HỘI CHỨNG “QUỐC TẾ”
Cùng cà phê sáng, cậu bạn đang chúi mũi vào chiếc điện thoại bỗng ré lên cười. Hỏi “Có chuyện gì? Bạn bảo: “À. Chuyện ở trường Gateway…”. Gắt: “Chuyện quá đau lòng, cười cái nỗi gì…”. Bạn vội vàng đáp: Không, Facebook đang lan truyền tình tiết mới về trường Gateway. Cái trường này tự phong cho nó cái mác “quốc tế”. Cũng na ná như chuyện về “nhà báo quốc tế” quê Nghi Lộc hồi năm ngoái…”.
Quả là sau những thông tin liên quan đến bé L.H.L, báo chí và mạng xã hội đã nổi sóng bởi mác “quốc tế” của trường Gateway. Do Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh xác nhận. Ông này lên tiếng khẳng định trên địa bàn quận Cầu Giấy không có trường nào tên là trường “quốc tế”; và trong quy định cũng không có trường quốc tế.
Theo quy định của Luật Giáo dục, ở Việt Nam có 3 loại hình nhà trường gồm: trường công lập; trường dân lập và trường tư thục. Nói như ông Trưởng phòng GD&ĐT, có thể hiểu nôm na là các gia đình có con học tại trường Gateway đang có dấu hiệu… bị lừa. Liên hệ rộng ra từ sự việc này, khi quy định đã không có trường quốc tế, thì trên dải đất hình chữ S này, chưa có một trường học mang nhãn “quốc tế” nào được pháp luật công nhận. Và những trường học đang dán nhãn “quốc tế”, cũng đều phải cần được xem xét về tiêu chí, tiêu chuẩn…
Ngẫm nghĩ nguyên nhân, tại sao khi không có quy định mà người ta vẫn cố tình dán nhãn mác “quốc tế”? Mục tiêu duy nhất có thể hiểu được là nhằm để thể hiện đẳng cấp, để lòe, và để “vặt” cho được nhiều tiền của những gia đình có xu hướng sính ngoại. Những gia đình như thế, thường có điều kiện về kinh tế, họ kỳ vọng con cái mình được học trong một môi trường hoàn hảo, vượt trội.
Về hành vi dán mác “quốc tế” thực ra không có gì là lạ, vì chủ nhân của những ngôi trường như thế là người làm kinh tế, để đạt doanh thu, dĩ nhiên họ sẽ có chiêu trò, thủ đoạn. Điều đáng buồn là cũng như ở rất nhiều những vụ việc, chỉ đến khi xảy ra sự cố thì nhà quản lý mới nói ra sự thật, và tìm cách chống chế, thoái thác trách nhiệm.
Và đáng buồn hơn là hành vi dán nhãn “quốc tế” không chỉ mới xảy ra riêng trong lĩnh vực giáo dục, mà đã từng được rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện, và đã bị bóc mẽ khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Vậy nhưng vì tâm lý sính ngoại vẫn còn đầy ăm ắp trong xã hội, như một thứ hội chứng để rồi dẫn đến bị lừa, bị lợi dụng, bị trục lợi.
Đây là những câu chuyện không thể vui. Lại nhớ đến xã hội Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20 trong tác phẩm “Tắt đèn” của cố nhà văn Ngô Tất Tố. Nhớ qua hình ảnh hai vợ chồng Nghị Quế với với câu thoại trứ danh: “Đồng hồ Tây có bao giờ sai…”.