Chương trình xây nhà tặng thanh thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được các cấp bộ Đoàn duy trì thực hiện thường niên hàng chục năm nay. Kinh phí hỗ trợ xây nhà từ việc thu gom phế liệu của các bạn nhỏ quyên góp, cộng với sự kêu gọi xã hội hóa của các anh, chị đoàn viên, mỗi năm có hàng chục gia đình học sinh nghèo được xây tặng nhà “Khăn quàng đỏ”.
Trong một chiều có mưa nhưng nhịp thời gian Tháng Thanh niên vẫn diễn ra đầy sôi động, tại một xóm nhỏ ở xã Phúc Thọ (Nghi Lộc), có 4 người phụ nữ và một tốp thợ đang tất bật với công việc xây dựng nhà mới. Chủ nhân ngôi nhà vừa mới khởi công chưa được bao lâu, đang trong giai đoạn xây nền móng là chị Trần Thị Tuyết. Chị Tuyết hơn 30 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, cao tầm thước và rất nhanh nhẹn. Thoáng trông thấy màu áo xanh của đoàn thanh niên, ánh mắt chị Tuyết mừng rỡ, vội vàng chạy ra đón các thành viên của Đoàn xã Phúc Thọ. Đối với gia đình chị Trần Thị Tuyết, những đoàn viên, thanh niên cùng với màu áo xanh tình nguyện có gắn biểu tượng của tuổi trẻ đã quen thân với gia đình nhỏ của mình.
Vợ chồng chị Trần Thị Tuyết có một cô con gái là Nguyễn Thị Hạnh Như năm nay học lớp 4. Chị Tuyết khá yếu, sức khoẻ hạn chế, cộng thêm công việc giúp việc tại một trường mầm non cũng không đủ để trang trải cuộc sống nên chồng chị Tuyết nhiều năm nay vào Nam xin việc làm, kiếm tiền về nuôi vợ con, rồi cố gắng tích góp tiền để xây lại căn nhà đã cũ kỹ, ọp ẹp. Ấy nhưng, đã gần 3 năm nay, tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến công việc làm thêm của chồng chị hầu như bị đình trệ, nên tiền tích cóp được để gửi về nhà chẳng đáng là bao.
Bởi vậy, căn nhà nhỏ 2 gian mà ông bà nội của bé Hạnh Như để lại cho vợ chồng chị Tuyết vốn đã xuống cấp, không có tiền sửa chữa càng hư hỏng, mái ngói đã sập nhiều chỗ nên hai mẹ con chị Tuyết phải dắt nhau về nhà bà ngoại ở nhờ. Mẹ của chị Trần Thị Tuyết, bà Trương Thị Hoa cho hay: “Đã hai năm nay hai mẹ con Tuyết về ở nhờ nhà tôi, vì căn nhà của mẹ con nó hư hỏng không thể sửa được nữa, chỉ có thể xây lại”. Nghe bà Hoa giãi bày, mẹ chồng chị Tuyết là bà Trương Thị Nhuần đứng gần đó cũng lên tiếng, rằng bà có 3 đứa con thì 2 con trai cũng đi làm công nhân, cũng chỉ đủ làm lo bữa ăn cho vợ con, mỗi năm dành dụm được một ít để sửa lại nhà cũ. “Còn vợ chồng Tuyết, với nghề nghiệp của hai chúng nó, không biết đến bao giờ mới xây được nhà nếu không có sự hỗ trợ và cổ vũ của các cháu đoàn viên, thanh niên xã Phúc Thọ và huyện Nghi Lộc”, bà Nhuần bộc bạch.
Vừa giới thiệu cho chúng tôi về thiết kế căn nhà mới của mình, chị Tuyết không giấu được sự vui mừng cho biết, nắm được hoàn cảnh gia đình của cháu Hạnh Như, Đoàn xã Phúc Thọ và Huyện đoàn Nghi Lộc đã kêu gọi các nguồn tài trợ để tặng gia đình 50 triệu đồng góp thêm vào việc xây lại nhà. “Thực tình vợ chồng chúng tôi cũng chưa đủ tiền để có thể xây được căn nhà ngói 3 gian, nhưng được sự hỗ trợ tiền và động viên tinh thần của các tổ chức Đoàn, cộng với sự chung tay giúp đỡ của anh em, họ hàng, nên chúng tôi mới có thêm động lực, quyết tâm để xây lại tổ ấm của mình”.
Thông tin thêm về sự tài trợ kinh phí xây nhà cho gia đình em Hạnh Như, Bí thư Huyện đoàn Nghi Lộc Nguyễn Đức Lộc cho biết, kinh phí hỗ trợ xây nhà cho thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn chủ yếu từ nguồn kêu gọi xã hội hoá của đoàn viên, thanh niên và một phần từ nguồn tiết kiệm kế hoạch nhỏ của học sinh các trường cấp một, cấp hai trên địa bàn. Đó là những ngôi nhà mang tên “Khăn quàng đỏ”, hình thành từ sự sẻ chia, chung tay của các em học sinh và của những nhà hảo tâm. Đối với gia đình em Hạnh Như, sự tiếp sức, hỗ trợ của các tổ chức Đoàn Thanh niên đã tiếp thêm động lực để vượt qua khó khăn vun đắp cho tổ ấm của mình.
Cũng trên địa bàn huyện Nghi Lộc, hai bà cháu em Trần Thị Như Ý ở xóm Hợp Thắng, xã Khánh Hợp cũng chung niềm vui sướng như hai mẹ con em Hạnh Như khi được Huyện đoàn Nghi Lộc hỗ trợ kinh phí để xây nhà mới. Em Như Ý là một học sinh chăm ngoan, học giỏi nhưng có hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Như Ý mồ côi cả bố lẫn mẹ, em được bà nội nuôi nấng từ khi 4 tuổi, đến nay Như Ý đã học lớp 11, Trường THPT Nghi Lộc 4. Như Ý và bà nội sống trong căn nhà cũ được xây dựng hơn 40 năm trước, đến năm 2016 thì gần như đổ sập không thể ở được. Bà của Như Ý lúc đó đã hơn 70 tuổi, mọi thu nhập chỉ dựa vào gần 3 sào ruộng, nhiều hôm còn không đủ tiền mua thức ăn. Vì vậy, “việc xây lại căn nhà mới đối với hai bà cháu tôi chỉ diễn ra trong mơ mà thôi”, bà Lê Thị Thuận bộc bạch.
Năm 2016, từ tình trạng sắp phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất”, cuộc sống của hai bà cháu Như Ý đã bước sang một trang mới khi được Huyện đoàn Nghi Lộc kêu gọi, quyên góp hỗ trợ 50 triệu đồng để hai bà cháu góp thêm xây lại căn nhà mới. Để có thể xây được căn nhà lợp tôn nhỏ nhắn tặng bà cháu Như Ý, bà con lối xóm, các cấp ủy chính quyền vừa ủng hộ, kêu gọi thêm được 50 triệu đồng. Thời điểm ấy, theo bà Thuận cho biết, đó là số tiền quá lớn mà cả cuộc đời bà chưa bao giờ dám nghĩ tới: “Những năm tháng khi còn là thanh niên mạnh khỏe, có chồng, có các con, tôi đi làm công nhân xây dựng đường ở các huyện miền Tây, khi nghỉ việc cũng chỉ được thanh toán hơn 800.000 đồng. Với tôi chừng đó đã là số tiền thật lớn, chưa bao giờ có nhiều như vậy”.
Nói rồi, bà Thuận dẫn chúng tôi “tham quan” ngôi nhà “Khăn quàng đỏ” của hai bà cháu. Trong nhà, ngoài chiếc tivi và bộ bàn ghế cũ kỹ thì không có đồ vật gì đáng giá. Song các căn phòng đều rất sạch sẽ, đồ đạc sắp xếp ngăn nắp. Trong căn phòng kín nhất của ngôi nhà, bà Thuận dành để mấy bao lúa và lạc mà tự tay hai bà cháu lao động, cày cuốc, vun xới trồng được.
Chị Lê Thị Quỳnh Anh – Phó trưởng Ban Thanh thiếu nhi trường học (Tỉnh đoàn Nghệ An) cho biết, nguồn kinh phí để hỗ trợ xây nhà “Khăn quàng đỏ” được huy động từ nguồn “Kế hoạch nhỏ” của thanh thiếu nhi các trường học trên toàn tỉnh. Kế hoạch nhỏ là phong trào nhằm tổ chức để đội viên, thiếu nhi thực hành tiết kiệm thông qua hoạt động hằng ngày, thường xuyên tại trường, lớp, gia đình. Các em tự nguyện quyên góp các sản phẩm phế liệu, để bán lấy tiền gây quỹ. Hằng năm, dựa trên nguồn quỹ “Kế hoạch nhỏ” do các huyện, thành, thị trích nộp, Hội đồng Đội tỉnh hỗ trợ xây dựng từ 1 – 2 ngôi nhà “Khăn quàng đỏ”. Còn nguồn kinh phí cấp huyện ngoài trích từ quỹ “Kế hoạch nhỏ” thì các huyện đoàn còn kêu gọi, vận động xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp. “Kế hoạch nhỏ” là một phong trào có ý nghĩa thiết thực nhằm khơi dậy trong thiếu nhi niềm tự hào truyền thống vẻ vang của Đội; góp phần giáo dục cho đội viên, thiếu niên, nhi đồng ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường, đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt khó vươn lên. Từ phong trào thu nhặt phế liệu, phế phẩm, thu nhặt giấy vụn, mảnh chai, túi ni-lông… làm kế hoạch nhỏ, đã góp phần xây dựng hàng nghìn công trình mang tên Đội TNTP Hồ Chí Minh.
Kinh phí 50 triệu đồng hỗ trợ xây nhà cho gia đình các em Trần Thị Như Ý, Nguyễn Thị Hạnh Như được trích từ nguồn Quỹ “Kế hoạch nhỏ” cấp tỉnh. Hoặc như trường hợp em Nguyễn Thành Đồng ở xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương cũng đã được Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà mới. “Nhờ có các em học sinh chung tay thu gom phế liệu bán lấy tiền mà gia đình em Nguyễn Thành Đồng – Lớp 4B, Trường Tiểu học Thanh Dương có được ngôi nhà mới khang trang để ở”, Bí thư Đoàn xã Thanh Dương Nguyễn Sỹ Bảo cho biết. “Chị Hà, mẹ của em Nguyễn Thành Đồng là mẹ đơn thân, lại không có khả năng lao động nuôi sống bản thân nên mọi gánh nặng chăm lo cho cháu ăn học đều dựa vào đôi tay chăm sóc của ông ngoại đã già yếu của Đồng. Căn nhà mà ông bà ngoại cố gắng xây cho hai mẹ con em ngay trong khu vườn của ông bà đã xuống cấp, nếu không có sự hỗ trợ từ Đoàn – Đội thì mẹ con em Đồng sẽ phải sống trong căn nhà dột nát đến hết cuộc đời”.
Có thể thấy, từ một hành động nhỏ, nhưng nếu cả xã hội cùng chung tay thì có thể tạo ra được sức mạnh to lớn làm thay đổi số phận con người, củng cố thêm lòng quyết tâm vươn lên trong cuộc sống cũng như sự lan toả niềm tin cho những con người kém may mắn. Vì vậy, việc duy trì các phong trào “Kế hoạch nhỏ – xây nhà Khăn quàng đỏ” đều đặn mỗi năm, hằng năm đã trở thành hoạt động truyền thống tiêu biểu của các cấp bộ Đoàn nói chung và tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh nói riêng, tạo được nhiều dấu ấn trong lòng bao thế hệ thiếu nhi, phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, lan tỏa hiệu ứng xã hội tích cực. Ngoài xây nhà tặng bạn nghèo, số tiền quỹ từ bán phế liệu còn được dùng để thực hiện các công trình măng non, thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.