Làng có ba ông Bí thư huyện

Ngược Quốc lộ 7, qua cầu Đô Lương, thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, là đến Nam – Bắc – Đặng quê tôi.

Qua cầu là bãi ngô xanh biếc, là nương dâu và nghề tằm tơ óng ả truyền từ bao đời nay của không ít người quen nghề “ăn đứng”quê tôi.

Sông Lam đoạn chảy qua Nam – Bắc – Đặng như một vòng ôm khăng khít với bãi bờ, làng xóm và nếu để ý thật kỹ, khi qua làng dòng sông như chảy chậm, lưu luyến mãi với bóng tre, với người gánh nước tóc dài và câu hát bâng quơ.

Quả vậy, mỗi bước chân tìm về, mỗi câu chào vồn vã, mỗi lời trao gửi, tin yêu… lại gặp nơi đây những chứng tích lịch sử, những con người dành trọn cả cuộc đời vì việc làng, việc nước.

Qua cầu Đô Lương là tới làng Xuân Như, có cây gạo nổi tiếng, được biết đến với sự kiện cách đây gần 90 năm: Ngày 1/5/1930, được sự phân công của chi bộ, đồng chí Phan Văn Bân bí mật treo lên cây gạo lá cờ đỏ búa liềm, hưởng ứng bản tuyên cáo của Phủ ủy Anh Sơn kêu gọi “Quần chúng hãy vùng lên, đoàn kết nhau lại làm cách mạng để lật đổ đế quốc Pháp và phong kiến Nam triều, thành lập chính quyền Xô-viết”.

Đi ngang qua bãi dâu xanh, hướng  bên phải ngay sát Quốc lộ 7 là đình Phú Nhuận, nơi còn ghi dấu tích về sự kiện mùa Xuân năm Ất Sửu (1925) với Lễ tuyên thệ của 8 người con quê hương trước khi xuất dương sang Thái Lan để “học tập được nhiều điều tốt, trở về giúp nước, đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng cho dân tộc Việt Nam…”*. Đó là các ông Hồ Trớc, Trần Tố Chấn, Nguyễn Văn Luyện (Nhân Hậu), Bùi Văn Thoại, Lê Đắc Giao, Mai Văn Bạt, Nguyễn Văn Liêm (Trung Thịnh) và Hồ Thái.

Cũng nép về bên phải quốc lộ là cây bàng cổ thụ ở làng Nhân Hậu, một chứng tích lịch sử lặng lẽ tỏa bóng ngày ngày. Sách lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Nam Sơn 1930 – 2010 ghi rõ ràng “Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Hy, vào một đêm cuối tháng 9 năm 1930, 2 đồng chí là Phan Đình Đợi (tức Phan Đình Tiếu) và Nguyễn Hữu Biền (tức Nguyễn Hữu Thoan) bí mật treo cờ tại cây bàng cổ thụ. Việc xuất hiện lá cờ đỏ búa liềm… đã cổ vũ thêm niềm tin của nhân dân vào cách mạng. Sau đó, cây đa làng Phú Nhuận, cây lội Động Mình, cây sung Làng Hói, đình làng Xuân Chi… cờ đỏ búa liềm lại tung bay…”. *

Cờ đỏ búa liềm từng được treo lên cây bàng cổ thụ này ở làng Nhân Hậu hồi tháng 9/1930. Ảnh Nguyễn Cảnh Quang
Cờ đỏ búa liềm từng được treo lên cây bàng cổ thụ này ở làng Nhân Hậu hồi tháng 9/1930. Ảnh Nguyễn Cảnh Quang

Cũng sách trên còn ghi rõ, trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng đánh đổ đế quốc, phong kiến, xây dựng đất nước, Nam – Bắc – Đặng quê tôi còn là nơi đứng chân của các cơ quan tỉnh như Khu ủy vệ binh tài chính ngân khố, đồng chí Hồ Tùng Mậu từng về đây; Nhà thờ họ Nguyễn Văn (Trung Thịnh) là nơi ông Nu-hắc Phum-xa-vẳn, Chủ tịch Ủy ban Giải phóng Đông Lào ở và lãnh đạo cách mạng Lào, nơi đóng quân của Ban Chấp hành Trung ương lào, Phòng biên chính Lào – Việt (Nhân Hậu)…

Chỉ một vùng đất nhỏ bên dòng sông Lam hiền hòa, thơ mộng nhưng đã trải qua biết bao biến động dữ dội với biết bao mồ hôi, nước mắt và máu của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây. Ngay từ thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi tiếng súng Cần Vương vang rền khắp xứ Nghệ và cả nước, nơi đây đã có hàng chục thanh niên tham gia chống giặc ở căn cứ Bồ Lư và sau đó là lời thề của những người xuất dương tìm đường cứu nước từ đình làng Phú Nhuận như vừa nói ở trên. Cũng như nhiều làng quê khác, từ năm 1925 – 1929, nơi đây đã xuất hiện các tổ chức yêu nước như Tân Việt cách mạng đảng, Thanh niên cách mạng đồng chí hội, đảng Vừng Hồng…

Ngay khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Chi bộ tổng Đặng Sơn lúc bấy giờ đã trực tiếp lãnh đạo nhân dân đấu tranh, cùng với nhân dân cả phủ Anh Sơn tạo nên cao trào cách mạng đầy sôi động trong những năm 1930 – 1931. Sử sách còn ghi trong cuộc khủng bố của kẻ thù, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây đã anh dũng hy sinh, nhiều người bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng trung trinh theo Đảng, kiên trì học tập rèn luyện chờ thời cơ để tiếp tục gương cao lá cờ vinh quang của Đảng, như đã từng giương cao trong những ngày đen tối tại cây gạo Xuân Như, cây bàng Nhân Hậu và nhiều nơi khác.

Vị trí 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Đặng Sơn. Ảnh: Google.maps
Vị trí 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Đặng Sơn. Ảnh: Google.maps

Phía sau những nhân chứng, những sự kiện nói trên (sử sách đã ghi, xin phép không kể thêm) là những con người đã ngã xuống ở Đình làng Lương Sơn hồi khủng bố 1931, ở trong ngục tù đế quốc, trong trận đói năm 1945 và trong vô vàn biến cố của cuộc sống, của cách mạng.

Và âm thầm trong đó là những người vì lý tưởng cao đẹp của cuộc đời mà chiến đấu, xông pha như trong bài họa “Vịnh cái quạt” còn truyền tụng ở làng Phú Nhuận:

Thấy đời bực tức đứng không yên
Vùng dậy ra tay nổi gió liền
Đem lại nhân quần cơn mát mẻ
Hòa bình cơm áo tự do tiên”.

Ở quê tôi, nhiều gia đình có người thân là đảng viên 1930 – 1931, là cán bộ tiền khởi nghĩa, những gia đình có công với cách mạng… nhưng trong cuộc sống thường ngày tuyệt nhiên không hề thấy có điều gì khác biệt, nếu không muốn nói là họ cũng bình thường, chân lấm tay bùn như bao người quê lam lũ khác.

Ngày nhỏ, trong số lũ trẻ con Xóm Sau chúng tôi chơi đùa, nghịch ngợm đủ thứ có anh Châu (người làng gọi kèm tên mẹ là Châu Tuyết). Lớn thêm một chút, ngoài giờ học, chúng tôi cùng anh Châu và nhiều bạn khác vào Hòn Dài chăn bò, lấy củi, nhặt phân. Thỉnh thoảng bố anh từ Hà Nội về, lũ chúng tôi được chia kẹo, được nghe “đài”, được theo người lớn nghe ông kể chuyện chiến đấu ở nhà họp đội sản xuất.

Một góc vùng nông thôn Đô Lương. Ảnh minh họa: Ngọc Phương
Một góc vùng nông thôn Đô Lương. Ảnh minh họa: Ngọc Phương

Lớn lên, tôi đọc sách và nghe kể chuyện mới ngỡ ngàng: Bố anh Châu là “cộng sản” nòi, là một trong những người được kết nạp vào Đảng từ tháng 5/1930 ở Chi bộ Bạch Linh (tổ chức cơ sở đảng đầu tiên ở tổng Đặng Sơn lúc bấy giờ). Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Nguyễn Văn Nhiên và nhiều đồng chí, đồng bào khác gắn liền với bước đi lên thăng trầm của phong trào cách mạng ở Nhân Hậu, ở tổng Đặng Sơn và cả phủ Anh Sơn. Sử sách còn ghi cả việc lúc phong trào cách mạng khó khăn sau khủng bố, ông Nguyễn Văn Nhiên cùng các đồng chí khác đi tìm gặp cả đồng chí Trường Chinh để xin chỉ thị của Trung ương và tài liệu hướng dẫn của Đảng.

Lăn lộn trong thực tiễn sôi động của cách mạng cũng là bước trưởng thành của ông Nguyễn Văn Nhiên. Ông lần lượt chuyển công tác từ địa phương ra Trung ương và đã anh dũng ngã xuống trên mặt trận chống lũ lụt lịch sử ở sông Hồng năm 1966  khi đang là Cục trưởng Cục Đê điều, Bộ Thủy lợi!

Vậy mà con trai út của ông, anh Châu mà tôi vừa kể trên vẫn một đời gắn bó với quê nhà, “chức vụ” anh đang đảm trách là Xóm trưởng Xóm Sau cũ (sau gọi xóm 7)!

Hồi học phổ thông cấp II rồi cấp III, tôi học với bạn Nguyễn Hữu Minh, là con trai út của ông Nguyễn Hữu Ngoạn, đảng viên thời kỳ 1936 – 1939. Gia đình ông là gia đình có công với cách mạng, nhà ông là nơi đóng quân của Phủ ủy Anh Sơn hồi 1940. Cách mạng thành công, ông Nguyễn Hữu Ngoạn rời quê nhà đi thoát ly, công tác ở ngành Nông nghiệp tỉnh. Về hưu, ông lại đảm nhận chức vụ bí thư chi bộ, hăng hái, vui vẻ gánh việc nước, việc làng như thời trai trẻ.

Gia đình ông đặc biệt gương mẫu, nói đi đôi với làm. Năm 1977, người con trai út là Nguyễn Hữu Minh tốt nghiệp phổ thông cấp III xong là lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, mặc dù trước đó đã có một người anh vào bộ đội. Sau ngày Nguyễn Hữu Minh hy sinh ở biên giới Tây Nam, chúng tôi đã rất “khó ăn, khó nói đến thăm nhà” (thơ Hữu Thỉnh) mỗi khi nhớ đến hình ảnh từng người thân trong gia đình người cộng sản hết mực kiên trung ấy ở quê nhà.

Về quê ăn Tết, lại nhớ hình ảnh ông Nguyễn Văn Tuấn, nguyên Bí thư Huyện ủy Đô Lương (1976 – 1986), người xóm tôi,  nói cười xởi lởi, miệng nhai trầu bỏm bẻm, đi đến từng nhà trong xóm thăm hỏi, chuyện trò.

Đó đích thị là một người “dân vận khéo”, một người lớn lên từ đồng ruộng, đi lên từ mỗi khó nhọc, trăn trở của người dân quê tôi nên đối với ông luôn không hề có khoảng cách nào giữa ông bí thư với người cày chân đất, người đốt than lem luốc hay người quét chợ bần hàn!

Sinh ra và lớn lên trong một dòng họ có nhiều người từng là cán bộ lão thành cách mạng như các ông Nguyễn Văn Hy, Nguyễn Văn Nhiên, Nguyễn Văn Huân,  Nguyễn Văn Đới, Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Văn Mịch…, ông Nguyễn Văn Tuấn thuộc lớp cán bộ trưởng thành từ phong trào thanh niên cơ sở, ngay trên mảnh đất mà các lớp tiền bối từng dìu dắt, từng là những tấm gương sáng để ông và nhiều người khác học tập, noi theo.Từ xã lên huyện, chủ tịch rồi lên bí thư huyện, ông Nguyễn Văn Tuấn cùng các đồng chí, bà con Đô Lương từng vinh dự đón Tổng Bí thư  Lê Duẩn về thăm hồi tháng 4 năm 1979 với thành tích thâm canh, tăng năng suất, sản lượng lúa và hoa màu như trong câu ca vang vọng một thời “Lò vôi rực ánh lửa hồng/Bèo dâu phủ kín cánh đồng Đô Lương”!

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Đô Lương (thứ 2 từ phải sang) hướng dẫn Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm cánh đồng Văn Tràng, năng suất 6 tấn/ha thời bấy giờ (4/1979). Ảnh: TTXVN
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Đô Lương (thứ 2 từ phải sang) hướng dẫn Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm cánh đồng Văn Tràng, năng suất 6 tấn/ha thời bấy giờ (4/1979). Ảnh: TTXVN

Mỗi dịp ghé thăm nhà, ông không quên nắm thêm tình hình xã nhà, cần thì triệu tập ngay một cuộc họp, một buổi nói chuyện cùng cán bộ, đảng viên trong xã. Nhiều người quê tôi không ngại nói to lên rằng, cái “khoản” truyền đạt nghị quyết, nói chuyện thời sự lôi cuốn, nghe mãi không chán, đâu không biết chứ ở đây chỉ có nhất ông Tuấn, nhì ông Tuấn và ba cũng chỉ có… ông Tuấn quê choa mà thôi.

Thật thú vị là chuyến công tác cơ sở đầu tiên của tôi hồi còn làm truyền hình Nghệ An là chuyến về Đô Lương và được làm việc với “ông bác hàng xóm” gần gũi là ông Tuấn đương kim bí thư huyện. Sự giúp đỡ ông dành cho tôi khi lần đầu vào nghề báo thật vô cùng quý hóa. Hồi đó, tôi đã đọc được sự thẳng thắn, dứt khoát nơi ông trong công việc, trong việc nêu ý kiến, phê bình, đấu tranh. Sau này ông vẫn không thay đổi. Ấy là lần huyện mời lãnh đạo các thời kỳ về góp ý cho các nội dung văn kiện, nhiều ý kiến gần xa, nhỏ nhẹ, riêng ông Tuấn “choang” ngay và luôn, đại ý, tôi không nghe ai cả, chính tôi thấy việc đưa ra chủ trương về xây dựng khu công nghiệp là vội vàng, không khả thi, có thể tác động ngay đến bà con nông dân, đến an ninh lương thực…

* * *

Vâng, đó là những người con ưu tú của làng về nhiều mặt!

Tôi biết rõ ông Nguyễn Văn Nhiên, ông Nguyễn Hữu Ngoạn hay ông Nguyễn Văn Tuấn cũng như nhiều cán bộ, đảng viên khác dù trưởng thành đến đâu thì vợ con cũng đều là những người nông dân chân lấm tay bùn như bao người trong họ tộc, làng xóm.

Hơn ai hết, trước hết, họ luôn tạo dựng được uy tín với dân làng, với nơi mình sinh ra, chiến đấu và trưởng thành. Thật hiếm có khi làng tôi từng có 3 người trưởng thành từ cơ sở lên làm bí thư huyện nhà và cao hơn. Đó là các ông Nguyễn Văn Nhiên, Bí thư Phủ ủy Anh Sơn (gồm Anh Sơn và Đô Lương ngày nay) thời kỳ 1940 – 1942, ông Nguyễn Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Đô Lương thời kỳ 1976 -1986 và ông Lê Tiến Củng, Bí thư Huyện ủy Đô Lương thời kỳ 1990 – 2000! Ai ai cũng biết rõ rằng, người quê mình trưởng thành để chăm lo công việc chung cho nhiều người, “nước lên, thuyền lên”, không thể và không bao giờ có chuyện lo riêng cho dòng họ mình, làng mình hay vợ con, gia đình mình!

Qua cầu Đô Lương, theo quốc lộ 7 là Nam – Bắc – Đặng quê tôi!

Mỗi bước đi, câu chào, hỏi trao, lại gặp nơi đây những chứng tích lịch sử vừa gắn với truyền thống của dòng họ, của làng, vừa gắn với phong trào cách mạng của địa phương và cả vùng, cả nước; lại gặp nơi đây những con người lặng lẽ chiến đấu, hy sinh  vì “hòa bình cơm áo tự do tiên” như câu thơ vẫn truyền tụng ở làng Phú Nhuận quê tôi!

Bây giờ thì tôi hiểu thấu, vì sao qua làng, sông chảy chậm, ơi dòng Lam ngát xanh…

Chọ Hao cuối năm 2019

_________________

* Dẫn theo sách “Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Nam Sơn (1930-2010)” – Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội 2014.