Độ

ĐỘ

Mấy ngày vừa rồi mạng xã hội có vẻ như đang hào hứng với câu chế “vì sao độ ta không độ… tiền”. Lại nhớ cách đây cũng đã mười mấy năm, một vị lãnh đạo tỉnh nhà nổi tiếng với biệt tài tổng kết, phát biểu rằng: “Người thông minh là người biết tìm ra các giới hạn”. Nghe hơi trừu tượng, tôi không nghĩ đây là một khái niệm khoa học. Sau này khi tìm hiểu về triết học, được tiếp cận với quy luật “Quá trình tích lũy về lượng tạo ra sự biến đổi về chất” tôi nhận ra cái giá trị của giới hạn mà vị cựu lãnh đạo yêu quý của tỉnh nhà phát biểu năm nào. Khi lượng đạt đến một giới hạn nào đó thì chất đổi, điểm giới hạn ấy chính là “độ”.

Chúng ta đang sống trong vô vàn cái giới hạn mà chúng ta vô tình hoặc cố tình không nhận ra. Tuần qua, một vụ tai nạn thảm khốc cướp đi ít nhất 4 sinh viên Trường Cao đẳng TM Thái Nguyên. 5 người kẹp nhau trên một chiếc xe máy đâm vào dải phân cách đường. Rất tiếc là thần chết đã không có một chút ưu ái nào đối với vụ việc đau lòng này. 4 em bỏ mạng tại chỗ và người duy nhất đang ở lại trần gian cũng thập tử nhất sinh. Đây không phải là vụ đầu tiên và rất có thể nó càng không phải là vụ cuối cùng. Mấy chục năm rồi, hình như chưa bao giờ Việt Nam chúng ta ra khỏi danh sách những quốc gia có tai nạn giao thông cao nhất. Hàng ngàn cái chết báo trước vẫn lặng lẽ lấy đi biết bao sinh mệnh, tiền của và hạnh phúc của con người. Ngồi ngẫm lại vụ tai nạn vừa nêu rồi nhắc đến hai từ giá như. Vâng, lại giá như. Giá như các em ấy “biết tìm ra giới hạn”. Quả thực trong vụ này hàng loạt cái “độ” rất rõ ràng đã không hề được quan tâm. Đầu tiên là cái giới hạn về số người ngồi trên xe, vượt quá xa cái ngưỡng mà nhà sản xuất cũng như pháp luật đã khuyến cáo. Cái giới hạn thứ hai là tốc độ, giá như các bạn ấy chạy chậm hơn… đâu đến nỗi 4 đám tang xuân thì. Theo thông tin các nhà chức trách thì cả 5 bạn ấy vừa rời khỏi một cuộc tiệc sinh nhật có bia, rượu. Chúng ta liên tưởng về một cái giới hạn có thể vừa bị phá vỡ ngay trước thời điểm ấy nữa – “quá chén”.

Nếu hỏi rằng, 5 bạn trẻ ấy có biết tác hại của bia, rượu không? Biết! Các bạn ấy có biết chở 5 người là trái quy định không? Biết! Các bạn ấy có biết chạy nhanh sẽ cực kỳ nguy hiểm không? Biết! Vậy biết mà sao vẫn không tránh? Chịu! Đây chính là câu chuyện muôn thuở của cuộc đời. Biết đấy nhưng vẫn vi phạm đấy, khổ thế đấy, dại thế đấy, đen đủi thế đấy. Những cái tặc lưỡi cho qua vẫn đều đặn lấy đi của chúng ta hàng ngàn cơ hội và cũng chính nó đã gây ra cho chúng ta bao tổn thất. Giá như chúng ta nhận ra và tuân thủ những cái giới hạn.

Một bữa cơm thôi, ăn ít quá thì đói, không đủ năng lượng để làm việc, nhưng ăn nhiều quá thì còn tồi tệ hơn. Nấu một bát canh thôi dù công phu gia vị đến mấy mà nếu thiếu muối chắc chắn cũng không ai nuốt nổi, nhưng lỡ tay nêm quá chút thôi là bát canh ấy trở về số không. Lý tưởng nhất cho mọi sự việc, hiện tượng chính là vừa đủ độ! Cuộc sống không hẳn là một bộ công thức cứng nhắc nhưng cuộc sống cũng không phải là mớ hỗn độn của những tùy tiện. Cơ quan nọ treo câu khẩu hiệu nhắc nhở nhân viên phải “luôn luôn mỉm cười”, trong lúc cô nhân viên may lắm, hào phóng lắm thì bình quân cũng cười duy nhất một nụ cho một… tuần! Tuy nhiên, nếu không có vấn đề về thần kinh thì làm sao người ta lại có thể “luôn luôn mỉm cười” cho được cơ chứ. Cô ấy là công chức, đang tiếp và giải quyết các thủ tục cho dân. Dân chỉ mong sao cô làm cho đúng luật, đúng phận sự, đúng trách nhiệm, đúng thẩm quyền, đừng nhũng nhiễu, phiền hà thế thôi. Dân không yêu cầu cô phải “luôn luôn mỉm cười”. Xin lỗi, cười mà không đúng chỗ cũng vô duyên lắm chứ bộ. Ở nơi mà áp lực công việc như thế, đối tượng tiếp xúc đa dạng và phức tạp như thế, các chủng loại hồ sơ rắc rối như thế mà bắt nhân viên phải “luôn luôn mỉm cười” là một đòi hỏi bất công, nếu không nói là hình thức và phi khoa học. Không gì là không có giới hạn, kể cả cười.

Cả nước có hơn 200.000 cử nhân thạc sĩ thất nghiệp, khỏi phải nói lãng phí tiền như thế nào. Thế đấy, họ đã không tìm được cái giới hạn cho chính mình, để rồi góp phần làm dị dạng đi bức tranh lao động “thừa thầy, thiếu thợ” thâm niên. Các nhà hoạch định chính sách thì loay hoay với mớ bòng bong cung – cầu và chữ “độ” xa lắc, xa lơ. Báo chí đang xôn xao về việc ái nữ của một vị tổng giám đốc doanh nghiệp khoe chiến tích mỗi năm phá vài chục tỷ. Dân làng giật bắn mình vì độ dã man của đồng tiền. Nếu thông tin lan tràn trên mạng không phải là fake news thì có lẽ các tỷ phú dầu mỏ vùng Vịnh cũng ngả mũ vái chào! Cái này gọi là ngông vô độ!

Chữ “độ” không đơn thuần chỉ điểm giới hạn của quá trình tích lũy. Trong hình học thì độ là đơn vị chỉ góc đo, trong nhiệt học thì độ là đơn vị đo nóng lạnh. Đôi khi độ còn được sử dụng làm đơn vị như một thang đo, ví dụ như độ ẩm, độ nhạy, độ tin cậy. Độ còn là từ chỉ một quãng thời gian nào đó tương ứng như “Cô ấy đang độ xuân thì”, “Đào nở rộ vào độ tết”, “Độ năm tới anh ấy sẽ về”. Chúng ta đang sống giữa vô vàn chữ độ, nào là độ cao, độ sâu, độ dài, thậm chí độ ngu ngốc, độ liều lĩnh, độ tham lam và độ trơ trẽn. Hoặc như vụ đại náo sân bay vừa qua là độ điên khùng!

Còn chữ độ mà tác giả đề cập đầu bài viết lại là chuyện khác, chữ độ trong đạo Phật,  là phổ độ chúng sinh. Phật, suy cho cùng là tiếng nói ngàn đời của ước vọng, là tối cao chuẩn mực đạo đức, lẽ phải mà con người hun đúc nên. Phật bao dung, nhân từ nhưng cũng công bằng lắm. Đó chính là những gì mà con người hướng tới. Thật buồn khi một bộ phận, nhất là các bạn trẻ đang hoài phí trí tuệ, cơ hội và sức khỏe cho những điều vô bổ. Cha ông dạy rồi “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai nỡ đem phần đến cho”. Hãy đứng dậy và tìm kiếm cơ hội cho chính mình. Đừng phó mặc, đừng trông chờ ỷ lại, cũng đừng kêu than. Đừng sến sẩm theo kiểu “Vì sao độ ta không độ… tiền”.