THƯA CÙNG KHAI GIẢNG
Giờ, 5/9 chẳng còn nhiều lấp lánh, háo hức như thuở trước. Cho đến lúc này tôi vẫn chẳng thể hiểu được vì sao các nhà quản lý giáo dục làm vậy nữa? Hoặc chuyển ngày khai giảng lên 15/8 hoặc hãy nán đợi đến 5/9 để ngày khai giảng được “tay bắt mặt mừng” đúng nghĩa, được hân hoan và háo hức như ý nghĩa khai mở của nó. Cơ mà chẳng được! Những nhà quản lý giáo dục luôn có cách nghĩ của họ và luôn cho rằng nó đúng, nó tốt cho lũ trẻ mà cóc cần quan tâm đến cảm xúc của lũ trẻ nữa huống chi là cảm xúc của một lão phụ huynh ất ơ như tôi.
5/9 không còn nhiều ý nghĩa với lũ trẻ khi mà chúng đã đi học được đến 2 tuần rồi. Ngày khai giảng nhiều trường thay vì đưa ra thông điệp cho năm học mới, truyền cho lũ trẻ lòng yêu trường hay sự hưng phấn, cảm hứng để chúng cùng quyết tâm, đặt ra mục tiêu thì họ chỉ tổng kết thành tích, kể lể những huân chương, huy chương mà họ có được. Thậm chí, nhiều trường dùng ngày khai giảng để “trình diễn” nếu như có lãnh đạo đến thăm hỏi và tham dự. Chỉ có lũ trẻ ngáp vặt hoặc nhăn nhó ngồi dưới nắng bị nghe cưỡng ép. Có nhiều lễ khai giảng dài như một trận bóng đá. Chỉ khác là trận bóng đá ấy nhạt nhẽo bởi các “cầu thủ” ban chuyền qua lại chứ chả tí gay cấn nào.
Tôi nghĩ về ngày khai giảng hoặc thật ngắn gọn với thông điệp của trường từ người đứng đầu trường, hoặc nó truyền cảm hứng mạnh mẽ đến học sinh, để học sinh làm trung tâm, bỏ “lễ” đi để nó thực sự thành “hội”. Tôi muốn thấy những hiệu trưởng không phải là nhà quản lý mà phải là thuyền trưởng. Hiệu trưởng quan cách kiểu chức sắc nhìn chán phè. Đừng để lũ trẻ nhìn hiệu trưởng giống như một quan chức, biết đến hiệu trưởng qua những chữ ký, tên họ trên Bằng khen. Trước khi trở thành hiệu trưởng, xin nhớ cho, các anh, chị cũng từng là giáo viên chứ không phải một cán bộ lãnh đạo. Đừng “mất gốc” ấy trong tim lũ trẻ! Tôi và những đứa bạn của tôi cách đây 30 năm đã từng bật khóc khi cô giáo dạy Toán mà mình yêu mến vô vàn bỗng trở thành hiệu phó rồi hiệu trưởng, cô trở nên xa lạ với lũ chúng tôi khi ấy. Tổn thương đầu đời ấy khi họp lớp sau 30 năm đứa nào cũng nhớ!
Tôi nghĩ về từ “Lấp – Lánh” cho ngày khai giảng. Là những đôi mắt trong veo lấp lánh của lũ trẻ. Giá như thầy cô dành nhiều hơn một chút, một chút thôi, soi mình trong những ánh mắt lấp lánh kia của lũ trẻ. Giữ mình được ở trong ánh mắt lấp lánh ấy của lũ trẻ. Đừng khiến lũ trẻ cứ nhìn thấy mình là cụp mắt xuống hay ngó lơ chỗ khác. Tôi nghĩ đó là phần thưởng mà bất cứ một giáo viên yêu nghề nào cũng đều mong nhận được: Đôi mắt lấp lánh tin cậy của học trò dành cho mình. Thật tệ nếu như thầy cô còn chả quan tâm đến việc học trò mình nhìn mình thế nào mà chỉ quan tâm đến việc cha mẹ học sinh sẽ nhìn mình thế nào, các “sếp” và đồng nghiệp nhìn mình thế nào. Tiếc thay, vẫn còn những giáo viên như thế. Quan tâm đến việc hơn đồng nghiệp và được lòng “sếp” chứ không quan tâm lũ trẻ có yêu mến mình không. Cái thước đo “hoàn thành nhiệm vụ” hoặc “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” lớn hơn cả hình ảnh lũ trẻ mình dạy những năm trước nối đuôi nhau chạy về thăm mình nhân ngày khai giảng.
Ấy là khi thầy cô thay vì chăm chăm truyền thụ kiến thức theo 1,2,3,4 gạch đầu dòng yêu cầu của giáo án thì hãy truyền cho các con niềm cảm hứng học tập. Thay vì dùng điểm số để đánh giá năng lực học của các con, hãy dùng kỷ niệm để khăng khít cùng các con, dùng sự để tâm đến từng đứa trẻ thay vì chỉ để ý, để mắt. Để ý, để mắt có thể khiến thầy cô phát hiện ra đứa trẻ này học tốt môn Toán, đứa trẻ kia học kém môn Văn để “đầu tư” luyện cho chúng. Điều đó có thể khiến thầy cô trở thành giáo viên giỏi. Nhưng để tâm sẽ nhận ra đứa trẻ này sẽ thành nhà thơ, đứa trẻ kia sẽ trở thành nhà toán học, đứa trẻ nọ tưởng chả ra cái tích sự gì nhưng nó lại là nguồn cảm hứng rất tuyệt cho lũ bạn kết nối với nhau. Để tâm có thể không biến lũ trẻ thành gà nòi, gà chiến nhưng chắc chắn sẽ biến thầy cô thành gà mẹ và lũ trẻ chiêm chiếp như lũ gà con.
Là tin rằng thầy cô kết nối với mình bằng trái tim chứ không phải và không chỉ bằng khối óc. Khối óc hay ra mệnh lệnh. Trái tim thì không! Trái tim tìm sự đồng thuận. Khối óc đưa ra phép tính thiệt hơn. Trái tim thì không! Trái tim tìm sự đồng điệu. Khối óc đưa ra đúng sai. Trái tim thì không! Trái tim tìm sự đồng lòng.
Lấp lánh ấy không phải từ những bài giảng trên lớp hay càng tuyệt đối không phải số điểm thầy cô chấm cho các con. Mà lấp lánh ấy là từ những cách mà chúng ta cư xử với nhau, suy nghĩ về nhau, quan tâm tới nhau. Không bài học nào hay bằng bài học mà chúng ta tự rút ra được từ cách người khác đối xử với mình và cách mình đối xử với người khác. Không điểm số nào quyết định việc các con thành người tử tế hay kẻ không ra gì. Mà điểm số làm người vốn được chấm bởi cách chúng ta sống.
Lấp lánh ơi! Lấp lánh à! Lấp lánh nữa đi những năm tháng học trò. Xin đừng ai đem nó lên những tấm mề đay, những bảng vàng thành tích để áp đặt, để kỳ vọng, để đòi hỏi những đứa trẻ này phải căng mình ra cọ sát – chà ủi bóng loáng cúp này, huy chương nọ. Tôi chẳng cần những tấm huy chương ấy, cúp ấy, bảng vàng thành tích ấy. Tôi cần lấp lánh tuổi học trò như những gì mà 20 năm, 30 năm sau nhớ về ai nấy đều rưng rưng.
Lấp lánh ơi! Lấp lánh à! Lấp lánh nữa đi những nụ cười của các con. Đừng ai tô vẽ lên, khoác lác lên về những gương sáng học tập hay ngôi sao tiêu biểu. Làm ơn, tôi xin đấy, làm ơn, hãy giữ vẹn nguyên những nụ cười của con ngày đầu tới lớp. Là đã đủ rồi. Nhiều hơn thì hãy khiến các con cười nhiều hơn nữa. Nụ cười của sự hân hoan khi tới lớp, hào hứng khi trở về nhà. Xin đừng bắt con gánh nỗi lo thành tích thầy cô hay của trường. Xin đừng bắt các con gánh áp lực dẫn đầu kiểu “nhìn các bạn lớp bên xem, họ như thế mà sao các con lại không thể được bằng họ?”. Tôi chưa bao giờ và không bao giờ so sánh con tôi với “con nhà người ta” thì xin thầy, xin cô đừng so sánh bạn này với bạn khác mà khiến tình bạn ấy thành đối thủ- ghen ghét nhau – đố kỵ nhau – hạ gục nhau. Xin nhớ giùm cho mỗi đứa trẻ là một con người độc lập. Mai này, trong số những đứa trẻ này, ai mà biết đứa nào sẽ làm giám đốc, đứa nào sẽ làm kỹ sư, đứa nào làm nhà thơ, đứa nào cũng sẽ đi dạy học? Xin đừng đổ đồng chúng thành những khuôn mẫu giống hệt nhau – phân biệt bằng mã số – gọi tên chúng bằng những điểm số.
Chúng ta, ai cũng từng là một đứa trẻ. Chúng ta đã từng mong đợi gì từ người lớn? Vậy sao khi chúng ta thành người lớn, chúng ta lại bắt chúng phải sống theo mong đợi của chúng ta? Thế giới ngày mai có tốt đẹp thế nào hay tệ hại ra sao, làm ơn, hãy bắt đầu từ hôm nay, không phải bằng việc bắt đứa trẻ phải xây dựng thế giới ngày mai, hãy cùng lũ trẻ tốt lên thêm sau mỗi ngày.
Thưa thầy, thưa cô, thưa cùng khai giảng! Xin dành tặng thầy, tặng cô một niềm tin ứng trước từ tôi – một phụ huynh. Một niềm tin ứng trước đầy đặn nhất, trọn vẹn nhất. Mong thầy cô giữ giùm và cùng tôi bảo vệ chúng – lòng tin này.