khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”. Chính vì vậy, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát sẽ góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng.