Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, việc các nhà đầu tư thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh nước để đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân trong sử dụng nước sinh hoạt là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, phải đảm bảo lợi ích chung, và sức khỏe của người dân cần phải được quan tâm đặt lên hàng đầu.
Đầu tiên, cần phải làm rõ những băn khoăn, lo lắng mà người dân đã phản ánh, kiến nghị. Đó là việc Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An sử dụng nước sông Đào thông qua Trạm bơm cầu Mượu và Trạm bơm cầu Bạch để sản xuất nước sinh hoạt. Về vấn đề này, dù rằng Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An – ông Hoàng Văn Hải, đã lý giải về các nguyên nhân (Báo Nghệ An đã thông tin tại bài viết trước), gồm: Công nghệ của Nhà máy nước cầu Bạch cần đưa nước thô vào hồ sơ lắng; từ 24h đến 6h nhu cầu sử dụng ít, không đáp ứng công suất hoạt động của Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam; Sở TN&MT nêu tại Văn bản 1302, nguồn nước sông Đào đủ tiêu chuẩn, yêu cầu theo quy định…
Tuy nhiên, nghiên cứu Văn bản số 1302/BC-STNMT ngày 13/3/2019 của Sở TN&MT thì thông tin về chất lượng nước mặt sông Đào là do Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh lấy mẫu phân tích. Kết quả thử nghiệm đối với các mẫu được lấy ngày 13/2/2019 và ngày 22/2/2019 chỉ được thực hiện đối với 11 thông số. Dù kết quả phân tích cho 11 thông số đều nằm trong giá trị giới hạn QCVN 08-MT:2015/BTNMT, tuy nhiên, chỉ có giá trị tham khảo. Đây cũng là điều ông Chu Trọng Trang – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh khẳng định, vì đơn vị này chỉ có chức năng giám định mẫu nước theo chuẩn quy định của Bộ Y tế, và thực hiện nhiệm vụ này theo chỉ đạo của tỉnh và Sở Y tế.
Mặt khác, theo kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở TN&MT) ngày 28/2/2019, điểm cấp nước cho hệ thống cấp nước Nam Đàn (điểm quan trắc tại ba ra mới, thị trấn Nam Đàn) có 1/29 thông số vượt quy chuẩn. Điểm cấp nước cho hệ thống cấp nước Hưng Nguyên (điểm quan trắc tại Trạm bơm cầu Mượu) có 5/29 thông số vượt quy chuẩn. Cần phải lưu ý rằng, Trạm bơm cầu Bạch nằm dưới vị trí quan trắc điểm cấp nước ba ra mới thị trấn Nam Đàn khá xa, qua nhiều khu dân cư, trang trại, đồng ruộng… Vì vậy, việc xảy ra tình huống xấu đối nước mặt sông Đào là hoàn toàn có thể xảy ra, dẫn đến sẽ có thông số vượt quy chuẩn cao hơn.
Thực tế này cũng được Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường cảnh báo tại Văn bản số 45/QTMT ngày 28/2/2019. Đó là “chất lượng nước mặt cấp cho các nhà máy nước sinh hoạt đã có biểu hiện xấu, cần được theo dõi và có biện pháp xử lý phù hợp để đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ mục đích sử dụng nước sinh hoạt cho người dân”. Như vậy, dù Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh công bố nước sạch sinh hoạt do Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An từ tháng 1 đến tháng 5/2019 đạt quy chuẩn của Bộ Y tế, cũng không thể khiến người sử dụng nước thành phố Vinh và các vùng phụ cận yên tâm được.
Tiếp theo, là việc chấp hành các quy định của pháp luật. Báo cáo số 1302/BC-STNMT ngày 13/3/2019 của Sở TN&MT về kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước đối với Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam và Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An đã cho thấy, cả hai doanh nghiệp được kiểm tra đều chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.
Với Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam: Chưa có quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định tại Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ; chưa thực hiện vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo quy định tại Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT ngày 9/9/2016 của Bộ TN&MT. Còn với Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An: Chưa có quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định tại Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ; có 9 trạm cấp nước chưa được cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Nghị định số 201/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Tại Báo cáo số 1302/BC-STNMT, Sở TN&MT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh: Yêu cầu Công ty TNHH MTV Cấp nước sông Lam kê khai tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định tại Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ; thực hiện việc xác định vùng bảo hộ về sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo quy định của Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT; thực hiện việc khai thác, sử dụng nước mặt theo đúng quy định của pháp luật. Yêu cầu Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An kê khai tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định tại Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ; lập hồ sơ cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt theo quy định của Luật Tài nguyên nước; thực hiện vùng bảo hộ về sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo quy định của Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT; thực hiện việc khai thác, sử dụng nước mặt theo quy định của pháp luật.
Bởi nước sạch sinh hoạt là nhu cầu bức thiết và ảnh hưởng trực tiếp, hàng giờ, hàng ngày đến sức khỏe của nhân dân, vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan rất quan tâm đến vấn đề này. Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến nay, đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An và Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam. Lần gần nhất, cũng sâu sát vấn đề nhất phải kể đến là Văn bản số 261/TB-UBND ngày 26/4/2019 về việc thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh về tình hình hoạt động cấp nước thô và sản xuất, kinh doanh nước sạch trên địa bàn thành phố Vinh và vùng phụ cận.
Tại Văn bản số 261/TB-UBND, đã nói rõ rằng “Sản xuất nước sinh hoạt là dịch vụ quan trọng để đáp ứng nhu cầu thiết yếu về nước sinh hoạt cho nhân dân. Đây là hoạt động chịu sự quản lý nghiêm ngặt của Nhà nước để đảm bảo về chất lượng, tính liên tục và đơn giá dịch vụ hợp lý cho người dân sử dụng”. Đồng thời khẳng định việc UBND tỉnh chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng Nhà máy cấp nước thô là nhằm “đảm bảo chất lượng nguồn nước thô và đảm bảo ổn định nguồn nước cấp liên tục, lâu dài cho các nhà máy sản xuất nước sạch cho địa bàn thành phố Vinh và các vùng phụ cận”. Vì vậy, yêu cầu Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam và Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An thực hiện Hợp đồng mua bán nước thô số 04/2015/HĐ-MBNT ngày 4/2/2015 giữa Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An và Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam theo quy định hiện hành của pháp luật.
Văn bản 261/TB-UBND cũng chỉ rõ những việc Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam cần phải thực hiện. Đặc biệt là phải phối hợp tốt với Sở Tài chính để sớm có kết quả kiểm toán giá trị quyết toán chi phí đầu tư hợp lý của dự án Nhà máy cấp nước thô; cung cấp hồ sơ đầy đủ theo hướng dẫn của Sở Tài chính để thẩm định giá nước thô, lộ trình điều chỉnh giá nước thô theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Còn với Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An, yêu cầu đầu tiên được chỉ ra tại Văn bản số 261/TB-UBND là “Thực hiện nghiêm túc Văn bản số 02/UBND-CN ngày 3/1/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động cấp nước trên địa bàn thành phố Vinh và các vùng phụ cận và chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Văn bản số 460-CV/TU ngày 03/3/2016, UBND tỉnh tại Văn bản số 6923/UBND-CN ngày 11/9/2017 (không sử dụng nguồn nước từ sông Đào bị ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh để sản xuất nước sinh hoạt).
Nêu ra như vậy để thấy, tỉnh Nghệ An và nhân dân rất hoan nghênh các nhà đầu tư thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh nước sạch. Nhưng trong quá trình đầu tư, vận hành sản xuất, kinh doanh cần phải minh bạch, rõ ràng về chất lượng và chi phí dịch vụ. Trường hợp có những vấn đề vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh như vấn đề cung ứng nước thô giữa hai Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam và Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An, cần phải được xử lý, giải quyết trên tinh thần cầu thị và phải thể hiện sự tôn trọng các cơ quan có thẩm quyền. Ở đây, cần thực hiện các nội dung Văn bản 261/TB-UBND của UBND tỉnh đã chỉ ra.
Gọn lại, cần thượng tôn pháp luật, hài hòa lợi ích chung của nhân dân – Nhà nước – doanh nghiệp, và việc đảm bảo sức khỏe cho người dân sử dụng nước cần phải được quan tâm đặt lên hàng đầu. Đây cũng là thông điệp Báo Nghệ An muốn gửi đến hai doanh nghiệp là Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An và Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam, cùng tất cả các đơn vị sản xuất, kinh doanh nước sạch trên địa bàn tỉnh./.