Trao đổi về hướng xử lý đơn của 105 hộ dân K3, P. Cửa Nam, Thường trực Thành ủy Vinh có chung quan điểm: Việc kiến nghị chính quyền cấp Giấy chứng nhận QSD đất của người dân là chính đáng. Vì vậy, sẽ chỉ đạo UBND TP. Vinh xem xét giải quyết.
Công viên Thành cổ Vinh có khả thi?
Dẫn đến vướng mắc trong việc cấp Giấy chứng nhận QSD đất ở cho 105 hộ dân K3, P. Cửa Nam, nguyên nhân cơ bản được xác định là do quy hoạch Công viên Thành cổ Vinh chậm được triển khai thực hiện.
Về Công viên Thành cổ Vinh, ý tưởng quy hoạch ban đầu từ thập kỷ 80 của thế kỷ 20, chính thức được cấp thẩm quyền phê duyệt năm 2001. Vào năm 2006, trong lòng Thành cổ Vinh có 4 khối dân cư (1, 2, 3, 4), thuộc địa giới hành chính phường Cửa Nam, với khoảng 700 hộ dân. Thời điểm này, do thuộc trong vùng quy hoạch nên mọi hoạt động xây dựng, cơi nới nhà ở bị nghiêm cấm. Tuy nhiên do nhà ở xuống cấp nghiêm trọng, tình trạng xây dựng “chui” diễn ra nên có tình trạng đơn thư khiếu nại, báo chí vào cuộc phản ánh. Chính vì vậy, HĐND tỉnh năm 2006 đã chất vấn về tình trạng “treo” quy hoạch Công viên Thành cổ Vinh, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và UBND TP. Vinh giải quyết.
Hai năm sau, vào ngày 1/10/2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4312/QĐ.UBND.CN về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng Bảo tồn, tôn tạo Di tích Thành cổ Vinh. Công viên Thành cổ Vinh ở thời điểm này được xác định gồm các chức năng: “Là khu chức năng của đô thị, nơi bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Thành cổ Vinh kết hợp các công trình bảo tàng ngoài trời nhằm phục vụ du khách, nhân dân, giới thiệu lịch sử, văn hóa xứ Nghệ. Là khu ở của một bộ phận dân cư phường Cửa Nam”. Đồng thời cũng xác định giữ nguyên trạng các khu dân cư thuộc khối 1, 2, 4; còn các hộ gia đình thuộc khối 3, đang ở tại các khu tập thể Công ty Phát hành sách Nghệ An, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Nghệ An, Trung tâm văn hóa tỉnh thì di dời tái định cư để khi Nhà nước thực hiện quy hoạch sẽ đầu tư xây dựng “Khu bảo tàng, vườn tượng”. Để di dời tái định cư các hộ dân 4 khu tập thể này, tại Quyết định số 4312/QĐ.UBND.CN, UBND tỉnh cũng có chỉ đạo rất rõ. Đó là giao UBND TP. Vinh “Khẩn trương hoàn thành quy hoạch khu tái định cư Nam Lê Lợi và Bắc Lê Lợi cho 349 hộ thuộc diện phải di dời (trong và ngoài Thành cổ)”.
Tính từ thời điểm Quyết định số 4312/QĐ.UBND.CN của UBND tỉnh có hiệu lực thi hành, đến nay quy hoạch Công viên Thành cổ Vinh chỉ mới được cải tạo Hào thành thông qua nguồn kinh phí dự án Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh. Các khu quy hoạch tái định cư UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP. Vinh triển khai đã được hoàn thành. Nhưng những nơi này đã “ưu tiên” di dời tái định cư các hộ dân thuộc các dự án trên địa bàn thành phố có kinh phí triển khai thực hiện (trong đó có một số dân cư liên quan dự án cải tạo Hào thành cổ). Còn với các hộ dân các khu tập thể K3 vẫn không được di dời tái định cư; bị hạn chế xây dựng công trình nhà ở phục vụ sinh hoạt, mất quyền sử dụng đất vì không được cấp Giấy chứng nhận QSD đất…, và phát sinh đơn thư khiếu nại nhiều năm.
Quá trình xử lý đơn thư, chúng tôi cũng đã nghiên cứu quy hoạch Công viên Thành cổ Vinh được điều chỉnh tại Quyết định 4312/QĐ.UBND.NC. Băn khoăn, bởi hạng mục “vườn tượng” sẽ được dựng lên trên nền đất 4 khu tập thể ngành văn hóa. Vì khu đất này khuất lấp sau hệ thống các nhà trưng bày thuộc Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Nghệ An. Vậy thì việc đầu tư tiền của (nếu có) vào hạng mục “vườn tượng” liệu có phát huy hiệu quả? Đó là chưa nói đến việc để di dời, tái định cư 105 hộ dân sẽ mất nhiều trăm tỷ đồng, với tiềm lực của chủ đầu tư là thành phố Vinh, biết đến bao giờ? Với những gì hiển hiện, Công viên Thành cổ Vinh dù đã được điều chỉnh quy hoạch nhưng sau 12 năm bị “treo” cần phải đánh giá lại, nhất là về tính khả thi!
Xem xét, giải quyết việc cấp Giấy CNQSD đất
Là trao đổi của những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Thành ủy và UBND TP. Vinh khi được hỏi về kiến nghị cấp Giấy chứng nhận QSD đất của 105 hộ dân thuộc K3, P. Cửa Nam. Cụ thể, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh, ông Phan Đức Đồng đã tiếp nhận thông tin và trả lời rằng “Sẽ chuyển nội dung này cho UBND TP. Vinh nghiên cứu, giải quyết…”. Còn với Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Vinh, ông Nguyễn Văn Lư thì trao đổi việc các hộ dân kiến nghị cấp QSD đất là chính đáng. Việc báo chí quan tâm tìm hiểu và thông tin là cần thiết. Qua đó giúp cho các cơ quan có liên quan nắm bắt, xử lý những vấn đề còn tồn tại ở địa phương cơ sở, giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân. Với Chủ tịch UBND TP. Vinh, ông Trần Ngọc Tú, khi được thông tin thì xác định đây là một nội dung tồn đọng cần quan tâm xử lý. Chủ tịch UBND TP. Vinh trao đổi: “Tôi đã yêu cầu Phòng TN&MT quan tâm, tập hợp các tài liệu liên quan để xem xét giải quyết…”.
Nhằm giải quyết kiến nghị của 105 hộ dân thuộc K3, P. Cửa Nam, chúng tôi đã tham vấn ý kiến của ông Lê Quốc Hồng – Trưởng ban Dân vận Thành ủy Vinh và ông Lê Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh. Trưởng ban Dân Vận Thành ủy Vinh, ông Lê Quốc Hồng (nguyên là Phó Chủ tịch UBND TP. Vinh) trao đổi: “Theo tôi, quy hoạch Công viên Thành cổ Vinh vẫn còn nguyên giá trị và cần giữ quy hoạch này. Hiện nay, do Nhà nước còn gặp khó khăn nên chưa thực hiện được quy hoạch. Điều này đã ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân có liên quan, vì nhà và đất trong vùng quy hoạch nên họ chưa được UBND TP. Vinh cấp Giấy chứng nhận QSD đất. Để giải quyết vấn đề này, UBND TP. Vinh nên xem xét, cấp giấy chứng nhận QSD đất cho người dân. Việc cấp giấy chứng nhận QSD đất cho các hộ dân chỉ có lợi vì dân được đảm bảo về quyền sử dụng đất; hơn thế nữa, sau này, khi Nhà nước có đủ tiềm lực thực hiện quy hoạch thì công tác giải phóng mặt bằng sẽ được thuận lợi…”.
Với Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, ông Lê Văn Ngọc (từng kinh qua các chức vụ Trưởng phòng TN&MT, Phó Chủ tịch HĐND TP. Vinh) thì có trao đổi: “UBND TP. Vinh cần xem xét giải quyết kiến nghị của người dân. Có quy hoạch nhưng quy hoạch chưa được nhà nước thực hiện thì cần xem xét, cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho các hộ dân. Điều cần lưu ý ở đây là việc cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho các hộ gia đình ở tại các khu tập thể. Vì vậy cần giao UBND P. Cửa Nam tập hợp hồ sơ của các hộ dân, thực hiện kiểm tra, phân loại đảm bảo đúng đối tượng; hồ sơ khi được phường chuyển lên, thành phố cần rà soát, kiểm tra để tránh xảy ra sai sót trong quá trình cấp Giấy chứng nhận QSD đất…”.
Cần đánh giá lại công tác giải quyết đơn thư
Với những trao đổi của lãnh đạo chủ chốt Thành ủy, UBND TP. Vinh; cùng với quy định tại Khoản 1, Điều 20, Nghị định số 43/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ mà UBND P. Cửa Nam đã dẫn ra tại Báo cáo số 289/ BC-UBND ngày 16/8/2019, chúng tôi rất tin kiến nghị của 105 hộ dân sẽ được xem xét, giải quyết dứt điểm. Nhưng thông qua việc xác minh, giải quyết đơn khiếu nại của 105 hộ dân, thì thấy Thành ủy, UBND TP. Vinh cần đánh gíá lại công tác giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của các phòng, ban, đơn vị trực thuộc.
Sở dĩ có đề nghị này bởi qua thực tế cho thấy, có một số bộ phận cán bộ có hoặc có vấn đề về năng lực, hoặc có vấn đề về thực thi chức trách nhiệm vụ. Bởi nếu có năng lực, khách quan, có trách nhiệm với công việc thì một Tổ công tác do UBND TP. Vinh thành lập thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, rà soát giải quyết nội dung công dân kiến nghị sẽ không bao giờ áp dụng thiếu chuẩn xác và “bỏ sót” các quy định của pháp luật. Không bao giờ có chuyện họ tham mưu văn bản “chưa phù hợp”, để rồi người dân khiếu nại, khiến UBND TP. Vinh phải xin ý kiến của Thanh tra tỉnh và Sở TN&MT, rồi phải hủy bỏ văn bản đã ban hành.
Có thể khẳng định, từ năm 2019 đến nay, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo được tỉnh đẩy mạnh. Nhờ vậy, tình trạng đơn thư phát sinh mới ở các cấp đã được giảm thiểu. Khiếu nại của 105 hộ dân ở K3, P. Cửa Nam là một vụ việc tồn đọng, không phải là mới xảy ra. Nhưng dẫn đến người dân khiếu nại kéo dài cần phải xác định có nguyên nhân từ cán bộ và cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, cần quan tâm giải quyết dứt điểm.