Với nhiều việc làm cụ thể, quyết liệt, thời gian qua, công tác giải tỏa hành lang ATGT tại một số địa phương đã có những chuyển biến rõ rệt, đáng ghi nhận.
Trước đây, mỗi khi có dịp qua địa bàn thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, điều dễ nhận thấy là tình trạng các hộ dân vi phạm hành lang ATGT như lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán; lắp đặt các mái che, biển quảng cáo ra ngoài phạm vi quy định diễn ra khá phổ biến. Nhưng hiện nay, hình ảnh thị trấn đã thực sự đổi khác, rộng rãi, thông thoáng hơn trên các tuyến đường.
Từ khối 5a đến khối 2a giáp chợ Dùng (xã Thanh Đồng), là nơi tập trung nhiều hộ kinh doanh, buôn bán đủ các mặt hàng, song không còn tình trạng nhốn nháo, lộn xộn như trước. Bà Nguyễn Thị Lan, kinh doanh tại đây chia sẻ: “Sau khi được tuyên truyền và hiểu rõ về việc đảm bảo hành lang ATGT, gia đình tôi cùng các hộ khác đã nghiêm túc thực hiện việc giải tỏa hàng quán, tháo dỡ mái che, di dời biển, bảng… Người này nhìn người kia, thấy họ chấp hành, mình không chấp hành sao được”.
Tương tự, thời gian gần đây, người dân lưu thông qua khu vực chợ Giăng nằm trên tuyến Quốc lộ 46C không khỏi bất ngờ khi tình trạng bày bán hàng hóa trên lòng, lề đường đã được dẹp bỏ. Trước đây, vào những ngày diễn ra phiên chợ, người dân bày bán hàng hóa trên lòng, lề đường, gây ách tắc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Về nguyên nhân, bên cạnh ý thức của người dân, một phần do toàn bộ diện tích chợ nằm trên địa giới hành chính 2 xã Thanh Liên và Thanh Tiên, gây khó khăn trong công tác quản lý. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của huyện, sự vào cuộc của 2 địa phương, hiện tình trạng trên đã chấm dứt.
Theo ông Nguyễn Thế Cường – Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng, UBND huyện Thanh Chương, nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp, quyết liệt trong thực hiện, mà công tác giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường bộ, vỉa hè đô thị trên địa bàn huyện theo Nghị quyết số 56 ngày 16/12/2016 của HĐND tỉnh đạt kết quả cao. Cụ thể, qua 15 đợt cao điểm ra quân, đã giải tỏa được 127m² nhà ở, 1.794m² ki-ốt, 6.315m² mái che, 2.369 biển quảng cáo và 1.259m² sân nền, bậc cấp xây dựng trái phép…
Tại thị xã Hoàng Mai, nếu thời điểm trước năm 2020 ở khu vực phường Quỳnh Thiện và xã Quỳnh Vinh (đoạn đối diện Khách sạn Mường Thanh đến cổng vào ngân hàng Công Thương – cầu La Man), tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT để kinh doanh hàng quán, ki-ốt… trở thành “điểm nóng”, ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại, gây mất ATGT, thì nay không chỉ hàng quán, biển, bảng được lùi hẳn vào trong, mà vỉa hè cũng được mở rộng thông thoáng. Vị trí trồng cây xanh được bố trí hợp lý, thực sự tạo nên diện mạo mới cho bộ mặt thị xã là cửa ngõ của tỉnh Nghệ An. Anh Nguyễn Đức Tiến – lái xe tuyến Vinh – Hà Nội nhận xét: “Quốc lộ 1A đoạn qua phường Quỳnh Thiện, xã Quỳnh Vinh giờ đây rất thông thoáng, tầm nhìn của lái xe không bị hạn chế như trước khi biển, bảng, ô dù, hàng quán đua nhau chen lấn ra đường”.
Ngoài ra, những điểm lấn chiếm gây bức xúc trong nhân dân và dư luận như: Điểm trước cổng KCN Hoàng Mai, chợ Quỳnh Lập,… hiện cũng đã giải quyết cơ bản. Ông Nguyễn Bá Thế – Phó phòng Quản lý đô thị, UBND thị xã cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 56 của HĐND tỉnh, thị xã đã phát quang được khoảng 50 km, vận động 300 hộ tự tháo dỡ, tháo dỡ 1.134 biển quảng cáo, 502 lều ốt, mái che, hàng rào, bờ tường bao, bậc tam cấp… giải phóng 7 điểm họp chợ; tháo dỡ 19 phần nhà kiên cố, 39 phần ki-ốt kiên cố dọc Quốc lộ 1A… Bên cạnh đó, thị xã tổ chức cưỡng chế giải tỏa 11 hộ dân lấn chiếm hành lang kinh doanh trước cổng KCN Hoàng Mai, phối hợp với Thanh tra Sở GTVT, Công ty đường sắt Thanh Hóa đóng 5 đường ngang dân sinh đấu nối trái phép với đường sắt, thu hẹp các lối đi tự mở qua đường sắt tại phường Quỳnh Thiện.
Trong công tác giải tỏa hành lang ATGT, đặc biệt, với những nơi từng được xem là “điểm nóng” về vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT như huyện Thanh Chương, thị xã Hoàng Mai…, ngoài triển khai theo chỉ đạo chung, mỗi địa phương còn có những cách làm riêng mang lại hiệu quả cao.
Đối với huyện Thanh Chương, là huyện miền núi với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ đa dạng, quy mô, trên địa bàn có 6 tuyến Quốc lộ với tổng chiều dài 171,5 km, 1 tuyến đường tỉnh dài 10 km, 16 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 233,3 km, 196 tuyến đường xã với tổng chiều dài 482,8 km và hơn 1.740 km đường thôn, xóm, bản. Trong công tác giải tỏa gặp không ít khó khăn bởi địa bàn rộng, nhân lực mỏng, tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và hệ thống chính trị, nỗ lực quản lý và xử lý các vi phạm hành lang ATGT đường bộ có nhiều chuyển biến.
Nói về cách làm, ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay: “Chúng tôi luôn xác định công tác tuyên truyền phải đi trước một bước. Đơn cử, trong triển khai Nghị quyết 56, huyện tổ chức tiếp nhận và cấp phát băng rôn, pa-nô, tờ rơi, sách tuyên truyền cho UBND các xã, thị trấn để tuyên truyền cho người dân. Chúng tôi cũng chỉ đạo Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Truyền thông biên tập, sản xuất các phóng sự, bài viết, đĩa CD để tuyên truyền công tác giải tỏa; tổ chức 15 đợt tuyên truyền lưu động trước và trong các đợt cao điểm ra quân. Công tác tuyên truyền được triển khai kịp thời đến toàn thể cán bộ và các tầng lớp nhân dân là tiền đề quan trọng để thực hiện lồng ghép vào phong trào hiến đất mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, góp phần hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới trên toàn địa bàn”.
Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát được triển khai sát sao, kịp thời. UBND huyện đã thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác giải tỏa và 2 tổ kiểm tra việc thống kê, rà soát vi phạm, tổ chức 4 đợt kiểm tra với hơn 80 cuộc kiểm tra tại 40 xã, thị trấn. Đồng thời, trước và trong các đợt cao điểm ra quân giải tỏa, UBND huyện chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo, đoàn kiểm tra trực tiếp xuống cơ sở được phân công phụ trách để kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương thực hiện công tác giải tỏa. Đơn cử, để lập lại trật tự, cũng như không để tái lấn chiếm tại chợ Giăng trên tuyến Quốc lộ 46C, cùng với bố trí cán bộ thường xuyên bám địa bàn, huyện còn giao cho xã bố trí lực lượng túc trực cả tháng trời ở đây.
Cũng thông qua kiểm tra, nhiều tồn tại đã được phát hiện và kiến nghị các xã, thị trấn xử lý kịp thời, qua đó, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm và năng lực lãnh đạo của người đứng đầu Ban Chỉ đạo cấp xã. Nhiều xã thực hiện tốt sau các đợt kiểm tra, như Thanh Khai, Thanh Phong, Võ Liệt, Thanh Khê…
Đồng thời với việc tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, công tác xử lý vi phạm được thực hiện kiên quyết. Công an huyện Thanh Chương đã lập biên bản 720 trường hợp vi phạm dừng, đỗ, họp chợ trên đường giao thông; lấn chiếm lòng, lề đường kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng, nộp ngân sách Nhà nước 279 triệu đồng.
Còn tại TX. Hoàng Mai, với tuyến đường bộ dài 503,98 km, công tác giải tỏa hành lang ATGT được thị xã gắn với chỉnh trang đô thị. Theo ông Nguyễn Bá Thế – Phó phòng Quản lý đô thị: Trong công tác giải tỏa, thị xã chọn những “điểm nóng” và khó để làm trước, giải quyết cơ bản những điểm gây bức xúc trong nhân dân và dư luận, từ đó, triển khai sang các địa bàn khác. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Thế cũng cho rằng, giải tỏa đã khó, để duy trì được kết quả còn khó hơn. Bởi vậy, sau giải tỏa, tiến hành cắm mốc, thị xã đều có cuộc làm việc bàn giao cho các phường, xã chịu trách nhiệm quản lý, đồng thời, đây cũng là một trong những tiêu chí để xếp loại người đứng đầu các phường, xã.
Cùng với đó, thị xã Hoàng Mai còn lập trang Facebook “Hoàng Mai tôi yêu” để người dân phản ánh những vấn đề “mắt thấy, tai nghe”. Đây cũng là “kênh áp lực” cho chính các cấp, ngành, bởi một khi đã đăng tải thì buộc phải vào cuộc giải quyết. Nhờ vậy, nhiều vấn đề, trong đó có cả những phát sinh liên quan đến công tác giải tỏa hành lang ATGT, chỉnh trang đô thị đã được kịp thời xử lý.
Tại thị trấn Nam Đàn, mặc dù còn nhiều tồn tại, tuy nhiên, công tác dân vận đã được vận dụng một cách khéo léo. Ví như để mở rộng hành lang giao thông khu vực sát Bến xe Nam Đàn, giáp Quốc lộ 46, nơi đây lâu nay cho 8 hộ dân mượn đất để kinh doanh sinh vật cảnh, công tác giải tỏa được triển khai khá dày công.
Theo ông Bùi Đình Thủy – công chức Địa chính – Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường, phụ trách lĩnh vực xây dựng giao thông đô thị, UBND thị trấn Nam Đàn, đây là những hộ được cho mượn đất từ năm 2015 và làm lán trại, tu bổ mặt bằng để kinh doanh ổn định. Vì vậy, khi có chủ trương giải tỏa, một số hộ chống đối, chưa kể có những đối tượng kích động… Tuy nhiên, Ban Công tác giải tỏa thị trấn đã phân công từng người, căn cứ trên mối quan hệ trước đó để đến từng hộ vận động, thuyết phục, có những hộ phải đi lại cả chục lần. Cùng với đó, xã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để phụ giúp các hộ di dời, một phần tái sản xuất, kinh doanh nên cuối cùng các hộ đã đồng thuận.
Đến nay, tại khu vực này không chỉ thông thoáng, mà vỉa hè còn được lát gạch, lắp bóng chiếu sáng, bổ sung thêm cây xanh, tạo điểm nhấn cho bộ mặt thị trấn. Ông Nguyễn Văn Nhuần – 1 trong số 8 hộ trên cho hay: “Ban đầu, chúng tôi cũng tiếc lắm, vì đây là địa điểm kinh doanh đã quen khách, chưa kể tiền đầu tư mặt bằng, lán trại… Nhưng được giải thích, thấy chủ trương giải tỏa vì mục đích chung, nên cuối cùng cả 8 hộ đã đồng ý di dời. Hiện gia đình đã chuyển cách địa điểm cũ 1 km và khách đã biết để tìm đến mua”.
Những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kết hợp với “dân vận khéo” trong công tác giải tỏa hành lang ATGT tại các địa phương đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng và bảo vệ hành lang ATGT của nhân dân, đồng thời, bảo đảm đường thông, hè thoáng, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông…