Nếu hỏi xu hướng giải khát thịnh hành nhất của giới trẻ thành phố Vinh thời gian gần đây là gì, câu trả lời chỉ có thể là một trong ba đáp án: Trà chanh, trà chanh và trà chanh.
Tôi chỉ đi công tác có nửa tháng thôi mà đã có thêm 4, 5 quán trà chanh mới mở – và xin lưu ý cho đây là những “thương hiệu” mới toanh, còn những quán cũ thì cũng đã kịp bành trướng thêm vài cơ sở mới. Có lẽ thời đại hoàng kim của trà sữa đã thực sự lụi tàn, nhường chỗ cho kỷ nguyên mới của thứ thức uống không thể nào bình dân hơn với cái giá rẻ đến giật mình: 10 nghìn đồng cho một cốc to như vại bia.
Tôi không mặn mà gì với trà chanh – thú thực là giá tiền và xuất xứ khiến tôi không khỏi băn khoăn đôi chút (nếu không muốn nói là nhiều chút). Thứ nữa là, cảnh tượng người ngồi ràn rạt, thậm chí xếp hàng dài dằng dặc trên vỉa hè chờ mua nước khiến tôi ái ngại. Đi uống nước với bạn bè là để giải khát, giải trí, giải toả chứ nào phải để mắc kẹt trong đám đông chờ giải vây thế kia? Cứ tưởng chỉ mỗi giới trẻ mới thích thú với những nơi đông đúc nhộn nhạo nhưng không, một lần đi trà chanh theo lời nài nỉ của đứa bạn, tôi ngạc nhiên nhận ra trà chanh đã trở thành trào lưu “quốc dân” khi thành phần khách hàng trải dài từ thiếu nhi tới các cụ phụ lão. Và đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa thể lý giải được vì sao các quán trà chanh lại thu hút được đông đảo khách hàng với các đối tượng đa dạng đến như vậy?
Trong khi tôi còn mải thắc mắc thì thành phố đã kịp có ngót nghét chục quán trà chanh. Buồn cười nhất phải kể đến hai quán mở đối diện nhau với tên gọi na ná nhau và cách bài trí, phục vụ thì như đúc từ một khuôn. Nghe nói trước chỉ có một quán, còn đối diện là cái vỉa hè được trưng dụng làm nơi để xe cho khách. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, “ai đó” thấy quán kia bán chạy quá nên quyết định mở một cái đối diện để “chung vui”. Kể ra thì không phải là mô týp gì mới lạ. Mỗi tội tôi không đánh giá cao cách đặt tên gọi của chủ quán mới cho lắm. Ví dụ quán kia tên là Thứ Bảy thì đáng lẽ ông kia lấy tên Chủ Nhật đi, để rồi sau đó các nhà lân cận mở thêm Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Sáu… cho đủmâm cả tuần. Thế mới đúng là buôn có bạn, bán có phường.
Kỳ thực trà chanh chẳng phải trào lưu đầu tiên và chắc chắn cũng không là cuối cùng được “nhân bản vô tính” kiểu này. Trước trà chanh là trà sữa, mỳ cay và hàng loạt trào lưu ăn, chơi khác. Hễ thấy dịch vụ, sản phẩm gì mới và có vẻ làm ăn được là người người, nhà nhà thi nhau làm và được cái họ làm rất đoàn kết – tức là làm y hệt nhau. Để rồi đến lúc thoái trào thì cả đám chết chung – một mô týp đậm chất kết nghĩa vườn đào.
Của đáng tội, cái tình đoàn kết của các nhà kinh doanh thích ăn dưa muối xổi đấy là một kiểu tự tử tập thể. Dĩ nhiên đã gọi là trào lưu thì sẽ có lúc thịnh vượng và thoái trào – đặc biệt là với đối tượng khách hàng cả thèm chóng chán như giới trẻ. Nhưng chính sự việc “nhân bản vô tính” hàng loạt mô hình kinh doanh đã khiến cái chết của các trào lưu đến nhanh hơn. Bởi miếng ngon là miếng để thòm thèm, và của hiếm lạ mới là của quý. Giá mà một ông bán trà chanh còn một ông bán bánh ngọt để cân bằng vị giác cho khách hàng thì hai ông sẽ nắm tay nhau kéo dài cuộc chơi thêm chút đỉnh thay vì ném cho nhau một nắm đất lên chiếc quan tài sau khi hưởng dương vài ba tháng.
Thanh
Và tin tôi đi, trong cốc gọi là trà chanh đó chỉ có vài lát chanh là thật, còn lại là hóa chất rất nguy hiểm