Đến với các thôn, bản trên địa bàn huyện Anh Sơn, được nghe và thấy những câu chuyện cán bộ trèo đèo lội suối, trăn trở đưa mô hình kinh tế giúp dân thoát nghèo, chuyện thầy thuốc đêm hôm xuống tận thôn bản chữa bệnh cho nhân dân... chúng tôi được hiểu thêm về cách “làm” dân vận nơi đây. Ấy là những việc làm thể hiện việc học tập, làm theo tư tưởng “lấy dân làm gốc” mà Bác Hồ đã dạy.
“Bức tâm thư của cô giáo trẻ”
Đến trụ sở UBND xã Phúc Sơn nằm gần Quốc lộ 7, thật khó mà mường tượng khi được giới thiệu Phúc Sơn là xã biên giới. Song, sau khi vượt qua hơn 20km đường đồi núi khá quanh co để đến với bản Cao Vều 1 của xã này, cảnh vật đặc trưng vùng biên cương hiện ra. Thấy có “khách” đến với tổ công tác của các bác sĩ quân y đóng tại bản, chị Lang Thị Nhàn, bà Vi Thị Hường và một số bà con khác cũng đến “góp vui”.
Trong những câu chuyện rổn rảng, chúng tôi được nghe bà con kể về những yêu mến dành cho các chiến sỹ quân y nơi đây, trong đó có câu chuyện về cô giáo Hằng. “Tuy đã xảy ra từ tháng 8/2019 nhưng đến nay mỗi lần nhắc lại bà con vẫn cảm thấy xúc động”, chị Lang Thị Nhàn cho biết.
Lần đó, cô giáo Hằng bị ngộ độc thức ăn, bị ngất xỉu và gần tắt thở khi được đưa đến tổ công tác. Lúc đó, y sỹ Lô Hồng Hải đã cấp cứu, tiêm truyền kịp thời nên mới giữ được tính mạng.
Bác sĩ Lương giải thích thêm, cô giáo Hồ Thị Hằng công tác tại trường mầm non đóng ở bản, bị ngộ độc thức ăn rất nghiêm trọng, khi đưa đến tổ công tác thì người cô đã tím tái, trụy tim mạch, không thể vận chuyển đi xa.
May mắn là bằng các biện pháp nghiệp vụ điều trị kịp thời nên cô Hằng đã qua cơn nguy kịch. Sau khi bình phục, cô Hằng đã viết tâm thư cảm ơn cán bộ, chiến sỹ quân y Đồn Biên phòng Phúc Sơn đã cứu cô thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Trong thư, cô Hằng bày tỏ: “…Tôi là một bệnh nhân vô cùng may mắn được đồng chí Hải cấp cứu và điều trị qua cơn nguy kịch. Tôi vô cùng xúc động vì sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp trên và sự chăm sóc tận tình của đồng chí. Các anh không chỉ làm việc vì trách nhiệm mà còn tận tụy, nhiệt tình, vô cùng ấm áp tình người, tình quân dân, đem lại cho tôi cảm giác như những người thân…”.
Ở bản Cao Vều 1 còn có bà Lương Thị Tuyến, bà năm nay đã 65 tuổi, mang trong mình căn bệnh thoái hóa xương khớp và thoát vị đĩa đệm đã khá nhiều năm, càng ngày bà càng phải chịu nhiều cơn đau hành hạ, và có thời điểm bà phải dùng đến công cụ hỗ trợ mới có thể đi lại được.
Đặc biệt là quãng thời gian từ năm 2013 đến năm 2018, khi mà trạm Y tế của xã trước đó đóng tại bản Cao Vều 1 phải chuyển ra trung tâm UBND xã gần Quốc lộ 7, cách bản Cao Vều 1 hơn 20km, khiến bà Tuyến không thể tiếp cận được các dịch vụ y tế thôn bản như trước đây.
Song, may mắn đã đến với bà Lương Thị Tuyến khi các y, bác sĩ Đồn Biên phòng Phúc Sơn đến đóng quân, công tác tại vị trí trạm Y tế cũ. Nhờ đó, gần 3 tháng nay căn bệnh của bà Lương Thị Tuyến đã thuyên giảm hẳn, bà đã có thể đi chăn trâu, đi lấy cỏ cho trâu bò như bao lao động bình thường khác. Bà Lương Thị Tuyến cho biết, bà được bác sĩ quân y Đồn Biên phòng Phúc Sơn Nguyễn Bá Lương trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn và chữa trị bệnh.
Hiện nay, bà vẫn đều đặn đến trạm công tác của Đồn Biên phòng theo lịch hẹn để được bác sĩ thực hiện các bài vật lý trị liệu, được uống thuốc chữa bệnh. “Thời gian đầu tôi không đi lại được, bác sĩ Lương trực tiếp đến tận nhà giúp tôi bấm huyệt, châm cứu, còn mang thuốc đến cho mà không lấy tiền. Không có sự giúp đỡ của bác sĩ đồn biên phòng, chắc chắn tôi đã phải nằm liệt giường” – bà Lương Thị Tuyến xúc động chia sẻ.
Bản Cao Vều 1 có 92 hộ dân thì có đến hơn 70% là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Người dân sống chủ yếu làm nghề nông nghiệp, trồng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng, thu hái các lâm sản phụ nên trong lao động thường hay gặp phải các tai nạn thương tích ở tay, chân, bị trượt, ngã…, nhất là người già và trẻ nhỏ. Hoặc bị các bệnh thông thường như cảm cúm, các bệnh mãn tính… rất cần được chăm sóc sức khỏe ban đầu, thăm khám thường xuyên. Và những nhu cầu đó đã được đáp ứng khi tổ các y, bác sĩ Đồn Biên phòng Phúc Sơn về đóng quân tại bản Cao Vều 1.
Xây dựng “Tủ thuốc biên cương”
Tuy nhiên, để có thể mang lại niềm vui, sự bình yên cho những trường hợp như bà Lương Thị Tuyến, như cô giáo Hằng, tạo được sự gắn bó giữa nhân dân với các cán bộ chiến sỹ biên phòng, với chính quyền địa phương thì trước đó là cả một sự nỗ lực của nhiều cá nhân, tập thể.
Bởi năm 2013, theo quy định mỗi xã chỉ có 1 trạm y tế, và theo quy hoạch vị trí trụ sở UBND xã nên phải di chuyển toàn bộ vật tư thuốc men và y bác sĩ của Trạm Y tế xã Phúc Sơn lúc đó đóng tại bản Cao Vều 1 ra trung tâm xã cạnh Quốc lộ 7. Việc di dời trạm y tế đã khiến cho hàng trăm hộ dân các bản vùng trong của xã Phúc Sơn, trong đó có bà Lương Thị Tuyến, không được thường xuyên, kịp thời khám chữa bệnh cũng như được chăm sóc sức khỏe ban đầu trong một thời gian dài (từ năm 2013 đến năm 2019) vì đường đi từ các bản đến trạm y tế xã xa hơn 20km.
Đặc biệt là những ngày mưa bão, nước dâng cao thì các bản Cao Vều đều bị cô lập. Vì vậy, trong rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND huyện, các cuộc họp hành của cán bộ xã, bản người dân đã kiến nghị, bày tỏ mong muốn được có trạm Y tế gần nơi sinh sống hơn để thuận tiện trong thăm khám sức khỏe.
Ông Nguyễn Văn Tráng – Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết, nhận thấy giúp người dân 4 bản Cao Vều 1 cho đến Cao Vều 4 cũng như nhiều bản khác của vùng trong xã Phúc Sơn cần được thụ hưởng các dịch vụ y tế kịp thời, thuận tiện hơn, cấp ủy chính quyền, đặc biệt là Đồn Biên phòng Phúc Sơn đã tận tâm, nỗ lực trong vận động, kêu gọi nhân lực, vật lực tu sửa lại trạm Y tế cũ vốn đã bị bỏ hoang hơn 5 năm.
Bên cạnh đó là kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm đóng góp tiền xây dựng “Tủ thuốc biên cương”. Để có cơ số thuốc hàng chục triệu đồng cấp phát, chữa bệnh miễn phí cho người dân nơi đây, Đồn Biên phòng Phúc Sơn mà trực tiếp là Trung tá Tôn Thiện Thành – Đồn trưởng, đã đứng ra vận động, huy động nhân lực, vật lực tu sửa lại cơ sở vật chất trạm Y tế cũ. Sửa chữa xong nhà cửa, cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Phúc Sơn lại liên hệ để xin các giường y tế, bàn ghế và các vật dụng khác; đề nghị cấp trên điều động bác sĩ quân y có chuyên môn giỏi cùng các y sỹ có tay nghề và kinh nghiệm lâu năm về tại tổ công tác đóng tại trạm Y tế cũ ở bản Cao Vều 1.
Thấy được ý nghĩa nhân văn của mô hình “Tủ thuốc biên cương”, các cấp hội phụ nữ của xã Phúc Sơn đã huy động thành viên thu gom phế liệu bán lấy tiền mua thuốc ủng hộ. Các hội phụ nữ của huyện Anh Sơn, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Y tế, một số cơ quan, đơn vị khác đã ủng hộ được 28 triệu đồng tiền thuốc. Nhờ đó, từ tháng 2/2019 đến nay đã giúp thăm khám, chữa bệnh cho 756 lượt người dân xã biên giới Phúc Sơn, nhất là bản Cao Vều 1.
Hiệu quả từ một đề án
Từ xã biên giới Phúc Sơn, chúng tôi vòng theo con đường qua xã Đức Sơn để đến với Bình Sơn – xã nghèo đặc biệt khó khăn và xa nhất của huyện Anh Sơn. Đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Thuấn ở thôn Tân Cát, chúng tôi có chút bất ngờ vì ở một xã nghèo đặc biệt khó khăn như Bình Sơn mà người dân lại có những ngôi nhà đồ sộ như vậy.
Anh Nguyễn Văn Hoàn – Hội Cựu chiến binh xã này cho hay, có được điều này là nhờ người dân đi xuất khẩu lao động. Bà Nguyễn Thị Thuấn có 3 người con đều đi xuất khẩu lao động. Người con thứ ba bắt đầu đi xuất khẩu lao động từ đầu năm 2018. Ba người con của bà Thuấn đã gom góp tiền gửi về gia đình, góp phần cùng vợ chồng bà Thuấn xây dựng một ngôi nhà 3 tầng đồ sộ chẳng khác một khu biệt thự với khuôn viên hơn 300 mét vuông. Bà Thuấn cho biết, các con của bà, nhất là con trai út Nguyễn Văn Quang được cán bộ xã trực tiếp tư vấn, lựa chọn công ty môi giới xuất khẩu lao động có uy tín, lại được hỗ trợ vay vốn nhanh nên rất thuận lợi.
Tính đến tháng 10/2019, Nguyễn Văn Quang là 1 trong số 83 lao động là người địa phương của xã Bình Sơn đã đi xuất khẩu lao động tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Nga.
So với toàn huyện Anh Sơn thì số lao động của xã Bình Sơn đi xuất khẩu chiếm gần 1/4. Sở dĩ có được kết quả này, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bình Sơn cho biết, ngoài việc kịp thời xây dựng đề án về xuất khẩu lao động, thì cán bộ phụ trách công tác này đã có đóng góp quan trọng giúp đề án thành công. Điều này cũng có nghĩa là giúp cho nhiều hộ gia đình được thay đổi cuộc sống, thoát nghèo và vươn lên khá giả, có của ăn của để.
Ở Bình Sơn, 90% người dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp với việc trồng lúa và một số cây công nghiệp như keo, mía và chè, kết hợp chăn nuôi nhỏ lẻ.
Năm 2018, Huyện ủy Anh Sơn gợi ý Đảng ủy xã Bình Sơn kiểm điểm về kết quả thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo chưa đạt kết quả như mục tiêu đã đề ra. Để khắc phục khuyết điểm đó, tháng 12/2018 Đảng ủy xã Bình Sơn đã xây dựng Đề án “đẩy mạnh xuất khẩu lao động giai đoạn 2018 – 2020”, giao cho anh Nguyễn Văn Hoàn – Hội trưởng Hội Cựu chiến binh xã trực tiếp phụ trách.
Trăn trở làm thế nào để người dân không lặp lại “vết xe đổ” như những trường hợp từng đi xuất khẩu lao động nhưng không hiệu quả, anh Nguyễn Văn Hoàn đã cất công tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật; đồng thời, đến tận các địa phương ở Yên Thành để học hỏi, tìm hiểu kinh nghiệm, xâu nối tìm các công ty có uy tín trong xuất khẩu lao động để giới thiệu cho con em ở Bình Sơn.
Sau khi tìm được công ty có uy tín, anh Hoàn đã đến từng nhà, từng trường hợp các gia đình để khảo sát, trao đổi, đánh giá khả năng, sau đó tham mưu cho UBND xã hỗ trợ người dân trong đảm bảo vay vốn ngân hàng chính sách xã hội kịp thời. Đối với con em đồng bào dân tộc Thái, anh Hoàn trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ làm thủ tục hồ sơ, kết nối giữa công ty, ngân hàng chính sách và gia đình cũng như bản thân người lao động trong giải quyết kịp thời các thủ tục theo quy định.
Anh Nguyễn Văn Hoàn cho hay, niềm vui đối với anh cũng như các cán bộ UBND xã như được nhân lên sau mỗi trường hợp lao động hoàn thành thủ tục, xuất khẩu thành công. Những lần người dân đến “khoe” việc con em mình đã gửi tiền về cho gia đình, đã trả được hết nợ ngân hàng, có tiền để xây lại nhà khang trang hơn… chính là động lực để anh tiếp tục đồng hành, quyết tâm giúp bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng quê hương Bình Sơn ngày một đổi mới.
Chỉ hơn một ngày rong ruổi, được gặp gỡ, nghe và thấy những câu chuyện về cuộc sống ấm no, những tình cảm tin tưởng, yêu mến của bà con dành cho cán bộ cấp ủy, chính quyền ở cơ sở như ở Phúc Sơn, Bình Sơn, chúng tôi đã hiểu rõ hơn về ý nghĩa “làm” dân vận “lấy dân làm gốc”. Mỗi địa phương, vẫn còn đó những khó khăn, nhưng khi đã xây dựng được sự đồng thuận, tin tưởng của người dân, khi “gốc” đã bền, “rễ” đã vững thì việc gì cũng sẽ thành công.