Những ngày cuối năm, Ando Katsuhiro quay trở lại bản Nưa (Yên Khê, Con Cuông). Những nơi Ando đi qua, dù bận rộn việc gì, bà con đồng bào dân tộc Thái ở bản cũng tạm ngơi tay. Họ cười tươi và cất tiếng: Xin chào, Ando! Ando biết rằng đây có thể là lời chào cuối cùng của mình với người dân Nghệ An, Việt Nam. Mặc dù đầy lưu luyến, nhưng chỉ ít ngày nữa, anh sẽ lên chuyến bay trở về quê hương Nhật Bản, kết thúc chuyến công tác kéo dài nhiều năm ở mảnh đất này.
Ando Katsuhiro đã gắn bó với Việt Nam từ 15 năm về trước. Là một chuyên gia của các dự án văn hoá – du lịch do tổ chức JICA (Nhật Bản) triển khai, Ando đã có cơ hội đi đến khoảng 40 tỉnh, thành ở Việt Nam, và có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành có di sản, thiên nhiên nổi tiếng. Ando đã đến và trực tiếp tham gia “vực dậy” những di sản “ngủ quên” như nhà cổ ở Hội An (Quảng Nam), Phước Tích (Huế), Cái Bè (Tiền Giang), Đường Lâm (Hà Nội)… Năm 2014, anh có mặt ở Nghệ An để triển khai Dự án Đa dạng hoá sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các làng nông ngư nghiệp Nghệ An do JICA tài trợ.
“Trước khi đến Nghệ An, bạn bè tôi có lưu ý một số điều về tập tục, tính cách của con người nơi đây, nhưng ấn tượng đầu tiên và mãi sau này nữa về người Nghệ trong tôi rất tốt đẹp. Họ thân thiện, chân thành và tốt bụng” – Ando Katsuhiro nói. Thời điểm đó, Ando đã đi khảo sát tiềm năng du lịch ở nhiều huyện như Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông… và sau cùng, anh chọn Con Cuông.
Đây là địa phương mà theo Ando, có giá trị nguồn du lịch rất cao, động lực phát triển du lịch của chính quyền địa phương mạnh mẽ và người dân có nhiều ý tưởng gây bất ngờ. Vị trí địa lý, điều kiện giao thông thuận lợi cũng là yếu tố để huyện Con Cuông “lọt” vào tầm ngắm. “Cuối cùng là một chút ấn tượng cá nhân. Tôi yêu mến Con Cuông ngay từ khi vừa đặt chân đến. Một vùng đất đẹp, những con người đẹp! Từ cái nhìn đầu tiên, tôi đã tin tưởng vào tương lai phát triển du lịch của địa phương này” – Ando chia sẻ.
Nói về du lịch ở Con Cuông, Ando bảo mình có thể nói cả ngày không hết chuyện. Năm 2014, khi Ando đến huyện vùng cao này, du lịch cộng đồng nơi đây mới chỉ “vỡ vạc” những bước đầu với mô hình do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc tài trợ. Người dân các bản làng chưa thật tin tưởng rằng du lịch sẽ tạo nên những cơ hội đổi đời, mang lại cuộc sống ấm no hơn. “Muốn thay đổi điều đó, tôi nghĩ, mình phải thực sự là người bạn, người thân với họ, thực sự hiểu cuộc sống, suy nghĩ, phong tục tập quán của họ” – Ando nói. Từ lúc đó, chàng chuyên gia Nhật Bản chọn bản Nưa, xã Yên Khê làm nơi dừng chân, và “3 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với bà con dân bản.
Những năm tháng gắn bó với mảnh đất miền sơn cước này, Ando thông thuộc từng con đường, từng ngã rẽ. Vào mùa lúa chín, chàng chuyên gia Nhật Bản cũng đội nón tơi, cầm liềm lội ruộng, oằn vai gánh lúa trên con đường núi nhấp nhô. Mùa nước lên, Ando cũng theo chân dân bản ra suối xúc nòng nọc, xuống sông đánh cá. Ando tập ăn những món đồng bào ăn, tập ngủ trên liếp nhà sàn lạnh và cứng, tập tắm suối, tắm sông. Cần mẫn hoà nhập, đi sâu vào cuộc sống của đồng bào nơi đây, đến một ngày, Ando nhận ra dường như mình đã được bà con dân bản đón nhận. “Một hôm từ TP. Vinh lên lại bản Nưa, đang đi bộ trên đường, tôi nghe thấy có tiếng gọi: “Ando ơi!” Rồi thì: “Xin chào, Ando! Ando lại lên à?” Tôi ngỡ ngàng và xúc động thật sự!”.
Từ ngày ấy, bà con dân bản bắt đầu nghe Ando nói. Ando phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức đưa 40 người dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng ở Mai Châu (Hoà Bình). Sau đó, anh tiếp tục mời các đầu bếp Nhật Bản và một số chuyên gia du lịch có tiếng đến bản Nưa để hướng dẫn cho bà con kỹ năng giao tiếp, đón khách, kỹ năng trình bày món ăn bắt mắt và vệ sinh… Theo Ando, tâm lý bất cứ du khách nào khi đến với du lịch cộng đồng thì đều muốn được trải nghiệm những sản vật, những nét văn hoá đặc sắc của vùng miền. Thế nên, thay vì ngủ khách sạn, họ đến để ngủ nhà sàn; thay vì ăn tiệc buffet 5 sao, họ muốn được ăn cơm lam, cá mát, canh ột, moọc…; bỏ qua những mâm nhôm, bát sứ, đũa inox, du khách thích các món ăn được trải trên lá chuối, đựng trong bát gỗ, dùng đũa tre…
Thay đổi những thói quen cố hữu trong sinh hoạt của cả cộng đồng không phải dễ. Biết vậy nên Ando luôn tự nhắc mình phải thật kiên nhẫn; đồng thời song song với quá trình vận động người dân chuyển đổi cách nghĩ, cách làm, chàng chuyên gia Nhật Bản thường xuyên kết nối để các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh đến với bản Nưa, từng bước xây dựng tour, tuyến thu hút du khách. Lượng khách về với du lịch cộng đồng nơi đây ngày càng tăng, mang lại niềm vui, động lực cho bà con dân bản. Họ dần tin tưởng vào tương lai của du lịch trên quê hương mình, và từ 3 hộ dân được JICA chọn hỗ trợ làm homestay, thì lần lượt nhiều hộ khác cũng bỏ vốn để làm theo.
Thậm chí, ở bản Pha, bà con còn rất hợp tác khi mở những vườn cam du lịch giúp khách trải nghiệm trong mùa thu hoạch. Ngoài ra, từ sự hướng dẫn của các chuyên gia, họ còn tích cực bắt tay vào chế biến các sản phẩm từ cam như tinh dầu, rượu, xà phòng, mứt… Tính đến năm 2018, có 23 hộ gia đình ở bản Nưa, bản Pha đã tham gia vào các hoạt động du lịch. Nhiều hộ trước đây sống dựa vào nông nghiệp thì nay thu nhập chính đến từ kinh doanh du lịch.
Ando nhấn mạnh rằng, nếu không có quyết tâm và sự đồng hành mạnh mẽ của chính quyền địa phương thì không một chuyên gia nào có thể làm được như vậy. “Chính quyền Con Cuông có khát khao mạnh mẽ và đầu tư tận tâm cho phát triển du lịch. Chính nhờ vậy, chỉ trong vòng vài năm lại đây, du khách gần xa luôn nghĩ về Con Cuông khi đến Nghệ An, và khi nói đến Con Cuông thì nghĩ ngay về du lịch cộng đồng. Điều này cho thấy hướng đi đúng của địa phương này khi đã từng bước định vị được thương hiệu trên bản đồ du lịch của tỉnh” – Ando nói.
4 năm ở Nghệ An và dành phần lớn thời gian ở Con Cuông, sự thân thuộc ngấm dần vào tâm trí chàng chuyên gia Nhật Bản một cách thật tự nhiên. Ando chia sẻ, mỗi sáng thức dậy, mở mắt ra nhìn thấy đại ngàn hùng vĩ, ngắm ánh bình minh rạng lên trên đỉnh núi mờ sương, anh hạnh phúc như đang ở trên chính quê hương mình. Khi về lại Nhật Bản, lái xe trên những xa lộ tít tắp, tản bộ trên những tuyến đường nhộn nhịp và ngước mắt lên là vút tầm cao ốc, Ando nghĩ rằng, cũng sẽ có những lúc anh thảng thốt nhớ về cuộc sống bản làng nơi ấy – khi anh đang bước chậm rãi trên con đường uốn quanh cánh đồng lúa chín vàng, nghe vẳng đâu đây tiếng chào tươi vui: “Ando ơi! Xin chào Ando!”…