Trong quá trình nâng cấp hồ đập, chủ đầu tư cho ngoặm những hố sâu để thi công, nhưng lại không san lại tạo thành những vực sâu bất ngờ với người dân địa phương. Trong khi đó, công tác hoàn thổ ở các điểm mỏ trên địa bàn vẫn đang bị buông lỏng, tạo thành những cái bẫy chết người…
Ngày cuối tháng 5, một nhóm gồm 15 em học sinh lớp 8A (Trường THCS Trung Thành, huyện Yên Thành), mang theo bánh kẹo đến khu vực đập Trại Xanh (xã Bắc Thành) để liên hoan chia tay cuối năm học. Trong quá trình vui chơi, chụp ảnh dưới đập nước, một trong các em bị sẩy chân rồi chìm xuống vực sâu. Thấy bạn chới với, cả nhóm lần lượt lao xuống cứu. Tuy nhiên, không những không cứu được bạn, do bất ngờ vì gặp phải vũng nước sâu, tinh thần lại hoảng loạn, cả nhóm 5 học sinh bấu víu nhau bị dòng nước cuốn đi. Số học sinh còn lại đành bất lực đứng trên bờ nhìn tử thần cướp mất các bạn… Vụ việc đã cướp đi sinh mạng của 4 nam sinh và 1 nữ sinh vừa tròn 14 tuổi làm rúng động cả nước. Quê lúa Yên Thành chìm trong tang tóc!
“Đó như là một cái bẫy. Một cái bẫy chết người”, ông Hoàng Danh Truyền – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành chia sẻ với phóng viên Báo Nghệ An khi được hỏi về vị trí các em gặp nạn.
Theo ông Truyền, năm 2017, dự án nâng cấp đập Trại Xanh ở xã Bắc Thành được triển khai. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư vì muốn tiện lợi, tiết kiệm quãng đường vận chuyển đã cho múc đất dưới lòng đập để đắp vai đập. Tuy nhiên, sau đó họ lại không cho san lấp lại bằng phẳng mà tạo thành những vực sâu rất nguy hiểm. “Họ cứ múc từng hố. Vì thế có chỗ thì nước chưa đến một mét nhưng bước thêm một bước là sâu gần 5 mét. Khu vực các em chơi đùa nước chỉ đến đầu gối nhưng trong lúc đi lại thì không may bị sẩy chân rơi xuống vực sâu do thi công nâng cấp đập để lại”, ông Truyền nói.
Sau vụ việc đau lòng này, huyện Yên Thành cũng đã kiến nghị lên lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị khi thi công hồ đập cần trả lại mặt bằng, không để lại “những cái bẫy chết người” tương tự ở đập Trại Xanh.
Ngoài ra, theo ông Truyền, ở các kênh mương thủy lợi hiện nay được bêtông hóa, một thời gian sau xây dựng rong rêu bám vào bờ mương rất dày gây trơn trượt, người đuối nước không thể bám víu. Ông Truyền kiến nghị khi thi công công trình thủy lợi cần nghĩ đến trường hợp này để thiết kế, xây dựng các dây xích bằng sắt chạy dọc mương nhằm có nơi để bấu víu, tránh trơn trượt. “Đặc biệt, theo tôi ở những điểm nguy hiểm, thường xảy ra đuối nước nên cho đặt sẵn các công cụ để ứng cứu như những cọc tre dài, phao…”, ông Truyền nói.
Theo quy định, hoàn thổ là nghĩa vụ bắt buộc của các đơn vị, doanh nghiệp sau khi kết thúc hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản. Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 68 của Chính phủ, Thông tư 126 của liên Bộ Tài chính, Công nghiệp, Tài nguyên và Môi trường cũng đã quy định rõ các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng phải ký Quỹ phục hồi môi trường tùy theo mức độ, diện tích và trữ lượng mỏ nhằm giải quyết những hậu quả về môi trường sau khai thác.
Quỹ phục hồi môi trường sẽ tương xứng với phần chi phí bồi hoàn, khắc phục lại hiện trạng trước khi tiến hành khai thác. Nhà nước sẽ giữ số tiền các doanh nghiệp khai thác ký quỹ. Sau khi khai thác xong, doanh nghiệp hoàn thổ hiện trạng đúng như cam kết thì được rút khoản tiền đó ra. Trường hợp doanh nghiệp không làm, Nhà nước dùng quỹ đó để trả chi phí thuê thực hiện.
Tuy nhiên, trên thực tế công tác này đang bị buông lỏng. Nhiều tháng nay, nhiều bậc phụ huynh ở phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai), nơm nớp lo sợ vì con em ra những hố sâu ở mỏ đá Lèn Chùa tắm mát. Mặc dù khu vực này đã được lắp biển cảnh báo nguy hiểm và rào xung quanh. Mỏ đá Lèn Chùa trước đây được giao cho một số công ty khai thác. Tuy nhiên, các công ty này lại khai thác độ sâu quá mức quy định cho phép so với cốt 0 hàng chục mét (từ mặt đất đào sâu xuống hàng chục mét để lấy đá), đồng thời khai thác vượt ra ngoài khu vực cấp phép là hàng nghìn m2.
Từ những sai phạm trên, tháng 2/2017, các công ty này đã bị UBND tỉnh Nghệ An xử phạt 120 triệu đồng. Đồng thời, buộc phải san lấp, phục hồi môi trường đối với khu vực đã khai thác vượt quá độ sâu, nhưng rồi các doanh nghiệp không thực hiện phục hồi hiện trạng. Đến năm 2018, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định thu hồi, chấm dứt hiệu lực quyền khai thác khoáng sản tại mỏ Lèn Chùa của tất cả các doanh nghiệp này.
Nhưng sau đó, thay vì buộc các doanh nghiệp hoàn thổ, khôi phục lại hiện trạng thì cơ quan chức năng cho phép doanh nghiệp để nguyên hiện trạng sau khai thác là hố nước sâu trong khu vực mỏ rồi dựng hàng rào sơ sài xung quanh, cắm biển cảnh báo để người dân không đến khu vực mỏ…
Không chỉ ở mỏ đá Lèn Chùa, do buông lỏng quản lý, trên địa bàn tỉnh còn hàng loạt điểm mỏ từ lớn đến nhỏ hoàn thổ một cách sơ sài hoặc thậm chí không hoàn thổ theo quy định tạo thành những cái bẫy chết người với người dân địa phương.
Thực tế ghi nhận, đã có không ít vụ chết đuối đau lòng xảy ra trên địa bàn Nghệ An mà hiện trường chỉ là những hố nước nhỏ đến từ sự bất cẩn, vô trách nhiệm của người lớn. Ngày 22/6/2018, người dân xã Nghĩa Xuân (huyện Nghĩa Đàn), bàng hoàng khi phát hiện thi thể một cháu nhỏ nổi lên giữa một hố nước rộng chỉ khoảng 10m2. Khi vớt cháu lên, họ lại tiếp tục phát hiện thêm một thi thể nữa. Cả 2 nạn nhân lúc đó chỉ vừa tròn 5 tuổi.
Trong khi hố nước này do thi công đào hố chôn cột điện để lại. Họ tạo thành những hố nước sâu nhưng lại không che chắn, hay đặt biển cảnh báo xung quanh… Trước đó, năm 2016, tại xã Nam Thái (huyện Nam Đàn), một chiếc ô tô trong quá trình lưu thông trên đường liên xã đã bị rơi xuống hố khai thác đất để làm lò gạch khiến 2 người thiệt mạng. Hố nước này sâu đến hơn 10 mét, nằm ngay cạnh tuyến đường liên xã mà không được rào chắn…
Những chiếc bẫy người không chỉ xuất hiện ở các điểm đào hố, khai thác đất, đá mà còn đến từ những hố sụp bất ngờ vì nạn khai thác cát, sỏi trên sông, suối. Thực tế, đã có nhiều vụ việc đuối nước thương tâm vì các em nhỏ và cả người lớn tắm trên sông Lam ngày nắng nóng. Nguyên nhân là bởi nhiều khu vực sông bị sụt lún, đổi dòng do tình trạng hút cát, sỏi trái phép…