Lòng dân Yên, biên giới vững Bài 1: Những người bám biển, giữ rừng

Trong công cuộc bảo vệ, giữ yên biên giới, hải đảo, không thể thiếu vai trò “hạt nhân nòng cốt” của những người có uy tín trong dân. Họ dựa vào rừng, vào biển để phát triển kinh tế, đồng thời là “tai mắt” giúp cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng nắm bắt tình hình vùng biên giới, hải đảo, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia.

Sau nhiều lần lỡ hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được ngư dân Phan Văn Hải ở xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) sau một chuyến đi biển dài ngày trở về, anh vừa tất bật “đổ” hàng, lại vừa chuẩn bị các đồ dùng cần thiết cho một chuyến biển mới. Ngư dân rắn rỏi này hiện đang là chủ của đội tàu thuyền gồm 4 chiếc, công suất từ 540 CV đến 820 CV. Với kinh nghiệm hơn 20 năm đi biển, anh Hải là một trong những người sớm đầu tư tàu to, máy lớn để vươn khơi bám biển, và cũng là một trong những ngư dân đầu tiên của Nghệ An thực hiện đánh bắt cá ở ngư trường Hoàng Sa, vùng biển chủ quyền của Tổ quốc.

Nói về quyết tâm vươn ra các ngư trường rộng lớn, anh Hải cho biết, năm 2014, với con tàu công suất trên 400 CV, sau khi mạnh dạn vươn ra khai thác ở vùng biển Hoàng Sa về, anh Hải đã xin ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy, UBND và họp Hội Nghề cá của xã để triển khai cho các chủ tàu khai thác ngư trường Hoàng Sa. Ông Lê Bá Kỷ – Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Lập cho biết, thời điểm nắm bắt thông tin về việc Trung Quốc đặt giàn khoan 981 trong thềm lục địa của Việt Nam, anh Phan Văn Hải đã cùng nhiều ngư dân khác tích cực vươn khơi bám biển vừa gắn khai thác hải sản, phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đến nay, xã Quỳnh Lập đã có 119 tàu đăng ký tham gia khai thác vùng biển xa theo Quyết định 48 của Chính phủ.

Ngư dân Phan Văn Hải (áo trắng) cùng bạn thuyền chuẩn bị cho chuyến biển mới.
Ngư dân Phan Văn Hải (áo trắng) cùng bạn thuyền chuẩn bị cho chuyến biển mới.

Không chỉ bám ngư trường để khai thác hải sản, anh Phan Văn Hải cùng các tổ, đội tàu thuyền còn thường xuyên giữ liên lạc, đoàn kết trong hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là trong các tình huống cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Đã có rất nhiều trường hợp tàu bị cháy nổ, hoặc ngư dân bị tai nạn thương tích trên biển được các thuyền trong tổ, đội cứu giúp kịp thời. Gắn bó với biển cả hàng chục năm nay, anh Hải không nhớ hết đã bao nhiêu lần tham gia ứng cứu tàu bị nạn. Khi đã ra khơi, tất cả các tàu trong tổ, đội đều duy trì tần số liên lạc riêng, đảm bảo thông tin được thông suốt.

Kể về một trong những kỷ niệm tham gia cứu hộ, cứu nạn, anh Phan Văn Hải cho hay, có lần khi tàu của anh đang đánh bắt trên biển thì nhận được tín hiệu cấp cứu từ một tàu chở hàng của tỉnh Hải Dương, vị trí cách bờ biển khoản 50 hải lý thuộc vùng Lạch Sót. Lúc đó, sóng khá to khiến tàu hàng bị chao đảo và chìm dần. Không do dự, anh Phan Văn Hải đã điều khiển tàu của mình nhanh chóng đến khu vực tàu hàng bị nạn, cứu sống 6 thuyền viên. Anh Hải còn quay phim và chụp ảnh cảnh tàu cháy, chìm để giúp tàu bạn hoàn tất các thủ tục bảo hiểm.

“Sau khi tham gia cứu nạn, tàu của tôi phải quay về bờ để giúp tàu bạn hoàn tất các thủ tục pháp lý, chuyến đi biển đó của chúng tôi bị lỗ vốn, nhưng vẫn chấp nhận bởi tôi cũng như các bạn thuyền luôn duy trì phương châm cứu người là trên hết, đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng vươn khơi bám biển” – anh Hải chia sẻ.

Với những việc góp phần bảo vệ biển, đảo quê hương, năm 2019 ngư dân Phan Văn Hải vinh dự là 1 trong 7 điển hình của Nghệ An, 69 điển hình của cả nước được tôn vinh tại Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức tại TP. Vinh dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người.

Ngư dân Đậu Thành Kính thường xuyên liên lạc với các tổ tàu thuyền và lực lượng chức năng để thông báo tình hình trên biển.
Ngư dân Đậu Thành Kính thường xuyên liên lạc với các tổ tàu thuyền và lực lượng chức năng để thông báo tình hình trên biển.

Cũng giống như anh Phan Văn Hải, ngư dân Đậu Thành Kính ở xã Nghi Xuân (Nghi Lộc) cũng là một tấm gương được nhắc đến bởi sự tích cực trong các hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển, nổi bật là việc tìm kiếm máy bay Su 30 và tinh thần, trách nhiệm của cá nhân trong quá trình khai thác hải sản trên biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ông vừa ra khơi bám biển, vừa là đầu mối xâu nối sự đoàn kết trong các tổ, đội tàu thuyền của xã Nghi Xuân. Gắn với biển khơi từ thuở ấu thơ, trải qua không biết bao nhiêu năm tháng lênh đênh trên biển để thăm dò, khai thác các luồng cá khắp các ngư trường gần, xa, ông Đậu Thành Kính đã tích lũy cho mình được cả kho kinh nghiệm quý trong đánh bắt hải sản cũng như xử lý các tình huống trên biển.

Ông hiểu hơn ai hết sức mạnh đoàn kết cũng như việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong đánh bắt, khai thác hải sản, góp phần bảo vệ an ninh biên giới Quốc gia.

Trong căn nhà nhỏ ở xóm Xuân Phương, xã Nghi Xuân, trở về sau những ngày ra khơi, ông Đậu Thành Kính cho biết: Từ năm 1987 ông  đã chính thức trở thành thuyền trưởng, chủ tàu thuyền đánh bắt cá.

Ngoài việc tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, ông còn kết nối các tổ, đội tàu thuyền của ngư dân, cũng là các giáo dân ở Giáo xứ Trang Cảnh đoàn kết, hỗ trợ nhau trong khai thác hải sản cũng như chấp hành các chủ trương, pháp luật của Nhà nước. 100% các tàu thuyền trong tổ, đội đều nhất quán không sử dụng chất liệu nổ để khai thác hải sản.

Giáo dân Đậu Thành Kính chia sẻ: “Bản thân tôi luôn xác định rõ trước hết mình là công dân Việt Nam, phải có nghĩa vụ tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Nhận thức rõ quan điểm an ninh, trật tự ở địa bàn có tốt thì cuộc sống nhân dân mới bình yên và hạnh phúc, kinh tế mới phát triển được, đó là việc chung, không phải việc của riêng ai  – ông Đậu Thành Kính luôn làm tốt vai trò “tai, mắt” của lực lượng chấp pháp trên biển. Khi tham gia đánh bắt ở các ngư trường trên biển, thấy có tàu lạ xuất hiện trên vùng biển là ông đều điện báo ngay cho cơ quan chức năng, kịp thời cung cấp các thông tin về vi phạm quy định trên biển như buôn lậu, đánh bắt sai tuyến, sử dụng chất nổ, kích điện để khai thác tận diệt thủy sản. Mỗi lần ra khơi, tàu thuyền trong tổ, đội của ông đều treo cờ Tổ quốc, mỗi lần nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền xanh của trời và biển, trong lòng các ngư dân như ông Kính lại thấy xúc động tự hào, với họ “ biển là nhà, ngư trường là quê hương”.

Không chỉ ở tuyến biển, mà tại những bản, làng biên giới miền Tây xứ Nghệ cũng có những người dân luôn nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong bảo vệ đường biên, mốc giới, giữ vững chủ quyền biên giới Quốc gia.

Điển hình trong số ấy là ông Và Gà Sua (44 tuổi), Bí thư Chi bộ bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai (Tương Dương). Với trách nhiệm vừa là người đứng đầu thôn bản, vừa là tổ trưởng tổ tự quản cột mốc biên giới, Và Gà Sua thường tuyên truyền, vận động bà con trong thôn, bản về ý thức giữ gìn, bảo vệ đường biên, cột mốc.

Ngoài hoạt động đi tuần trực tiếp với BĐBP, mỗi lần lên rẫy, ông đều ghé qua và chú ý quan sát xem xung quanh khu vực cột mốc có dấu hiệu gì bất thường không để kịp thời báo cho lực lượng biên phòng. “Biên giới là quê hương, biên giới có bình yên người dân mới yên tâm lao động, sản xuất, ổn định lâu dài”, ông Và Gà Sua chia sẻ.

Bí thư Chi bộ bản Huồi Cọ Và Gà Sua thường xuyên tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc cùng cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Nhôn Mai.
Bí thư Chi bộ bản Huồi Cọ Và Gà Sua thường xuyên tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc cùng cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Nhôn Mai.

Thủ lĩnh bản Huồi Cọ cũng là người tiên phong trong thực hiện Đề án 01 “Xây dựng  Huồi Cọ thành bản nông thôn mới và bản điểm về phát triển kinh tế, xã hội vùng biên” khi mạnh dạn đăng ký thí điểm trồng 2.600 gốc chanh leo cho thu nhập 150 triệu đồng/năm. Ông còn là Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp ở Huồi Cọ, trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chanh leo cho dân.

Đến nay bản Huồi Cọ có tổng diện tích là 65,52 ha chanh leo, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, năm 2019 trong bản có 11 hộ thoát nghèo.

Bên cạnh đó, để xây dựng Huồi Cọ thành bản du lịch cộng đồng, điểm sáng văn hóa vùng biên, Bí thư chi bộ Và Gà Sua tích cực tuyên truyền, vận động người dân bảo  tồn giống đào cổ địa phương, giữ gìn an ninh, trật tự, xây dựng tình đoàn kết trong thôn bản. Với những đóng góp thầm lặng, ông được tôn vinh điển hình học tập và làm theo Bác cấp huyện, cấp tỉnh.

Trưởng bản Phà Chiếng xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) Già Tông Bì tham gia lễ kết nghĩa giữa bản Phà Chiếng, xã Mỹ Lý với bản Pung Vai, cụm bản Phà Đéng nước bạn Lào.
Trưởng bản Phà Chiếng xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) Già Tông Bì tham gia lễ kết nghĩa giữa bản Phà Chiếng, xã Mỹ Lý với bản Pung Vai, cụm bản Phà Đéng nước bạn Lào.

Còn ở bản Phà Chiếng, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn), Trưởng bản Già Tông Bì (SN 1988) tuy là “người trẻ” nhưng lại là “trung tâm đoàn kết”, “điểm tựa” vững chắc của thôn, bản. Già Tông Bì đã giữ vai trò Trưởng bản biên giới Phà Chiếng được 2 nhiệm kỳ và là điển hình trong thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia”, nhiều lần được UBND xã Mỹ Lý, UBND huyện Kỳ Sơn tặng Giấy khen.

Phà Chiếng là bản vùng sâu biên giới của xã Mỹ Lý, có 53 hộ, 261 nhân khẩu đồng bào Mông sinh sống. Xác định “Bản làng bình yên thì người dân mới yên tâm phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”, với uy tín, trách nhiệm của một trưởng bản, Già Tông Bì luôn quan tâm xây dựng mối đoàn kết trong thôn, bản, tuyên truyền cho người dân cùng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.

Bản thân, Già Tông Bì là 1 trong 2 hộ có nương rẫy sát đường biên giới đã trực tiếp đảm nhận bảo vệ đường biên từ Mốc 390 đến Mốc 392. Trung tá Võ Văn Quỳnh – Đồn Biên phòng Mỹ Lý cho biết: “Trong 5 năm, cán bộ và người dân xã Mỹ Lý đã thực hiện được 70 cuộc tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc với hơn 7.500 lượt người tham gia.

Trưởng bản Phà Chiếng xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) Già Tông Bì (ngoài cùng, bên phải) gặp gỡ, giao lưu với cán bộ bản Pung Vai là bản kết nghĩa.
Trưởng bản Phà Chiếng xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) Già Tông Bì (ngoài cùng, bên phải) gặp gỡ, giao lưu với cán bộ bản Pung Vai là bản kết nghĩa.

Trong đó, Trưởng bản Già Tông Bì tham gia hầu hết các cuộc tuần tra cùng BĐBP”. Bên cạnh đó, Già Tông Bì còn thường xuyên quan tâm, trình báo cho lực lượng chức năng tình hình đi lại, giao lưu, trao đổi giữa nhân dân hai bên biên giới. Thường xuyên tuyên truyền cho bà con không vượt biên, di cư trái pháp luật, nghiêm túc chấp hành Hương ước của bản, Quy ước về quản lý, bảo vệ rừng; tự giác thực hiện cam kết không tàng trữ, sử dụng, buôn bán các chất ma túy… Nhờ vậy, bản Phà Chiếng nhiều năm không xảy ra hoạt động vi phạm quy chế khu vực biên giới, không xảy ra các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.

Những nhân tố tích cực như Và Gà Sua, Già Tông Bì… được ví như  “điểm tựa” của bản, làng, “hàng rào chắn” vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia…


(Còn nữa)