Vinh – từ tầng 33

Trong một ngày cuối tuần chập chờn mưa nắng đầu đông, tôi chợt nhiên có ý muốn ngắm Vinh ở trên cao chỉ vì nhớ đến “Nhớ Vinh” của nhà thơ Trần Quang Quý:

                           “Tôi bảo nhớ Vinh mà em còn ngờ
                             Vinh dắt tôi lên tầng ba ba
                             Vinh treo tôi vào bầu trời sao đêm lồng lộng…”

______________________

Đó là một đêm mưa lạnh, những người bạn ở Vinh đã đón nhà thơ của “Giấc mơ hình chiếc thớt” ghé Vinh trên góc cà phê tầng 33 của một tòa cao ốc. Cái phút giây nhà thơ đứng trên tầng cao, 4 mặt kính sáng nhìn xuống một Vinh lấp lánh dưới kia, anh đã bàng hoàng vì vẻ đẹp lạ lẫm của Vinh, dù anh đã từng không ít lần tới Vinh, và từng đặt chân mình trên biết bao vùng đất.

Trời mưa lạnh, nhưng anh đã có cảm giác ấy, rằng như thể mình được treo mình vào một bầu trời sao là ngàn vạn ánh điện lấp lánh dưới kia. Có thể nỗi hân hoan trong lòng anh, những xúc cảm trào dâng, với một ai, hay với tất cả mọi người xung quanh, hoặc giản đơn chỉ là với Vinh, vào lúc đó, đã khiến cho những dòng thơ của anh cũng chân thực mà hân hoan đến lạ.

Ừ, lạ thế, cảnh thì vẫn thế, vẫn là những ngọn đèn tỏa sáng ấy, mà người thì nhìn thành một bầu trời sao, người lại nhìn thành ngàn đôi mắt lệ rưng rưng…Ấy là tôi lại chợt nhớ tới cô bạn của mình. Trong những ngày hoang hoải và tuyệt vọng, cô ấy cũng đã chọn một góc ngồi dưới những tấm rèm cửa yên ắng của tầng lầu cao này. Cô cũng nhìn qua tấm kính trong suốt ấy, thấy thành phố đang chậm rãi sáng lên trong ánh đèn đêm. Và cô nói, dường như cả thành phố này cũng đang khóc. Những ngọn đèn kia nhòa đi trong đôi mắt ướt đẫm nước của cô. Cô nói, chính phút giây ấy, cô như thấy mình được chia sẻ.

Cô nhìn về phía những dãy nhà xa mờ. Cô đoán xem trong một ô cửa nào đó, con gái bé bỏng của cô đang chờ mẹ về. Mặc dù nó đang ngồi tô màu trong cuốn sách tập vẽ, nhưng nó vẫn lắng tai nghe bước chân của mẹ khi giẫm trên hành lang hun hút của khu chung cư. Nó sẽ chạy ào ra, nhanh như một cơn gió, và reo lên với nỗi vui mừng thảng thốt: Mẹ đã về, con mong mẹ mãi. Cô sẽ hé mở cái cửa sau hành lang một chút, đón vào một làn hương xoan tháng Ba. Hương xoan sau mưa bụi càng nồng. Cô sẽ khẽ khàng mà nói với lòng mình: May mắn thế chứ, ngay giữa khu phố sầm uất nhất, hiện đại nhất mà vẫn còn giữ được cây xoan quê. Và hoa xoan, mặc kệ lòng những người quê ra phố có đổi thay, thì nó vẫn giữ mãi dáng hình nhỏ bé, vẫn giữ sắc màu trắng phơn phớt tím, vẫn tỏa thứ hương có tự ngàn năm của mình.

Chỉ cần nghĩ đến những ấm áp quen thân ấy, chỉ cần nghĩ đến đôi mắt đen ngơ ngác đang đợi mình bên một ô của nào đó sáng đèn trong hàng vạn ô cửa sáng đèn dưới kia, cô bạn tôi bỗng thấy lòng nhẹ nhõm. Quên đi bao đắng cay, bội bạc, cô dặn mình quay về với những điều xứng đáng của mình, quay về để sống cho những người yêu thương.

Tôi đã lên tầng 33, để thử nhìn Vinh như thế, bằng con mắt hân hoan của nhà thơ và bằng con mắt tuyệt vọng của cô bạn. Để thấy rằng bất cứ ai cũng có lý. Con người, suy cho cùng, là sống bằng chính cảm xúc, cảm giác của mình. Và, tôi cũng thế, tôi đâu có là họ. Tôi đang nhìn phố bằng con mắt bình thản, chậm rãi của một người quan sát. Của một người từ xa lạ đến thân quen với con phố này. Của một người đã bước qua thời ồn ào náo nhiệt cuộc đời, đã biết trầm ngâm cùng những chiêm nghiệm, suy tưởng.

Tôi đã thấy thành phố dưới kia là một bức vẽ lộn xộn với biết bao gam màu. Xanh, đỏ, xám, nâu, vàng, trắng…Tôi đã thấy đường viền bức tranh ấy một bên là những dãy núi xa mờ, còn phía kia là dải lụa sông Lam uốn lượn. Tôi đã thấy phía biển xa, Cửa Lò như một thành phố cổ tích bất chợt hiện lên trong mờ sương. Tôi đã thấy con lộ Quang Trung nối cùng Lê Lợi, Mai Hắc Đế dưới kia là một nét vẽ thẳng tắp. Đã thấy hào thành Vinh lấp lánh hiện ra sau những kiến tạo mới tinh khôi. Đã thấy những chùm cây đầu đông đã bắt đầu thẫm xanh và ngả vàng. Thấy đôi cây dừa cao gần như bằng với tòa nhà 5 tầng của một dãy chung cư khu B Quang Trung cũ. Thấy những mầm rau xanh non trên những hộp xốp trắng mà người dân chung cư Quang Trung trồng trên những mái nhà, cùng vô vàn nhưng téc nước ngổn ngang. Thấy chút nắng vàng hối hả trút xuống một góc thành phố làm những tòa nhà cao tầng đột nhiên rạng rỡ như một niềm phấn khích.

Tôi đã thấy người và xe trôi đi trên phố với nhịp chộn rộn như thể vốn dĩ nó là thế. Không ngừng nghỉ. Con người, cần mẫn trong cuộc sống mưu sinh của mình, nào ai hạnh phúc hay khổ đau, thành công hay thất bại… Bao nhiêu người đang chở theo cùng niềm vui, bao nhiêu người đang trĩu nặng nỗi buồn? Có bao nhiêu người đi trên phố là có bấy nhiên nỗi niềm đang trôi đi, đan xen như thế, để làm nên cuộc đời này, và để làm nên hồn phố.

Tôi đã ngồi qua chiều để đợi phút giây thành phố lên đèn, mặc kệ những vội vã náo nhiệt dưới kia. Hẳn là bao người đang đến giờ đón con, giờ tan chợ, giờ tan sở, giờ nấu nướng, quây quần. Tiếng còi xe giục giã. Tiếng gọi nhau.Tiếng gắt gỏng. Và những ngọn đèn đã bắt đầu sáng lên khi bóng tối dần buông. Mỗi ngọn đèn soi tỏ một căn phòng. Mỗi ngọn đèn soi tỏ một tâm trạng. Mỗi ngọn đèn cũng có một số phận.

Là ngọn đèn ấm với ríu rít tiếng nói cười bên mâm cơm tối. Là ngọn đèn dịu dàng trên những trang sách đọc chậm của một nhà văn. Là ngọn đèn tỏa ánh cô đơn dưới mái đầu của một người đàn ông đầy ảo mộng đã để tuột khỏi tay mình người phụ nữ mà anh yêu thương. Là ngọn đèn ảo mờ như vẫy gọi, hứa hẹn trong những quán cà phê. Là ngọn đèn chói chang thứ ánh sáng uy quyền, kiêu hãnh trên những cao ốc, quán hàng kinh doanh lớn…

Đã có lần tôi viết về ngọn đèn ở phố. Cái ngọn đèn đã ám ảnh cả tuổi thơ tôi- đứa trẻ quê, đứng từ làng mạc, từ phía đêm đen để nhìn về thành phố hiện lên phía xa với những quầng sáng tỏa rạng. Tôi cứ mơ tưởng, phía ấy là phồn hoa, phía ấy chỉ có hương thơm và niềm vui. Tôi tin rằng, hẳn sẽ có bao nhiêu người như tôi. Và cũng vì thế mà ở lại cùng phố. Có thể rồi đến lúc, bạn cũng như tôi, thấy mỏi mệt với vòng quay mưu sinh, vòng quay phố xá, với còi xe khói bụi…lại thấy ngớ ngẩn cho những mộng mơ xưa cũ. Nhưng không phải ư, mỗi lúc buồn ra phố, lại thấy như mình có được sự vỗ về. Sự vỗ về từ bao gương mặt người lướt qua. Sự vỗ về từ những dửng dưng không cần biết của đông đúc những lại qua kia. Và thấy những đổi thay từng ngày, những đổi thay nông nổi của phố xá khiến ta như có được niềm tin rằng, biết đâu ngày mai rồi sẽ khác…

Phố Vinh của tôi, tôi đã có lần nói với bạn nơi xa, không bao giờ đi lạc được. Vì thành phố của tôi rất nhỏ. Vì ở Vinh hầu như không có những con đường cụt đâu. Những con đường lúc nào cũng được kết nối với nhau, như những bàn tay nắm lấy bàn tay. Ấy vậy mà, anh bạn tôi vừa kể chuyện rằng, anh đã bị lạc mất một người tới 17 năm trong phố. Họ là mối tình đầu của nhau, thế rồi, vì một lý do nào đó, có thể là những giận hờn tuổi trẻ, những kiêu hãnh vẩn vơ đã đẩy họ xa nhau. 17 năm, chưa một lần họ gặp lại nhau, dù họ cùng ở trong thành phố, để rồi, khi gặp lại thì cả 2 người tóc đã nhiều sợi bạc. Những hối hận, tiếc nuối, khổ đau, giằng xé…chỉ được nói bằng cái nắm tay muộn màng.

Nhìn từ tầng 33, quả là phố Vinh cũng rất nhỏ bé, nó như ôm trọn trong vòng tay mình thôi, ấy vậy mà có những con người đã yêu thương nhau đến thế, vẫn để lạc khỏi nhau một quãng thanh xuân đời người. Con người đi lạc, lỗi đâu phải ở phố, phố vẫn nhỏ bé, những con đường vẫn luôn nối với nhau đó thôi. Chỉ là khi lòng người không mong muốn, là lòng người không chịu nối liền.

Nhưng biết làm sao, cuộc đời là như thế, nó đôi khi đẩy con người tới những bước đi lạc trên chính phố quen. Để cho con người ta được nếm trải những bất hạnh, khổ buồn hay vui sướng, ngỡ ngàng. Dù sao thì tôi cũng mong rằng, trong cái thành phố nhỏ bé này của tôi, của bạn, đừng ai để lạc mất nhau như thế. Cuộc đời cũng hữu hạn như ranh giới của phố, nó dừng lại ở đường viền ngọn núi, dải lụa sông Lam kia thôi, nên hãy để niềm vui sum họp, gặp gỡ hân hoan trong lòng ta, như câu kết của bài “Nhớ Vinh” của nhà thơ Trần Quang Quý: “Em có ngờ Vinh đã neo ta?”.