Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, Nghệ An được xác định ở vị trí trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, nhờ vào những tiềm năng mà không phải địa phương nào cũng có. Thứ nhất, tỉnh có hệ thống giao thông tương đối phát triển và thuận lợi. Riêng về đường hàng không, hiện nay trung bình 1 ngày có 20 chuyến bay tới TP. Vinh và ngược lại từ các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, Cần Thơ…
Thứ hai, Nghệ An có bờ biển trải dài trên 82 km, với nhiều bãi tắm đẹp, cát trắng, nước trong, có độ mặn vừa phải, môi trường trong lành, hệ động, thực vật biển phong phú, là điều kiện thuận lợi cho phát triển loại hình tour du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng.
Thứ ba, Nghệ An là tỉnh có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử. Trên địa bàn có dày đặc loại hình di tích. Theo số liệu kiểm kê năm 2019, Nghệ An có 2.602 di tích lịch sử, văn hóa. Trong đó, có 442 di tích được xếp hạng, với 4 di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt, 145 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 293 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Trong đó, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên chính là “trái tim” của cả nước và bè bạn năm châu. Bên cạnh đó, Nghệ An có kho tàng văn hóa và tín ngưỡng phong phú tạo nên bản sắc riêng biệt; hàng năm có hàng chục lễ hội dân gian lớn, nhỏ; Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại…
Trên địa bàn, đặc biệt là ở miền núi, có nhiều làng, bản vẫn lưu giữ được các giá trị truyền đời, có thể đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, tiêu biểu như: Bản Khe Rạn – xã Bồng Khê, bản Nưa – xã Yên Khê, bản Xiềng – xã Môn Sơn (Con Cuông); bản Hoa Tiến – xã Châu Tiến (Quỳ Châu); bản Na Xai và Hủa Mương – xã Hạnh Dịch (Quế Phong); bản Thái Minh – xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) … Cùng với đó, tỉnh còn có 152 làng nghề và khoảng 300 làng có nghề với đa dạng loại hình, từ sản xuất mỹ nghệ, may mặc, tiêu dùng cho đến thực phẩm. Mỗi làng nghề đều chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, tiêu biểu như: Làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên (Nghi Lộc); Làng nghề nồi đất nung ở xã Trù Sơn (Đô Lương); Làng nghề nước mắm Vạn Phần (Diễn Châu); Làng nghề miến gạo Quy Chính – Làng nghề tương Sa Nam (Nam Đàn).
Nghệ An cũng có rất nhiều thắng cảnh đẹp như đảo chè Thanh Chương, thác 7 tầng, thác Kèm, hồ Thủy điện Bản Vẽ, hồ Thủy điện Hủa Na, hang Bua… Tỉnh còn có các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn Quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Riêng Vườn Quốc gia Pù Mát có 2.494 loài thực vật; 132 loài thú (42 loài trong số này là những loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ theo trong Danh lục đỏ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên).
Theo đánh giá của nhà báo Hàn Quốc Kim Seok Moo trong chuyến khảo sát du lịch Nghệ An năm 2019: Tài nguyên, tiềm năng du lịch của tỉnh Nghệ An còn đa dạng và phong phú hơn của một quốc gia. Vấn đề cần đặt ra là khai thác, sử dụng tài nguyên đó một cách hợp lý, hiệu quả, biến tiềm năng thành giá trị kinh tế địa phương, quốc gia.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An: Xác định rõ tiềm năng và lợi thế, thời gian qua, các cấp, ngành địa phương trong tỉnh đã không ngừng cố gắng để thúc đẩy du lịch phát triển, thực hiện tốt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch phát triển mạnh mẽ. Không gian du lịch được mở rộng, loại hình sản phẩm du lịch đa dạng hơn với một số điểm đến mới có sức hấp dẫn du khách. Bên cạnh sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử gắn với tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng biển, có thêm du lịch sinh thái, du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch cộng đồng. Nhiều lễ hội được đổi mới, thu hút đông đảo du khách thập phương. Một số sản phẩm làng nghề bước đầu được khách du lịch chấp nhận. Công tác quản lý Nhà nước về du lịch được tăng cường một bước, hiệu quả ngày càng rõ hơn.
Kết quả cụ thể: Lượng khách đến ngày càng nhiều, doanh thu du lịch tăng cao, mức chi tiêu của khách có bước cải thiện đáng kể. Trong giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng khách du lịch toàn tỉnh đạt bình quân 6,05%/năm, doanh thu dịch vụ du lịch tăng 21,2%/năm. Tuy năm 2016 bị sụt giảm mạnh do tác động tiêu cực của sự cố môi trường biển các tỉnh miền Trung, nhưng 2 năm 2017 và 2018, du lịch Nghệ An đã có bước phục hồi nhanh chóng, lượng khách du lịch lưu trú tăng bình quân 15,5 %/năm; doanh thu dịch vụ du lịch tăng 29,5%/năm. Năm 2019 vừa qua, toàn tỉnh đón 6,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó 4,7 triệu lượt khách lưu trú, tăng 9,5%; tổng thu du lịch ước đạt 8.800 tỷ đồng, trong đó doanh thu các dịch vụ du lịch ước đạt 4.580 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2018.
Ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh: “Những năm gần đây, du lịch Nghệ An “được mùa” hướng bền vững. Mặc dù gặp những khó khăn nhất định cả về thời tiết lẫn khủng hoảng kinh tế giữa các quốc gia trên thế giới, song hệ thống môi trường du lịch của Nghệ An vẫn ổn định để thu hút du khách trong nước và quốc tế. Du lịch Nghệ An đang có tốc độ tăng trưởng khá với mức tăng mỗi năm là 10% lượng khách, trên 20% doanh thu”.
Thành quả của du lịch Nghệ An có được chính là nhờ kinh tế của đất nước tăng trưởng cao; kinh tế – xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, môi trường đầu tư được cải thiện mạnh mẽ. Bản thân ngành Du lịch thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, địa phương…
Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch Nghệ An vẫn còn những hạn chế, chưa xứng với tiềm năng. Hạn chế lớn nhất của du lịch Nghệ An là sản phẩm du lịch vẫn thiếu đa dạng và chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, tạo được sức hút đối với du khách.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chuyên gia tư vấn phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhận xét: “Nghệ An chưa đưa được các điểm du lịch lên tầm đẳng cấp làm sao để khách du lịch thấy được giá trị riêng, độc đáo, khác biệt mà lần đầu tiên họ được thưởng thức, hưởng thụ. Tài nguyên du lịch tuy nhiều nhưng phân bố không tập trung, sự nổi trội còn hạn chế”.
Còn PGS.TS Phạm Trung Lương – Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Chủ tịch Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam cho rằng, Nghệ An đang có những hạn chế trong việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Ngoài ra, những năm qua, Nghệ An chưa phát triển được dịch vụ ban đêm, khách lưu trú qua đêm không có điểm đến giải trí, khiến nguồn thu từ dịch vụ du lịch hạn chế.
Theo các chuyên gia du lịch: Thời gian tới, du lịch Nghệ An sẽ đối mặt với sự cạnh tranh trong phát triển giữa các địa phương trong vùng, nhất là về điểm đến du lịch. Nhu cầu vốn đầu tư cho du lịch rất lớn, trong khi nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch. Các tỉnh trong khu vực cũng có sự đầu tư tốt hơn, đơn cử tỉnh Thanh Hóa kinh phí sự nghiệp dành cho du lịch là 35 tỷ đồng/năm, tỉnh Hà Tĩnh là 15 tỷ đồng/năm; trong khi kinh phí sự nghiệp dành cho du lịch Nghệ An là 6 – 7 tỷ đồng/năm.
Do đó, để đạt được nhiều thành quả hơn trong phát triển du lịch, Nghệ An cần thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp, chiến lược vào đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng riêng của Nghệ An. Và muốn thu hút được đầu tư, trước hết Nghệ An cần giải quyết 2 vấn đề quan trọng, đó là cải cách hành chính để có môi trường thông thoáng, hấp dẫn, phù hợp pháp luật và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ.