Mặc dù từ gần 2 năm trước, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải hạn chế, tiến tới xóa bỏ vấn nạn xe dù. Tuy nhiên, thực trạng đến nay lại đang trở nên nhức nhối hơn khi mà số lượng xe dù ngày một tăng ngoài tầm kiểm soát, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận tải khách của các nhà xe, hãng xe được cấp phép chính thống.
Theo tìm hiểu của phóng viên, xe dù từ 5 đến 12 chỗ (phần lớn là 7 chỗ), chỉ xuất hiện ở Nghệ An khoảng 5 năm trở lại đây. Gần 2 năm trước, tháng 10/2018, Báo Nghệ An đã có loạt bài phóng sự điều tra “xe dù náo loạn” phản ánh tình trạng bát nháo của loại hình vận tải này. Ngay sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn yêu cầu các ngành, địa phương phải thực hiện các biện pháp để hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ xe dù.
Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở Giao thông vận tải theo dõi, nắm tình hình xe vận tải khách kinh doanh trái phép, tiếp tục chỉ đạo Thanh tra Sở kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm đối với xe ô tô chở người loại từ 5 chỗ đến dưới 12 chỗ tham gia kinh doanh vận tải trái phép. Rà soát các quy định của pháp luật, kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô chở người đối với loại xe này (không hoạt động theo loại hình vận tải khách bằng xe taxi) để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước. Phối hợp với chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã ký cam kết với các chủ xe không kinh doanh vận tải trái quy định.
UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh lập kế hoạch, mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý nghiêm các xe ô tô chở người từ 5 đến dưới 12 chỗ hoạt động vận tải khách trái quy định trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, xử lý theo quy định các vi phạm đối với loại xe này. Đồng thời, chỉ đạo công an các huyện, thành phố, thị xã, đặc biệt là công an TP. Vinh (nơi tập trung nhiều các phương tiện hoạt động) phối hợp với chính quyền cấp xã tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải đến các chủ xe chở người từ 5 đến dưới 12 chỗ có dấu hiệu tham gia kinh doanh vận tải khách trái quy định.
Tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu TP. Vinh chỉ đạo Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô trên địa bàn, đặc biệt là đối với các xe ô tô chở người từ 5 đến dưới 12 chỗ (đặc biệt các vị trí, địa điểm các xe này thường dừng, đỗ để đón, trả khách trên các tuyến đường). UBND các huyện, thị xã chỉ đạo Ban an toàn giao thông cấp huyện chủ trì, phối hợp với UBND cấp xã khảo sát, thống kê, lập danh sách các chủ xe cá nhân từ 5 đến 12 chỗ có dấu hiệu sử dụng loại xe này tham gia hoạt động kinh doanh vận tải khách. Tổ chức ký cam kết, chỉ đạo lực lượng công an tăng cường kiểm tra, xử lý theo quy định các vi phạm đối với loại xe này.
Mặc dù lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã quan tâm, chỉ đạo kịp thời, nhưng sau gần 2 năm, không những không được hạn chế, mà vấn nạn xe dù lại càng trở nên nhức nhối, khó kiểm soát hơn. Số lượng xe dù đã tăng lên, thậm chí được đầu tư nhiều lên để cạnh tranh với nhau. Ở một số địa phương như phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai), xã Thuận Sơn (huyện Đô Lương) còn có phong trào sắm xe cũ để chạy khách vì thấy hàng xóm “làm ăn được” số lượng xe dù đã lên tới hàng chục chiếc mỗi xã; mặc dù chính quyền địa phương cũng đã nỗ lực tuyên truyền, vận động. “Chúng tôi đến thì họ bảo dạo này không chạy nữa. Không đón khách nữa. Chúng tôi cũng chịu”, một lãnh đạo phường Quỳnh Xuân nói.
Ông Nguyễn Công Lý – Phó Chánh Thanh tra giao thông Sở GTVT Nghệ An cho rằng, hành khách lựa chọn xe dù sẽ đối mặt với nguy cơ rủi ro cao, khi những lái xe này không được khám sức khỏe định kỳ, dẫn đến tình trạng tài xế nghiện ma túy, say rượu, mất ngủ, không đảm bảo sức khỏe nhưng vẫn cầm lái, ảnh hưởng đến tính mạng nhiều người. “Thời gian chạy không khoa học có thể gây ra các nguy cơ về tai nạn giao thông, mà người chịu thiệt thòi nhất là những hành khách đi trên các chuyến xe này”, ông Lý nói. Trên thực tế, cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn của loại hình vận tải này. Nguyên nhân chủ yếu do tài xế không bị quản lý giờ giấc, dẫn đến việc nhận khách bất cứ lúc nào. Lái xe trong lúc buồn ngủ nên dẫn đến tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, ông Lý cũng thừa nhận việc kiểm tra và xử lý các xe này không dễ, đặc biệt là khi mà cánh tài xế xe dù đang ngày càng tinh vi hơn. “Chúng tôi muốn xử phạt họ thì phải có bằng chứng họ thu tiền của khách. Nhưng khi chặn xe lại, hành khách trên xe lại hợp tác với tài xế do đã được dặn trước. Họ toàn khai là người nhà đi cùng xe nên không thể xử lý được. Nhiều vụ xử phạt, chúng tôi phải hóa trang lên xe đóng vai hành khách”, ông Lý nói và cho biết thêm, dù đã rất nỗ lực, nhưng từ đầu năm đến nay, chỉ xử phạt được hơn 10 chiếc xe dù loại 7 chỗ.
Trong khi đó, các hãng xe bus trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhiều năm nay nhiều lần “kêu cứu” vì bị loại hình vận tải bất hợp pháp o ép, cướp hết hành khách. Trong khi xe buýt và xe khách tuyến cố định phải đóng thuế, phí, đồng thời chịu sự kiểm soát của cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn giao thông thì xe dù lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Có hãng xe bus tại một số tuyến liên tục thua lỗ khiến hãng phải điều chỉnh số lượng. Trước tình trạng cướp khách ngay trước mặt, đã có không ít vụ va chạm giữa tài xế xe buýt và xe dù xuất phát từ sự cạnh tranh không công bằng này. Ở thành phố, mật độ giao thông chật chội, trong khi xe buýt cồng kềnh phải chậm rãi di chuyển để đón khách thì các xe dù lại luồn lách rất nhanh để giành giật khách ngay “trước miệng” của xe bus.
Xe dù lộng hành không chỉ gây nên tình trạng hỗn loạn trên các tuyến đường mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cao. Thông thường, những chiếc xe vận tải hành khách sẽ có hệ thống định vị, hệ thống đo tốc độ gửi về chủ nhà xe cũng như cơ quan chức năng, tuy nhiên các xe dù không có các thiết bị này. Do không thuộc một công ty, tổ chức nào nên không ai kiểm soát được tốc độ, thời gian làm việc của tài xế. Các nhà xe chính thống, trong tiền vé đã có bảo hiểm rủi ro, tuy nhiên đối với xe dù, việc này đương nhiên không có. Nếu xảy ra rủi ro, chắc chắn người thiệt thòi vẫn là hành khách.
Khi phóng viên thực hiện loạt bài này, tiếp cận với nhiều tài xế xe dù, một số thể hiện sự tự tin, thậm chí tỏ vẻ thách thức pháp luật vì cho rằng họ đủ sự tinh vi để không bị xử lý. Có thể nói, tình trạng xe dù ở Nghệ An đã trở nên nhốn nháo, phức tạp, dần trở thành vấn nạn, cần một sự mạnh tay hơn nữa của cơ quan chức năng mới có thể hạn chế, tiến tới xóa bỏ loại hình vận tải bất hợp pháp này như UBND tỉnh đã chỉ đạo.