Ngay từ đầu năm 2018, tôi đã được nghe về câu chuyện hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo chỉ với 10 triệu đồng/hộ ở Quỳ Hợp. Lần ấy, trong chuyến ngược lên địa bàn huyện này công tác, có một cán bộ làm công tác Đảng kể cho nghe câu chuyện giúp dân xóa nghèo. Anh phấn khởi cho biết, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/HU năm 2016 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về công tác giảm nghèo, trong năm 2017, chỉ với 220 triệu đồng, nhưng Quỳ Hợp đã giúp được 22 hộ xóa nghèo. Và khẳng định “đây sẽ là mô hình xóa nghèo bền vững để huyện Quỳ Hợp sẽ nhân rộng trong những năm tiếp theo…”.
Cũng trong câu chuyện này, anh vắn tắt về nguồn vốn hỗ trợ và những cách thức mà huyện Quỳ Hợp đã thực hiện. Về kinh phí, được trích từ Quỹ vì người nghèo của huyện. Quỹ này có được là do hàng năm Quỳ Hợp tổ chức vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm trên địa bàn ủng hộ. Về việc thực hiện, thì chọn lọc những hộ nghèo có nhân lực lao động và có khát vọng, ý chí thoát nghèo. Những hộ này được tạo cơ hội trình bày nguyện vọng; có thẩm tra của cộng đồng và xét duyệt của địa phương cơ sở… Sau chuỗi quy trình được xã, xóm và cộng đồng dân cư thực hiện công khai, minh bạch, huyện sẽ tiếp tục rà soát đánh giá, sau đó thực hiện hỗ trợ kinh phí mua con giống là bò sinh sản bản địa để chăm sóc, nhân đàn phát triển kinh tế. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho chính quyền địa phương cùng các tổ chức hội ở cơ sở giúp đỡ hộ nghèo đã được hỗ trợ để sau một năm thì thoát nghèo…
Với cánh báo chí, câu chuyện xóa nghèo bền vững chỉ với 10 triệu đồng/hộ thực sự là một đề tài hay, độc, lạ, đáng được để tâm, dành thời gian khai thác thông tin. Nhưng thú thực, ở thời điểm ấy tôi nghe xong thì… để đấy. Lý do bởi có những băn khoăn, ngại ngần. Vì nghĩ đây mới như một mô hình thử nghiệm trong diện hẹp. Thành công có được ngoài khoản tiền hỗ trợ, còn là do 22 hộ dân được chọn lọc kỹ càng, thực sự có ý chí vươn lên. Những hộ như vậy hẳn chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp trong tổng các hộ nghèo ở Quỳ Hợp, nếu nhân rộng mô hình thì chắc gì đạt được? Sở dĩ băn khoăn vậy còn là bởi làm nghề báo, tôi đã từng đi, từng thấy ngay tại các khu vực đồng bằng thuận lợi của xứ Nghệ mình vẫn đầy rẫy những hộ gia đình năm lần bảy lượt được hỗ trợ mà vẫn không chịu thoát nghèo. Vậy thì ở các vùng núi Quỳ Hợp, nơi các hộ đồng bào dân tộc Thái, Thổ vẫn chất chồng những khó khăn, chiếc thẻ hộ nghèo đang như là cứu cánh để được nhà nước cưu mang cho con cái học hành, khám chữa bệnh… Thế thì câu chuyện xóa nghèo bền vững chỉ với 10 triệu đồng/hộ của Quỳ Hợp, cũng rất có thể đang chỉ như bức tranh đẹp mô tả một câu chuyện trong kho tàng cổ tích…
Vậy nhưng dịp cuối năm 2019, trong lần lên Quỳ Hợp tìm hiểu vấn đề môi trường ở trang trại chăn nuôi của Tập đoàn Masan, những gì được nghe, được thấy ở xóm Đại Thành (xã Văn Lợi) đã thay đổi cách nghĩ về việc xóa nghèo bền vững với 10 triệu đồng/hộ.
Người giúp tôi thay đổi suy nghĩ là một cựu chiến binh người đồng bào dân tộc Thổ, ông Trương Văn Thiết. Trong căn nhà cấp 4 nhỏ, bao quanh là vườn quýt PQ quả đã óng vàng báo hiệu đến kỳ thu hoạch, những câu chuyện, đặc biệt là những tiếng cười sảng khoái tỏa ra từ ông, khiến tôi rất yên tâm rằng hộ gia đình này đã ổn định được kinh tế. Hộ gia đình ông Trương Văn Thiết từ năm 2018 trở về trước là hộ nghèo của xóm Đại Thành. Dịp cuối năm 2018, ông Thiết được thông tin về chương trình hỗ trợ sinh kế thoát nghèo bền vững. Theo đó, nếu hộ gia đình nào tham gia, sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng mua bò sinh sản. Cuộc sống của hộ gia đình ông Thiết (gồm 4 khẩu) trong nhiều năm qua chỉ trông vào 2 sào ruộng và một số diện tích mía nên dù chắt chiu, may lắm cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Vì vậy vợ chồng ông đã nhẩm tính nếu được hỗ trợ mua bò sinh sản, với thức ăn cho bò (là ngọn mía) đã có sẵn, thì sẽ chỉ mất công chăm bẵm; mỗi năm bò mẹ sinh một con bê, sẽ giúp gia đình có thêm một khoản thu nhập kha khá. Vậy là gia đình ông đã viết đơn, cam kết nếu được xét tham gia chương trình sẽ thoát nghèo trong thời hạn một năm.
“Công cuộc” chăn nuôi bò phát triển kinh tế của gia đình ông Thiết đã bắt đầu như vậy, và diễn ra rất suôn sẻ, thuận lợi. Cuối năm 2018, với số tiền 10 triệu đồng hỗ trợ, ông thêm vào 5 triệu đồng để quyết mua cho được một con bò bản địa đang chửa để nhanh chóng nhân đàn. Khoảng tháng 3/2019, bò mẹ sinh được một con bê đực. Đến nay, chú bê được 9 tháng tuổi, còn bò mẹ thì đã tiếp tục có chửa, khoảng dăm tháng nữa sẽ sinh thêm một con bê mới.
Đưa tôi ra thăm hai mẹ con bò đang được nuôi nhốt trong chuồng, bởi vóc dáng đã tương đương nên thật khó đánh giá đâu là bò mẹ, đâu là bê con. Hỏi về giá trị của bê, ông Thiết vui vẻ: “Nếu thích, cứ đưa cho tôi 17 triệu đồng là cho dắt về…”. Rồi ông hào hứng cho biết việc chăn nuôi còn giúp cho gia đình phát triển sản xuất nông nghiệp. Đó là gia đình ông có được nguồn phân bón hữu cơ để “cho cây ăn”, nâng được sản lượng của lúa, mía và 100 gốc quýt PQ. Ông nhẩm tính: “Vườn quýt năm ngoái được hơn 6 triệu đồng. Năm nay chưa thu hoạch nhưng quả sai hơn, mía thì được 80 tấn, rồi thêm 2 sào lúa và bê nữa. Vậy là yên tâm rồi…”. Rồi tâm tư: “Mình thấy trên truyền hình có những gia đình còn vất vả hơn mà tự nguyện ra khỏi hộ nghèo. Mình được hỗ trợ, có được như thế này rồi thì phải có ý thức thôi…”.
Ở xóm Đại Thành, tôi đã gặp Xóm trưởng trẻ tuổi Trương Xuân Quang và được anh đưa đi thăm xóm. Ngày cuối năm 2019 ở Đại Thành màu xanh tràn ngập, các cụm dân cư, đường xá phong quang sạch sẽ mang đến không khí thật ấm áp, dễ chịu. Trên đường đi, Quang trao đổi nơi này có 176 hộ dân, trong đó phần đông là đồng bào dân tộc Thổ. Năm 2018, xóm còn 61 hộ nghèo, đến cuối 2019 giảm xuống còn 56 hộ. Trong số 5 hộ thoát nghèo, cùng với hộ ông Trương Văn Thiết còn có 2 hộ được nhận hỗ trợ nuôi bò sinh sản. Cùng ghé vào hộ anh Trương Văn Hoạt, biết được gia đình này góp thêm 7 triệu cùng khoản tiền hỗ trợ 10 triệu để mua bò sinh sản và hiện cũng đạt được kết quả tương tự như hộ ông Trương Văn Thiết. Đó là đã cho gia đình được một con bê 7 tháng tuổi, trong khi bò mẹ tiếp tục mang thai.
Trò chuyện với mẹ của Trương Văn Hoạt là bà Cao Thị Thắm, người phụ nữ 61 tuổi quê ở Nghĩa Đàn này rất vui, và xúc động. Thay con mình bày tỏ lời cảm ơn tới chính quyền, các tổ chức liên quan, bà nói: “Gia đình tôi rất cảm ơn với những gì cấp trên đã quan tâm. Việc hỗ trợ đã giúp cho các cháu có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống…”.
Lần đến xóm Đại Thành đã buộc tôi phải tìm hiểu lại việc xóa nghèo bền vững chỉ với 10 triệu đồng/hộ của Quỳ Hợp. Bà Ngân Thị Hồng – Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch MTTQ huyện Quỳ Hợp đã nói rằng, đây là chương trình hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo từ Quỹ vì người nghèo của huyện. Và việc đi đến quyết định sử dụng một phần Quỹ vì người nghèo thực hiện chương trình này là tâm huyết của tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy nhằm thực hiện thành công Nghị quyết số 18-NQ/HU năm 2016 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về công tác giảm nghèo.
Bà Ngân Thị Hồng tâm tư, ở Quỳ Hợp dịp cuối năm thường xuyên tổ chức vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân có lòng hảo tâm chung tay đóng góp Quỹ vì người nghèo. Số tiền huy động được hàng năm khá lớn, lên đến hàng tỷ đồng. Nhưng do trước đây, thường tập trung cho việc thăm tặng quà Tết các hộ gia đình đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, và hộ cận nghèo. Cách làm này, dù động viên được các đối tượng này trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, tuy nhiên chưa phát huy được hiệu quả nguồn kinh phí huy động được. Và nếu vẫn tiếp tục như vậy, huyện đang phụ lòng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có lòng hảo tâm; trong khi công tác giảm nghèo chưa có hiệu quả.
Chính vì vậy, năm 2017, Ban Thường vụ Huyện ủy đã nghiên cứu chuyển hướng sử dụng một phần kinh phí của Quỹ để thử nghiệm hỗ trợ cho 22 hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn với số tiền 10 triệu đồng/hộ. Huyện cũng hướng cho họ sử dụng khoản kinh phí này vào việc mua bò sinh sản để nhân đàn, từ đó, tạo được thu nhập ổn định. Kết quả đến cuối năm toàn bộ 22 hộ nghèo được hỗ trợ đều tự giác ra khỏi hộ nghèo. Chính vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định, chỉ sử dụng Quỹ vì người nghèo cho một số nội dung cần thiết, việc thăm tặng quà dịp Tết chỉ áp dụng cho nhóm đặc biệt khó khăn, không thể xóa nghèo; còn lại tập trung cho chương trình hỗ trợ sinh kế đối với những hộ nghèo có ý chí thoát nghèo.
Để giúp tôi biết cụ thể về cách vận hành chương trình, các cán bộ MTTQ Quỳ Hợp cho tôi xem những tài liệu liên quan mà tổ chức này đã tham gia thực hiện trong 3 năm, từ 2017 đến 2019. Tài liệu gồm đủ các văn bản liên quan của Huyện ủy, HĐND, UBND, MTTQ…, các tờ trình của cấp xã, biên bản rà soát, bình xét của cấp xóm; và đơn đăng ký tham gia chương trình cùng cam kết của các hộ nghèo. Đặc biệt trong đó có những tài liệu tổng kết cho thấy cụ thể kết quả hàng năm. Thật thật đáng mừng bởi trong nhiều chương trình giảm nghèo huyện Quỳ Hợp đang thực hiện, số hộ nghèo thoát nghèo thông qua nguồn Quỹ vì người nghèo tăng theo từng năm (năm 2017, có 22 hộ; năm 2018 có 178 hộ; năm 2019 có 163 hộ). Khi tôi nói ra điều này, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch MTTQ huyện Quỳ Hợp, bà Ngân Thị Hồng phấn khởi thông tin: “Năm 2020, huyện Quỳ Hợp tiếp tục phát huy chương trình hỗ trợ sinh kế từ nguồn Quỹ vì người nghèo đối với các hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn. Sẽ có khoảng 200 hộ nghèo được tham gia…”.
Bà Võ Thị Minh Sinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh nói với tôi rằng hỗ trợ sinh kế để xóa nghèo bền vững là một trong những nội dung Quỹ vì người nghèo hướng đến. Và đây cũng là nội dung mà UBMTTQ tỉnh đang chỉ đạo MTTQ các huyện, thành, thị đẩy mạnh thực hiện. Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cũng khẳng định, Quỳ Hợp là địa phương sớm lựa chọn đúng nội dung để thực hiện, qua đó phát huy được nguồn Quỹ vì người nghèo, và việc làm này xứng đáng được lan tỏa. Lý do bởi trong những năm qua, việc sử dụng Quỹ vì người nghèo ở tỉnh vẫn đang tập trung chủ yếu vào việc chăm lo cho người nghèo trong dịp Tết cổ truyền. Cá biệt có đơn vị cấp huyện sử dụng 100% nguồn quỹ này vào việc thăm tặng quà cho người nghèo. Mà như thế, mục tiêu lớn của Quỹ là góp phần giảm nghèo thì vẫn chưa đạt được.
Từng có thời gian công tác ở Quỳ Hợp nên bà Võ Thị Minh Sinh còn cho biết, trong công tác giảm nghèo ở nơi đây còn có những mô hình hay. “Ví như tạo sinh kế cho hộ nghèo thông qua Ngân hàng bò chẳng hạn. Đây cũng là một chương trình rất hay, có hiệu ứng tích cực trong công tác giảm nghèo…” – bà Võ Thị Minh Sinh nói. Về Ngân hàng bò giúp hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống ở Quỳ Hợp thì tôi cũng đã từng tìm hiểu. Chương trình này được Quỳ Hợp thực hiện từ khoảng năm 2013 với nguồn vốn huyện tạo dựng ban đầu khoảng gần 1 tỷ động giao cho Hội Nông dân và Hội Phụ nữ thực hiện. Từ khoảng dăm chục con bò sinh sản giao cho các hộ dân nghèo nuôi, đến nay, số lượng bò đã tăng lên đến khoảng ba trăm con… Nghĩ lan man về Ngân hàng bò cùng chương trình hỗ trợ sinh kế từ nguồn Quỹ vì người nghèo mà huyện Quỳ Hợp đang thực hiện, nhận thấy sức sống của Nghị quyết số 18-NQ/HU của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Quỳ Hợp. Và nhận xét của Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, bà Võ Thị Minh Sinh là xác đáng. Đây là hướng đi đúng, xứng đáng được lan tỏa!.