Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND, công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT có nhiều chuyển biến tích cực và hiệu quả ngày càng rõ nét. Tuy nhiên, từ thực tế vẫn còn nhiều điểm hạn chế, UBND tỉnh đã tham mưu, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 9/12/2021, quy định một số biện pháp tăng cường giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 20/1/2022, cụ thể hóa nội dung, thực hiện Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND, yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng, phương tiện tập trung giải tỏa các vi phạm và chống tái lấn chiếm hành lang ATGT, vỉa hè đô thị.
Trong đó, xác định rõ công tác giải tỏa vi phạm và chống tái lấn chiếm, quản lý hành lang ATGT là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên; là một trong những tiêu chí để đánh giá năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời là một trong những căn cứ bình xét các danh hiệu thi đua hàng năm. Mọi hành vi can thiệp, cản trở quá trình thực hiện giải tỏa, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Quá trình triển khai thực hiện phải tiến hành đồng bộ, thống nhất, chú trọng đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các lực lượng, phương tiện tham gia giải tỏa; không để xảy ra sai sót và phát sinh các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.
Thực hiện các kế hoạch của UBND tỉnh, với chủ đề năm 2022 là “Tiếp tục giải quyết, xử lý tình trạng vi phạm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; kết hợp chỉnh trang đô thị”, 21/21 huyện, thành thị đã xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo giải tỏa hành lang ATGT. Đồng thời tổ chức ra quân triển khai thực hiện công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT trên địa bàn tỉnh.
Để đảm bảo tiến độ, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT năm 2022, Sở GTVT (đơn vị được giao thường xuyên theo dõi, đôn đốc, các sở, ngành, địa phương) đã ban hành Công văn số 1074 ngày 13/4/2022 đôn đốc triển khai thực hiện Kế hoạch số 36 của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, sở đã xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ giải tỏa hành lang ATGT cho các sở, ngành, địa phương cấp huyện trình Sở Tài chính thẩm định. Sở Tài chính đã có Văn bản số 2252/STC-KH.KCHTGT ngày 8/7/2022 về việc tham mưu kinh phí giải tỏa hành lang ATGT đường bộ, đường sắt và hè phố trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2022.
Về phía Ban ATGT tỉnh, ông Lê Huy Chương – Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh cho hay: Ban cũng đã thành lập đoàn khảo sát, làm việc với Ban ATGT tại các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Diễn Châu,… để nắm bắt kết quả thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh cũng như những khó khăn, bất cập, trong đó có công tác phối hợp, quản lý hành lang giao thông để đề xuất giải pháp khắc phục kịp thời. Sau khi xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo giải tỏa hành lang ATGT, các địa phương đã tổ chức ra quân triển khai thực hiện công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm, bước đầu ghi nhận các địa phương triển khai bài bản như Thanh Chương, Nam Đàn…
Để huy động sự vào cuộc hiệu quả, đồng bộ của hệ thống chính trị, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT cấp huyện phải do Chủ tịch UBND cấp huyện là Trưởng ban; Phó Chủ tịch UBND cấp huyện phụ trách lĩnh vực và Trưởng Công an cấp huyện là Phó Trưởng ban. Đồng thời, phải phân công cụ thể và gắn trách nhiệm cho từng phòng, ban, đơn vị, cá nhân trực thuộc đối với từng tuyến đường hoặc địa bàn được giao quản lý. Huy động tối đa nhân lực, phương tiện, thiết bị của cấp huyện, cấp xã để giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Triển khai lắp đặt camera tại các điểm nóng thường xảy ra vi phạm và tái lấn chiếm để theo dõi, giám sát. UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, UBND cấp huyện về kết quả tổ chức thực hiện.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Tuyên – Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: UBND huyện cũng đã ban hành Kế hoạch 158A/KH-UBND huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quyết liệt của chính quyền cơ sở với nòng cốt là cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã để chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm, đặc biệt là vi phạm mới.
Chẳng hạn, sau đợt ra quân giải tỏa, nhận thấy vẫn còn tình trạng một số hộ dân thuê đất dọc tuyến kênh chính trên địa bàn các xã: Văn Thành, Lăng Thành, Phú Thành, Hồng Thành, Thọ Thành và Đô Thành không tháo dỡ công trình xây dựng trên hộ lan can cứng hoặc có tháo dỡ nhưng vẫn tiếp tục dựng hàng rào lưới B40 trong phạm vi nền đường, không đập bỏ tường xây chắn giữa các hộ lan can cứng… làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông. Ngày 24/4/2022, UBND huyện Yên Thành ban hành Văn bản số 769/UBND.KK&HT giao UBND các xã liên quan phối hợp với lực lượng Công an xã huy động máy móc, nhân lực giải tỏa dứt điểm.
Hay trước tình trạng một số người dân thiếu ý thức tự ý tháo dỡ hộ lan can mềm mở đường, bóc xé các chữ số trên cột Km, cọc H, biển báo ở các tuyến đường bộ… cùng với đó trên các tuyến dọc 2 bên đường tại các xã có diện tích trồng rừng lớn, tình trạng khai thác cây keo tập kết trên nền, mặt đường, đào nền đường mái ta luy vẫn còn diễn ra làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông và công tác ATGT. Trong tháng 3/2022, UBND huyện Yên Thành đã yêu cầu Công an huyện chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hành vi phá hoại tài sản kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời yêu cầu UBND các xã, thị trấn hướng dẫn người dân khai thác cây nguyên liệu (keo, tràm, mía) không tập kết trên lòng, lề đường, hành lang đường bộ để đảm bảo ATGT, sau thu hoạch phải hoàn trả mặt bằng.
Tại huyện Anh Sơn, ngoài kế hoạch chung, huyện cũng giao cho UBND các xã, thị ban hành kế hoạch và trực tiếp chỉ đạo, bố trí điều động nhân lực, thiết bị, phương tiện giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT một cách thường xuyên.
Thôn, bản tổ dân phố xây dựng bổ sung quy ước, hương ước về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hành lang ATGT trong cộng đồng dân cư. Thành lập các tổ công tác đến từng hộ gia đình, cơ quan nằm dọc các tuyến đường để tuyên truyền, ký cam kết không sử dụng trái phép hành lang ATGT.
Tiếp đó, để chấn chỉnh tình trạng người dân tự ý họp chợ, bày bán hàng hóa, rửa xe, xả nước thải ra đường bộ, tập kết rác thải, đổ phế liệu, vật liệu xây dựng tre, mét, gỗ… không đúng nơi quy định; xây dựng công trình, lắp đặt, sử dụng biển quảng cáo trên đất của đường bộ, lắp đặt các loại mái che, bậc lên xuống vi phạm hành lang ATGT, tuốt lúa trên phạm vi hành lang ATGT, ngày 16/5/2022, UBND huyện đã có Văn bản số 849 yêu cầu UBND các xã, thị trấn gắn trách nhiệm giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT cho từng chức danh lãnh đạo cấp xã, cán bộ, chiến sỹ công an… đối với từng tuyến đường, đoạn đường trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và xử lý đối với người được giao nhiệm vụ nếu buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác giải tỏa hành lang ATGT.
Đồng thời nhấn mạnh: Nếu để tình trạng trên tiếp tục diễn ra thì chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 những tháng đầu năm 2022, công tác chỉ đạo, triển khai một số nhiệm vụ giải tỏa hành lang giao thông ở một số địa phương, đơn vị chưa được tập trung, quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Việc ra quân giải tỏa vi phạm hành lang ATGT chủ yếu đang triển khai theo đợt, chưa thường xuyên nên kết quả giải tỏa còn hạn chế, tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm vẫn diễn ra phổ biến (nhất là khu vực đô thị, đông dân cư). Bên cạnh đó, sự đôn đốc chỉ đạo của các sở, ngành và người đứng đầu chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã còn thiếu quyết liệt. Kinh phí từ ngân sách tỉnh hỗ trợ giải tỏa hành lang ATGT cho các sở, ngành và địa phương cấp huyện còn chậm, chưa kịp thời.
Để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 36/KH-UBND, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Trong đó, cần tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các sở, ngành và địa phương cấp huyện, cấp xã ra quân, duy trì lực lượng giải tỏa, chống tái lấn chiếm vi phạm hành lang giao thông. Song song với việc xử lý nghiêm các trường hợp tái lấn chiếm, chính quyền địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, “dân vận khéo” đối với người dân, đặc biệt là các hộ sống ven đường bởi “khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề nghị Cục Quản lý đường bộ II chỉ đạo Chi cục Quản lý đường bộ phối hợp các tổ công tác cấp huyện, cấp xã xác định chỉ giới hành lang; rà soát, thống kê phân loại đối tượng vi phạm; tham gia thực hiện giải tỏa vi phạm trên tuyến được giao quản lý. Cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan về quản lý hành lang ATGT cho Ban chỉ đạo cấp huyện. Bổ sung đầy đủ các mốc “đất của đường bộ”, “hành lang an toàn đường bộ” trên các tuyến quốc lộ quản lý…