Theo quy định, hoàn thổ là nghĩa vụ bắt buộc của các doanh nghiệp sau khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản. Tại địa bàn Nghệ An, nhiều mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác, dừng hoạt động từ nhiều năm nay, nhưng vẫn không được phục hồi hoàn thổ để giải quyết hậu quả về môi trường.
Không có từ nào mô tả sát thực tế hơn từ “tan hoang” với những gì chúng tôi chứng kiến tại khu vực các mỏ đất ở khu vực Hòn Nhạn, xã Diễn Đoài (Diễn Châu). Khu vực này có 6 mỏ đất đều đã hết phép, còn trơ lại những dãy đồi bị các phương tiện cơ giới đào khoét lở lói. Phía chân đồi cũng bị khoét những hố sâu, nước đọng lại thành những ao, vũng rộng đến cả trăm mét vuông.
Có những nơi, một nửa quả đồi là rừng thông xanh ngắt càng tương phản với nửa còn lại đã bị “xẻ” ngang lộ dấu đào bới lở loét. Có nhiều chỗ vẫn còn những gốc thông treo trên đỉnh núi nơi vết “xẻ” ngang, chực chờ trận mưa là kéo theo cả khối đất lớn đổ ập xuống. Tại một số vị trí do khai thác khoét hàm ếch nên nguy cơ sập mái núi cũng rất cao.
Cũng tình trạng trên, trong quá trình khai thác khoáng sản ở mỏ đá Lèn Chùa, phường Quỳnh Xuân (TX. Hoàng Mai), các doanh nghiệp đã bất chấp pháp luật, để xảy ra nhiều sai phạm. Trong đó, các doanh nghiệp đã khai thác tại mỏ đá vượt quá chỉ giới cấp phép, khai thác đá dưới cốt 0… tạo thành hố sâu nguy hiểm.
Sau nhiều năm bị khai thác vượt độ sâu cho phép, mỏ đá Lèn Chùa vẫn chưa được san lấp hoàn thổ. Hiện ở Lèn Chùa là cả một hồ nước mênh mông. Do 3/4 ranh giới mỏ tiếp giáp với khu dân cư, diện tích mỏ rộng trên 20 ha, trong đó vùng có hồ nước sâu từ 10 – 20m rộng khoảng gần 10 ha, xung quanh không hề có hàng rào ngăn cách nên khá nguy hiểm, nhất là trẻ nhỏ vốn hiếu kỳ.
Nhiều người dân địa phương phản ánh: Hồ sâu hàng chục mét, đã từng có học sinh bị đuối nước khi sẩy chân xuống; cần phải có giải pháp khẩn trương hoàn thổ nếu không sẽ để lại nhiều hệ lụy cho vùng đất này.
Đối với địa bàn huyện Quỳ Hợp, vào những giai đoạn cao điểm có tới hàng trăm điểm khai thác đá, quặng. Tuy nhiên, hiện nay, do chi phí sản xuất cao, đầu ra gặp khó khăn nên hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa mỏ, ngừng hoạt động nhưng không thực hiện hoàn thổ, phục hồi môi trường.
Nhiều xã vùng mỏ như Châu Quang, Châu Lộc, Châu Thành, Châu Hồng…, đồi núi đang trong tình trạng nham nhở do bị đào bới. Báo động nhất là một số mỏ khai thác đá hết hạn, ngừng hoạt động dẫn đến tình trạng các ngọn núi bị đục khoét hàm ếch, các khối đá treo lớn có nguy cơ đổ sập xuống phía dưới, đe dọa tính mạng nhân dân.
Không chỉ các mỏ đá, nếu có dịp về các vùng có nhà máy gạch ngói nung như Cừa và Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ), Hưng Đạo và Hưng Yên (Hưng Nguyên), Nghi Vạn, Nghi Kiều (Nghi Lộc) đều nhận thấy xung quanh các nhà máy gạch có rất nhiều vùng đất trũng sâu.
Khi chúng tôi đề cập hiện tượng này, nhiều người dân cho biết, đây từng là những thửa đất lúa nhưng do bị đào lấy đất sản xuất gạch nên bị khoét sâu xuống thành ao và đang được để vậy từ trước đến nay; nhưng những hiện tượng này rất khó làm rõ và truy trách nhiệm…
Thực tế cho thấy, các mỏ hết hạn, bị đóng cửa hoặc bị đình chỉ, việc phục hồi môi trường và hoàn thổ khá chậm chạp. Nhiều khu mỏ hết hạn, doanh nghiệp rút đi, không đưa mỏ về trạng trái an toàn khiến chính quyền địa phương và người dân lo lắng.
Việc trước đây các doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm quy định về phục hồi môi trường và hoàn thổ là xuất phát từ quy định các doanh nghiệp khai thác mỏ trước đây chỉ làm cam kết với huyện, không phải ký Quỹ Phục hồi môi trường và hoàn thổ nên không ràng buộc trách nhiệm khi mỏ hết hạn hoặc đóng cửa.
Tuy vậy, tình hình có sự thay đổi khi từ năm 2016 Chính phủ đưa ra quy định buộc các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải ký Quỹ Phục hồi môi trường. Nhưng như mỏ đá Lèn Chùa (Quỳnh Xuân, TX. Hoàng Mai) mặc dù các doanh nghiệp này ký quỹ đầy đủ và mỏ đóng cửa từ năm 2018 nhưng phải sau hơn 1 năm khu mỏ đá mới lắp hàng rào thép gai cảnh báo nguy hiểm là khá chậm.
Vấn đề này được lý giải là theo quy định về phục hồi môi trường và hoàn thổ thì các doanh nghiệp phải dùng đất để san lấp mặt bằng; nhưng do mỏ đã bị khai thác ở độ sâu quá lớn và để san lấp mặt bằng hoàn thổ cần lượng đất, đá rất lớn và quá tốn kém nên không khả thi, tỉnh và doanh nghiệp phải tính toán lại phương án.
Việc tính toán đưa ra phương án khả thi là có thể hiểu được, nhưng nguy hiểm thì luôn chực chờ, người dân và chính quyền địa phương thì không thể đợi lâu. Ông Nguyễn Đình Thụ – Phó Bí thư Đảng ủy phường Quỳnh Xuân cũng cho biết: Từ khi mỏ Lèn Chùa đóng cửa, do chưa có phương án đảm bảo an toàn nên phường thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo, nhắc nhở các gia đình không để trẻ con chơi, xuống tắm khu vực này. Mặc dù vậy, chừng nào chưa có phương án an toàn thì hàng chục trẻ em ở khu vực này vẫn còn nguy hiểm.
Tại huyện Quỳ Hợp, còn hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng thời điểm mỏ hết hạn và làm đề án xin đóng cửa mỏ nhưng vẫn đưa phương tiện vào khai thác.
Mới đây nhất là trường hợp khu vực Thung Nọi, bản Kèn, xã Châu Lộc (Quỳ Hợp) mỏ hết hạn từ năm 2016 và Công ty Thương mại Dương Tuyết có đề án xin đóng cửa mỏ năm 2017, nhưng thay vì triển khai các bước phục hồi môi trường thì đơn vị này vẫn khai thác đá mà không hề gặp bất kỳ sự giám sát hay can thiệp nào của cơ quan chức năng.
Tương tự, ngay tại rú Mượu, xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) có mỏ đá đã đóng cửa cách đây hơn 5 năm, nhưng theo xác nhận của lãnh đạo xã, thỉnh thoảng vẫn có người dân vào khu vực giáp ranh với xã Hưng Tây và Nam Giang để khai thác tận thu các loại đá và khi có tai nạn lao động xảy ra thì xã mới biết để nhắc nhở.
Ngoài các điểm mỏ trên, tại Nghệ An còn là một trong những “điểm nóng” sau khai thác, đóng cửa mỏ. Đơn cử khu vực mỏ thiếc Suối Bắc, xã Châu Thành (Quỳ Hợp) đóng cửa từ lâu, nhưng gần đây, lợi dụng sự giám sát lỏng lẻo của địa phương, người dân vào khu vực này để khai thác mót thiếc thì bị sập hầm khiến 3 người chết và 1 người bị thương.
Để xử lý, huyện Quỳ Hợp đã xin ý kiến tỉnh tổ chức đánh sập 24 cửa hầm và dùng đất, đá lấp kín các cửa khác. Tuy nhiên, do trước đó việc thực hiện quy định đưa mỏ về trạng thái an toàn chưa đảm bảo và khu vực Suối Bắc đã bị đào sâu lộng phía chân, nên chỉ cần người dân tiếp tục lén lút vào khai thác mót thì tai nạn sẽ xảy ra bất kỳ lúc nào…
Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 68 của Chính phủ, Thông tư 126 của liên Bộ Tài chính – Công nghiệp – Tài nguyên và Môi trường đã quy định rõ: Để giải quyết những hậu quả về môi trường sau khai thác, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng phải ký Quỹ Phục hồi môi trường tùy theo mức độ, diện tích và trữ lượng mỏ.
Theo đó, quỹ này phải tương xứng với phần chi phí bồi hoàn, khắc phục lại hiện trạng trước khi tiến hành khai thác. Khi doanh nghiệp khai thác ký quỹ, Nhà nước giữ khoản tiền đó, sau khi khai thác xong doanh nghiệp bồi hoàn hiện trạng đúng như cam kết mới cho họ được rút khoản tiền đó ra. Trường hợp doanh nghiệp không làm, Nhà nước dùng quỹ đó để thuê người làm.