XỬ LÝ VƯỚNG MẮC Ở DỰ ÁN THỦY ĐIỆN HỦA NA: Chờ ý kiến Chính phủ!

Đã 13 năm hoàn thành, nhưng ở dự án thủy điện Hủa Na, công tác đền bù, hỗ trợ GPMB vẫn còn những tồn đọng, vướng mắc. Dù có thêm nhiều cuộc họp, những hướng dẫn để giải quyết, nhưng vướng mắc vẫn hoàn vướng mắc. Vì vậy, ngày 29/6/2020, UBND tỉnh đã có Công văn số 4112/UBND-NN xin ý kiến Chính phủ...

Mở đầu Công văn số 4112/UBND-NN, UBND tỉnh đã báo cáo tóm tắt về dự án thủy điện Hủa Na, sự đồng thuận của 1.362 hộ dân với 5.236 khẩu thuộc 14 bản của 2 xã Thông Thụ, Đồng Văn đã thực hiện di dời, tái định cư (bắt đầu từ năm 2008) để nhà máy này được xây dựng, hoàn thành, phát điện vào tháng 2/2013.

Tuy nhiên, gần 13 năm trôi qua, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vẫn chưa được hoàn thành, ảnh hưởng đến quyền lợi của các hộ dân. Cụ thể là về công tác cân đối đối trừ quyền sử dụng đất giữa nơi đi và nơi đến tái định cư, do quan điểm của UBND huyện Quế Phong và chủ đầu tư là Công ty CP thủy điện Hủa Na khác nhau.

Công ty CP thủy điện Hủa Na cho rằng Quyết định số 64/QĐ-TTg ngày 18/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ chỉ quy định xử lý chênh lệch theo giá trị đất nông nghiệp (tại Khoản 5, Điều 5); không quy định xử lý chênh lệch cho từng loại đất trong nhóm nông nghiệp nên phải tính tổng giá trị theo nhóm đất nông nghiệp. Mặt khác, tổng mức đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nếu lập theo phương án chi tiết sẽ vượt tổng mức đầu tư.

Bản tái định cư Piềng Văn, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong.
Bản tái định cư Piềng Văn, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong.

Về phía UBND huyện Quế Phong phân tích: Luật Đất đai năm 2013 quy định giá trị đất là giá trị quyền sử dụng đất tính trên một đơn vị diện tích đất (quy định tại khoản 19, Điều 3), giá trị quyền sử dụng đất là giá trị bằng tiền của quyền sử dụng đất đối với một diện tích đất xác định trong thời hạn sử dụng đất xác định (quy định tại khoản 20, Điều 3); đất đai được phân loại theo mục đích sử dụng, trong nhóm đất nông nghiệp có nhiều loại khác nhau (quy định tại Điều 10); việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất được thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền (quy định tại khoản 2, Điều 74).

Mặt khác, đã thực hiện việc giao đất ở, đất vườn liền kề, đất lúa nước, đất trồng cây hàng năm khác, rừng sản xuất cho các hộ gia đình trên cơ sở nhân khẩu (hộ không có đất nơi đi, hộ có ít đất ở nơi đi, hộ có nhiều đất ở nơi đi đều được giao trong hạn mức như nhau, theo nhân khẩu và theo hộ gia đình).

Người dân xã Đồng Văn trình bày kiến nghị với PV Báo Nghệ An; Rừng tự nhiên người dân điểm tái định cư Huôi Chà Là ở trên núi cao; Đất sản xuất lúa nước đã qua 4 mùa nhưng năng suất thấp, vì vậy, đời sống người dân các điểm tái định cư thêm nhiều khó khăn.
Người dân xã Đồng Văn trình bày kiến nghị với PV Báo Nghệ An; Rừng tự nhiên người dân điểm tái định cư Huôi Chà Là ở trên núi cao; Đất sản xuất lúa nước đã qua 4 mùa nhưng năng suất thấp, vì vậy, đời sống người dân các điểm tái định cư thêm nhiều khó khăn.

Trên cơ sở thống nhất ban đầu của Công ty CP thủy điện Hủa Na, UBND huyện Quế Phong đã lập phương án chi tiết theo từng loại đất và phê duyệt, công khai cho 5/13 điểm tái định cư và đã thực hiện chi trả cho 2/5 điểm. Do vậy, để thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công bằng cho các hộ dân thì phải lập phương án chi tiết giá trị từng loại đất thu hồi và loại đất được giao.

Cũng tại Công văn số 4112/UBND-NN, UBND tỉnh báo cáo Chính phủ việc tỉnh đã có văn bản đề nghị Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) hướng dẫn việc áp dụng luật.

Tuy nhiên, tại Công văn số 708/TCQLĐĐ-CKTPTQĐ ngày 7/4/2020, Tổng cục Quản lý đất đai nêu Luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện luật không có quy định về xử lý chênh lệch giá trị đất nơi đi và nơi đến khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.

Trường hợp tại nơi đi có loại đất nông nghiệp cụ thể mà nơi đến không có hoặc ngược lại thì không xác định được giá trị chênh lệch của loại đất cụ thể đó. Vì vậy, việc xử lý chênh lệch giá trị đất nông nghiệp được giao với giá trị đất nông nghiệp bị thu hồi là xác định theo tổng giá trị đất nông nghiệp của nơi đi với tổng giá trị đất nông nghiệp nơi đến.

Về nội dung xin ý kiến, UBND tỉnh báo cáo Chính phủ: Việc tính toán đối trừ chênh lệnh đất nông nghiệp giữa nơi đi và nơi đến cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất tại các dự án thủy lợi, thủy điện được quy định tại Quyết định số 64/QĐ-TTg ngày 18/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Do hiện nay vẫn còn có những quan điểm khác nhau và chưa có hướng dẫn cụ thể cách thực hiện đối trừ chênh lệch đất nông nghiệp giữa nơi đi và nơi đến cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng.

Việc tính toán giá trị đất nông nghiệp giữa nơi đi và nơi đến được thực hiện cụ thể đối với từng loại đất riêng biệt như: đất sản xuất nông nghiệp (gồm đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm), đất lâm nghiệp hay tính toán đối trừ chênh lệch cho tổng toàn bộ giá trị các loại đất nông nghiệp (bao gồm đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp) giữa nơi đi và nơi đến (tức là tính giá trị gộp chung cho toàn bộ các loại đất. Do đó, chính quyền địa phương đang gặp khó khăn trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện.

Vì vậy, để có cơ sở hướng dẫn UBND huyện Quế Phong và Công ty CP thủy điện Hủa Na thực hiện xác định, tính toán đối trừ giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa nơi đi và nơi đến cho nhân dân tái định cư dự án công trình thủy điện Hủa Na tại huyện Quế Phong đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công bằng cho nhân dân, ổn định tình hình, tránh khiếu kiện kéo dài; UBND tỉnh kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, và Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét, hướng dẫn cụ thể để UBND tỉnh Nghệ An hướng dẫn UBND huyện Quế Phong thực hiện.

Cuối tháng 6/2020, đồng chí Phan Đình Trạc – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương có buổi tiếp xúc với cử tri xã Đồng Văn, huyện Quế Phong.

Tại đây, cán bộ và nhân dân xã Đồng Văn đã phản ánh thực trạng khó khăn ở các điểm tái định cư và việc Công ty CP thủy điện Hủa Na chậm trễ thực hiện hoàn thành công tác đối trừ giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa nơi đi và nơi đến; đề nghị có tiếng nói đến các cơ quan chức năng để Công ty CP Thủy điện Hủa Na đền bù cho người dân đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.

Đại biểu Quốc hội Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương trả lời những kiến nghị của cử tri  xã Đồng Văn.
Đại biểu Quốc hội Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương trả lời những kiến nghị của cử tri xã Đồng Văn.

Trả lời cử tri, đồng chí Phan Đình Trạc cho rằng, vấn đề đền bù tái định cư và hỗ trợ hậu tái định cư cho người dân các xã trên địa bàn huyện Quế Phong đã kéo dài nhiều năm nay, việc người dân bức xúc là điều dễ hiểu; đề nghị Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức một buổi làm việc với UBND tỉnh, UBND huyện Quế Phong và MTTQ tỉnh để giải quyết vấn đề này. Đồng thời, đồng chí Phan Đình Trạc khẳng định: “Làm gì thì làm, nhân dân không ổn thì chắc chắn sản xuất kinh doanh trên địa bàn cũng sẽ không ổn”.

Liên quan đến những vướng mắc ở dự án thủy điện Hủa Na, thời gian vừa qua Báo Nghệ An đã có nhiều bài viết. Về công tác đối trừ giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa nơi đi và nơi đến, Báo Nghệ An cũng đã tìm hiểu, nhận thấy việc thực hiện theo phương án của Công ty CP thủy điện Hủa Na là không đúng theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, công tác đối trừ quyền sử dụng đất nơi đi và nơi đến ở dự án thủy điện Hủa Na được xác định thực hiện theo Quyết định số 64/QĐ-TTg của Chính phủ về chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện.

Công ty CP thủy điện Hủa Na (và một số cơ quan khác) cho rằng việc áp dụng là theo quy định tại khoản 5, Điều 5 của quyết định này. Thực tế họ đã lờ đi quy định tại khoản d, Điều 1 của Quyết định số 64/QĐ-TTg. Tại đây quy định: “Ngoài những nội dung quy định tại Quyết định này, các nội dung khác về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện thực hiện theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013…”.

Theo quy định này, để xử lý chênh lệch giá trị đất nơi đi và nơi đến tại dự án thủy điện Hủa Na, cần phải áp dụng đúng, đủ các quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Mà thực ra, chính Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN&MT) đã từng hướng dẫn cho tỉnh Nghệ An tại Văn bản số 1549/TCQLĐĐ-CKTPTQĐ ngày 14/8/2019.

Đó là phải áp dụng các quy định tại Khoản 2, Điều 74; Điều 10, Điều 111 của Luật Đất đai năm 2013; bên cạnh đó, áp dụng Điều 3, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ và giá đất cụ thể của loại đất thu hồi, thực hiện theo bảng giá đất UBND tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

Nếu áp dụng các quy định nêu trên, hướng xử lý chênh lệch giá trị đất nông nghiệp giữa nơi đi và nơi đến cần phải được tính toán cụ thể đối với từng loại đất..

Hơn nữa, cần lưu ý là từ năm 2019, UBND tỉnh đang chỉ đạo ngành NN&PTNT và các huyện đẩy mạnh việc giao đất rừng với mục tiêu tổng diện tích 265.771 ha rừng sản xuất có chủ quản lý, được bảo vệ, giảm thiểu tác động xấu đến rừng tự nhiên…

Cử tri Lô Hồng Ngân (trú bản Na Chảo - Piềng Văn, xã Đồng Văn) đề nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết những tồn tại sau tái định cư; Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội vào ngày 24/6/2020.
Cử tri Lô Hồng Ngân (trú bản Na Chảo - Piềng Văn, xã Đồng Văn) đề nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết những tồn tại sau tái định cư; Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội vào ngày 24/6/2020.

Về hạn mức giao đất, giao rừng cho các hộ dân thực hiện theo Điều 129, Luật Đất đai 2013 (tối đa không quá 30ha/hộ, tối thiểu là 2ha/hộ). Để thực hiện Đề án này, ngân sách Nhà nước Trung ương và tỉnh phải chi với khoản kinh phí lên đến 108 tỷ đồng.

Nếu thực hiện theo văn bản số 708/TCQLĐĐ-CKTTPTQĐ của Tổng cục Quản lý đất đai, những người dân tái định cư dự án thủy điện Hủa Na, thuộc diện hưởng chính sách đặc thù sẽ bị thu tiền sử dụng đất đối với đất rừng mà họ được giao (bình quân khoảng 80 triệu đồng/hộ). Trong khi đó, đây chủ yếu là đất rừng tự nhiên, không phải là tư liệu sản xuất, chưa đem lại lợi ích mà ngược lại người dân còn phải gánh trách nhiệm bảo vệ, trông coi. Nếu như vậy, là không công bằng!.