Các hãng xe buýt, xe khách tuyến cố định sống chật vật suốt mấy năm nay, làm ăn thua lỗ phải cắt giảm chuyến, đình công trước sự “o ép” của xe dù. Không chỉ vậy, xe dù còn tạo ra nhiều hệ lụy nguy hiểm cho xã hội và người dân. Trong khi đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đang tỏ ra “bó tay”?
au nhiều ngày điều tra, phóng viên ghi nhận được hơn 300 chiếc xe dù loại từ 7 đến 9 chỗ đang hoạt động ở Nghệ An. Xe dù loại này chỉ mới xuất hiện ở Nghệ An chừng 3 năm trở lại đây. Các tuyến xe nhộn nhịp nhất phải kể đến như Hoàng Mai – Vinh, Đô Lương – Vinh, Quỳ Hợp – Vinh…. Một số nơi, thấy nghề xe dù “ăn nên làm ra”, nhiều người đua nhau sắm xe cũ về hành nghề. Nhiều xã có lượng xe dù đông đúc như Quỳnh Xuân (Hoàng Mai), Thuận Sơn (Đô Lương)…
Theo thống kê của UBND huyện Đô Lương, ở địa phương này hầu như xã nào cũng có ít nhất một chiếc xe dù. Trong đó đông đảo nhất phải kể đến Thuận Sơn. Trong danh sách của huyện Đô Lương và lãnh đạo xã Thuận Sơn cung cấp, tại xã này hiện có đến 10 chiếc xe 7 chỗ chuyên kinh doanh vận tải tuyến Vinh – Đô Lương và ngược lại. Ông Bùi Văn Hào (50 tuổi, xóm 4, Thuận Sơn), là một trong số đó.
Trưa 27/9, chúng tôi có mặt tại nhà ông Hào để tìm hiểu về công việc của người này. Lúc này, ông Hào cũng vừa trả khách sau chuyến hành trình từ TP Vinh. “Xe tôi chạy bằng bánh, chứ không chạy bằng dù. Xuống dưới thành phố Vinh, cơ quan chức năng nhiều lần dừng xe, nói xe tôi là xe dù tôi cũng bảo thế. Tôi chẳng làm gì sai cả”, ông Hào tự tin nói.
Ông Hào trước đây lái xe tải. Khoảng 2 năm trước, ông sắm chiếc xe 7 chỗ cũ kỹ với giá chỉ hơn 100 triệu đồng. Người đàn ông này nói rằng, ông không hề bắt khách dọc đường mà chỉ thấy ai đứng bên đường vẫy xin xe, ông mới dừng lại đón. Mặc dù sau đó vẫn thu tiền. Ngoài ra ông còn chở những khách quen liên hệ trước với ông. Ông Hào cho rằng, “làm như vậy là không hề sai, không ai xử phạt được ông”. Hoạt động xe dù đã 2 năm nay, nhưng vẻ tự tin của tài xế này nói lên được vấn đề, họ chưa bao giờ bị lực lượng chức năng xử lý với những hành vi của mình.
Cũng trong thời gian này, chúng tôi có mặt trước khu vực Bệnh viện hữu nghị Đa khoa Nghệ An, hàng loạt xe dù đã chờ sẵn ở đây để đón khách. Khi phát hiện phóng viên đang ghi hình, một tài xế lập tức xuống xe. Người này có vẻ như tưởng phóng viên là cơ quan chức năng đang ghi hình để làm chứng cứ xử phạt nên năn nỉ bỏ qua. Khi không thấy phản ứng, tài xế lập tức “trở mặt” và khẳng định ông ta chỉ đón người thân?….
Mặc dù đã rõ ràng là một hình thức kinh doanh vận tải, nhưng đội ngũ này suốt nhiều năm nay, dường như đang hoạt động ngoài vòng kiểm soát của pháp luật. Không những thế, nhiều tài xế có vẻ như đang thách thức pháp luật vì cho rằng cơ quan chức năng không thể xử lý được họ.
Một ngày cuối tháng 8, tại đường ngang dân sinh đoạn qua xã Hưng Mỹ (huyện Hưng Nguyên), xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe ôtô 7 chỗ và tàu hỏa khiến 2 người tử vong, 2 người khác bị thương nặng. Tai nạn xảy ra khi anh Bùi Đức Hùng (34 tuổi), cùng 2 người thân khác từ Nghĩa Đàn về quê Hưng Nguyên dịp Rằm tháng 7. Theo ông Nguyễn Công Lý – Phó chánh thanh tra giao thông (Sở Giao thông và Vận tải Nghệ An), tài xế xe 7 chỗ này, anh Nguyễn Duy Trung (36 tuổi, trú huyện Nghĩa Đàn), cũng là một trong những tài xế xe dù.
Hôm xảy ra tai nạn, anh Trung nhận lời chở 3 hành khách này từ Nghĩa Đàn về Hưng Nguyên. Khi qua đường ngang dân sinh do không quan sát, đồng thời thiếu kinh nghiệm xử lý nên dẫn tới tai nạn. Vụ việc đã xảy ra hơn một tháng, chưa rõ các nạn nhân được bồi thường như thế nào sau tai nạn đau lòng, tuy nhiên chắc chắn một điều, họ là những người hứng chịu rủi ro. Bởi không như những hãng xe “chính thống” được kiểm soát bởi cơ quan chức năng, hành khách trên xe dù không hề được đóng bảo hiểm phòng khi sự cố.
Xe dù “lên ngôi” không chỉ gây nên tình trạng hỗn loạn trên các tuyến đường mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cao. Thông thường, các xe vận tải hành khách sẽ có hệ thống định vị, hệ thống đo tốc độ gửi về chủ nhà xe cũng như cơ quan chức năng, tuy nhiên các xe dù gần như không có các thiết bị này. Cũng theo ông Nguyễn Công Lý, do không thuộc một công ty, tổ chức nào nên không ai kiểm soát được tốc độ, thời gian làm việc của tài xế.
“Ở một số hãng xe khách, tài xế bị quản lý thời gian rất nghiêm ngặt. Dù là ngày nghỉ cũng phải nghỉ ở công ty. Vì sợ tài xế về nhà không chịu nghỉ ngơi mà ăn nhậu hoặc làm việc khác. Đến ngày làm việc không đủ tỉnh táo, sức khỏe sẽ khiến dễ bị tai nạn hơn”, ông Lý nói. Trong khi đó, theo lời kể của các tài xế xe dù, họ chẳng có một thời gian làm việc cố định nào. Chỉ cần hành khách có nhu cầu, họ sẵn sàng lái xe bất cứ lúc nào. Và chẳng ai dám hình dung được những điều tồi tệ nào sẽ xảy ra khi tài xế trong lúc thiếu ngủ, mất tập trung chỉ trong tích tắc…
Việc tài xế “quá tải” thời gian làm việc cũng là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến các vụ tai nạn đau lòng. Hồi cuối tháng 7, vụ tai nạn ở Quảng Nam khiến 13 người trong đoàn rước dâu bị thiệt mạng là ví dụ tiêu biểu. Hai năm trước vụ tai nạn, tài xế Lê Ngọc Cường mua chiếc xe 16 chỗ cũ kỹ với giá 200 triệu đồng để chở khách mỗi khi có nhu cầu. Trước khi xảy ra tai nạn, do có nhiều khách gọi, Cường thậm chí chẳng cần nghỉ ngơi. Tranh thủ lái xe xuyên đêm để kiếm thêm ít đồng. Anh ta đã làm việc liên tục trong suốt 12 tiếng. Khi không còn trụ nổi, trong tích tắc đã ngủ gật rồi tông mạnh vào xe đối diện….
Nói về những hệ lụy cho xã hội, ông Nguyễn Công Lý – Phó Chánh Thanh tra giao thông Sở GTVT Nghệ An cho rằng, cái dễ nhìn thấy nhất chính là hoạt động của các xe dù đã ảnh hưởng đến hoạt động chính đáng của các hãng xe buýt, xe khách tuyến cố định, tạo ra sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải khách. Bên cạnh đó, việc các xe này luồn lách khắp các ngõ ngách đã gây mất mỹ quan đô thị, gia tăng nguy cơ ách tắc giao thông. Về những nguy cơ khi những lái xe này không được “khám sức khỏe định kỳ”, thời gian chạy không khoa học có thể gây ra các nguy cơ về tai nạn giao thông, mà người chịu thiệt thòi nhất là những hành khách đi trên các chuyến xe này.
gày 9/11/2017, hơn 10 nhà xe chuyên chạy tuyến cố định Quế Phong – Vinh đồng loạt đình công, không nhận lệnh chạy khách từ Bến xe Quế Phong để phản ứng về tình trạng xe dù lộng hành. Những nhà xe này cho rằng, việc xe dù công khai đón trả khách đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của họ. Trong khi đó, xe dù lại không hề thực hiện một nghĩa vụ tài chính nào, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, không công bằng; gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông… Chủ xe khách đề nghị cơ quan chức năng cần phải tăng cường tuần tra, kiểm soát để xử lý những hình thức vận tải này. Tuy nhiên, từ đó đến nay, thực trạng xe dù trên tuyến đường này dường như cũng chẳng có thay đổi tích cực nào.
Đó là một trong những động thái cho thấy sự bất lực của các hãng xe được xem là “chính thống” trước sự bùng phát của xe dù trong thời gian qua. Trong khi xe buýt và xe khách tuyến cố định phải đóng thuế, phí, đồng thời chịu sự kiểm soát của cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn giao thông thì xe dù lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Theo tìm hiểu của phóng viên, số lượng xe dù hiện đã vượt xa xe buýt. Trên địa bàn TP. Vinh hiện chỉ có 8 hãng xe buýt với khoảng 280 đầu xe, trong khi đó đang có hơn 300 xe dù từ 4 đến 9 chỗ đón trả khách tại Vinh.
Không chỉ ở huyện Quế Phong, xe dù gần như phủ sóng ở hầu hết các huyện, thị trên địa bàn. Theo tìm hiểu của phóng viên, giá của xe dù thường cao hơn vé xe buýt từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng. Nếu ngồi xe buýt từ Vinh đi Hoàng Mai tốn 40.000 đồng thì xe dù 7 chỗ mất 60.000 đồng. Tương tự, giá xe dù đi Quỳ Hợp là 80.000 đồng, trong khi giá vé xe buýt là 50.000 đồng…
Theo ông Hoàng Đức Chính – quản lý hãng xe buýt Đông Bắc tại Nghệ An, xe dù chỉ mới xuất hiện trên địa bàn Nghệ An cách đây 3 năm. Trong đó, khoảng 1 năm trở lại đây thì bùng phát rầm rộ, khiến xe buýt phải điêu đứng. Một số tuyến như Vinh – Đô Lương của hãng xe này liên tục thua lỗ trong 1 năm nay khiến nhà xe phải điều chỉnh số lượng. “Họ cứ chạy trước xe buýt đến các trạm bắt khách. Nhiều lúc thậm chí họ ngáng luôn ở trạm xe buýt, không cho xe chúng tôi vào đón khách. Dừng ở ngoài thì chúng tôi sợ cảnh sát giao thông phạt, vì thế tài xế đành phải bỏ qua trạm luôn”, ông Chính nói và cho hay, đã có không ít vụ va chạm giữa tài xế xe buýt và xe dù xuất phát từ sự cạnh tranh không công bằng này. Ở thành phố, mật độ giao thông chật chội, trong khi xe buýt cồng kềnh phải chậm rãi di chuyển để đón khách thì các xe dù lại luồn lách rất nhanh để giành giật khách ngay “trước miệng” của xe buýt.
Trước sự o ép của xe dù, cách đây không lâu, một hãng xe buýt đã có công văn gửi cơ quan chức năng đề nghị vào cuộc kiểm tra, xử phạt các xe dù. Bên cạnh đó, các hãng này đã phối hợp với cơ quan chức năng vào cuộc để kiểm tra, xử phạt các chủ xe dù. Thế nhưng, hoạt động này chỉ kéo dài được một thời gian rồi thôi. Theo đại diện một hãng xe buýt, chính sự vào cuộc thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng nên hoạt động xe dù vẫn ngày càng lộng hành và phức tạp.
ất lực”, “bó tay” – có thể là những từ dễ nói lên nhất khi đánh giá về hoạt động kiểm tra, xử lý xe dù của các cơ quan chức năng. Giải thích cho thực trạng này, Thanh tra giao thông (Sở GTVT Nghệ An) cho rằng, việc phát hiện, kiểm tra và xử lý các xe này không dễ. “Lực lượng Thanh tra giao thông thì mỏng, trong khi xe dù hoạt động len lỏi trên nhiều tuyến đường, không có giờ giấc cụ thể. Nhiều xe chúng tôi biết đó là xe dù, bắt khách trái quy định nhưng để có chứng cứ xử phạt thì không đơn giản. Hơn nữa, việc xác định hành vi vi phạm của các xe này rất khó. Ví dụ như khi lực lượng Thanh tra giao thông làm theo chuyên đề hoặc theo phản ánh của người dân, trong quá trình thanh tra, kiểm tra thì nhà xe và hành khách không hợp tác. Trong Nghị định 86 đang còn bất cập khi chưa đề cập đến loại hình này”, ông Nguyễn Công Lý – Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT khẳng định.
Không khả quan hơn là bao, Trung tá Nguyễn Duy Hà – Đội trưởng Đội CSGT Công an TP. Vinh cũng cho rằng, lực lượng CSGT Công an TP. Vinh đã tăng cường xử lý các hành vi vi phạm, tuy nhiên cũng gặp nhiều khó khăn như các phương tiện ô tô khách đã lợi dụng xe hợp đồng, xe trung chuyển để trà trộn vào đón, trả khách sai quy định. Thời gian ngoài giờ, lực lượng CSGT không thể khép kín hết địa bàn. Theo Trung tá Hà, hiện chế tài xử phạt theo Nghị định 46 đối với một số hành vi còn thấp, chưa tạo được tính răn đe. Vì vậy, cần nghiên cứu tăng mức xử phạt đối với những xe này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hợi – Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Sơn cho hay, sau khi nhận các văn bản của cấp trên, xã cũng đã cử cán bộ đến tận nhà tài xế xe dù để vận động, tuyên truyền. Tuy nhiên, động thái này không mang lại hiệu quả. “Chúng tôi đến thì họ bảo dạo này không chạy nữa. Không đón khách nữa. Chúng tôi cũng chịu”, ông Hợi lắc đầu nói.
Vào cuối năm 2017, sau vụ việc các xe khách tuyến cố định Quế Phong – Vinh đình công, ông Nguyễn Đình Lâm – Trưởng phòng Kế hoạch – Vận tải, Công ty CP Bến xe Vinh đánh giá việc xử lý tình trạng xe “dù”, xe hợp đồng trá hình, xe bỏ bến trong thời gian qua là “chưa quyết liệt”. Ông Lâm cho rằng, cần phải tăng cường lực lượng để kiểm tra và xử lý nghiêm những doanh nghiệp vận tải và cá nhân có xe vi phạm, cương quyết thu hồi phù hiệu những xe vi phạm và tuyệt đối không cấp mới phù hiệu hợp đồng cho những doanh nghiệp có xe vi phạm nói trên. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm đối với những đơn vị vận tải có nhiều xe vi phạm, kéo dài, hệ thống. Nếu không có biện pháp mạnh thì trong tương lai không xa, xe dù sẽ “giết chết” các hãng xe buýt và xe tuyến cố định.
Đánh giá tình trạng xe dù ngày càng diễn biến phức tạp, tháng 11/2017, Sở Giao thông Vận tải Nghệ An đã có công văn đề nghị chỉ đạo xử lý xe ô tô dưới 9 chỗ tham gia vận tải khách trái quy định. Theo đó, Sở GTVT đề nghị UBND các huyện, thành, thị thống kê, rà soát và lập danh sách cá nhân, gia đình trên địa bàn có dấu hiệu sử dụng xe ô tô dưới 9 chỗ tham gia hoạt động kinh doanh vận tải khách trái quy định (xe dù). Sau khi có danh sách, gửi thông báo đến chủ xe yêu cầu chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô. Tuy nhiên, biện pháp này hầu như không có hiệu quả bởi chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đều cho rằng, chỉ có thể vận động, tuyên truyền mà chưa có biện pháp mạnh nào ngăn cản được các lái xe hoạt động xe dù.
Rõ ràng, hàng trăm chiếc xe dù đang “làm mưa làm gió” ở Nghệ An đã và đang vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và kinh doanh vận tải bằng ô tô, tại Khoản 1, Điều 20 quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Tại Điều 3 về nội dung Giấy phép kinh doanh bao gồm: Tên và địa chỉ đơn vị kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bao gồm: Số, ngày, tháng, năm, cơ quan cấp; Người đại diện hợp pháp; Các hình thức kinh doanh; Thời hạn có hiệu lực của Giấy phép kinh doanh; Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh.
Điểm a, Khoản 5, Điều 28 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt nêu rõ: Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải khi kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định.
Tại Điều 6, Nghị định 86 về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi quy định: Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có hành trình và lịch trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền căn cứ vào ki-lô-mét xe lăn bánh, thời gian chờ đợi. Xe có hộp đèn với chữ “TAXI” gắn cố định trên nóc xe.
Còn tại Điều 7 về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng quy định: Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là kinh doanh vận tải không theo tuyến cố định và được thực hiện theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải. Khi thực hiện vận tải hành khách theo hợp đồng, lái xe phải mang theo bản chính hoặc bản sao hợp đồng vận tải và danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị vận tải (trừ xe phục vụ đám tang, đám cưới).
Tất cả những quy định trên, các xe dù này đều không đáp ứng. Cơ quan chức năng biết, hành khách biết, các nhà xe chính hãng cũng biết điều này nhưng xe dù vẫn mặc nhiên tung hoành. Chính thực tế đó, không riêng gì các hãng xe buýt, xe khách tuyến cố định mà cả người dân cũng đang băn khoăn về tính trách nhiệm, năng lực quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc quản lý hoạt động của hàng trăm chiếc xe dù này.