Bài 2: Bất cập “quan hệ” nhà máy – vùng nguyên liệu

Lợi thế về quỹ đất đai có thể tạo vùng nguyên liệu tập trung từ sản xuất nông nghiệp được xác định là điều kiện quan trọng để Nghệ An phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản. Thực tế nhiều cây trồng đã hình thành vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến từng tạo thành chuỗi sản xuất khá hiệu quả. Thế nhưng, nhiều mũi chế biến bị mai một, nhiều dây chuyền công nghệ đã cũ mà không được đầu tư mới…

Xã Tây Thành (Yên Thành) trước đây vốn là vùng nguyên liệu sắn, đến nay chỉ còn rất ít hộ trồng (từ gần 100 ha sắn, nay chỉ còn khoảng trên 10 ha).

Ông Văn Lý ở xóm Khánh Thành, xã Tây Thành cho biết: Trước đây gia đình đầu tư trồng 10 sào sắn, nhưng trừ tiền đầu tư, phân bón, chăm sóc, tính ra còn lỗ nên chúng tôi đã chuyển sang trồng bưởi da xanh theo đề án của xã.

Trên toàn huyện Yên Thành, vùng nguyên liệu sắn Yên Thành được quy hoạch 1.500 ha tập trung ở các xã Lăng Thành, Mỹ Thành, Đồng Thành, Kim Thành, Thịnh Thành nhưng hiện nay còn chưa đầy 500 ha sắn, nhiều xã đã bỏ cây sắn chuyển sang trồng mía, keo lai.

Nhà máy sắn Yên Thành hiện nay đã đóng cửa, công nhân Nhà máy sắn Yên Thành bảo dưỡng máy móc. Ảnh: Thu Huyền - Văn Trường
Nhà máy sắn Yên Thành hiện nay đã đóng cửa, công nhân Nhà máy sắn Yên Thành bảo dưỡng máy móc. Ảnh: Thu Huyền - Văn Trường

Được biết, Nhà máy sắn Yên Thành có công suất chế biến 120 tấn/ngày, nhưng do thiếu nguyên liệu nên đã phải đóng cửa, dừng hoạt động; hơn 70 lao động không có việc làm. Nhà máy chế biến tinh bột sắn Thanh Chương cũng đang gặp khó khăn. Có những thời điểm giá sắn quá rẻ chỉ 1.000 đồng/kg, nên đa số người dân chuyển đổi sang trồng cây khác. Năm nay giá sắn thu mua cao trên 2.200 đồng/kg thì nông dân lại không có sắn để bán.

Nhà máy sắn Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn hoạt động cầm chừng. Ảnh: Thu Huyền
Nhà máy sắn Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn hoạt động cầm chừng. Ảnh: Thu Huyền

Nghệ An hiện có trên 6.000 ha sắn tập trung ở các huyện Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Yên Thành, Tân Kỳ, Đô Lương. Theo đánh giá, trồng sắn mang tính tự phát, đầu tư thâm canh hạn chế, dẫn đến năng suất thấp. Trong khi đó, một số nhà máy thiếu liên kết, hợp tác với nông dân để có các cơ chế, chính sách hỗ trợ vật tư, phân bón, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nông dân và doanh nghiệp không có sự ràng buộc lẫn nhau, vì thế người dân chuyển đổi từ cây sắn sang cây khác.

Còn đối với cây mía, một thời là cây làm giàu của người dân vùng Phủ Quỳ, Anh Sơn, nhưng hiện cũng rơi vào cảnh khó khăn. Nghệ An có 3 nhà máy đường với tổng công suất chế biến 13.800 tấn mía cây/ngày (trong đó Nhà máy đường NASU có công suất lớn nhất 9.000 tấn/ngày); tổng sản lượng đường kính hàng năm đạt từ 120.000 – 130.000 tấn.

Nhà máy đường NASU có công suất lớn nhất 9.000 tấn/ngày.
Nhà máy đường NASU có công suất lớn nhất 9.000 tấn/ngày.

Những năm gần đây sản lượng đường giảm do năng suất mía giảm ảnh hưởng bởi sâu bệnh và diện tích vùng nguyên liệu giảm do chuyển đổi sang phục vụ mục đích các dự án khác cũng như bị cạnh tranh của các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Đặc biệt, vì giá đường giảm sút trong nhiều năm qua khiến việc đầu tư cho vùng nguyên liệu cũng như hoạt động chế biến ảnh hưởng đáng kể. Công suất thực hoạt động của các nhà máy đường chỉ đạt khoảng 70% công suất thiết kế.

Lĩnh vực chế biến nước trái cây, ngoài Nhà máy sản xuất nước thảo dược và nước hoa quả Núi Tiên có công suất dây chuyền nước hoa quả là 36.000 chai/giờ của Tập đoàn TH, thì những năm qua, Công ty CP Thực phẩm Nghệ An (Nafoods) với dây chuyền sản xuất nước chanh leo cô đặc, nước ép trái cây và Nhà máy dứa cô đặc Quỳnh Lưu quy mô 5.000 tấn/năm, có hoạt động nhưng mối liên kết với vùng nguyên liệu không tốt, vì thế vào mùa thu hoạch bà con vẫn rơi vào bài toán “được mùa rớt giá”.

Từ lâu, để đáp ứng nhu cầu chế biến, nhiều vùng nguyên liệu, nhiều cây, con trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng các nhà máy chế biến. Điển hình như chế biến chè Nghệ An đã đi trước một bước so với các tỉnh, thành khác; một thời các nhà máy hoạt động hết công suất với dây chuyền thiết bị khá hiện đại, thu mua nguyên liệu cho bà con, tạo nên không khí sản xuất sôi nổi.

Thế nhưng, cho đến nay, hầu hết các cơ sở chế biến không được đầu tư mới, hầu hết đều đang sản xuất trên dây chuyền công nghệ cũ. Xí nghiệp chè Hạnh Lâm (Thanh Chương) là 1 trong 6 xí nghiệp chè của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An, nông trường chè đầu tiên của tỉnh được thành lập từ năm 60 của thế kỷ trước.

Nhiều cơ sở chế biến chè vẫn sử dụng dây chuyền công nghệ cũ, lạc hâu. Ảnh Thu Huyền.
Nhiều cơ sở chế biến chè vẫn sử dụng dây chuyền công nghệ cũ, lạc hâu. Ảnh Thu Huyền.

Giai đoạn 2001 – 2009 đơn vị phát triển mạnh, đưa các tiến bộ khoa học vào sản xuất, không ngừng nâng chất lượng đổi mới công nghệ, tích cực mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, kinh doanh hiệu quả. Một thời gây tiếng vang là thế, nhưng bây giờ đến nhà máy không khỏi tiếc nuối khi thấy xung quanh chỉ là cỏ dại; bộ máy sản xuất chỉ còn “bộ khung”.

Ông Nguyễn Văn Kỳ – nguyên Phó Giám đốc Xí nghiệp chè Hạnh Lâm từng 20 năm gắn bó với ngành chè cũng phải nghỉ việc, chờ hưu; theo ông Kỳ, đỉnh cao của ngành vào năm 2009 – còn hiện tại hoạt động cầm chừng.

Nghệ An là tỉnh sản xuất chè đứng thứ 3 trên toàn quốc. Vùng nguyên liệu có nhiều giống chè chất lượng tốt như LDP1, LDP2, Tuyết Shan với trình độ canh tác thâm canh cho năng suất và sản lượng ngày càng cao. Hiện toàn tỉnh có 86 cơ sở sản xuất với tổng công suất thiết kế đạt 871 tấn chè búp tươi/ngày, trong đó Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An có công suất 238 tấn chè búp tươi/ngày.

Ngoài 8 dây chuyền chế biến chè đen, 12 dây chuyền chế biến chè xanh công nghiệp thuộc 3 doanh nghiệp lớn còn có nhiều cơ sở nhỏ lẻ, nhưng hầu hết không được đầu tư mới công nghệ nên sản phẩm chất lượng không cao. Chính vì thế, diện tích chè toàn tỉnh hiện chỉ có 7.820 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 73.260 tấn, trong khi kế hoạch đặt ra đạt 156.000 tấn trong năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Lập – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thừa nhận: Hiện nay chè nguyên liệu của bà con cơ bản được thu mua, tiêu thụ hết nhưng với giá thấp. Nguyên nhân là các nhà máy chế biến có thiết bị và công nghệ được đầu tư từ lâu, hàng chục năm nay hầu như không có gì thay đổi về công nghệ nên sản phẩm chè sản xuất ra đơn điệu, chỉ dừng lại ở dạng sản phẩm thô, đóng từng bì nên giá thành quá thấp, giá thu mua cho dân cũng thấp. Trong khi đó, ở một số tỉnh phía Bắc, có những cơ sở chế biến tốt, thu mua cho dân lên đến 25.000 – 30.000 đồng/kg chè tươi để làm chè xanh chất lượng cao có giá tiền triệu một hộp. Còn chè Nghệ An chủ yếu xuất đi các thị trường giá rẻ như Pakistan, Đài Loan, Ả rập…

Đối với chế biến cao su, hiện toàn tỉnh có 6 doanh nghiệp trồng và chế biến sơ chế với công suất đạt 80 tấn mủ tươi/ngày (tương đương 5.450 tấn mủ khô/năm). Tuy nhiên, sản lượng cao su mủ khô sơ chế hiện chỉ đạt khoảng 7.000 tấn, trong khi mục tiêu đến năm 2020 đạt 16.000 tấn; công nghệ chế biến lạc hậu nên sản phẩm chủ yếu mới ở mức độ dạng thô như: Cao su crep xông khói, crep tấm và cao su mủ cốm. Sản lượng chủ yếu tập trung ở một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH MTV cà phê, cao su (32 tấn mủ tươi/ngày), Công ty TNHH MTV 1-5 (20 tấn mủ tươi/ngày), Công ty TNHH MTV Sông Con (12 tấn mủ tươi/ngày), sản lượng đầu ra chất lượng thấp nên thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, chủ yếu xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch hoặc ủy thác.

Các sản phẩm nông sản chủ yếu là ở dạng thô bán nội địa và các thị trường dễ tính. Ảnh: Thu Huyền - Phú Hương
Các sản phẩm nông sản chủ yếu là ở dạng thô bán nội địa và các thị trường dễ tính. Ảnh: Thu Huyền - Phú Hương

Có thể khẳng định rằng, nhiều nhà máy chế biến, nhiều vùng nguyên liệu đang gặp khó khăn, đầu ra cho nông sản bấp bênh. Thực tế, trong sản xuất, kinh doanh, cơ sở chế biến và vùng nguyên liệu có mối quan hệ hữu cơ. Việc cấp phép xây dựng cơ sở chế biến không cân đối với nguyên liệu tại địa phương cũng khiến cho tình trạng tranh mua, tranh bán diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và quản lý nguyên liệu ở những vùng đã được quy hoạch của các nhà máy chế biến.