Cây lùng từng được xem là “cứu cánh” giúp người dân bản địa ở xã Đồng Văn (Quế Phong) thoát nghèo. Tuy nhiên do nhiều lý do, có một giai đoạn, chính quyền có lệnh cấm khai thác loại cây thuộc nhóm tre nứa này. Đến tháng 6/2018, cây lùng ở Đồng Văn đã được cho phép khai thác trở lại…
Dịp đầu tháng 5/2018, chúng tôi có chuyến công tác tại một số bản tái định cư xã Đồng Văn. Thời điểm đó, không khí ở đây trầm lắng. Hiếm có thanh niên trai tráng xuất hiện tại bản vì “đã đi xa kiếm tiền”. Bản chỉ còn người già, phụ nữ, trẻ em bó gối bên những góc nhà sàn trông ra những ánh nhìn trống vắng. Cán bộ xã Đồng Văn cho hay, vì dân bản thiếu tư liệu sản xuất, và vì việc khai thác lùng đang tạm thời bị đình chỉ.
Ở những bản tái định cư, như Piềng Văn chẳng hạn, đời sống của người dân những năm qua còn hết sức vất vả vì thiếu ruộng nước, nhiều hộ dân chưa được giao nhận đất lâm nghiệp… Sau nhiều năm chờ đợi, mới đây họ đã được nhận ruộng để sản xuất lúa (mỗi khẩu cũng chỉ được 200m2). Đáng nói, đây là những thửa ruộng mới được cải tạo, xẻ ra từ những vùng đất đồi, thời gian để phục hóa phải từ 2 – 3 năm, khi đó trồng lúa mới cho thu hoạch. “Hiện thời, có ruộng cũng như không…” – Bí thư bản Piêng Văn, ông Lô Hồng Ngân cười buồn.
Còn dân bản Piêng Văn thì nói với chúng tôi rằng, cuộc sống mưu sinh của họ từ khi nhường đất của cha ông để thực hiện dự án thủy điện Hủa Na đến nay vẫn vậy. Là trông chờ vào gạo nhà nước cấp cho, bên cạnh đó, xuống lòng hồ bắt con cá, và vào các vùng rừng Nhà nước giao cho cộng đồng thôn bản quản lý để khai thác lâm sản phụ, trong đó chủ yếu là cây lùng. Nhưng hiện thời nước lòng hồ đã có dấu hiệu ô nhiễm, cá dần cạn kiệt. Còn việc khai thác nứa, lùng thì hiện không được làm nữa. “Đồng Văn có nhiều vùng rừng có cây lùng đem lại kinh tế cho người dân. Đây là vùng rừng Nhà nước đã giao cho cộng đồng thôn bản, và các hộ gia đình quản lý bảo vệ. Vì vậy đề nghị cấp trên quan tâm, cho dân bản được khai thác để có thêm thu nhập, đảm bảo cuộc sống…” – Đây là mong mỏi của không ít người dân ở các khu tái định cư xã Đồng Văn bày tỏ.
Với những khó khăn trong đời sống của đồng bào vùng tái định cư nhà máy thủy điện Hủa Na, báo chí đã đề cập rất nhiều, các cấp thẩm quyền cũng thấu tỏ và không ít lần đề ra các phương án giải quyết. Riêng xã Đồng Văn, với tổng số 10 bản, có đến 6 bản tái định cư của Thủy điện Hủa Na và đập Cửa Đạt. Cuộc sống của họ, ngoài những gì Nhà nước hỗ trợ, thì chỉ còn biết đánh bắt cá ở lòng hồ và khai thác lùng bán cho tư thương.
Nói đến cây lùng, là loại cây đặc hữu có giá trị kinh tế cao. Từ nguyên liệu lùng, trước đây người ta sản xuất các mặt hàng đan lát thủ công mỹ nghệ, xuất sang các nước phát triển, nay còn là nguyên liệu sản xuất than hoạt tính nên nhu cầu rất lớn. Theo điều tra của ngành lâm nghiệp, cây lùng chỉ xuất hiện tại một số địa phương của huyện Quỳ Châu (xã Châu Bình, Châu Thắng…), Quế Phong (Thông Thụ, Đồng Văn) của Nghệ An và huyện Thường Xuân (Thanh Hóa). Tuy nhiên, lùng ở huyện Quỳ Châu và Thường Xuân đã cạn kiệt do bị khai thác tận diệt. Vậy nên Đồng Văn và Thông Thụ của Quế Phong nổi lên với tên gọi “vương quốc lùng”.
Đây là điều đáng quý đối với các xã Thông Thụ và Đồng Văn. Tuy nhiên, phải khai thác đảm bảo đúng quy trình, đúng thời kỳ, nếu không nguồn gen lùng quý hiếm sẽ bị mất. Do nhiều đối tượng ngoài địa bàn xâm nhập khai thác bừa bãi, việc khai thác lùng ở Quế Phong đã bị cơ quan chức năng tạm thời đình chỉ. Đấy là thời điểm tháng 2/2018. Điều này đã dẫn đến đời sống của đồng bào Đồng Văn vốn đã khó khăn, lại khó khăn thêm.
Giữa tháng 6/2018, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn Lương Thái Quý hồ hởi thông tin: Dân đã được khai thác lùng trở lại rồi. Vui với tin này, chúng tôi lại ngược Đồng Văn.
Trải nghiệm khai thác lùng của chúng tôi ở Đồng Văn, tại khoảnh 7, tiểu khu 15, là những vùng rừng thuộc địa bàn bản Tục, nằm giáp ranh giữa huyện Thường Xuân với Quế Phong. Bên cạnh dăm chục người dân bản Tạt, còn có các cán bộ bảo vệ rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Nhiệm vụ của các anh, ngoài xác định chính xác điểm khai thác lùng theo hồ sơ thiết kế đã được Chi cục Kiểm lâm kiểm tra, phê duyệt, thì còn hướng dẫn người dân phương pháp hạ lùng làm sao cho đúng quy trình kỹ thuật.
Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Thành Hưng…, những cán bộ trẻ Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt tham gia hướng dẫn kỹ thuật cho người dân nói rằng: “Cây lùng được tỉnh xác định là loại cây có giá trị kinh tế cao, cần được bảo tồn và phát triển. Lùng đến một độ tuổi nhất định, cần được khai thác để sinh sản. Nhưng khai thác phải đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật được quy định tại quy phạm. Từ việc chặt ở độ cao gốc, cách chặt, cho đến một bụi lùng vài chục cây thì tỉa chặt bao nhiêu cây. Nếu không quan tâm đến kỹ thuật, người dân ồ ạt khai thác sẽ dẫn đến cạn kiệt như từng xảy ra ở một số xã tại Quỳ Châu. Vì vậy, với tư cách là một đơn vị lâm nghiệp đóng chân trên địa bàn, chúng tôi giúp để dân hiểu về vấn đề này…”.
Hỏi chuyện những người thanh niên bản Tục tham gia khai thác lùng, họ cho biết mới trở về từ miền Nam, sau khi nhận được tin Đồng Văn được khai thác lùng trở lại. Họ không dấu được niềm vui, vì dù đi làm ăn xa có thu nhập, nhưng lại phải xa người thân trong gia đình. “Đi xa làm ăn là điều bất đắc dĩ. Vì cũng chỉ đi làm lao động thủ công cho các nhà vườn ở Tây Nguyên thôi. Trong đó, người ta trả công cũng được nhưng khí hậu nóng, làm việc vất vả lắm. Được về nhà làm gần người thân, khi mệt thì nghỉ, thích hơn nhiều…” – một thanh niên bản Tục bộc bạch.
Theo Chủ tịch UBND xã Đồng Văn, anh Lương Thái Quý, dịp đầu tháng 5/2018, khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chủ trương đồng ý khai thác trở lại, xã đã lập hồ sơ, bảng kê lâm sản sử dụng rừng trình cấp thẩm quyền để đăng ký thủ tục khai thác. Đến tháng 6, xã Đồng Văn được phê duyệt khai thác lùng với dự toán khối lượng trên 1.300 tấn. Thông tin đến với bà con, ai cũng rất vui. Xã đã mở thầu mời các tổ chức có nhu cầu tham gia. Ngoài trả cho xã một ít kinh phí quản lý, đơn vị trúng thầu thu mua lùng cho bà con đạt 1.300 đồng/kg. Nếu thời tiết thuận lợi, công mỗi ngày đi rừng làm lùng sẽ thu được khoảng từ 200 – 300 nghìn đồng. “Đây là thu nhập rất tốt để đồng bào Đồng Văn vơi bớt những khó khăn…” – Chủ tịch xã Lương Thái Quý chia sẻ.
Trao đổi với anh về trách nhiệm của xã trong việc nhắc nhở nhân dân khai thác lùng làm sao đạt được hiệu quả kinh tế nhưng gìn giữ được “vương quốc lùng”. Lương Thái Quý nói: “Cán bộ xã Đồng Văn được tiếp thu nhiều những văn bản của Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm, của UBND huyện. Bên cạnh đó, cũng đã thấy được tác hại trong việc khai thác không đúng quy trình dẫn đến cạn kiệt rừng lùng. Vì vậy, luôn nhắc nhớ các ban quản lý thôn bản theo sát bà con trong quá trình khai thác…”.
Nghe những điều Lương Thái Quý trao đổi, cảm nhận cán bộ Đồng Văn đã thấm, và hiểu đúng về giá trị của cây lùng và trách nhiệm của mình. Ngẫm ra, điều này có thể hiểu, bởi làm song song được cả khai thác và bảo vệ được cây lùng, sẽ tạo được việc làm, thu nhập bền vững cho dân!
Ngày 9/5/2018, Sở NN&PTNT ban hành Văn bản số 1084/SNN-KL về việc khai thác lùng rừng tự nhiên trên địa bàn các huyện Quế Phong, Quỳ Châu. Tại đây, Sở NN&PTNT yêu cầu các Hạt kiểm lâm, UBND các xã: Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra xác minh thủ tục hồ sơ khai thác của các chủ rừng khai thác cây lùng tự nhiên đảm bảo khi rừng đưa vào khai thác phải đảm bảo yêu cầu về trữ lượng, tuổi cây và cường độ khai thác theo quy định; tổ chức tuyên truyền, khuyến lâm, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ và khai thác sử dụng cây lùng rừng tự nhiên một cách bền vững…