P.V: Năm 2020, anh được trao giải Ba tại Cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo thanh, thiếu niên” với Dự án “Chăn nuôi sinh thái”. Đã 2 năm trôi qua, đến nay dự án của anh đã triển khai như thế nào để phát huy hiệu quả?
Anh Hoàng Kim Vị: Tôi vừa trải qua 1 năm khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 và có một số thời điểm Dự án “Chăn nuôi sinh thái” của tôi đã đến thời kỳ xuất chuồng nhưng rất khó để tiêu thụ. Điều này cũng ảnh hưởng một phần đến kế hoạch phát triển cho các lứa tiếp theo, nhưng đến thời điểm này thì việc chăn nuôi đang từng bước đi vào ổn định.
Đây là một dự án mà tôi đã ấp ủ khá lâu trên cơ sở đất đai sẵn có của gia đình và tôi phát triển nuôi gà sinh thái theo hướng bán hoang dã. Bên cạnh đó, tôi cũng tìm hiểu để chế biến các loại thức ăn dành cho gia cầm từ nhiều loại phụ phẩm nông nghiệp như hèm bia, vỏ lạc, thân cây chuối, lá dâu tằm… ủ với men vi sinh. Hỗn hợp thức ăn này không chỉ giúp gia cầm hấp thụ tốt, mà còn giúp tăng sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh hay sử dụng kháng sinh, cho chất lượng thịt tốt hơn.
Không chỉ chăn nuôi gà, hiện trang trại của tôi còn phát triển thêm đàn dê, trâu, bò. Tôi cũng kỳ vọng những sản phẩm của trang trại sẽ nhận được phản hồi tốt từ thị trường, bởi phương pháp này đem đến những sản phẩm sạch, an toàn và bổ dưỡng.
P.V: Trong những năm gần đây, câu chuyện khởi nghiệp đang rất được nhiều bạn trẻ hưởng ứng. Tuy nhiên, như chúng ta cũng biết, không phải ai cũng có thể khởi nghiệp thành công, bởi chặng đường này vốn có nhiều chông gai, thử thách. Với riêng anh, quá trình khởi nghiệp đã diễn ra như thế nào?
Anh Hoàng Kim Vị: Với tôi, nếu nói về khởi nghiệp thì quả thực là một vấn đề quá to tát và so với nhiều dự án khởi nghiệp khác mình chỉ là một hạt cát rất nhỏ. Như chị cũng thấy đấy, với người bình thường việc khởi nghiệp đã khó khăn thì với tôi, việc khởi nghiệp hẳn sẽ vất vả gấp bội phần.
Điều may mắn của tôi có lẽ là đã có một khởi đầu tốt vì gia đình tôi có đất, có trang trại và chăn nuôi vốn là công việc thường ngày của những người lớn lên ở nông thôn như chúng tôi. Có chăng, khi bắt đầu triển khai dự án khởi nghiệp, việc chăn nuôi của chúng tôi được thực hiện bài bản hơn, có chuồng trại, có áp dụng khoa học, kỹ thuật. Bản thân tôi, khi bắt đầu triển khai dự án, được khuyến khích tham dự cuộc thi khởi nghiệp, tôi không kỳ vọng nhiều và cũng không nghĩ tới việc gọi vốn hay là đạt giải. Đơn giản, tôi chỉ muốn mọi người biết đến trang trại của mình.
Đó cũng là lý do khi năm đầu tiên tham dự cuộc thi này và được trao giải Khuyến khích, tôi thực sự bất ngờ. Đến năm sau, tôi tiếp tục phát triển dự án này và một lần nữa được trao giải Ba. Điều tôi vui mừng là sau khi dự án được ghi nhận, tôi được Tỉnh đoàn và Huyện đoàn tạo điều kiện vay vốn 100 triệu đồng, đây là cơ sở để tôi đầu tư thêm vào trang trại, mua thêm dụng cụ để sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển lâu dài. Hiện tại, hoạt động của trang trại đã đi vào ổn định. Đây là nguồn thu nhập chính không chỉ cho tôi, cho cả gia đình. Hiện sản phẩm đã tiêu thụ ở nhiều thị trường ở Hưng Nguyên, Nghi Lộc và thành phố Vinh.
Hơn nữa, quá trình tham gia khởi nghiệp, được sự động viên, khích lệ của các anh, chị đã cho tôi động lực và giúp tôi vượt qua những giai đoạn khó khăn của cuộc đời.
P.V: Hiện nay, các ngành nghề sản xuất nông nghiệp ở nông thôn khá phát triển, nhưng lại đứng trước các thực trạng như khó tiêu thụ hoặc một số nơi do sản xuất quá nhiều nhưng đầu ra không có và dẫn đến phải “giải cứu”. Bản thân anh có gặp những trở ngại này trong quá trình triển khai dự án?
Anh Hoàng Kim Vị: Điều này là không tránh khỏi, bởi hiện nay dù mỗi lứa gia đình chúng tôi tiêu thụ trên 300 con gà nhưng việc tiêu thụ chủ yếu là qua các thương lái và không ít lần bị ép giá, dẫn đến thiếu ổn định trong chăn nuôi, sản xuất. Chính vì thế, thay vì phải phụ thuộc như hiện nay, tôi và một số người bạn đang tính tới việc chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm từ trang trại ra đến bàn ăn. Chẳng hạn, chúng tôi sẽ kết nối với các nhà hàng để nhận cung cấp thực phẩm thường xuyên với cam kết là sản phẩm sạch, giá cả ổn định và đa dạng các mặt hàng. Điều này, nếu sớm được triển khai thì việc chăn nuôi ở trang trại sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn.
Tôi cũng rất tin tưởng vào dự án này và tôi nghĩ nếu cố gắng có thể thành công đến 75%. Tuy nhiên, muốn vậy, chúng tôi phải đầu tư quy mô, bài bản và phải mở rộng trang trại mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu.
Thực tế, những người mới khởi nghiệp thường bắt đầu từ bàn tay trắng và nguồn lực rất ít. Con đường đi đến thành công không thể tránh khỏi những thất bại. Vì vậy, nếu có sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể thì việc khởi nghiệp sẽ thuận lợi hơn.
P.V: Cuộc sống không phải ai cũng có thể gặp được nhiều may mắn và không phải ai cũng mạnh dạn, tự tin để vượt qua chính mình. Riêng anh thì sao?
Anh Hoàng Kim Vị: Từ khi bắt đầu nhận thức, tôi đã biết mình không giống mọi người, bởi mình không có một bàn chân nguyên vẹn để có thể dễ dàng đi lại. Chính vì thế, tôi cũng như nhiều người khuyết tật khác đã từng mang nặng sự tự ti, mặc cảm. Có thể, xung quanh tôi, bố mẹ, gia đình, thầy, cô, bạn bè đều rất yêu thương tôi, hạn chế những lời nói hành động khiến cho mình tổn thương. Nhưng mọi người không biết rằng, đó cũng chính là áp lực và về lâu dài sự bao bọc, thương yêu sẽ khiến cho mình tạo nên sức “ì”, không có tư tưởng nỗ lực, phấn đấu.
Bây giờ nghĩ lại, tôi biết mình đã từng có thời điểm rơi vào hoàn cảnh như vậy và đã từng có những ý nghĩ như vậy. Nhưng sau này, chính mẹ là người đã làm tôi thay đổi. Bởi lẽ, mẹ luôn đùm bọc tôi, giúp đỡ tôi. Dẫu tôi có sai sót mẹ vẫn luôn bao dung. Là con, tôi không muốn mẹ thất vọng về mình, không muốn làm gánh nặng của mẹ…
Hiện tại, tôi nghĩ, đây là thời điểm mà tôi thay đổi nhiều nhất, bởi tôi có công việc mà tôi yêu thích, đã tự nuôi sống mình.
P.V: Anh đã tốt nghiệp THPT và đã từng đi học nghề. Trong quãng thời gian đó, đã bao giờ anh quyết định buông bỏ vì quá khó khăn?
Anh Hoàng Kim Vị: Những năm học THPT tôi không phải là một học sinh giỏi nhất lớp, nhưng tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất việc học để trở thành một người bình thường như tất cả những bạn học khác trong lớp. Đến nay, nếu nói về người khuyết tật, tôi nghĩ mình vẫn là người may mắn vì mình có cơ hội được đi học và hoàn thành chương trình phổ thông. Mình cũng đã được hòa nhập với xã hội.
Tuy nhiên, trong những năm tháng đã qua, không phải khi nào mình cũng thuận lợi. Cá nhân tôi, sau khi hoàn thành chương trình lớp 12 và ở nhà một vài năm, tôi đã từng đăng ký lớp học nghề Tin học và sau đó là học nghề Điện công nghiệp tại một trường cao đẳng nghề trên địa bàn thành phố Vinh. Quả thực, thời điểm đó, tôi đã nghĩ sẽ cố gắng học một nghề để có thể mở một cái ốt, tự nuôi sống mình, nhưng chính bạn bè đã chỉ cho tôi thấy được những điều hạn chế mà một người khuyết tật không làm được. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ những câu nói mà bạn mình vẫn nói mỗi khi đi thực tập về như “Cột điện cao lắm, mày không trèo được đâu” “Đi làm vất vả lắm, họ bắt kéo dây điện”… khiến tôi hoang mang về quyết định của mình. Trong quãng thời gian đó, dù tôi là cán bộ lớp, là cán bộ Đoàn nhưng tôi vẫn quyết định buông bỏ chương trình học, dù tôi đã học được hơn 1 năm. Bây giờ nghĩ lại tôi thực sự rất hối tiếc về quyết định của mình. Nếu như có cơ hội tôi vẫn muốn quay lại để hoàn thành khóa học này.
P.V: “Khi thượng đế đóng một cánh cửa, ngài sẽ mở ra một cánh cửa khác”. Hình như câu nói này rất đúng với anh? Anh có muốn chia sẻ gì với những người đồng cảnh ngộ.
Anh Hoàng Kim Vị: Có lẽ là vậy. Bởi nếu không từ bỏ khóa học ấy, tôi sẽ không nghĩ đến phát triển mô hình trang trại chăn nuôi sinh thái. Bên cạnh đó, những kinh nghiệm đã học được tại trường cao đẳng giúp tôi có một cơ hội để tìm kiếm một công việc khá ổn định tại một cơ sở đồ điện gần nhà. Tôi biết rằng, với mọi người, những điều mà tôi đang làm có thể rất nhỏ nhoi, nhưng với tôi, đây là cơ hội để tôi được thể hiện mình và được sống bình thường như tất cả mọi người…
Tôi cũng muốn nhắn nhủ tới những người khuyết tật rằng, chỉ khi bản thân mình vượt qua được sức ì, những thói quen chưa tốt, mặc cảm và tự ti thì mới thực sự hòa nhập được vào cuộc sống như bao người khác. Chúng ta cũng đừng tự nhốt mình vào cái hộp khuôn khổ mà mình định sẵn, mà phải từng bước xóa bỏ đi sự tự ti để hướng tới những điều tốt đẹp hơn.
Nhân ngày Người khuyết tật Việt Nam, tôi cũng xin kính chúc tất cả những người khuyết tật sẽ chiến thắng được bản thân mình, cùng nhau hòa nhập vào cuộc sống xung quanh.
P.V: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!