Tháng 6-2012 Tổng thư ký Liên hiệp quốc đã công bố lấy ngày 20-3 hàng năm là ngày Quốc tế hạnh phúc. Ngày 19-1 vừa qua, Bộ VHTT&DL đã ký ban hành văn bản về tổ chức hoạt động ngày Quốc tế Hạnh phúc với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”.
Nhưng hạnh phúc là gì thì ngay cả đến tổ chức Liên hiệp quốc cũng chưa đưa ra được một định nghĩa thật cô đọng, đầy đủ và đúng nghĩa, mà chỉ là dựa trên các chuẩn mực, tiêu chí như: sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.
Có thể nói, hạnh phúc là ý niệm của con người. Khi một người lang thang cơ nhỡ thì một mái nhà tranh, một nơi nương náu an yên đã là niềm hạnh phúc. Điều đó khác với ước mơ và tiêu chí để nói rằng tôi hạnh phúc khi tôi có một du thuyền đầy đủ tiện nghi. Một người lao động nghề nghiệp tay chân thì quan niệm về hạnh phúc sẽ chỉ là cơm no áo ấm, rồi mới đi xa hơn đẹp và giàu… Sẽ khác rất xa với những người có tiền mà vẫn ước có thật nhiều tiền.
Khi ta bé hạnh phúc của ta là một cốc kem, một viên kẹo ngọt, một manh áo mới, khi ta già hạnh phúc của ta là bát cơm canh và được sống an nhiên tự tại mỗi ngày. Một vụ mùa bội thu được giá lại là niềm hạnh phúc cho cả vạn người một nắng hai sương, dãi dầu mưa nắng. Một chỗ hay một việc để làm thôi đó cũng đã là một niềm hạnh phúc lớn lao cho những người chưa có việc làm.
Khi xa nhau ta ao ước được gần, khi phân ly ta ước ao đoàn tụ. Hạnh phúc biết bao nhiêu, hạnh phúc đến vô bờ khi biết bao năm tháng chiến tranh người con trở về trong vòng tay người mẹ, người vợ thân yêu. Không chỉ là người sống trở về mà hạnh phúc cũng vỡ òa ngay cả khi người ta chỉ trở về với người thân với quê hương xứ sở bằng nắm tàn tro hài cốt.
Khó mà nói hết, khó mà phân định được rạch ròi về hạnh phúc cho mỗi một niềm ao ước, cho mỗi một phận đời. Hạnh phúc ở quanh ta, rất gần rất thực. Nhưng hạnh phúc cũng lung linh như ảo ảnh, như một điều kỳ diệu nhiệm màu để cho ta ước mơ, cho ta khát vọng và cho ta đi tìm, cho ta mưu cầu và vươn tới.
Hạnh phúc chỉ thực sự đến với ta khi giọt nước mắt vỡ òa vì sung sướng, bởi nó được đánh đổi từ những cay đắng mà ta đã phải trải qua. Ngọt ngào là điểm tận cùng của những cung bậc cảm xúc của con người. Vì thế, hạnh phúc thường không tự nhiên mang vị ngọt ngào. Và, khi ta cảm thấy ta đang viên mãn với bản thân, bằng lòng với cuộc sống…thì đó chính là hạnh phúc.
Cuộc sống muôn hình vạn trạng, mỗi người một suy nghĩ, mỗi người một hoàn cảnh nên mỗi người sẽ chọn cho mình những định nghĩa khác nhau về hai từ hạnh phúc! Đối với người này thì hạnh phúc là những điều lớn lao, to tát, vĩ đại lắm, phải phấn đấu thật nhiều mới có được. Nhưng đối với người kia thì hạnh phúc lại giản đơn, bình dị, tưởng như đó không phải là niềm mơ ước.
Chúng ta vẫn đang tự huyễn hoặc, đang ru mình theo tư duy của một thời vẫn vỗ về nhau “đất nước ta giàu lắm, rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu…” Vì vậy nếu chỉ một tiêu chí về hạnh phúc đó là “chất lượng cuộc sống” cũng đã ở rất xa nhiều nước. Trong khi ta vẫn tự hào ta là nước đứng thứ 5 về hạnh phúc. Chưa biết điều đó chính thống hay chỉ là tin rong rêu, nhưng nó thể hiện chúng ta vẫn tư duy ru nhau mị nhau bằng thành tích, một tư duy xưa cũ.
Với tôi, hạnh phúc là những gì đang diễn ra trong cuộc sống, trong công việc hàng ngày. Hạnh phúc hay không nằm ở thái độ, cách nhìn của con người với cuộc sống.
Khi tôi biết làm những điều cần làm cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội. Khi tôi biết trân trọng những ngày đã qua, những gì đã có và đang có. Khi tôi biết ước mơ, biết đi qua những u buồn, biết cố gắng để xa rời những tham, sân, khi tôi biết điều tôi cần và phấn đấu để vươn tới những điều tốt đẹp, cho tôi, cho mọi người và khi tôi được sẻ chia.
Nguyễn Thị Kim Thúy
Bài viết rất hay!