Là vấn đề đặt ra của ông Hoàng Văn Nam – Xóm trưởng xóm 13, xã Thanh Hà tại đơn tố cáo gửi đến Báo Nghệ An hồi đầu tháng 2/2019. Cụ thể, ông cho rằng ở địa phương này có cá nhân chiếm dụng đất lâm nghiệp, xây dựng nhà trái phép, và nguyên nhân có từ chính quyền bê trễ, dung túng…
Tại đơn, ông Hoàng Văn Nam tố cáo ông Phạm Đức Thế (là người cùng xóm) có nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong việc sử dụng, chuyển nhượng đất lâm nghiệp trên địa bàn xã. Cụ thể, ông Phạm Đức Thế có 22ha đất lâm nghiệp tại khu vực cồn Ông Hi, Mũi Thuyền, Thung Nậy. Những diện tích này, ông Thế đã được nhà nước cấp Giấy chứng nhận QSD đất. Ông Thế đã thực hiện chuyển nhượng cho nhiều hộ dân gần hết phần diện tích (khoảng 20ha). Vậy nhưng hiện tại ông này vẫn đang sử dụng khoảng trên 30ha đất lâm nghiệp. Cũng tại đơn, ông Nam thông tin đã gửi đơn tố cáo đến UBND xã Thanh Hà và một số cơ quan của huyện Thanh Chương, tuy nhiên không được hồi âm và giải quyết dứt điểm.
Làm việc với phóng viên, ông Hoàng Văn Nam khẳng định những nội dung trong đơn tố cáo của mình là hoàn toàn chính xác. “Hiện tại ông Thế đang canh tác, sử dụng hàng chục ha đất rừng. Không chỉ vậy, ông Thế còn xây một căn nhà cấp 4 kiên cố trong diện tích đất rừng đang sử dụng để sinh hoạt…” – ông Nam nói. Để chứng minh nội dung tố cáo, ông Nam cho biết vào năm 2014 – 2015, trong nhiều nội dung tố cáo về những việc làm trái tại xã Thanh Hà, có nội dung liên quan đến đất lâm nghiệp của ông Phạm Đức Thế.
Thời điểm đó, ông đã tố cáo ông Phạm Đức Thế chuyển nhượng quá diện tích đất lâm nghiệp mà nhà nước giao cho. Sau đó, qua thanh kiểm tra, huyện Thanh Chương đã khẳng định ông Thế được nhà nước cấp giấy chứng nhận QSD đất lâm nghiệp với diện tích hơn 20ha; đã chuyển nhượng 20ha, trong phần diện tích được nhà nước giao.
Ông Hoàng Văn Nam nói: “Với kết luận này của huyện thì nội dung tố cáo của tôi là không đúng. Vậy nhưng đây lại là cơ sở có đủ căn cứ pháp lý để khẳng định ông Thế đã thực hiện chuyển nhượng gần hết diện tích đất lâm nghiệp được nhà nước giao. Tuy nhiên trên thực tế ông ta đang làm chủ rất nhiều diện tích đất lâm nghiệp. Mời các anh đi cùng tôi mục kích vấn đề này và để thấy việc ông ta xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp…”.
Từ xóm 13 xã Thanh Hà, chỉ mất khoảng 2km là đến khu vực đồi rừng mà ông Nam cho rằng thuộc quyền quản lý sử dụng của ông Phạm Đức Thế. Trên các quả đồi, hiện đang trồng cây keo với đủ các lứa tuổi. Tại một mái đồi trồng cây keo non, có một hệ thống nhà cấp 4 khá kiên cố mới được xây dựng. Nhà có bờ rào, trước sân có mái tôn, xe máy và nhiều vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Trước nhà là dãy nhà chăn nuôi xây cất đã lâu và có một số hồ ao nuôi thả cá. Ông Nam nói: “Các anh có thể thẩm định thông tin ở các hộ dân sống trong khu vực lân cận. Nơi này xa xưa là do người dân xóm 13 sản xuất nhưng nay hầu như đều thuộc quyền quản lý sử dụng của ông Thế…”.
Hỏi chuyện một số người dân có vườn rừng trong khu vực, họ cho biết điều ông Nam thông tin là đúng. Một người dân nói: “Đất lâm nghiệp trồng keo của ông Thế rất rộng, không biết là bao nhiêu ha dù ông đã chuyển nhượng cho nhiều người. Đất rừng của ông ấy tiếp giáp với cả đất của xã Thanh Thủy và Võ Liệt…”.
Đặt ra vấn đề: Có thể xảy ra trường hợp ông Phạm Đức Thế nhận chuyển nhượng của người khác hay không?. Theo ông Hoàng Văn Nam thì khó xảy ra trường hợp này. Vì sau khi thanh tra huyện có kết luận, ông đã tiếp tục có đơn tố cáo việc đất lâm nghiệp bị chiếm dụng nhưng không được xã, huyện xem xét giải quyết. “Nếu không có điều bất minh thì khi tiếp nhận đơn, họ phải xử lý giải quyết và trả lời công dân, công khai minh bạch các thông tin theo đúng quy định của pháp luật. Các anh cứ tìm hiểu đa chiều cho khách quan, đất lâm nghiệp ở Thanh Hà có nhiều chuyện tréo ngoe lắm…” – ông Nam trao đổi.
Rất tình cờ, ngay tại khu vực đất lâm nghiệp, chúng tôi gặp được ông Phạm Đức Thế. Như linh cảm thấy có người đang tìm hiểu về mình nên khi giáp mặt, ông Thế lẩm bẩm: “Nghèo thì người ta khinh. Làm được chút ít thì người ta xoi mói đặt điều này nọ…”. Và nói như nhắc nhở: “Nếu các anh là người của cơ quan chức năng thì cứ theo nhiệm vụ mà làm. Nhưng, nên tìm hiểu cho cặn kẽ…”.
Hỏi chuyện, ông Thế khẳng định ông có 3 loại đất rừng. “Đây là đất trang trại năm 1999, có hồ sơ đầy đủ. Bác có 1 loại đất trồng rừng suất của bác, 2 nhà chuyển nhượng cho bác 20 ha nữa. Hồ sơ đất trang trại của bác chỉ có hơn 20 ha có bìa đỏ, còn lại là đất tranh chấp…”. Hỏi có hay không việc chuyển nhượng đất lâm nghiệp cho các hộ dân khác?. Ông Thế khẳng định không có chuyện này. Chỉ là ông cho các hộ đó mượn đất để trồng rừng. Các hộ được mượn đất đều chưa được cấp giấy chứng nhận QSD đất, chưa có giấy tờ hợp pháp.
“Nhà nước giao cho mình đất thì phải trồng rừng. Đất mà bỏ trống thì không được nên tôi cho họ mượn đất để trồng rừng…”. Lại hỏi: Ngoài diện tích đã cho mượn, hiện nay diện tích đất lâm nghiệp bác quản lý là bao nhiêu? Ông Thế trả lời: Tổng diện tích đất lâm nghiệp của gia đình thì bác cũng không nắm được. Mình là dân, có làm đo đạc đâu…”. Nói về căn nhà mới xây trên đất lâm nghiệp, ông Phạm Đức Thế xác nhận đó là nhà của ông, xây dựng năm 2018. Nhưng ông khẳng định: “Khi bác xây cái nhà đó cũng đã báo cáo đầy đủ và được xã cho phép. Phải báo cáo chứ, nếu không sẽ bị xử phạt…”.
Dù ông Phạm Đức Thế nói rằng “chỉ cho mượn đất” nhưng qua xác minh, ông này đã thực hiện chuyển nhượng đất lâm nghiệp trái quy định của pháp luật. Bằng chứng là ngày 30/4/2008, ông Phạm Đức Thế chuyển nhượng 12 ha đất lâm nghiệp cho ông Nguyễn Văn Yên và bà Hoàng Thị Thu trú tại xóm 5, xã Thanh Hà. Việc thực hiện chuyển nhượng chỉ thông qua “Giấy chuyển nhượng đất lâm nghiệp” viết tay. Giấy chuyển nhượng ngoài người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng cùng ký tên; thì được Chủ tịch UBND xã Thanh Hà, là ông Hoàng Cao Phơn ký tên, đóng dấu của UBND xã vào ngày 7/5/2008 để “Xác nhận chữ ký của các thành viên là đúng”.
Nội dung của giấy chuyển nhượng đất lâm nghiệp như sau: “… Hiện nay gia đình khó khăn. Không đủ điều kiện để trồng cây theo dự án. Vậy nay tôi viết giấy này xin chuyển nhượng một số diện tích đất lâm nghiệp tại vùng cồn Thung Nậy… Diện tích: 12ha (mười hai ha) cho chủ hộ Nguyễn Văn Yên (xóm 5, xã Thanh Hà, Thanh Chương, Nghệ An). Để anh Yên được quyền thừa kế sử dụng phát huy hiệu quả. Trồng rừng trên đất được chuyển nhượng…”.
Liên quan đến việc chuyển nhượng đất của ông Phạm Đức Thế, tại Kết luận số 1461/KL-UBND ngày 31/7/2015 của UBND huyện Thanh Chương cũng nêu khá rõ. Đó là, gia đình ông Phạm Đức Thế được giao 3 thửa đất lâm nghiệp với tổng diện tích 20,2915ha. Số diện tích đất lâm nghiệp này đã được cấp giấy chứng nhận QSD đất. Còn tổng diện tích mà ông Thế đã chuyển nhượng là 20 ha. Cụ thể, đã chuyển nhượng cho 3 hộ gia đình gồm ông Phan Văn Lân (xóm 2, xã Thanh Hà) với diện tích 3ha; chuyển nhượng cho ông Nguyễn Công Phùng (đang công tác tại Ban chỉ huy quân sự huyện Nam Đàn) diện tích 5ha; chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Yên (xóm 13, xã Thanh Hà) diện tích 12ha.
Để rõ hơn các vấn đề liên quan đến ông Phạm Đức Thế, chúng tôi đã có buổi làm việc với UBND xã Thanh Hà. Khi hỏi về việc ông Phạm Đức Thế xây dựng nhà ở trên đất lâm nghiệp, các cán bộ có trách nhiệm của xã, từ Chủ tịch UBND xã, cán bộ địa chính, lâm nghiệp đều cho biết mới được nghe đến sự việc này. Và khẳng định không có chuyện ông Phạm Đức Thế báo cáo xã, được xã cho phép. Hỏi về diện tích đất lâm nghiệp ông Thế hiện đang quan lý sử dụng như thế nào? Thật kỳ lạ là những cá nhân có trách nhiệm liên quan này cũng không nắm rõ?!. Chi tiết của buổi làm việc “bất đắc dĩ” với các cán bộ xã Thanh Hà, chúng tôi sẽ thông tin tại bài viết sau…