Mỗi lần về Nam Đàn, chúng tôi đều cảm nhận được sự mới mẻ nơi đây. Đường giao thông rải nhựa, đổ bê tông rộng, đẹp. Những nếp nhà, khu vườn từng hộ dân được chỉnh trang đẹp mắt. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn cho biết: “Sau khi đạt huyện nông thôn mới (NTM), Nam Đàn tiếp tục chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Quá trình đó, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã và từng khu dân cư luôn xác định, “người dân là chủ thể”. Mọi chủ trương, nội dung, phong trào trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của người dân và người dân được hưởng thụ trực tiếp. Từ công tác vệ sinh môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, phát triển kinh tế, chăm lo sự nghiệp giáo dục – y tế, an ninh nông thôn, kể cả xây dựng tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh cũng nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân. Các phong trào, phần việc được triển khai đảm bảo tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.
Ở Nam Đàn, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về “lòng dân” trong xây dựng NTM. Ngoài đóng góp ý tưởng, cách làm, đề xuất nguyện vọng, trực tiếp tham gia các công trình, phần việc như làm giao thông, thủy lợi, đường điện chiếu sáng, trồng hoa, cây xanh, làm vệ sinh môi trường, tham gia hoà giải, tự quản…; người dân còn tích cực đóng góp tiền bạc, hiến đất đai, tài sản. Như ở xã Nam Giang, dù giá đất thị trường rất cao, nhưng năm 2021 vừa qua, khi xã có chủ trương mở rộng tuyến đường xã, nhiều gia đình đã không ngần ngại hiến đất. Điển hình như hộ ông Bùi Đình Trí ở xóm 6 hiến khoảng 50m2 đất, đồng thời tự nguyện phá dỡ cổng, mái tôn và hơn 20m tường rào trị giá hơn 50 triệu đồng. Ông Trí tâm sự: “Thế hệ ông cha “xe chưa qua, nhà không tiếc”, thế hệ bây giờ, điều kiện tốt hơn, đóng góp xây dựng cho xóm, xã mình đẹp lên thì cũng không có gì mà tiếc cả”.
Ở xã Khánh Sơn, ông Đặng Văn Cảnh là cán bộ hưu trí, cuộc sống chỉ dựa vào đồng lương, để ủng hộ chủ trương xây dựng NTM, ngoài tiết kiệm tiền lương hưu, ông còn vận động con cháu ủng hộ 2 tỷ đồng xây dựng trường học. Riêng gia đình ông Cảnh, trong 5 năm qua đã đóng góp 193 triệu đồng làm nhà văn hóa, đường bê tông xóm, làm đường điện chiếu sáng, xây dựng nghĩa trang, tu sửa đền…
Không chỉ ủng hộ phong trào chung của xã, xóm, nhiều gia đình, cá nhân còn hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, hỗ trợ người nghèo đóng góp tiền xây dựng NTM. Như ông Đinh Hữu Phú, ở xã Nam Lĩnh, ngoài ủng hộ xóm hàng chục triệu đồng nâng cấp nhà văn hóa và mua sắm các thiết chế bên trong, làm đường cờ, ông còn hỗ trợ 5 tổ tự quản làm đường điện sáng và hỗ trợ hộ nghèo đơn thân đóng tiền làm đường điện chiếu sáng… Hay bà Nguyễn Thị Lan Cảnh ở xã Xuân Lâm, cùng với việc vận động con cháu đóng góp hàng chục triệu đồng xây dựng NTM, cá nhân bà còn trích tiền lương hỗ trợ hàng tháng cho 1 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã…
Quyết định số 17/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 04/01/2019 đã xác định rõ, xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch. Bởi vậy, thời gian qua, cùng với quyết liệt chỉ đạo, đưa 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (gồm Nam Anh, Nam Giang, Nam Cát, Nam Nghĩa) và xã Kim Liên đạt NTM kiểu mẫu, huyện Nam Đàn đã sáng tạo triển khai nhiều phong trào có sức lan tỏa, góp phần tạo sự phát triển đồng bộ, toàn diện các nội dung, tiêu chí và phạm vi rộng lớn toàn huyện. Như phong trào xây dựng xóm, khối “Sáng – xanh – sạch – đẹp”; các mô hình xây dựng văn hóa cơ sở gắn với NTM kiểu mẫu; đẩy mạnh phong trào xây dựng vườn mẫu, vườn chuẩn NTM, phong trào “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP”; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hàng hóa…
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam cho biết: Thông qua các phong trào đó, tinh thần, ý chí và sức dân được phát huy cao độ. Người dân có ý thức cao hơn trong xây dựng cũng như bảo vệ, giữ gìn các thành quả, sản phẩm do chính mình tạo nên. Đó là yếu tố tạo nên sự bền vững của chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu ở Nam Đàn.
Trong 3 năm 2019 – 2021, huyện chuyển đổi 158 ha diện tích đất bãi cao, đất trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trồng sen. Toàn huyện xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó có 216 ha lúa tại 4 xã Nam Thanh, Nam Lộc, Nam Kim, Nam Nghĩa. Nam Đàn xây dựng 47 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3, 4 sao. Trong đó nhiều sản phẩm có thế mạnh, đặc trưng phục vụ du lịch như các sản phẩm chế biến từ sen quê Bác, từ chanh của dãy núi Thiên Nhẫn, từ sắn dây dãy núi Đại Huệ, tương Nam Đàn… Toàn huyện có 11 mô hình sản xuất nông nghiệp bằng nhà lưới.
Hoạt động đối ngoại, thu hút đầu tư có nhiều đổi mới. Huyện tích cực bám các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh để vừa tranh thủ sự chỉ đạo, vừa đề xuất ban hành cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho Nam Đàn, trong đó có Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND, ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh. Lãnh đạo huyện đẩy mạnh các hoạt động tiếp xúc, mời chào các nhà đầu tư về tìm cơ hội đầu tư song song với tạo điều kiện cho doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn mở rộng, phát triển sản xuất. Hiện đã có một số dự án quan trọng được thu hút và khởi động đầu tư, như Bến – bãi đỗ xe và trung tâm dịch vụ du lịch văn hóa cội nguồn tại xã Kim Liên; dự án nông nghiệp công nghệ cao tại xã Thượng Tân Lộc; dự án trung tâm thương mại và nhà ở thị trấn; đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 46, tuyến đường tránh thị trấn Nam Đàn; một số dự án đô thị…
Một số công trình hạ tầng kết nối du lịch được đầu tư, như cảnh quan tuyến đường vào quê nội, quê ngoại Bác Hồ; đường Cầu Đòn – Chùa Viên Quang; đường ngã tư Thị trấn – khu lăng mộ Vua Mai; công trình HTX với Bác Hồ tại Kim Liên… Huyện khuyến khích người dân đầu tư phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng homestay với 3 mô hình đưa vào hoạt động hiệu quả.
Việc xây dựng NTM kiểu mẫu về văn hóa gắn với du lịch được huyện chỉ đạo đồng bộ nhiều nội dung, như cải tạo, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao từ huyện đến cơ sở; bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử – văn hóa; phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng nếp sống văn hóa; xây dựng văn hóa con người Nam Đàn; xây dựng một số mô hình xã NTM kiểu mẫu về văn hóa gắn với du lịch tại các xã Kim Liên, Nam Giang, Nam Nghĩa, Nam Anh, Nam Cát…
Mục tiêu năm 2022, Nam Đàn phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 3-4 xã NTM kiểu mẫu. Đến năm 2024 có 100% xã NTM nâng cao, thị trấn Nam Đàn trở thành đô thị văn minh; năm 2025 hoàn thiện mục tiêu huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch.
Để cán đích này, huyện tiếp tục đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo; xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể từng giai đoạn; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là tạo sự đồng sức, đồng lòng, tích cực chung tay xây dựng NTM kiễu mẫu trong Nhân dân, nhất là chỉnh trang, làm sạch, làm đẹp, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, xây dựng Nam Đàn thành miền quê đáng sống. Tập trung chỉ đạo quyết liệt để xây dựng, hoàn thiện các mô hình du lịch trải nghiệm nông thôn; liên kết với các công ty du lịch lữ hành để hình thành tuor, tuyến nhằm khai thác hiệu quả và phát triển các mô hình đã xây dựng.