Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự tạo điều kiện, phối hợp trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, sự chỉ đạo chuyên môn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, hoạt động của Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngày càng được nâng cao; hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn được quan tâm hơn và có nhiều đổi mới rõ nét, các hoạt động đảm bảo chất lượng; cơ sở vật chất, kỹ thuật của trường được đầu tư, từng bước nâng cấp để đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt, nguồn nhân lực của nhà trường được chăm lo hơn, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được tăng cường về số lượng, chất lượng; phương thức lãnh đạo, quản lý các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn được chú trọng, có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng. Với định hướng đúng đắn và cách thức chỉ đạo, quản lý, tổ chức triển khai phù hợp, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng và công chức, viên chức nhà trường nói chung đã có những tiến bộ đáng kể, góp phần nâng cao vị thế, uy tín nhà trường trong hệ thống chính trị tỉnh nhà; đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nhà trường, cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn đặt ra, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chăm lo việc xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ đảm bảo về số lượng và chất lượng; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó chú trọng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng; tạo dựng sự đoàn kết, đồng thuận, tạo động lực tích cực trong công tác lãnh đạo, quản lý, dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch. Thường xuyên đánh giá cán bộ, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ; bổ sung, kiện toàn nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và chuẩn bị đội ngũ kế cận cho những năm tiếp theo. Công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch, yêu cầu nhiệm vụ theo vị trí công tác, có dự báo về tình hình nhân sự trong từng giai đoạn, từng thời kỳ, phù hợp với yêu cầu phát triển của nhà trường. Đến nay, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Trường về cơ bản đã có trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức nghề nghiệp, có kinh nghiệm và kỹ năng trong công tác quản lý, giảng dạy và nghiên cứu.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ chiếm tỷ lệ đáng kể; ngày càng được trẻ hóa (ít tuổi nhất là 37 tuổi); Ban Giám hiệu có 4 đồng chí (1 nữ Hiệu trưởng, 3 nam Phó Hiệu trưởng); Lãnh đạo các khoa, phòng có 17 đồng chí (5 Trưởng phòng; 12 Phó Trưởng phòng) 10 nam, 7 nữ. Đối với trình độ của đội ngũ lãnh đạo, quản lý Trường Chính trị Nghệ An; về lý luận chính trị cơ bản có trình độ cao cấp và cử nhân; về chuyên môn, có 2 tiến sĩ, 4 đồng chí đang nghiên cứu sinh tiến sĩ, 15 thạc sĩ; về trình độ quản lý nhà nước có 01 chuyên viên cao cấp, 20 chuyên viên chính, giảng viên chính.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà trường có phẩm chất đạo đức tốt, thấm nhuần và luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế, quy định của nhà trường; đoàn kết, trách nhiệm cao, có ý thức tự chủ, năng động, sáng tạo trong công việc; có kiến thức và trình độ ngày càng được nâng cao, năng lực lãnh đạo, quản lý từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Trường còn một số khó khăn, hạn chế. Vì vậy, trước yêu cầu phải xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, ngày 13/11/2018, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Quy định số 09-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với nhiều chức năng, nhiệm vụ mới, mở rộng hơn cho nên việc tiếp tục xây dựng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trường chính trị hiện nay là yêu cầu cấp thiết, có tính chiến lược để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao cho.
Để tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống trường chính trị vững mạnh toàn diện, cần thực hiện tốt các nội dung nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương về vị trí, vai trò của trường chính trị và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của trường chính trị cấp tỉnh. Thống nhất ở cấp tỉnh chỉ có 1 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức về lý luận chính trị, quản lý nhà nước là trường chính trị. Từ đó, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung đầu tư nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quan điểm toàn diện, thống nhất, đồng bộ; tập trung các loại hình bồi dưỡng cán bộ theo các chức danh lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị về trường chính trị cấp tỉnh.
Thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý gắn với đặc thù của trường chính trị cấp tỉnh. Làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ công chức, viên chức của Trường Chính trị tỉnh đảm bảo hợp lý về số lượng, cơ cấu; tuyển dụng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; lựa chọn những cán bộ trẻ, có năng lực để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn kế cận, bổ sung cho đội ngũ cán bộ quản lý trường. Từng bước hình thành đội ngũ cán bộ lý luận chính trị đầu đàn, chuyên gia và đội ngũ kế cận, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Thứ ba, tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh; xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ. Coi tiêu chuẩn hóa các vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh là một trong những giải pháp có tính đột phá để không chỉ xây dựng mà còn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh hiện nay cũng như những năm sắp tới. Xây dựng, hoàn thiện danh mục vị trí việc làm của cán bộ, giảng viên nói chung và cán bộ lãnh đạo quản lý trường chính trị cấp tỉnh theo từng chức danh gắn với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế với lộ trình, giải pháp cụ thể và tổ chức thực hiện. Thực hiện hiệu quả công tác đánh giá, phân loại và cơ cấu lại, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Thứ tư, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh. Nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các trường chính trị cấp tỉnh phù hợp với thực tế. Xây dựng, có cơ chế khuyến khích cán bộ lãnh đạo, quản lý các trường tự đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức, khuyến khích hình thành mô hình các “nhóm nghiên cứu” của các trường chính trị cấp tỉnh theo quy định của pháp luật, tạo môi trường dân chủ trong nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho giáo sư đầu ngành, chuyên gia hướng dẫn, trợ giúp và rèn luyện giảng viên trẻ…