“Mình đi tuyến đảo Tây Nam chuyến này là lần thứ ba rồi” – Nhà báo Trần Thị Bích Chi (phóng viên của Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long), cũng là người bạn chung phòng của tôi trong suốt hải trình, chia sẻ.
“Mỗi hành trình lại có những cảm xúc rất khác nhau. Nhưng mình biết chắc chắn một điều rằng, mỗi chuyến đi mình sẽ mang theo một cái gì đó từ đất liền để tặng những người lính đảo”, chị thủ thỉ với những chị em chung phòng khi chiếc tàu 528 vừa nhổ neo, bắt đầu hải trình đến tuyến đảo Tây Nam.
Chuyến này, ngoài đồ đạc, máy móc mang theo để tác nghiệp, chị còn lỉnh kỉnh mang theo hai thùng đồ. Một thùng là những quyển sách mới, chị dành tặng cho lớp học tình thương của Thiếu tá Trần Bình Phục trên đảo Hòn Chuối. Thùng còn lại đầy ắp những bức thư, tấm thiệp mừng năm mới và những món quà từ đất liền gửi đến những người lính ở hải đảo xa xôi.
“Mặc dù ngày nay công nghệ phát triển, tất cả đều có trên chiếc điện thoại thông minh, nhưng với mình, những bức thư tay vẫn mang ý nghĩa rất đặc biệt. Và trong những chuyến công tác trước, khi được gặp gỡ, trò chuyện với những người lính đảo, họ rất háo hức, mong chờ mỗi khi có đoàn tới thăm. Vì vậy, trước chuyến đi năm nay, mình được bạn bè, người thân gửi gắm những bức thư, tấm thiệp chúc Tết, động viên các cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa. Cảm giác như mình là một người trung chuyển yêu thương vậy…”, nhà báo Bích Chi chia sẻ.
Là một trong những người đầu tiên nhận thư từ đất liền, Thiếu tá Phạm Văn Trường – Máy trưởng tàu 528 (Hải đội 512, Lữ đoàn 127 Vùng 5 Hải quân) không giấu được nụ cười hạnh phúc. Trên boong tàu, giữa biển lớn mênh mông, lật giở những trang thư từ một người xa lạ, người chiến sĩ hải quân không giấu được sự xúc động: “Lâu lắm rồi tôi mới nhận được một bức thư tay nhiều cảm xúc như thế này. Dù không biết người viết bức thư là ai, khuôn mặt thế nào, giọng nói ra sao, nhưng chắc chắn đó là một tâm hồn đầy ắp tình yêu thương…”.
– “Mong anh nguôi nỗi nhớ nhà, vì chúng ta đều đang chung sống dưới một mái nhà, mà tự hào thay các anh đang chung tay giữ vững sự bình yên, ấm no, hạnh phúc của mái nhà đó…”.
– “Hy vọng cánh thư nhỏ bé này sẽ là cầu nối giữa những con người chưa từng gặp gỡ…”.
– “Luôn biết ơn các anh…”.
Đó là những dòng thư tay gửi gắm nỗi niềm từ đất liền tới những người lính đảo. Đằng sau những bức thư đó, là tấm lòng biết ơn, tình yêu thương trìu mến của các em học sinh, gửi đến những người lính kiên trung nơi đầu sóng ngọn gió.
Chiến sĩ Nguyễn Thành Lên (sinh năm 2004, trắc thủ ra đa Trạm Radar 595) vừa nhận công tác tại đảo Hòn Khoai (thuộc địa bàn xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) hơn 2 tháng nay. Đây là năm đầu tiên người chiến sĩ vừa bước sang tuổi 20 đón Tết trên đảo. Được tận tay đón nhận những lá thư gửi từ đất liền, Nguyễn Thành Lên có một cảm xúc khó tả: “Lần đầu tiên em được nhận những bức thư tay như thế này, đây sẽ là động lực để em vượt qua nỗi nhớ gia đình, yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đọc những bức thư, em càng cảm thấy tự hào về công việc mình làm, từ đó động viên, hối thúc em kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió”.
Đến mỗi cụm đảo, những bức thư tay đều được nhà báo Bích Chi gửi đến từng cán bộ, chiến sĩ. Nhưng có lẽ, khoảnh khắc trao thư ở đảo Hòn Khoai mang nhiều cảm xúc nhất, bởi hòn đảo nằm ở phía Đông Nam mũi Cà Mau hiện không có dân cư sinh sống, cũng chưa có phương tiện giao thông khai thác. Vì vậy, những bức thư từ đất liền cũng hiếm khi được chuyển đến tận tay từng cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên đảo.
Nhà báo Bích Chi cũng không giấu được nỗi xúc động: “Khi mình gửi những bức thư đến các cán bộ, chiến sĩ, nhận lại những niềm vui, nụ cười hiện lên trên ánh mắt các anh, mình cảm thấy rất vui và xúc động vô cùng. Mình mong một phần nào đó những lá thư tay sẽ mang hơi ấm từ đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ ở đảo xa. Mong các anh có thêm vững tin nơi đầu sóng ngọn gió. Mong rằng những bức thư sẽ nối biển gần bờ, để mọi người cùng chung sức đồng lòng với mục tiêu bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương…”.