46 năm sau ngày ngã xuống, hài cốt của liệt sỹ đã được phát hiện và xác định danh tính nhờ những bức thư hậu phương. Câu chuyện cảm động đã diễn ra ở 2 miền quê: Thanh Chương – Nghệ An và Cam Lộ – Quảng Trị, khi người dân cả nước đang thành kính hướng về ngày Thương binh Liệt sỹ.
Di vật đặc biệt
Sau khi nhận được thông tin “Đội quy tập hài cốt liệt sỹ của Sư đoàn 968 – Quân khu 4 vừa tìm được mộ liệt sỹ Dương Lê Đường ở Quảng Trị, ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Dương Lê Quang ở xóm 5, xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương luôn có đông anh em, bà con đến hỏi thăm, chia sẻ.
Ông Quang cho biết, liệt sỹ Dương Lê Đường là em kề ông và là con trai thứ 2 trong gia đình có 6 anh chị em (3 trai, 3 gái). Thời thanh niên, khi đang lái máy cày cho một đơn vị nông nghiệp ở Đô Lương, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, em trai ông đã lên đường tòng quân vào Nam chiến đấu.
Sau gần 5 tháng nhập ngũ, một ngày giữa tháng 5/1972, gia đình ông đột ngột nhận được giấy báo tử của em trai. Mẹ ông và những người em gái nghe tin, khóc cạn nước mắt.
Chiến tranh kết thúc, những người lính ra đi ngày ấy trở về quê hương, em trai ông không về nhưng phần mộ cũng không biết nơi nào, trong giấy báo tử gửi về cho gia đình chỉ ghi “Đơn vị đã mai táng tại nghĩa trang đơn vị gần mặt trận”.
46 năm qua, gia đình ông đã nhiều lần hành hương về các nghĩa trang tỉnh Quảng Trị, cũng như gửi thông tin cho các cơ quan truyền thông để tìm phần mộ em trai, nhưng chờ mãi vẫn không có hồi âm. Sau những năm tháng mỏi mòn trông đợi tin con, bố mẹ ông đã lần lượt về với Tổ tiên. Cụ Võ Thị Hồng – mẹ ông mới mất cách nay hơn 3 tháng, thọ 98 tuổi.
Tại Quảng Trị, từ thông tin của CCB Đào Quang Trung và người dân địa phương, Đội quy tập mộ liệt sỹ Sư đoàn 968 đã tiến hành khảo sát tìm kiếm hài cốt liệt sỹ tại vườn nhà ông Phan Văn Tín ở khu phố Nghĩa Hy, thị trấn Cam Lộ. Khu vực này, từng là nơi đóng quân của đội phẫu thuật mặt trận trong thời gian từ tháng 4 – 6/1972 và đã bị Mỹ – ngụy rải bom.
Sau hơn 10 ngày tích cực tìm kiếm (12 – 23/7) đội quy tập đã phát hiện 11 ngôi mộ liệt sỹ, trong đó có 4 ngôi mộ còn nguyên các di vật. Đặc biệt, 1 ngôi mộ có di vật là những bức thư còn đọc được tên địa chỉ quê quán của liệt sỹ là: Dương Lê Đường, xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương.
Anh Đoàn Văn Huy – thành viên đội quy tập hài cốt liệt sỹ tại Cam Lộ cho biết, khi cất bốc ngôi mộ này, hài cốt của liệt sỹ dường như nguyên vẹn, trên đầu vẫn còn quấn một dải băng. Túi quần bên phải có 2 chìa khóa và 1 viên đạn AK chưa bắn. Túi quần sau có một cái lược nhôm và 1 cái ví da.
Sau khi giám định, phòng Kỹ thuật hình sự (PC 54), Công an tỉnh Quảng Trị cung cấp thông tin: Trong chiếc ví da có 1 giấy chuyển sinh hoạt đoàn, 3 tấm ảnh (1 ảnh người đàn ông, 1 ảnh có 2 người phụ nữ, 1 ảnh mờ, phía sau có chữ “Hình của em” (chữ ký) Dương Đường”, 4 tờ giấy, 1 lưỡi lam, tiền, tem thư…
Trong 4 tờ giấy, 1 tờ giấy trắng không có thông tin, 3 tờ giấy ô ly là 3 bức thư, nhưng do giấy đã ngả màu, chữ đã mờ, chỉ “dịch” được một phần. Trong hai bức thư do người thân viết, một bức do bố liệt sỹ viết đề rõ: “Thanh Tiên ngày…1/19…”, “Đường con thương của cha mẹ và chị”… “Cuộc chiến gian lao kéo dài thì con vẫn chờ ngày giải phóng miền Nam”.
Riêng bức thư được cho là của người yêu liệt sỹ, chữ rõ hơn, nhưng đọc cũng “chỗ mất, chỗ còn”. Trong thư có nhiều đoạn: “Anh yêu của em. Chắc có lẽ mấy lâu nay, anh còn đợi thư em phải? Mấy bữa mấy lần thấy hình bóng anh đứng bên…”. “Cuộc chiến tranh kéo dài thì em vẫn đợi chờ ngày anh về”…. Dưới bức thư này có ghi: “Em của anh. Hồ …inh Thí” và “Bắt được thư vợ hiền. 9/2/1972 (chữ ký) Dương Đường”.
Cả 3 bức thư đều được liệt sỹ ghi rõ thời gian nhận thư, kèm theo chữ ký của mình. Thượng úy Hà Huy Hiệu – trợ lý ban Chính sách, phòng Chính trị, Sư đoàn 968 – người cung cấp nội dung các bức thư chia sẻ: “Tôi vô cùng xúc động khi đọc lá thư của người yêu liệt sỹ. Trong tình yêu lứa đôi có cả tình yêu Tổ quốc. Họ đã động viên nhau giữ vững lập trường tư tưởng để sống và chiến đấu cho quê hương, cho một tình yêu đẹp và luôn tin tưởng vào ngày mai chiến thắng. Tấm lòng của người con gái thôn quê ấy cũng chính là tình cảm của hậu phương dành cho tiền tuyến, động lực tinh thần to lớn của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc”.
Còn mãi một tình yêu trong sáng
Ngay sau khi phát hiện bức thư, ban Chính sách Sư đoàn 968 đã liên hệ về xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương để kết nối với thân nhân. Ông Dương Lê Quang sau khi đối chiếu thông tin, đã khẳng định: Liệt sỹ Dương Đường trong thư là em trai tôi, người có tên Hồ …inh Thí là người yêu của chú ấy. Cô ấy có tên đầy đủ là Hồ Minh Thí, hai người đã yêu nhau một thời gian khá lâu trước khi em trai tôi lên đường nhập ngũ.
Lần theo sự chỉ dẫn của thân nhân liệt sỹ, chúng tôi có mặt tại nhà bà Hồ Minh Thí (68 tuổi) ở xóm 9, xã Thanh Tiên. Sau 46 năm, người thôn nữ năm xưa, nay đã thành bà nội. Khi nhắc đến liệt sỹ Đường, bà Thí xúc động: “Nghe nói gia đình đã tìm được phần mộ của anh ấy rồi. Mấy bựa nay, tôi đi chợ, nhiều người biết chuyện cũng vây lại hỏi thăm. Rứa là anh đã có cơ hội được về với gia đình, với quê hương”.
Theo bà Thí, nhà liệt sỹ Đường ở xóm Cồn Cao, nhà bà ở xóm Cồn Đợi, cách nhau chưa đầy 500 mét. Hai người biết nhau từ nhỏ, lớn lên rồi yêu nhau. Tình yêu giữa chàng trai lái máy cày và cô thôn nữ đã được gia đình hai bên chấp thuận bằng một lễ đặt trầu theo truyền thống của địa phương.
Thời chiến tranh, việc còn lại của đôi uyên ương là chờ ngày cưới. Tuy nhiên, ước nguyện của 2 người đã không thành sự thật. Trước ngày lên đường nhập ngũ, bà Thí bất ngờ được ông Đường trao tặng một chiếc nhẫn nhôm. “Đây là chiếc nhẫn do anh ấy tự tay mài dũa từ một đồng tiền xu. Anh ấy đeo vào tay tôi và nói “Chờ anh về ta làm lễ cưới” – bà Thí xúc động.
Chiến tranh nghiệt ngã đã chia cách tình yêu của 2 người và sau đó “cướp” luôn người yêu của bà Thí. Chiến sĩ Dương Lê Đường ở đơn vị P200/1 BTL TG tăng cường cho E T203 làm nhiệm vụ thu hồi xe tăng địch ở Cam Lộ, Quảng Trị đã hy sinh ngày 27/5/1972. Ngày đó, khi nhận tin người yêu hy sinh, bà đã vô cùng đau đớn. 4 năm sau, bà mới lấy chồng. Chồng bà cũng là một người lái máy cày, trong gia đình cũng có anh trai là liệt sỹ.
Đã gần bước vào tuổi “thất thập”, mỗi lần nói đến liệt sỹ Đường bà vẫn gọi “anh” thân thương như mấy chục năm về trước. Bà không nhớ nổi mình đã viết mấy lá thư cho người yêu cũ, nhưng tình cảm dành cho người chiến sỹ đã vì nước quên thân thì vẫn còn nguyên vẹn. Mấy chục năm qua, dù đã lấy chồng, bà vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với gia đình liệt sỹ. Ngược lại, anh em “bên đó” cũng coi bà như người thân trong nhà.
Trở về đất mẹ
Ngày họp mặt của gia đình họ Dương, ai cũng muốn đi cùng ông Quang vào Quảng Trị để sớm được nhìn thấy phần mộ người thân. Đêm 21/7, ông Quang, vợ, em gái và 1 người cựu chiến binh trong họ đã lên xe vào Cam Lộ. Ở cái tuổi 70, với ông Quang đây là chuyến đi “có ý nghĩa nhất cuộc đời”. Ông cho biết: “Theo tâm nguyện của cha mẹ tôi khi còn sống, tôi sẽ đề nghị đơn vị để được đưa hài cốt em trai về an táng ở quê nhà”.
Tại Quảng Trị, chiều 24/7, lần lượt 12 ngôi mộ liệt sỹ (11 ngôi cất bốc ở phố Nghĩa Hy, 1 ngôi cất bốc ở xã Cam Tuyền) được di chuyển lên xe đưa về nghĩa trang thị trấn Cam Lộ. Thượng úy Hà Huy Hiệu – trợ lý ban Chính sách, phòng Chính trị, Sư đoàn 968 cho biết: Quãng đường từ Nghĩa Hy về nghĩa trang chỉ khoảng 4km, nhưng phải di chuyển hết 2 tiếng đồng hồ.
Đây là vùng quê cách mạng, khi phát hiện được hài cốt các liệt sỹ, người dân cũng vui mừng lắm. Những ngày qua, họ mang nhiều lễ vât thắp hương tại phần mộ liệt sỹ và lúc chia tay, tiễn đưa các liệt sỹ về nơi an nghỉ cũng thật lưu luyến.
Sáng 25/7, sau khi dự lễ truy điệu trọng thể các liệt sĩ tại nghĩa trang Cam Lộ, đáp ứng yêu cầu của gia đình, Sư đoàn 968 đã cử một đoàn cán bộ cùng phương tiện đưa liệt sĩ Dương Lê Đường cùng thân nhân từ Quảng Trị về Nghệ An.
15h cùng ngày, chuyến xe quân đội chở hài cốt liệt sỹ đã về đến quê nhà. Sáng nay (26/7), gia đình phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lễ an táng liệt sỹ tại nghĩa trang xã Thanh Tiên.
46 năm nằm xuống nơi “đất lửa” Quảng Trị cũng là chừng ấy thời gian người thân liệt sỹ tìm kiếm, trông chờ. Từ những lá thư của gia đình, của người yêu, mà gần nửa thế kỷ trước, chiến sỹ Dương Lê Đường mang theo ra mặt trận, đã trở thành sợi dây kết nối, để đưa một người con xứ Nghệ hy sinh vì Tổ quốc, trở về với đất mẹ yêu thương.