19 hộ dân ở xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn), không nằm trong diện di dời khi Thủy điện Bản Vẽ xây dựng, nhưng sau đó lại liên tục bị ngập. Có những thời điểm nước từ lòng hồ dâng cao, ngập gần đến nóc nhà. Trong khi chính quyền địa phương cho rằng lỗi là do thủy điện đánh giá tác động môi trường không đúng thì phía chủ đầu tư “phủi trách nhiệm”.
Những ngày đầu tháng 8, ông Lô Văn Luân (46 tuổi), ngồi thấp thỏm trước hiên nhà ở bản Xốp Tụ (xã Mỹ Lý, Kỳ Sơn). Chỉ sau vài trận mưa nhỏ cộng với nước lũ từ thượng nguồn ở bên Lào đổ về, dòng Nậm Nơn đã dâng cao ngập lên đến mép con đường dẫn vào bản. “Nếu cứ mưa tiếp và Thủy điện Bản Vẽ không xả thì chúng tôi phải di chuyển đồ đạc ngay”, ông Luân nói, chỉ tay vào những vết hằn bên vách nhà do cơn lũ những năm trước để lại.
Hộ ông Luân là 1 trong 19 hộ dân ở bản Xốp Tụ thường xuyên bị ngập lụt kể từ khi Thủy điện Bản Vẽ đi vào hoạt động. Những hộ này sinh sống lâu đời cạnh một con khe nhỏ đổ ra dòng Nậm Nơn. Nhưng từ khoảng 5 năm trở lại đây, những căn nhà sàn ở đây thường xuyên bị ngập. Đỉnh điểm là cuối tháng 8 năm ngoái, phần lớn các nhà dân bị ngập gần hết mái.
“Từ chiều tối chúng tôi thấy nước đã đến mép sân nhưng chỉ vài tiếng sau nước ngập lênh láng hết. Cả gia đình phải hối hả chạy lũ lúc nửa đêm”, ông Vi Văn Lợi kể lại ngày nước lũ ngập hết nhà ông lần trước. Mỗi năm vài lần chạy lũ như vậy, có vẻ như đã quá quen thuộc với người dân nơi đây. Hiện nay, hầu như nhà nào cũng có một cái ghe nhỏ để di chuyển đồ đạc mỗi lần mùa mưa lũ về. Nhưng không phải ai cũng chấp nhận cuộc sống thấp thỏm như vậy.
“Mùa mưa lũ đã đến, chúng tôi rất lo lắng. Năm ngoái thì ngập đến nóc nhà, không biết năm nay ngập đến đâu. Vì những năm gần đây, cứ năm sau lại ngập cao hơn năm trước”, ông Luân kể. Hiện nay, trong số 19 hộ thì đã có đến 5 hộ phải tự di chuyển đến nơi ở mới. Nhưng không có mặt bằng, không có tiền để dựng nhà, họ đành phải ở tạm trong những căn chòi chật chội cạnh những con khe, con suối. Ông Kha Văn Hoàn (55 tuổi), là một trong số đó. Ông Hoàn không nhớ nổi gia đình ông đã trải qua bao nhiêu đời ở mảnh đất màu mỡ này.
Chúng tôi có mặt tại đây khi ông Hoàn trở về nơi ở cũ để lấy những đồ đạc cuối cùng. Căn nhà sàn vững chãi, bên trong trống rỗng, chỉ còn sót lại những chiếc giường gỗ. Trước mùa mưa lũ, ông Hoàn đã kịp dựng tạm một căn chòi cách đó không xa để 5 người trong gia đình có chỗ ra vào. Còn căn nhà sàn khang trang này đành bỏ không. “Thật sự cả nhà tôi không dám ở. Nghĩ đến những lần chạy lũ mà sợ”, ông Hoàn nói.
Theo lãnh đạo xã Mỹ Lý, khoảng 15 năm trước, khi khảo sát đánh giá tác động môi trường để xây dựng Thủy điện Bản Vẽ, 19 hộ dân ở bản Xốp Tụ này cũng nằm trong diện di dời. Tuy nhiên, sau đó không hiểu vì lý do gì, phía chủ đầu tư quyết định hạ mức nước dâng ở thượng nguồn từ 204m xuống còn 202,13m. Phía thủy điện sau đó chỉ di dời 112 hộ ở xã Mỹ Lý, 19 hộ dân này không di dời.
Nhưng chỉ ít năm sau khi thủy điện tích nước, ở đây thường xuyên bị ngập. Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn cũng như xã Mỹ Lý cho rằng, nguyên nhân là do thủy điện đánh giá tác động môi trường không đúng và đã không lường trước việc lòng hồ bị bồi lắng. Khiến mực nước dâng càng lên cao theo thời gian.
Tuy nhiên, trong khi người dân và chính quyền ở đây khẳng định nhà của họ đã bị ngập kể từ 5 năm trở lại đây thì phía Thủy điện Bản Vẽ lại cho rằng, chỉ duy nhất mỗi năm 2018 và trách nhiệm cũng không thuộc về phía thủy điện.
“Kể từ khi tích nước từ năm 2010 đến năm 2017, lòng hồ khu vực xã Mỹ Lý đều không bị ngập quá cao trình đã giải phóng mặt bằng. Năm 2018, do ảnh hưởng của mưa lớn trên khu vực xã Mỹ Lý, kết hợp với lũ lớn từ bên Lào đổ về nên đã xảy ra tình trạng ngập lụt một số hộ dân nằm sát đường viền lòng hồ trên cao trình GPMB”, đại diện Thủy điện Bản Vẽ nói khi trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Nghệ An về tình trạng ngập lụt của 19 hộ dân này.
Phía nhà máy thủy điện cũng cho hay, sau khi xem xét hiện trường, trên cơ sở thu thập các số liệu thủy văn và tình hình mưa lũ thực tế ở Lào năm 2018, thủy điện cho rằng, nguyên nhân chính xảy ra ngập lụt tại đây năm 2018 là do lũ quá lớn từ bên Lào đổ về trong thời gian ngắn, kết hợp với mưa lớn trong khu vực nên đã gây ra hiện tượng lũ cục bộ ở khu vực đuôi hồ. “Đây là hậu quả do hiện tượng biến đổi khí hậu và tình trạng khai thác rừng trên lưu vực sông Nậm Nơn, đặc biệt là thượng nguồn bên Lào, cho nên khi mưa lớn rừng không giữ được nước mà đổ dồn xuống lòng sông, suối gây ra lũ cục bộ”, đại diện Thủy điện Bản Vẽ phân trần.
Ông Tạ Hữu Hùng – Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ cho hay, ông không biết được lý do vì sao ngày xưa thủy điện hạ mức nước dâng ở khu vực thượng nguồn này từ 204m xuống 202,13m, nhưng chắc chắn “việc ngập lụt của 19 hộ dân này không phải nguyên nhân do thủy điện gây ra”. “Ngày 4/8, lòng hồ ở Bản Vẽ vẫn ở mực nước chết nhưng khu vực này vẫn bị ngập”, ông Hùng lý giải. Mặc dù vậy, công ty thủy điện cũng đang mời thầu, thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành để kiểm tra, đánh giá nguyên nhân, mức độ ảnh hưởng và từ đó phối hợp với chính quyền đưa ra phương án khắc phục.
Trong khi đơn vị tư vấn chưa kiểm tra, đánh giá nguyên nhân thì lãnh đạo công ty thủy điện đã vội vã phủi trách nhiệm khi khẳng định việc ngập lụt của những hộ dân này là “không liên quan tới thủy điện”.
Trái với quan điểm của công ty thủy điện, ông Lô Văn Liệu – Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý cho rằng, việc ngập lụt là hoàn toàn do thủy điện. “Chúng tôi không biết việc kiểm tra, đánh giá dựa vào đâu, chúng tôi chỉ biết người dân họ sinh sống lâu đời ở đó không sao. Nhưng khi công ty thủy điện tích nước thì họ lại thường xuyên bị ngập”, ông Liệu nói.
Đồng quan điểm khi cho rằng công ty thủy điện phải có trách nhiệm đền bù cho 19 hộ dân này, ông Nguyễn Thanh Hoàng – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho rằng, việc ngập lụt là do thủy điện. “Khi mực nước lòng hồ dâng cao, một số nhà dân thậm chí bị trôi tuột xuống sông. Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với Công ty Thủy điện Bản Vẽ để đền bù cho dân nhưng phía công ty thủy điện không đưa ra câu trả lời. Chúng tôi giống như đi xin vậy. Ở đây phải nói rõ không phải xin xỏ gì, cũng không phải hỗ trợ cho dân mà là trách nhiệm phải đền bù”, ông Hoàn bày tỏ bức xúc tại cuộc họp HĐND tỉnh mới đây.