P.V: Năm 1972, môi trường nói chung đang bắt đầu trở nên xấu dần, Liên hợp quốc đã chọn ngày 05/06 là Ngày Môi trường Thế giới nhằm nâng cao hiểu biết, khuyến khích mọi người bảo vệ, cải thiện môi trường. Sau 49 năm, ông có thấy môi trường sống của chúng ta chuyển biến theo hướng tích cực không?
Ông Trần Xuân Cường: Thực tế cho thấy việc nâng cao hiểu biết, khuyến khích mọi người thực hiện hoạt động bảo vệ, cải thiện môi trường đã được thực hiện qua 49 năm nhưng sự chuyển biến theo hướng tích cực chưa được thể hiện rõ. Theo Báo cáo Đánh giá toàn cầu về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái năm 2019 (IPBES) cho thấy, 1 triệu loài động vật và thực vật trong tổng số 8 triệu loài trên Trái Đất đứng bên bờ vực tuyệt chủng. Đặc biệt các loài đang trong tình trạng bị đe dọa có tới 25% loài động vật có vú và 39% động vật có vú sống ở biển; 41% động vật lưỡng cư; 19% loài bò sát; 13% loài chim; 7% loài cá; 31% cá đuối và cá mập; 33% rạn san hô; 27% động vật giáp xác; từ 16% đến 63% thuộc về các loài thực vật… Mỗi năm có khoảng 10 triệu ha rừng bị mất kéo theo nhiều loài thực vật bị suy giảm. Từ năm 1990 đến nay đã có khoảng 420 triệu ha rừng đã bị mất do chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện có 4 loài động vật đã tuyệt chủng, 5 loài tuyệt chủng trong thiên nhiên, 48 loài rất nguy cấp và 113 loài nguy cấp, 37 loài thực vật rất nguy cấp, 178 loài nguy cấp. Gần đây nhất, theo điều tra của các nhà bảo tồn, dù chưa chính thức công bố nhưng ở Việt Nam sẽ có thêm nhiều loài thú lớn đã thực sự tuyệt chủng trong tự nhiên vì rất nhiều nỗ lực để tìm kiếm dấu tích, hình ảnh nhưng kết quả đều không ghi nhận nữa.
Ngoài suy giảm về đa dạng sinh học thì vấn đề ô nhiễm môi trường như nước, không khí, sự nóng lên của trái đất, biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn hán, lũ lụt ở nhiều khu vực, trong đó có Việt Nam trong thời gian gần đây đã chứng minh cho điều đó.
P.V: Ngày Môi trường Thế giới năm nay có chủ đề: “Phục hồi Hệ sinh thái”. Khi thời gian không thể quay ngược, vậy chúng ta phải bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu như thế nào để hệ sinh thái có thể hồi phục?
Ông Trần Xuân Cường: Để làm được điều này rõ ràng là cần sự vào cuộc hết sức tích cực của mọi quốc gia, cộng đồng, tổ chức và người dân. Mọi người cần phải nắm rõ về hệ sinh thái mình đang sống và nguy cơ đe dọa đến hệ sinh thái để có những ứng xử phù hợp. Đơn cử với vai trò và trách nhiệm của Vườn Quốc gia Pù Mát, chúng tôi đã và đang nỗ lực hết mình, phát huy mọi nguồn lực, thu hút tốt sự hỗ trợ từ bên ngoài để làm tốt công tác bảo vệ đa dạng sinh học của Pù Mát. Với Pù Mát, việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ổn định hệ sinh thái, phát triển bền vững phải được thể hiện rõ trong các hoạt động sau: Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm, kịp thời ngăn chặn các tác động vào rừng; thực thi pháp luật một cách nghiêm túc, phát hiện và phối hợp xử lý triệt để, dứt điểm các vụ vi phạm nhằm răn đe, ngăn ngừa các tác động vào tài nguyên rừng…
Vườn quốc gia Pù Mát thường xuyên phối hợp cùng các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền vận động trong cộng đồng dân cư qua nhiều hình thức như phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, những hoạt động bị cấm để người dân biết; tổ chức ký cam kết giữa người dân với chính quyền địa phương và Vườn quốc gia Pù Mát để không xâm hại vào rừng; tham mưu thực hiện đầy đủ mọi chính sách của nhà nước về lâm nghiệp, xóa đói giảm nghèo đến cộng đồng vùng đệm nhằm họ có thêm nguồn thu nhập ổn định cuộc sống như chính sách về khoán rừng, chính sách hỗ trợ gạo bảo vệ rừng, chính sách hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm; triển khai các mô hình sinh kế để người dân nâng cao thu nhập nhằm hạn chế tác động vào rừng; tổ chức các hoạt động điều tra, giám sát đa dạng sinh học, theo dõi một số loài động vật và thực vật quan trọng, đánh giá sự biến động của quần thể động vật hoang dã theo chu kỳ 3-5 năm để làm cơ sở đánh giá hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng… Thu hút các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế để triển khai các hoạt động trên.
P.V: Những năm trước, Vườn Quốc gia Pù Mát – với tư cách là một trong những “lá phổi xanh” của Việt Nam đã tổ chức Ngày Môi trường Thế giới như thế nào? Và năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19, các hoạt động nhằm thúc đẩy việc quản lý, phát triển rừng bền vững, góp phần phục hồi hệ sinh thái có gì khác biệt?
Ông Trần Xuân Cường: Vườn quốc gia Pù Mát đã ký quy chế phối hợp với Huyện đoàn Con Cuông và các cơ quan có liên quan như Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện, Hội Nông dân… để thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục môi trường. Hàng năm, Vườn đã phối hợp với Huyện đoàn tham mưu cho UBND huyện tổ chức ngày môi trường thế giới theo các chủ đề của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) lựa chọn.
Các hoạt động được triển khai gắn với chủ đề do Vườn quốc gia Pù Mát phối hợp với Huyện đoàn tham mưu. Nhìn chung các hoạt động chủ yếu được thực hiện là tổ chức mít tinh hưởng ứng cấp huyện với sự tham gia của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, các xã, cơ quan đơn vị trên địa bàn huyện, người dân và học sinh. Sau buổi lễ sẽ tổ chức các hoạt động hưởng ứng như vệ sinh môi trường, thu gom rác thải,… tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu ở các tuyến đường chính; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu cấp huyện với đối tượng là học sinh hoặc người dân tham gia.
Năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường vẫn được thực hiện song thay vì tụ tập đông người, chúng tôi triển khai mạnh trên nền tảng Internet và mạng xã hội.
P.V: Để phục hồi hệ sinh thái thì việc tăng cường kiểm soát buôn bán động vật hoang dã có vai trò rất quan trọng. Điều này đã được Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/07/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã nêu rõ. Vườn Quốc gia Pù Mát đã thực hiện kiểm soát buôn bán động vật hoang dã ra sao?
Ông Trần Xuân Cường: Để thực hiện tốt Chỉ thị 29/CT-TTg, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện Con Cuông tổ chức và triển khai chiến dịch “Huyện Con Cuông nói không với động vật hoang dã trái phép”. Đây là bước quan trọng trong việc triển khai thực hiện chỉ thị một cách quyết liệt, đồng bộ của huyện Con Cuông, với mục đích đưa tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tham gia.
Với đơn vị, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam tuyển dụng và đưa nhóm bảo vệ rừng chuyên trách vào hoạt động tại Pù Mát. Nhóm bảo vệ rừng được duy trì hoạt động từ tháng 6/2018 đến nay với sự hỗ trợ toàn bộ kinh phí từ Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam. Nhóm bảo vệ rừng chúng tôi hiện có gồm 16 người được tuyển dụng kỹ lưỡng, có sức khỏe thông qua kiểm tra, sát hạch; được đào tạo kỹ năng sử dụng các thiết bị tuần tra rừng. Công việc của họ là phối hợp với kiểm lâm tuần tra, bảo vệ rừng, phát hiện, ngăn chặn mọi hành vi vi phạm từ rừng, tổ chức tháo gỡ bẫy thú, phá hủy lán trại bất hợp pháp, giải cứu động vật bị mắc bẫy… tuần tra rừng mỗi tháng tối thiểu 15 ngày.
Trong 3 năm qua, nhờ sự hỗ trợ của nhóm, toàn Vườn đã tháo gỡ, phá hủy được hơn 10.500 cái bẫy các loại, phá hủy gần 850 lán trại được dựng bất hợp pháp trong rừng, tịch thu được 80 khẩu súng tự chế, đẩy đuổi gần 600 người vào rừng bất hợp pháp ra khỏi rừng…. kiểm soát chặt chẽ toàn bộ lâm phần với 94.715 ha rừng, chấm dứt việc khai thác gỗ vì mục đích thương mại trong Vườn quốc gia Pù Mát, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã trong toàn lâm phần Vườn.
Có thể nói, đưa nhóm bảo vệ rừng vào hoạt động một phần giải quyết được việc thiếu nguồn nhân lực trầm trọng hiện nay chúng tôi đang phải đối mặt.Thứ hai, họ là lực lượng hỗ trợ thường xuyên cho kiểm lâm để tuần tra, bảo vệ rừng. Họ giúp cho lãnh đạo Vườn giám sát được hoạt động của kiểm lâm, thúc đẩy kiểm lâm làm việc tích cực, có trách nhiệm hơn. Họ cùng lực lượng kiểm lâm giúp Vườn triển khai áp dụng công cụ giám sát, báo cáo tuần tra rừng và giám sát đa dạng sinh học (SMART) một cách hiệu quả.
P.V: Thiên nhiên dường như đang “trả đũa” lại con người bằng những trận thiên tai, dịch bệnh khủng khiếp? Cá nhân ông có lời khuyên nào để mọi người cùng chung tay phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học? Ông có đề xuất giải pháp nào để nâng cao sinh kế của người dân sống gần rừng, để họ không còn tàn phá rừng?
Ông Trần Xuân Cường: Với tôi, lời khuyên đầu tiên cho mọi người đó là mỗi người hãy có ý thức để hành động ngay trong các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học bằng những việc làm cụ thể, dù là nhỏ nhất. Ví dụ, không vứt rác bừa bãi, hạn chế sử dụng sản phẩm từ nhựa; hãy không ăn, không buôn bán, không sử dụng động vật hoang dã và các sản phẩm của chúng; tuyên truyền mọi người cùng thực hiện để quần thể động vật hoang dã phục hồi tránh sự mất đi của một số loài mà chúng ta mãi không bao giờ lấy lại được… Khi chúng ta làm được những việc nhỏ nhất thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn, môi trường được giữ vững, giá trị đa dạng sinh học sẽ được bảo vệ tốt hơn.
Để nâng cao sinh kế của người dân sống gần rừng, giải pháp trước mắt là cần thực hiện đầy đủ mọi chính sách của nhà nước về lâm nghiệp cho người dân như khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ gạo cho những người tham gia bảo vệ rừng, hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm. Việc triển khai các chính sách này cần công bằng, minh bạch, đầy đủ… Ngoài ra, chúng ta cần phối hợp thực hiện tốt với các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phi lợi nhuận, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho người dân như trồng rừng, trồng và phát triển các loài dược liệu có giá trị trong diện tích rừng được giao cho các hộ gia đình quản lý, phát triển các mặt hàng thủ công truyền thống. Đặc biệt là phải phối hợp với các doanh nghiệp để nâng cao chuỗi giá trị của các sản phẩm do người dân sản xuất để bao tiêu sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân.
P.V: Xin cảm ơn ông!