Từ nhiều năm trước, những người làm cơ quan báo Đảng Nghệ An đã được nghe trên địa bàn xã Tri Lễ (Quế Phong), đoạn giáp ranh xã Nậm Giải, sát biên giới Việt – Lào có nhiều những ngọn núi cao. Trong số này, có ngọn Pù Hoạt cao chọc trời. Trên đỉnh núi này, trọn vẹn cả bốn mùa xuân – hạ – thu – đông đều luôn có mây mù che phủ…
Rồi cứ mỗi lần ngược Quế Phong, những giai thoại về đỉnh Pù Hoạt đến với chúng tôi lại dày thêm. Rằng núi này thuộc dãy Phà Cà Tủn, cao đến hơn 2.400m, chỉ xếp sau ngọn núi Pu Xai Lai Leng ở xã Na Ngoi (Kỳ Sơn). Rằng để đến được dãy Phà Cà Tủn, phải ngược lên những thôn bản cao nhất, xa nhất, là nơi người đồng bào Mông xã Tri Lễ sinh sống như Huồi Mới, Nậm Tột… Từ đấy, còn phải trèo dốc nhiều giờ mới lên được đến nơi. Có người còn kể, dãy Phà Cà Tủn gồm nhiều núi cao tiếp nối nhau, nhưng có hai ngọn núi đá cao chọc trời. Ngọn núi lớn chính là Pù Hoạt, người dân địa phương thường gọi là “núi bố”; còn ngọn thấp hơn thì gọi là “núi mẹ”. Vì núi cao, vì đường gian nan vất vả, vì thuộc vành đai biên giới… Ở đấy, thi thoảng vẫn có những đối tượng buôn ma túy lai vãng, nên ít ai dám nghĩ đến việc khám phá đỉnh Pù Hoạt.
Về ngọn núi này, một số cán bộ UBND huyện Quế Phong khi được hỏi nói rằng: “Nhiều lần lên với đồng bào Mông ở các bản Nậm Tột, Huồi Mới, nhưng chưa có dịp lên đỉnh Pù Hoạt. Chỉ biết đấy là một trong những ngọn núi cao nhất của Nghệ An mình…”. Còn những cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng Tri Lễ (Khu BTTN Pù Hoạt) thì khẳng định Phà Cà Tủn là tên gọi của người dân địa phương nói về đỉnh Pù Hoạt.
Phà Cà Tún có độ cao gần 2.500m, đứng thứ 2 ở Nghệ An, sau Pu Xai Lai Leng. Cạnh Phà Cà Tủn, có ngọn Phà Phày cao hơn 2.200m. Cả hai ngọn núi Phà Cà Tủn và Phà Phày đều là núi đá, thuộc dãy Trường Sơn, nằm trong vùng rừng đặc dụng Khu BTTN Pù Hoạt. Tôi đã hỏi Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Tri Lễ, anh Ngô Trọng Đại thì được biết, theo những người cao tuổi ở vùng Tri Lễ, Nậm Giải diễn giải, Phà Cà Tủn có nghĩa là “bồi lên một ngọn đá cao như trời”; còn Phà Phày có nghĩa là “ngọn núi phun lửa lên trời”. Đại nói: “Phà Cà Tủn là ngọn núi còn nguyên vẻ hoang sơ, hùng vĩ nhưng đường lên rất khó khăn. Ngay cả đồng bào Mông ở Tri Lễ cũng rất ít người đã lên đến đỉnh…”.
Bởi những hoang sơ, hùng vĩ… nên việc lên được đỉnh Pù Hoạt trở thành nỗi khát khao của những phóng viên Báo Nghệ An. Kế hoạch cho chuyến đi phượt trên đỉnh Pù Hoạt đã được chúng tôi ấp ủ, nhưng để thực hiện là không đơn giản. Vất vả thì đã đành. Nhưng để vượt qua 4 chặng đường (từ trung tâm Tri Lễ đến bản Huồi Mới; từ bản Huồi Mới đến điểm Nỏ So; từ điểm Nỏ So đến chân núi Phà Phày; từ chân núi Phà Phày vượt dốc lên đỉnh Pù Hoạt) với thời gian 2 ngày và một đêm, chỉ với sức của người làm báo thì không thể nào lên được. May sao, kế hoạch của chúng tôi được Khu BTTN Pù Hoạt, UBND xã và Đồn Biên phòng Tri Lễ đồng tình giúp đỡ.
Ngày 18/12/2019, đoàn gồm 3 phóng viên, 4 cán bộ Khu BTTN Pù Hoạt, 2 cán bộ Đồn Biên phòng Tri Lễ, 3 cán bộ xã Tri Lễ và bản Huồi Mới lên đường. Từ trung tâm Tri Lễ đến điểm Nỏ So, chúng tôi di chuyển bằng xe máy. Bởi đường nhỏ hẹp, liên tục có dốc đứng, có đoạn dốc đến 40 – 45 độ nên mỗi người phải tự đi một chiếc xe máy.
Suốt cả chặng đường, xe đều cài số 1, số 2 và kéo hết ga. Cả đoàn xe 13 chiếc gào rú, khói tuôn mù mịt và bốc mùi khét rẹt. Những cán bộ biên phòng, những anh bạn Mông liên tục nhắc phải cẩn thận, đi giãn cách để tránh va chạm nhưng khi đổ dốc đã có đến 3 cú ngã xe. Lý do bởi dù đã cài số 1 và rà cả phanh tay, phanh chân để giảm tốc, nhưng mặt đường nghiêng, quá dốc lại có những khúc cua tay áo cần phải phanh gấp nên xe bị bó phanh trượt quay ngang. May thay, chỉ Phó Giám đốc Khu BTTTN Pù Hoạt, anh Nguyễn Văn Hiếu là bị xây xát nhẹ.
Xuất phát lúc 10h, với khoảng 10km đường nhưng mãi đến 12h15 chúng tôi mới tới được điểm Nỏ So (có độ cao 1.210m) để đón ông Và Nỏ So (SN 1966) là người dẫn đường cho đoàn lên đỉnh Pù Hoạt. Và Nỏ So là người đồng bào Mông xã Nhôn Mai (Tương Dương) sang sống ở Tri Lễ năm 1981. Từng là công an viên xã Tri Lễ, Và Nỏ So cũng là người đầu tiên đưa gia đình vào vùng núi biên giới làm nương rẫy, chăn nuôi nên ông thông thuộc khu vực này. Điểm trang trại của ông thường là nơi trú chân của cán bộ và đồng bào địa phương nên ai cũng quen gọi nơi này là điểm Nỏ So. Ở đây, đoàn dừng nghỉ gần 30 phút, cũng là để phân phó chia nhau hành lý gồm lỉnh kỉnh những xoong, chảo, lương thực…, cùng xi măng, ống típ thép là vật liệu để dựng cờ trên đỉnh Pù Hoạt. Gần 1h chiều, mỗi người trên vai một chiếc ba lô bắt đầu leo núi.
Những độ đường di chuyển bằng xe máy khó khăn vất vả bao nhiêu, thì việc đi bộ vượt dốc cũng gian khó bấy nhiêu. Chốc chốc, chúng tôi lại nhắc cán bộ Khu BTTN Pù Hoạt kiểm tra độ cao để có cớ dừng chân nghỉ. Cứ mỗi lần như vậy, Và Nỏ So lại cười: “Đi thế này thì lâu lắm…”.
Thời tiết Tri Lễ đầu chiều khoảng 18 – 19 độ C; đi dưới dưới tán rừng già xuống còn 14 – 15 độ C, nhưng tất cả đều tháo tung áo ấm vì nóng bức. 4h chiều, khi nghe rì rào tiếng nước chảy, Và Nỏ So nói: “Đến khe rồi, dừng lại nơi này nghỉ đêm…”. Hỏi còn bao nhiêu thời gian nữa thì lên đến đỉnh Pù Hoạt? Ông đáp: “Sáng mai vẫn đi thế này thì mất 5h nữa mới lên được đến nơi…”. Đề nghị đi thêm để quãng đường ngày mai ngắn lại, Và Nỏ So cười: “Lên nữa sẽ không có nước để nấu ăn. Phải dừng lại ngủ đêm ở đây thôi”.
Điểm nghỉ của chúng tôi sát cạnh khe Nậm Tột, dưới chân núi Phà Phày, có độ cao 1.800m. Tại đây, trừ 3 phóng viên, tất cả đều xắn tay áo mỗi người một việc để làm lán trại, tìm củi và rau rừng. Lán được trải nền gỗ, bạt, ni lông và đốt hai đống lửa lớn ở hai đầu. Lúc này thời tiết mỗi lúc một xuống thấp, sương mù dày thêm, lạnh đến vô cùng. Cánh phóng viên chúng tôi vận vào người tất cả quần áo mang theo, co ro áp người vào bếp lửa mà chân tay không hết bủn rủn.
6h chiều, đỉnh Phà Phày còn khoảng sáng nhưng khe Nậm Tột đã tối sập, 14 người chúng tôi quây quần bên mâm cơm được múc tràn trên những tấm lá chuối rừng. Bữa cơm ngoài thịt lợn kho, thịt chua, canh rau cải rừng thì có thêm những lá chanh leo rừng ăn kèm. Thật khó để khen rằng đây là bữa ăn ngon, nhưng sự nhiệt tâm của những cán bộ và đồng bào Mông đi cùng khiến chúng tôi vô cùng xúc động.
Đến 8h, cái lạnh gia tăng khiến tất cả phải cuốn mình vào tăng võng, chăn, túi ngủ… Chỉ những người đồng bào Mông với sức khỏe như vô hạn thì vẫn như không, họ chất thêm củi vào những đống lửa, và rủ nhau đi ra khe bắt nòng nọc để mai có cái nấu canh, và săn chuột.
Cái lạnh đêm Pù Hoạt thật lạ. Dù nền lán đã được gia tăng nhiều lớp chống lạnh, nhưng khí núi như những mũi dùi sắc nhọn vẫn luồn lách xuyên qua đâm vào da, vào thịt khiến chẳng ai tài nào ngủ được. Liên tục quay trở, co duỗi mong đêm mau qua, rối cục phần đa lại thức dậy ngồi bên bếp lửa để thức xem các hoạt động của những người bạn Mông…
6h ngày 19/12, chúng tôi được “thưởng thức” bữa sáng gồm cơm hấp lại, phần thịt kho thừa đã đông cứng, cùng bát canh nòng nọc ếch “săn” được hồi đêm rồi tất tả lên đường. Vẫn dốc hoàn dốc nhưng phong cảnh núi rừng ở cung đoạn này thay đổi hẳn. Rừng già rất ít, thay vào đó là lau lách, những họ cây dương xỉ… Sau những ngày lạnh kỷ lục dịp đầu tháng 12, những loại cây này hầu hết bị đóng băng, chết đứng tạo nên những khoảng trắng xóa hoặc vàng chái. Chỉ từ núi Phà Phày trở lên, ở độ cao 2.200m, thảm thực vật thay đổi, đa dạng hơn. Ở đây, có nhiều những khoảng rừng họ trúc lá xanh thân vàng cao từ 0,6 – 1m, những thảm cây thông đất màu xanh ngọc tuyệt đẹp.
Cũng từ đây, chúng tôi đã được thấy Phà Cà Tủn ẩn hiện trong mây trời. Phà Cà Tủn đúng là một ngọn núi khổng lồ với phần thân phía Tri Lễ là một trảng đá phẳng vô cùng lớn với những vạt nước chảy ra từ khe núi; còn phía Nậm Giải, là những tán rừng già nhiều tầng ấp ôm, bao bọc. Ở đây, như các cán bộ Đồn Biên phòng Tri Lễ cho biết, gần sát với mốc giới 373; ở bên kia biên giới là những bản Đẹn Đín, Huồi Hay của đồng bào Mông nước bạn Lào.
Tưởng như từ Phà Phày đến Phà Cà Tủn không bao xa, vậy nhưng đến 11h15, đoàn chúng tôi mới lên được đến đỉnh. Đứng tại nơi này, rõ hơn những vạt nắng bên sườn Tri Lễ, những vần vũ mây mù bên sườn Nậm Giải, và nhớ đến câu “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây/Bên nắng đốt, bên mưa bay” trong bài Sợi nhớ Sợi thương của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu năm nào.
Dùng máy đo độ cao GPS xác định, mô núi cao nhất của Phà Cà Tủn có độ cao 2.462m. Tại đây, chúng tôi chọn một khe nứt để dựng cột cờ. Gió lớn, mọi người phải quây thành vòng tròn để trộn xi, cát để làm vữa kết dính những hòn đá núi tạo thành móng đài nho nhỏ. Bởi thời điểm này, những vật liệu xi măng, cát và nước là vô cũng quý giá. Thiếu đi một trong những vật liệu này, chuyến đi sẽ không thành công. Dù có chút khó khăn, nhưng cột cờ sau đó đã được dựng lên trên phần nền xi măng với những dòng chữ “Kỳ đài Pù Hoạt”; và “Báo Nghệ An – Khu BTTN Pù Hoạt – UBND xã, Đồn BP Tri Lễ – Ngày 19/12/2019”.
Nhìn lá cờ đỏ sao vàng vững vàng tung bay trong gió núi, chúng tôi mời Và Nỏ So báo cáo với trời, đất về việc dựng cờ; và đề nghị cán bộ Đồn Biên phòng Tri Lễ, Thượng úy Lương Văn Thành điều hành lễ chào cờ. Thành nghiêm nghị yêu cầu mọi người đứng ngay hàng thẳng lối, nhỏ nhắc sau khi anh dứt lời thì tập trung hát Quốc ca. Rồi cất giọng sang sảng: “Tất cả chỉnh đốn trang phục. Nghiêm. Chào cờ, chào!”. Không gian như lặng đi trong chốc lát, sau đó tất cả đồng thanh cùng cất vang lời bài hát Tiến quân ca. Ở thời điểm này, không gian hừng sáng, trời xanh mây trắng hiện ra. Hai phóng viên Lâm Tùng, Thành Cường được giao nhiệm vụ quay phim chụp ảnh vui mừng khôn xiết, hào hứng đồng thanh: Trời đất linh cảm việc chúng ta làm…
Tôi không nói ra với các bạn mình, nhưng nghĩ, núi cao biên giới là nơi tụ hội khí thiêng sông núi, việc dựng cờ hẳn đất, trời ủng hộ. Pù Hoạt – Phà Cà Tủn là danh sơn hùng vỹ hiếm có của xứ Nghệ, rồi mai đây, sẽ lan tỏa được biết đến nhiều hơn…
Anh Nguyễn Văn Hiếu
Phó Giám đốc Khu BTTN Pù Hoạt
Phó Giám đốc Khu BTTN Pù Hoạt, anh Nguyễn Văn Hiếu là đồng tác giả tác phẩm Phóng sự ảnh “Hiểm họa mới từ bên kia biên giới”, đạt giải Ba, Giải Khoảng khắc Vàng Báo Nghệ An. Tại lễ thượng cờ trên đỉnh Pù Hoạt ngày 19/12/2019, chúng tôi đã trao cho anh Giấy chứng nhận và phần tiền thưởng của Ban Biên tập. Xúc động, Phó Giám đốc Khu BTTN Pù Hoạt cảm ơn Báo Nghệ An, và nói: Phần thưởng này là nguồn động viên để anh cùng các đồng nghiệp tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, gắn bó hơn nữa trong công tác tuyên truyền với cơ quan Báo Đảng…