Nghệ An vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 khi chưa ghi nhận ca bệnh nào. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay không chỉ có dịch mà còn là bài toán kinh tế trong đại dịch. Phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An về vấn đề này.
P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống Covid-19 của Nghệ An suốt 4 tháng qua?
Đồng chí Bùi Đình Long: Từ tháng 1/2020 đến nay, dịch Covid-19 từ Vũ Hán (Trung Quốc) đã nhanh chóng lây lan ra toàn cầu với những diễn biến rất phức tạp, khó lường. Để phòng, chống Covid-19, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, “Mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch”.
Tại Nghệ An, công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã được tỉnh triển khai từ rất sớm. Tỉnh đã chủ động xây dựng các kịch bản, phương án chống dịch linh hoạt trên nguyên tắc “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị” và chỉ đạo thực hiện đồng bộ từ tỉnh xuống xã, đảm bảo tốt phương châm “4 tại chỗ”.
Các lực lượng quân đội, công an, y tế và các tổ chức, đoàn thể đã có sự phối hợp tác chiến bài bản, chặt chẽ và nhuần nhuyễn, đặc biệt là trong công tác ngăn chặn, phát hiện, cách ly. Hoạt động thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức trên báo, đài, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội… Qua đó đã giúp cho người dân có nhận thức đầy đủ hơn về dịch Covid-19 cũng như các biện pháp phòng, chống và tạo nên ý thức, hành động thiết thực chung tay chống dịch có hiệu quả.
Toàn tỉnh đã tổ chức cách ly phòng bệnh cho trên 10.400 người về từ vùng dịch, có liên quan đến người bệnh. Trong đó, cách ly tập trung tuyến tỉnh cho hơn 7.000 người. Tất cả các trường hợp liên quan đến ổ dịch, chuyến bay đều được kiểm soát chặt chẽ. Tỉnh đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho gần 8.000 người và cho đến nay tất cả các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với virus. Trên địa bàn toàn tỉnh chưa có trường hợp nào mắc Covid-19.
Công tác vận động Quỹ ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phát động đã thu hút sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, người dân. Tổng số tiền, hàng hóa đăng ký ủng hộ trên địa bàn tỉnh là 71 tỷ đồng (đứng thứ 3 toàn quốc sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh).
P.V: Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, Nghệ An đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nào?
Đồng chí Bùi Đình Long: Nghệ An đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh song khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều. Nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập, lây lan trên địa bàn vẫn là rất lớn. Dịch Covid-19 ở nước ngoài còn phức tạp, có những nơi trên thế giới còn chưa qua đỉnh dịch.
Ở trong nước, hiện nay, chúng ta không còn hoặc có rất ít ca bệnh mới, song vẫn có thể có mầm bệnh, có người mang virus nhưng không phát hiện ra được. Bởi vì qua tổng kết có nhiều trường hợp mắc virus không có triệu chứng lâm sàng hoặc những triệu chứng lâm sàng rất mờ nhạt, chỉ đau mỏi cơ thể, triệu chứng của cảm cúm, dấu hiệu rất mơ hồ nên rất dễ bỏ qua. Nước ta vì chưa có miễn dịch cộng đồng nên khả năng lây nhiễm trở lại là rất lớn.
Bên cạnh đó, tình trạng bệnh nhân tái dương tính trở lại mặc dù đã được chữa khỏi bệnh cũng rất đáng lo ngại. Trong thời gian qua, tại Việt Nam đã ghi nhận 6 trường hợp như vậy, trong đó có bệnh nhân 137, quê ở huyện Yên Thành. Trên lý thuyết, những bệnh nhân tái dương tính vẫn có khả năng lây lan cho người khác, mặc dù chưa ghi nhận các ca lây nhiễm thứ phát từ các ca này.
Xu thế Việt Nam sẽ mở cửa dần các cửa khẩu, nhiều công dân Việt Nam từ nước ngoài về, đặc biệt các nước tâm dịch, đòi hỏi Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng phải tiếp tục làm tốt việc cách ly, việc tổ chức các cơ sở cách ly tập trung, đòi hỏi phải dành những nguồn lực nhất định cho công tác phòng, chống dịch.
Trong khi đó, đến thời điểm này, đã có một bộ phận người dân nảy sinh tư tưởng chủ quan với dịch Covid-19, không thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy định của Nhà nước và của địa phương…
P.V: Thời gian tới, Nghệ An sẽ triển khai thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội như thế nào?
Đồng chí Bùi Đình Long: Để thực hiện tốt nhiệm vụ “kép” này, Nghệ An quyết tâm thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với nội dung trọng tâm là “xác định trạng thái bình thường mới” trong phòng, chống dịch Covid-19, “thực hiện nghiêm cách ly xã hội nhưng phải đảm bảo lưu thông hàng hóa, giải quyết việc làm và phát triển kinh tế – xã hội”.
UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo ngành Y tế và các địa phương tập trung giám sát, quản lý chặt chẽ người trở về vùng dịch, đặc biệt chú ý các trường hợp bệnh nhân Covid-19 âm tính sau khi ra viện trở về cộng đồng; làm tốt công tác kiểm soát, kiểm dịch của khẩu; thực hiện tốt việc giám sát, điều tra dịch tễ; đẩy mạnh hoạt động khám sàng lọc, lấy mẫu, xét nghiệm cho tất cả các trường hợp nghi ngờ; các trường hợp cách ly tập trung, chủ động trong phòng, chống dịch không để bị động.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường hơn nữa hoạt động truyền thông để mọi người dân xây dựng nếp sống mới, văn minh, tác phong làm việc mới chung sống an toàn với Covid-19; hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, hạn chế tập trung đông người; có ý thức đeo khẩu trang bắt buộc trong các hoạt động cộng đồng, đi học, đi chợ, tham gia giao thông…; thường xuyên rửa tay sát khuẩn; huy động khoảng cách tối thiểu giữa người với người trong các hoạt động thường xuyên.
Tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục tổ chức tốt việc đưa học sinh trở lại trường học, đảm bảo phòng, chống dịch; đồng thời tổ chức kế hoạch thi học kỳ 2 theo tinh thần học đến đâu, thi đến đó. Các trường học không được chủ quan, đảm bảo tiêu chí an toàn; chú trọng giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người; thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học; kết hợp học trực tuyến; thường xuyên nhắc nhở học sinh giữ vệ sinh, xem việc rửa tay sau mỗi tiết học, mỗi buổi học là hành động thường xuyên.
Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, chính xác. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 226/KH-UBND để thực hiện. Theo đó, các nhóm đối tượng sẽ được hưởng gồm: Người có công với cách mạng đang hưởng chính sách; Hộ nghèo và cận nghèo; Người đang nhận chính sách bảo trợ xã hội; Người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động; Hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng, tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020; Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.
UBND tỉnh đã phân công rõ trách nhiệm thực hiện và yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kế hoạch này.
Tiếp tục cho phép các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, các cơ sở tham quan du lịch được hoạt động nhưng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Về lâu dài, tỉnh đã chỉ đạo từng ngành, lĩnh vực tập trung rà soát lại kịch bản tăng trưởng năm 2020, cơ cấu lại hoạt động để từng bước ổn định và đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bù đắp, giảm thiểu các thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra; đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!