Ngày 23/1, ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại nước ta. Lúc này, đại dịch không chỉ gây tang tóc cho riêng Vũ Hán (Trung Quốc) nữa mà đã đe dọa trực tiếp tới Việt Nam. Dấu mốc ngày 23/1 thực sự rất “đáng quên”, bởi từ đây những đêm trắng chống dịch xuất hiện và kéo dài. Ngay trong cái đêm cận Tết Nguyên đán ấy, Sở Y tế Nghệ An họp khẩn, tham mưu cho tỉnh triển khai các biện pháp chống dịch. Từ sự tham mưu này, rạng sáng ngày hôm sau (30 Tết âm lịch Canh Tý), công điện khẩn của UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, các ngành thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 được ban hành.
Từ đó, những đêm họp bất thường của Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đã trở thành thường lệ. PGS.TS Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế cho hay, buổi ngày, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp triển khai giải pháp phòng dịch, đến đêm, những phương án và biện pháp mới được bàn bạc, thống nhất, ra đời vào lúc 1-2 giờ sáng.
Những giải pháp như đẩy mạnh kiểm dịch biên giới, giám sát trường hợp có triệu chứng lâm sàng nghi ngờ; thiết lập 8 bệnh viện trọng tâm, thu dung bệnh nhân điều trị; thành lập 28 khu cách ly tập trung đưa công dân liên quan đến dịch bệnh vào cách ly phòng bệnh; rà soát người trở về từ nước ngoài, Bệnh viện Bạch Mai; cho học sinh nghỉ học để chống dịch… đều được ra đời trong thời khắc này, đáp ứng tốt với tình huống dịch.
Trong 2 tháng đầu năm 2020, tất cả các cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC Nghệ An) và Trung tâm Y tế các huyện đều liên tục phải thức đêm. Các phần việc điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm, gửi mẫu ra Hà Nội xét nghiệm, phun hóa chất phòng dịch cứ liên tục cuốn, nối lấy nhau. Một ngày làm việc của họ bắt đầu từ lúc 6 giờ sáng và thường kết thúc vào 2-3 giờ sáng ngày hôm sau. Những lúc mệt quá tiện đâu ngủ đấy, hồi sức tý lại dậy làm việc tiếp.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Di – Phó trưởng Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, CDC Nghệ An nói rằng, không phải lúc nào công việc cũng suôn sẻ. Chẳng hạn như ngày 14/2, đoàn công tác đi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho 3 lái, phụ xe ở thị xã Thái Hòa thì có 1 người cứ hẹn từ chiều đến tối sẽ gặp đoàn để thực hiện khai báo dịch tễ và lấy mẫu bệnh phẩm. Chỉ đến khi đoàn nhờ cơ quan công an vào cuộc thì rạng sáng 15/2 người này mới xuất hiện để được lấy mẫu và nghe hướng dẫn tự cách ly. Mệt mỏi, căng thẳng vì “bận tối mặt mày chống dịch”, vì sự thiếu hợp tác… Song rồi với suy nghĩ tất cả vì sức khỏe cộng đồng, tâm tình đó cũng tan nhanh.
Trong những ngày cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2020, số lượng mẫu bệnh phẩm ở Nghệ An cần xét nghiệm rất lớn, xấp xỉ 8.000 mẫu. Trong khi đó, các phòng xét nghiệm ở Trung ương đều quá tải; máy xét nghiệm của đơn vị công suất nhỏ. Để đáp ứng yêu cầu, các y, bác sĩ và kỹ thuật viên phải làm ngày, làm đêm không ngừng nghỉ.
Bác sĩ Bùi Thu Thủy – Trưởng Khoa Xét nghiệm, CDC Nghệ An cho hay, cán bộ, kỹ thuật viên phòng căng mình làm ngày, làm đêm cho kịp. Mệt mỏi, thèm ngủ, nhưng với niềm tin chiến thắng dịch bệnh nên vẫn thường động viên nhau “chắc chỉ khoảng 1 tuần, 5 ngày, 3 ngày nữa thôi” để cố gắng thêm gấp 2, gấp 3.
Covid-19 diễn biến phức tạp mỗi giờ, mỗi ngày. Rất nhiều tình huống dịch xảy ra trong đêm, đòi hỏi các lực lượng phải kịp thời có mặt, xử lý. Đêm 11/3, Nghệ An nhận được tin báo có người trở về từ Nhật Bản với các triệu chứng nghi ngờ đang ở trên xe khách từ Hà Nội về TP.Vinh. Ngay lập tức, các lực lượng chức năng được triển khai, lập chốt chặn xe khách trên Quốc lộ 1A. 1 giờ sáng ngày 12/3, xe khách này được chặn, giữ lại. 8 người trên xe được đưa vào khu cách ly tập trung tuyến tỉnh để lấy lời khai y tế cũng như mẫu bệnh phẩm. “Thời điểm xe khách được chặn thì 9 hành khách trên xe đã xuống dọc đường. 3 giờ sáng, Nghệ An có thông báo tới tất cả huyện, thành, thị khẩn trương truy tìm 9 hành khách nói trên. Ngay trong đêm việc truy tìm đã được thực hiện và trưa cùng ngày 9 hành khách đều được tìm thấy”, Bác sĩ Phạm Đình Du – Phó Giám đốc CDC Nghệ An kể.
Sau khi được “khai trương” vào đêm 12/3, các khu cách ly tập trung tuyến tỉnh ở Nghệ An đã có những đêm trắng với việc liên tục tiếp nhận công dân Việt Nam từ Lào, Thái Lan về nước cách ly 14 ngày phòng dịch Covid-19. 28 khu cách ly tuyến tỉnh đã đón 6.863 người về tránh dịch. Cá biệt chỉ trong 1 ngày, khu cách ly tập trung đón hơn 1.000 công dân. Bác sĩ Nguyễn Văn Long – Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Vinh cho hay: 22 giờ 30 phút tối 18/3, Khu cách ly tập trung của Quân đội tại xã Nghi Ân bắt đầu đón các công dân Việt Nam từ Lào trở về nước, thực hiện cách ly phòng, chống dịch. 5 giờ sáng 19/3, công việc kiểm tra y tế mới hoàn tất. Các y, bác sỹ chưa kịp cởi bộ đồ phòng dịch bí bức thì lại phải bắt đầu đón thêm 2 chuyến xe chở công dân Việt Nam từ Lào về qua Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) lúc 7 giờ sáng. Hôm đó, công việc nối công việc, đến tận 1 giờ sáng 20/3, các y, bác sỹ và cán bộ, chiến sỹ mới được ngả lưng.
Phục vụ cho các công dân về nước, Nghệ An đã huy động gần 1.000 cán bộ công an, quân đội, y, bác sĩ vào cùng cách ly 14 ngày với công dân. Họ đã cùng ăn, cùng ở và thức cho nhân dân ngủ. Hàng loạt các tình huống đã xảy ra yêu cầu các cán bộ thường xuyên có mặt, xử lý như: Công dân bị gãy cổ, viêm ruột thừa, động thai, sinh nở… thậm chí có cả trường hợp nghiện ma túy lên cơn phá, cạy cửa ở khu tập trung trong đêm. Và không riêng gì các cán bộ làm nhiệm vụ trực tiếp tại khu cách ly, mà các cán bộ phục vụ vòng ngoài cũng vậy. Trung úy Nguyễn Thị Hải Hà – nhân viên nuôi quân của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Đàn là một trong số đó. Ngày nào chị Hà cũng dậy từ 3 giờ sáng, nấu ăn cho công dân cách ly, đến 10 giờ đêm mới về nhà. Chị Hà cho hay, khi công dân về khu cách ly, nhiều người nói rằng “về đến đây là sống rồi”, nghe vậy mình không cố gắng làm tốt sao được?
Phòng, chống dịch Covid-19, nếu như các nhân viên y tế dự phòng là tuyến đầu chống dịch thì bệnh viện điều trị Covid-19 là chốt chặn cuối cùng. Từ tháng 1/2020 đến nay, các bệnh viện ở Nghệ An luôn trong tình trạng báo động với các bệnh nhân nghi nhiễm dịch vào cách ly, điều trị. Các y, bác sĩ điều trị cũng đã có nhiều đêm thức trắng bởi sau lưng họ rất có thể là dịch bệnh, là cái chết và cái chết ấy cũng bủa vây, rình rập chính họ. PGS.TS Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế cho hay: Phòng, chống dịch Covid-19, y, bác sĩ ứng trực, điều trị cho người bệnh suốt ngày đêm. Ai được nghỉ thì cũng không được rời khỏi đơn vị 10 km, phải sẵn sàng trở lại ứng phó tình huống dịch… Y, bác sĩ đã làm bạn thủy chung với đồ bảo hộ và khuôn mặt luôn hằn vết khẩu trang, nhưng cũng xác định rõ tâm thế vì người bệnh mình cũng có thể nhiễm Covid-19 bất cứ lúc nào.
Những đêm trắng ám ảnh do Covid-19 hiện diện nơi có người trở về từ vùng dịch. Nhiều người lo dịch không ngủ được nhưng không biết ở đâu đó có những người không được về nhà nhiều tháng trời. Đó là những y, bác sĩ kiểm dịch ở cửa khẩu; chiến sĩ biên phòng canh gác trên chốt chống dịch ở đường biên giới ngăn người xuất nhập cảnh trái phép; các anh dân quân xã, công an viên ngăn chặn người ra, vào khu vực nghi có người nhiễm. Những con người đó đi trước về sau, lặng lẽ làm “lá chắn thép”, là “tài sản quý giá nhất” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Thời điểm này, dịch Covid-19 ở Việt Nam đã tạm lắng, song nhưng đêm trắng còn chưa kết thúc bởi các tình huống dịch vẫn đang diễn ra phức tạp…