“Bữa ni đơn vị đông vui quá…”
Nơi hòn đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc, tôi bất ngờ khi nghe thấy âm điệu “mô, tê, răng, rứa” của quê mình. Bất giác, tôi quay đầu lại. Trước mặt tôi là người phụ nữ nhỏ nhắn, tay đang thoăn thoắt sắp đặt bát đĩa trong khu bếp của Trạm Radar 610. Tôi hỏi chị: “Chị là người Nghệ An?”.
Chị ngước lên nhìn tôi. Trong ánh mắt có đôi chút bất ngờ, xen lẫn vẻ mừng rỡ, khi gặp đồng hương ở đảo xa, nơi cách Nghệ An hàng nghìn cây số: “Chị người Quỳnh Lưu em ạ. Chị theo chồng vào đây, đến nay đã 11 năm rồi…”.
Hỏi ra mới biết, chị tên Hoàng Thị Tuyết, vợ của Thiếu tá Đặng Ngọc Mạnh – Ngành trưởng ngành Radar, Trạm Radar 610. Quê gốc hai anh chị đều ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), gặp nhau, cảm mến nhau rồi nên duyên vợ chồng. Chị kể: “Hồi mới về làm dâu, chị còn ở quê, anh lại công tác ở trong này, mỗi năm chỉ gặp nhau được ít ngày. Năm bé thứ hai được 2 tuổi, anh chị quyết định đưa con vào Thổ Chu ổn định cuộc sống. Hồi mới vào cũng buồn lắm, thiếu thốn nhiều thứ, lại xa gia đình, nhưng hai vợ chồng vẫn bảo nhau cố gắng. Vậy mà đã hơn 11 năm gắn bó với Thổ Chu rồi”.
Năm nay là năm thứ chín anh chị đón Tết ở trên đảo. “Tết ở đây cũng không khác nhiều ở đất liền, cũng có đào, có quất, đặc biệt có anh em, đồng đội ở đơn vị cùng sum vầy, nên Tết nào cũng ấm cúng như ở nhà vậy”, chị Tuyết chia sẻ.
Đó là những tâm tư của chị Hà Thị Oanh (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Thổ Châu, xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) – người đã gắn bó với đảo Thổ Chu gần 30 năm nay. Chị là vợ của Trung tá Bùi Anh Dũng, hiện đang công tác tại Trạm Radar 610. Quê gốc của cả hai vợ chồng chị đều ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Năm 1992, anh nhận lệnh chuyển công tác ra đảo Thổ Chu, đến năm 1995, chị Oanh cũng khăn gói theo chồng ra đảo.
“Ra đảo rồi vợ chồng mình làm gì?” – chị vẫn nhớ mãi những trăn trở khi chồng chị ngỏ lời muốn cả gia đình vào Thổ Chu lập nghiệp. Ngày ấy, người vợ trẻ vẫn chưa thể hình dung đảo Thổ Chu ở đâu, vào đó sẽ làm gì để dựng xây gia đình. Chị chỉ thoáng biết về Thổ Chu qua những lời kể của chồng, về những người anh em, đồng đội ở đơn vị. Ấy vậy mà niềm tin và những hy vọng ở mảnh đất có cái tên thân thuộc ấy đã mang chị đến với đảo, trở thành những người đầu tiên dựng xây tổ ấm tại nơi đây.
“Ngày đó, Thổ Chu còn thưa thớt lắm, trên đảo mới có chừng vài chục hộ dân, một thầy giáo và hai lớp học. Khi đó, tôi mới tốt nghiệp THPT, vừa học, vừa làm đến năm 2005 thì tốt nghiệp Đại học Sư phạm. Càng gắn bó với nghề, tôi lại càng yêu, càng quý những đứa trẻ ở Thổ Chu. Các em hồn nhiên, vô tư và trong sáng lắm. Trong ánh mắt lúc nào cũng ánh lên niềm hy vọng, khiến cho những người làm nghề giáo như tôi có thêm niềm tin, động lực để gắn bó với hòn đảo xinh đẹp này”.
Không chỉ chị Oanh, chị Tuyết, trên đảo Thổ Chu còn có rất nhiều người vợ theo chồng ra đảo, dựng xây gia đình. Có người ở nhà chăn nuôi, làm nội trợ, người lại kinh doanh buôn bán. Chị Hà Thị Oanh chia sẻ: “Những chị em trong đại gia đình Trạm Radar 610 đều rất đoàn kết, yêu thương nhau. Những ngày lễ, Tết hay những dịp đặc biệt, chúng tôi là điểm tựa tinh thần cho nhau, hỗ trợ, giúp đỡ nhau như người nhà. Ở đây có gia đình, có bè bạn, bởi vậy với tôi, Thổ Chu chính là nhà”.
Theo Đại úy Trần Hữu Toán – Chính trị viên Trạm Radar 610, nhờ có hậu phương vững chắc, các cán bộ, chiến sĩ của trạm luôn an tâm tư tưởng công tác, xác định tốt nhiệm vụ, có ý chí quyết tâm cao, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước cũng như quy định của đơn vị. Dịp Tết này, toàn trạm đã quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Các cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại đơn vị, dù đến từ nhiều miền quê khác nhau, nhưng luôn xem nhau là một gia đình. Và các chị, những người hậu phương vững chắc, chính là niềm tin, nguồn động lực giúp các cán bộ, chiến sĩ tại trạm an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.