60 năm Khoa Ngữ văn – ngành Ngữ văn – Trường ĐH Vinh: Giá trị của truyền thống – Động lực của phát triển

Đến nay (2019),  Khoa Văn – Trường ĐHSP Vinh đã mấy lần điều chỉnh danh xưng: Từ Khoa Văn đến Khoa Ngữ văn, sang Khoa Sư phạm Ngữ văn và bây giờ là Ngành Ngữ văn thuộc Viện Sư phạm xã hội – Trường ĐH Vinh. Dưới đây khi sử dụng danh xưng Khoa Văn xin được hiểu là cách gọi đại diện cả các danh xưng khác, vì đó là danh xưng thứ nhất và có lịch sử dài nhất của một khoa chuyên ngành ở trường đại học ngoài trung tâm Thủ đô Hà Nội được thành lập sớm nhất (1959) – Trường Đại học Sư phạm Vinh.

Đến năm học 1961 – 1962, trường được chính thức mang tên Trường Đại học Sư phạm Vinh do Giáo sư Nguyễn Thúc Hào làm hiệu trưởng. 2 năm trước là phân hiệu ĐHSP Vinh với 2 ban đào tạo mở đầu: Ban Văn Sử và Ban Toán Lý.

Các thầy cô Khoa Văn những năm 1960 - 1970.
Các thầy cô Khoa Văn những năm 1960 - 1970.

Từ chương trình đào tạo mỗi khóa 2 năm trong 3 năm đầu, khoa được nâng cấp đào tạo theo chương trình 3 năm rồi 3 năm + 1 để tiến lên khóa học đầu tiên đào tạo theo hệ 4 năm (1968 -1972). Cùng với nhà trường, Khoa Văn đã đáp ứng kịp thời với chất lượng cao nhu cầu giáo viên và cán bộ nghiên cứu cho sự nghiệp giáo dục và khoa học của đất nước. Đồng hành cùng hệ đào tạo chính quy, Khoa Văn đã mở ra nhiều hệ đào tạo khác, mở rộng địa phần đào tạo đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Từ năm 1996, Khoa Văn – ĐHSP Vinh đã liên kết với Khoa Văn và Khoa Báo chí – Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) để mở các lớp cử nhân văn học và báo chí. Năm 1998, khoa chính thức được giao tuyển sinh mã ngành cử nhân khoa học hệ chính quy và hệ mở. Năm 2016, bên cạnh ngành Sư phạm Ngữ văn, khoa trở thành một cơ sở đào tạo báo chí độc lập. 10 năm trở lại đây khoa còn dạy tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài (Lào, Thái Lan, Cameroon).

Từ những năm 90 thế kỷ XX, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho khoa đào tạo cao học thạc sĩ với 4 chuyên ngành: Lý luận ngôn ngữ, Lý luận văn học, Văn học Việt Nam, Phương pháp dạy học Văn và tiếng Việt. Sau đó, khoa được phép mở 2 mã ngành đào tạo tiến sĩ: Ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, Văn học Việt Nam. Địa bàn đào tạo thạc sĩ được mở rộng đến nhiều địa phương khác trên cả nước.

Cán bộ, giảng viên khoa Sư phạm Ngữ văn năm 2017.
Cán bộ, giảng viên khoa Sư phạm Ngữ văn năm 2017.

60 năm ấy, Khoa Văn đã đào tạo hơn 10.000 sinh viên ĐHSP chính quy, gần 2.500 sinh viên ĐHSP tại chức, hơn 1.500 cử nhân khoa học chính quy, gần 1.300 cử nhân khoa học tại chức và liên kết, hơn 1.500 thạc sĩ và 35 tiến sĩ. Có được thành tựu đào tạo nhân lực trình độ cao góp cùng cả nước như vậy, các thầy, cô giáo nhiều thế hệ của khoa không chỉ chú trọng nâng cấp đổi mới giáo trình theo sát yêu cầu của sự nghiệp giáo dục mà còn hết sức quan tâm đến nghiên cứu khoa học như một hoạt động đặc biệt có ý nghĩa then chốt và nền tảng để nâng cao chất lượng dạy và học và góp phần quan trọng vào thành tựu khoa học chuyên ngành của đất nước.

Những năm sau đó,  Khoa Văn tổ chức thành công gần 30 hội nghị, hội thảo cấp vùng, cấp quốc gia, xuất bản nhiều công trình khoa học tập thể, cá nhân và nhiều tuyển tập công trình nghiên cứu khoa học khác. Từ năm 2017, Khoa – ngành Ngữ văn bắt đầu có các bài báo bằng tiếng Anh đăng trên kỷ yếu hội thảo và tạp chí quốc tế.

Gặp gỡ, trao đổi chuyên môn giữa đại diện các Khoa Ngữ văn của các trường Đại học Sư phạm trong cả nước tại Trường Đại học Vinh, tháng 3/2015.
Gặp gỡ, trao đổi chuyên môn giữa đại diện các Khoa Ngữ văn của các trường Đại học Sư phạm trong cả nước tại Trường Đại học Vinh, tháng 3/2015.

Khoa Văn và Trường ĐHSP Vinh đã tồn tại và phát triển trong một hoàn cảnh đặc biệt gian khó. Vừa mới ra đời 5 năm, khoa và trường đã phải đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại tàn khốc. Phải rời xa thành phố khai sinh đang trở thành chiến trường ác liệt, thầy trò Khoa Văn, Khoa Toán và cả nhà trường không chỉ gánh trên vai hàng trăm tấn sách và thiết bị dạy học đi sơ tán mà còn gánh cả sứ mệnh bảo vệ và đào tạo nhân lực trình độ cao cho tương lai. 8 năm chiến tranh (1965 – 1973), khoa di chuyển qua 9 địa điểm. Đến đâu, thầy trò đều tự mình xây dựng lấy “giảng đường” và ký túc xá bằng tranh, tre, luồng, nứa tự khai thác. Sự đùm bọc, sẻ chia của nhân dân ở 2 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa là những tình cảm sâu nặng đặc biệt mà không phải trường đại học nào cũng có được.

Sinh viên năm thứ 4 Khoa Sư phạm Ngữ văn thi giảng (năm 2017).
Sinh viên năm thứ 4 Khoa Sư phạm Ngữ văn thi giảng (năm 2017).

Trong hoàn cảnh đầy thử thách ấy, Trường ĐHSP Vinh và Khoa Văn không chỉ bảo đảm đào tạo với các bước tiến vững chắc mà còn có nỗ lực đầy trách nhiệm trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và phát triển giáo dục miền Nam sau giải phóng. Hàng trăm sinh viên của khoa và trường đã lên đường vào Nam chiến đấu và riêng Khoa Văn đã có 8 sinh viên – chiến sĩ hy sinh. Trong và sau chiến tranh, nhiều thầy giáo từ Khoa Văn đã nhập ngũ tham gia chiến đấu hoặc giảng dạy trong các trường văn hóa quân đội, các thầy: Nguyễn Đình Ba, Đoàn Mạnh Tiến, Hoàng Trọng Canh, Biện Minh Điền, Nguyễn Hoài Nguyên, Nguyễn Văn Tứ, Trần Hữu Phong…

Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm của sinh viên Khoa Sư phạm Ngữ văn; CLB Văn học Việt Nam trao giải cho sinh viên Khoa Sư phạm Ngữ văn; Chương trình Hạ cuối - cho những yêu thương còn mãi năm 2018.
Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm của sinh viên Khoa Sư phạm Ngữ văn; CLB Văn học Việt Nam trao giải cho sinh viên Khoa Sư phạm Ngữ văn; Chương trình Hạ cuối - cho những yêu thương còn mãi năm 2018.

Từ năm 1975 và nhiều năm sau, hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Văn đã vào miền Nam nhận nhiệm vụ giáo dục ở những địa bàn như: Cà Mau, Kiên Giang, Phú Quốc, Côn Đảo… Nhiều thầy, cô giáo của khoa được điều động vào các trường đại học miền Nam giảng dạy hoặc quản lý đào tạo như: Lê Hoài Nam, Trần Văn Hối, Trần Duy Châu, Nguyễn Gia Phương, Nguyễn Nguyên Trứ, Nguyễn Thiện Chí, Trần Hữu Duy, Lê Bá Hán, Hoàng Thị Bổng, Đỗ Đức Huyến, Lê Văn Chín, Nguyễn Văn Giai, Phan Quỳnh Nga, Đặng Ngọc Lệ, Nguyễn Thị Bích Hải…

GS. Trần Đình Sử với sinh viên Khoa Sư phạm Ngữ văn (năm 2014).
GS. Trần Đình Sử với sinh viên Khoa Sư phạm Ngữ văn (năm 2014).

Cũng trong quá trình ấy, nhiều thầy, cô giáo của khoa được điều ra Hà Nội nghiên cứu, giảng dạy, công tác ở Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các cơ quan Trung ương như: Nguyễn Duy Bình, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử, Nguyễn Quang Hồng, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Thái Hòa, Nguyễn Xuân Đức cùng nhiều thầy, cô khác… Khoa Văn – Trường ĐHSP Vinh có quyền tự hào về nhiều thầy giáo từ đây ra đi đã trở thành những chuyên gia hàng đầu của ngành Ngữ văn cả nước: Thầy Hoàng Ngọc Hiến, GS. Nguyễn Khắc Phi, GS.TS. Trần Đình Sử, GS. Nguyễn Đăng Mạnh, GS.TS. Nguyễn Quang Hồng…

Cựu sinh viên khóa 37 Văn về dự hội.
Cựu sinh viên khóa 37 Văn về dự hội.

Những thế hệ sau các thầy ở lại khoa hoặc được bổ sung về đã ra sức phấn đấu, học tập và tự đào tạo theo gương các thầy đã trở thành các cán bộ giảng dạy và quản lý có học vị và chức danh khoa học cao.

Thừa kế một truyền thống cao đẹp được xây dựng trong điều kiện đầy thử thách, gian lao của Khoa Văn – nay là ngành Ngữ văn, Viện SPXH – Trường Đại học Vinh, thầy, cô giáo đương nhiệm và sinh viên hôm nay luôn ý thức đầy đủ và sâu sắc truyền thống đó như một giá trị văn hóa đặc biệt, một động lực văn hóa đặc biệt để vượt lên những thử thách mới, giới hạn mới từ tác động của kinh tế thị trường. Tin tưởng rằng, những giá trị truyền thống vinh quang của Khoa Văn, ngành Ngữ văn – Trường ĐH Vinh sẽ có điều kiện thuận lợi để phát huy, để phục hưng tốt đẹp hơn một ngành khoa học và đào tạo chuyên biệt, hợp với quy luật phát triển của khoa học thời hiện đại hóa, hội nhập văn hóa nhân loại.

Quang cảnh Trường Đại học Vinh.
Quang cảnh Trường Đại học Vinh.