Theo vết dầu loang: Kỳ 2: Hậu kiểm tra, xử lý: “Mèo vẫn… hoàn mèo!”

Thực trạng một số ngư dân vùng ven biển đầu tư kinh doanh xăng dầu không phép thì chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đều biết, thậm chí nắm rõ. Và tìm hiểu được biết, năm nào các chủ tàu dầu không phép cũng “tiếp” đoàn liên ngành, chấp nhận chịu phạt và ký cam kết dừng hoạt động, nhưng rốt cục là đâu lại vào đó, kiểu “mèo vẫn hoàn mèo”.

Ông Phan Anh Toàn, chủ tàu dầu không gắn biển số hoạt động ở vùng biển Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai), thừa nhận: “Tàu dầu của tôi hoạt động đã hơn 20 năm nay. Trước đây tàu cá của ngư dân chủ yếu loại công suất nhỏ nên mỗi lần chúng tôi nạp dầu vào khoang có thể bơm cho khoảng 30 chiếc.

Khoảng năm 2010 trở lại đây, ngư dân đồng loạt đóng tàu to để vươn khơi xa bờ, nên tôi buộc phải nâng cấp, đầu tư tàu to hơn và gắn hệ thống cột dầu (có ghi chữ P) để bơm dầu. Tàu của tôi mỗi tháng bán hơn 10.000 lít dầu cho tàu cá chủ yếu là của anh em, bạn bè. Cơ quan chức năng cũng có đến kiểm tra, nhắc nhở. Nhưng mà bao nhiêu vốn liếng đầu tư vào chiếc tàu dầu này, giờ nếu đình chỉ, chúng tôi biết trông vào đâu mà trả nợ… Chưa nói, nhiều ngư dân đang nợ tiền dầu của chúng tôi”.

(Ảnh lớn) Một chiếc tàu dầu neo đậu trên sông Mai Giang, được che kín cây dầu bằng tấm bạt màu xanh. Những cột dầu trá hình trên tàu dầu và hoạt động bán dầu diễn ra công khai.
(Ảnh lớn) Một chiếc tàu dầu neo đậu trên sông Mai Giang, được che kín cây dầu bằng tấm bạt màu xanh. Những cột dầu trá hình trên tàu dầu và hoạt động bán dầu diễn ra công khai.

Cũng qua trao đổi, chủ tàu dầu Bùi Thái Mười (Quỳnh Phương, TX. Hoàng Mai) cho hay: “Phường Quỳnh Phương hiện chỉ có 2 – 3 cây xăng dầu trên bờ, nguồn cung nhiên liệu còn lại cho tàu cá là tàu dầu của chúng tôi. Mỗi lần các tàu cá về bờ, mỗi tàu dầu bán cho khoảng 5 – 10 tàu cá. Những tàu công suất lớn họ mua từ 7.000 – 10.000 lít dầu, thường mua làm 2 đợt trong tháng. Theo quy định thì những tàu dầu đang hoạt động, trong đó có tàu của tôi không đủ điều kiện, nhưng vì bà con ngư dân có nhu cầu nên chúng tôi tranh thủ bán; hầu hết là bán nợ, có tàu cá nợ tiền dầu mấy tháng liền…”.

Trước tình trạng mua bán dầu trái phép liên quan nghề cá diễn ra ngang nhiên và khá phổ biến, thời gian qua, thị xã Hoàng Mai đã ban hành nhiều công văn yêu cầu các phường, xã tập trung kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Theo định kỳ, cứ 3 tháng, Phòng Kinh tế – Hạ tầng thị xã phối hợp các cơ quan chức năng đi kiểm tra để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều hộ dân, chủ yếu tại các xã vùng biển Quỳnh Lập, Quỳnh Phương vẫn không chấp hành các quy định theo cam kết mà chính quyền sở tại yêu cầu.

Trước tình trạng mua bán dầu trái phép liên quan nghề cá diễn ra ngang nhiên và khá phổ biến, thời gian qua, thị xã Hoàng Mai đã ban hành nhiều công văn yêu cầu các phường, xã tập trung kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Theo định kỳ, cứ 3 tháng, Phòng Kinh tế – Hạ tầng thị xã phối hợp các cơ quan chức năng đi kiểm tra để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều hộ dân, chủ yếu tại các xã vùng biển Quỳnh Lập, Quỳnh Phương vẫn không chấp hành các quy định theo cam kết mà chính quyền sở tại yêu cầu.

Còn ông Phan Anh Toàn cho biết thêm: “Năm nào cũng vậy, có 2 – 3 đoàn liên ngành đến kiểm tra. Mỗi lần kiểm tra đều xử phạt hành chính. Tôi thừa nhận con tàu dầu của tôi sử dụng đã lâu, xuống cấp; nhưng chỉ loanh quanh trong lộng, khi mua bán dầu thì neo đậu tại cảng…”. Chủ cây xăng dầu trên bờ ở cảng cá Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) – chị Lê Thị Gấm thì sau khi thừa

nhận có 1 cây dầu hoạt động trong nhà đã 3 năm nay, cấp dầu cho 3 tàu cá, đã cho biết là chưa bao giờ bị cơ quan chức năng xử phạt. Đó chính là thực trạng cây xăng dầu hoạt động lén lút trong nhà theo kiểu “trốn tìm” mà chúng tôi đã đề cập trong kỳ trước ở phóng sự này.

Với hàng chục cây dầu, tàu dầu không phép ngang nhiên hoạt động hàng chục năm nay tại địa bàn thị xã Hoàng Mai, cho thấy các cơ quan chức năng chưa thực sự quyết liệt trong xử lý vi phạm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nho – quyền Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập cho biết, nhiều lần địa phương mời các hộ bán dầu lên xã làm việc và yêu cầu tạm dừng hoạt động để hoàn tất các thủ tục, khi đảm bảo đủ điều kiện mới hoạt động trở lại.

“Địa phương cũng thường xuyên phối hợp với Phòng Kinh tế – Hạ tầng thị xã Hoàng Mai, Đội Quản lý thị trường số 4, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương kiểm tra các hộ bán dầu về điều kiện kinh doanh và lập biên bản xử phạt. Tuy nhiên, muốn xử lý dứt điểm tình trạng này cần có chế tài xử lý quyết liệt từ phía cấp trên” – ông Nguyễn Văn Nho nói.

Ông Hồ Xuân Hường – Chủ tịch UBND phường Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai) cũng cho biết: Thời gian qua, Đội Quản lý thị trường số 4, Phòng Kinh tế – Hạ tầng của thị xã phối hợp với địa phương kiểm tra các tàu dầu hoạt động, kinh doanh trên sông và tiến hành lập biên bản, yêu cầu dừng hoạt động, nhưng tình trạng này vẫn đang diễn ra. Những tàu dầu này được một số hộ dân đầu tư hàng trăm triệu đồng để hoạt động và cung cấp dầu cho tàu cá của anh em, bạn bè. Để quy hoạch một vị trí kinh doanh xăng, dầu trên bờ thì hiện tại rất khó bởi không có đất. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo các điều kiện mới được phép hoạt động, còn không thì phải xử lý theo quy định. Việc này, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp” – ông Hường nói.

Thực tế như xã Quỳnh Lập, phường Quỳnh Phương là địa phương vùng biển phát triển nghề đánh bắt hải sản với đội ngũ tàu thuyền hàng nghìn chiếc, mà nay việc cung cấp nhiên liệu dầu chủ yếu do những tàu dầu, cây dầu không phép; nếu như đình chỉ mọi hoạt động của các trường hợp này trước mắt ảnh hưởng rất lớn đến phát triển đánh bắt của ngư dân. Do vậy, để xử lý cần có lộ trình cụ thể, chính sách phù hợp để vừa đảm bảo quy định của pháp luật, vừa khuyến khích ngư dân đánh bắt, phát triển kinh tế.

Theo thống kê từ Phòng Kinh tế – Hạ tầng thị xã Hoàng Mai, tính đến tháng 4/2019, trên địa bàn thị xã có khoảng 20 cây dầu, tàu dầu, không đủ điều kiện kinh doanh (trong đó có 7 tàu dầu và 13 cây dầu). Nói về nguyên nhân các cây dầu, tàu dầu không phép đang tồn tại, ông Hoàng Ngọc Thủy – Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng thị xã Hoàng Mai cho biết, thực hiện chỉ đạo của Sở Công Thương về tháo gỡ tồn tại, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, theo định kỳ, cứ 3 tháng, phòng phối hợp với các cơ quan chức năng đi kiểm tra để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều hộ dân, chủ yếu tại các xã vùng biển Quỳnh Lập, Quỳnh Phương vẫn không chấp hành.

Quản lý thị trường là cơ quan chủ quản thực hiện việc kiểm tra kinh doanh các mặt hàng trên thị trường, trong đó có các cây dầu, tàu dầu không phép này. Ông Phạm Ngọc Phú – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 cho hay, thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 4 sẽ tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan tiến hành kiểm tra, kiểm soát, ký cam kết cho các đối tượng kinh doanh xăng dầu, buộc dừng hoạt động kinh doanh khi chưa đầy đủ thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Theo số liệu từ Đội Quản lý thị trường số 4, từ năm 2017 đến nay, đơn vị phối hợp với UBND thị xã Hoàng Mai, Công an, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương tiến hành kiểm tra các cây dầu và tàu dầu không đủ điều kiện kinh doanh tại phường Quỳnh Phương và xã Quỳnh Lập. Trong đó đã kiểm tra 9 vụ và xử lý 9 vụ về các lỗi như: Không đăng ký biển hiệu, không đăng ký thời gian bán hàng, không có giấy phép hoạt động. Tổng số tiền xử phạt hành chính là 114 triệu đồng.

(Còn nữa)